Nhạc sĩ Lam Phương: Ngôi sao sáng giữa bầu trời âm nhạc đại chúng trước 1975

Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những nhạc sĩ nổi bật nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Ông sáng tác rất nhiều và những ca khúc ấy đều có sức sống mạnh mẽ, dễ đi vào lòng người.

Diệu Nguyễn
17:46 05/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG

  • Tên thật: Lâm Đình Phùng
  • Nghệ danh: Lam Phương, Thương Anh
  • Ngày sinh:20/03/1937 – 22/12/2020
  • Quê quán: Làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (Nay là phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang)
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: Nhạc trữ tình, nhạc Bolero
  • Ca khúc nổi tiếng: Biển tình, Chiều Tây Đô, Chuyến đò vĩ tuyến, Duyên kiếp, Khóc thầm, Phút cuối, Thành phố buồn, Xin thời gian qua mau,...
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Chế Linh, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Minh Hiếu, Tuấn Vũ, Cẩm Ly, Bằng Kiều
  • Thời gian hoạt động: 1952 – 2020

Nhạc sĩ Lam Phương là ai?

Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những tên tuổi bật nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Ông có tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20/03/1937 tại tỉnh Rạch Giá, nay là thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nhạc sĩ Lam Phương chia sẻ, nghệ danh “Lam Phương” này được ông lấy từ tên thật Lâm Phùng của mình. Nó mang ý nghĩa là phương trời màu xanh, hướng tới những điều tốt đẹp.

Nhạc sĩ Lam Phương là cháu cố của danh tướng Lâm Quang Ky, phó tướng của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Tuy là hậu duệ của một gia tộc danh tiếng, nhưng đến đời của nhạc sĩ Lam Phương thì cuộc sống vô cùng khổ cực. Ông sinh ra trong một gia đình có 6 người con, anh là con trai cả. Cha ông bỏ đi biệt xứ trong nhiều năm, một mình mẹ ông tần tảo, khổ cực nuôi anh em Lam Phương khôn lớn.

Tuy cuộc sống thiếu thốn đủ điều, nhưng nhạc sĩ Lam Phương vẫn may mắn được đến trường học chữ nhờ sự giúp đỡ của một người dượng bên ngoại. Chính những kiến thức căn bản khi ấy đã tạo nên một Lam Phương tài hoa sau này.

Nhac-si-Lam-Phuong-la-ai-ma-duoc-vi-von-la-ong-hoang-nhac-tinh-1
Nhạc sĩ Lam Phương có một tuổi thơ cơ cực và khó khăn

Năm lên 10 tuổi, Lam Phương được mẹ gửi lên nhà một nhà bác ruột ở Sài Gòn để học tiểu học. Hằng ngày trên đường đi học về, Lam Phương đều đi quan một quán cà phê phát những bản nhạc phương Tây. Nghe lâu thành quen, Lam Phương trở nên thích thú, muốn tìm hiểu sâu hơn về âm nhạc. Thế là ông đi mua tờ nhạc về xem, rồi tìm đến nhà một thầy giáo không tên tuổi ở Tân Định để theo học. Thấy cháu đam mê âm nhạc, người bác thương nên cũng đầu tư mua sắm cho các nhạc cụ cơ bản như guitar, mandolin để học.

Đến đầu năm 1950, khi ấy nhạc sĩ Lam Phương chỉ mới 13 tuổi, ông may mắn gặp được nhạc sĩ Hoàng Lang và chính người nhạc sĩ này đã khơi nguồn cảm xúc âm nhạc cho Lam Phương, giúp ông hình thành những giai điệu đầu tiên trong sáng tác đầu tay mang tên “Chiều thu ấy”. Vào năm 1952, là hai năm sau đó, Lam Phương quyết định tự in và phát hành nhạc phẩm đầu tiên của mình. Để in tờ ca khúc này, ông đã phải đi vay bạn bè 200 đồng, rồi tự chở đi bán lẻ khắp Sài Gòn. Thế nhưng khi ấy không ai biết nhạc sĩ Lam Phương là ai nên ông bán được. Phi vụ nhạc phẩm đầu tay đã khiến chàng trai trẻ Lam Phương ôm món nợ lớn vào người.

Để trả nợ Lam Phương lại đi làm thuê kiếm tiền, rồi lại sáng tác và vay tiền in nhạc, cứ thế số tiền nợ ngày càng lớn, đỉnh điểm là 600 đồng. Mãi đến năm 1954, khi bài hát “Khúc ca ngày mùa” được phổ biến ở khắp các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì danh xưng “nhạc sĩ Lam Phương” mới được công chúng chú ý đến, cũng nhờ đó Lam Phương trả hết được số tiền nợ bạn bè. Từ thành công này, nhạc sĩ Lam Phương bắt đầu sáng tác nhiều hơn và các nhạc phẩm đều được công chúng đón nhận. Trong đó, ca khúc “Kiếp nghèo” là nhận được sự chú ý lớn nhất, đưa tên tuổi nhạc sĩ Lam Phương lên một tầm cao mới và cũng chính ca khúc này đã đưa chàng nhạc sĩ nghèo thoát xa cảnh nghèo khó.

Nhac-si-Lam-Phuong-la-ai-ma-duoc-vi-von-la-ong-hoang-nhac-tinh-2
Nhạc phẩm đầu tay của nhạc sĩ Lam Phương

Năm 1958, nhạc sĩ Lam Phương vào quân ngũ, ban đầu ông gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An, khi đoàn này giải tán thì ông lại tham gia vào ban văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng là Biệt đoàn văn nghệ Trung ương cho đến tận năm 1975.

Trong khoảng thập niên 1960, nhạc sĩ Lam Phương hoạt động vô cùng năng nổ, cho ra đời hàng loạt các ca khúc nổi tiếng. Điều này đã mang lại cho ông rất nhiều cả về danh tiếng lẫn tiền bạc.

Thế nhưng, đến sáng ngày 30/4/1975,  Lam Phương và gia đình bỏ lại tất cả tài sản, di tản lên con tàu Trường Xuân sang Mỹ. Tại đây, ông làm đủ thứ nghề từ lau sàn, thợ mài, thợ tiện…để có tiền nuôi sống vợ con. Đến khi cuộc sống dần ổn định, cứ mỗi tối cuối tuần nhạc sĩ Lam Phương lại thu xếp một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch để bạn văn nghệ gặp nhau.

Đến năm 1979, ông và người vợ Túy Hồng ly hôn, trong cảnh đau buồn Lam Phương lại một lần nữa tay trắng sang Pháp vào năm 1980. Tại đây, ông gặp bà Hường và cả hai chung sống với nhau 10 năm. Đó cũng là 10 năm hạnh phúc nhất của Lam Phương, trong khoảng thời gian này sức sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương trở lại rất mạnh mẽ, ông đã cho ra đời hàng loạt ca khúc vui tươi, yêu đời, được mọi người vô cùng yêu thích như: Bé yêu, Thiên đàng ái ân, Bài tango cho em,…

Nhưng rồi cuộc hôn nhân này cũng tan vỡ, năm 1995 nhạc sĩ Lam Phương một lần nữa quay trở lại Hoa Kỳ. Tại đây, ông cũng lại trải qua cuộc hôn nhân thứ 3, nhưng cũng chẳng bền lâu.

Đến năm 199, tai họa ập đến, nhạc sĩ Lam Phương bị tai biến dẫn đến liệt nửa người. Đến ngày 22/12/2022, ông qua đời tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi.

Đời tư nhạc sĩ Lam Phương: Tình duyên trăm mối… một kiếp đơn côi

Nhắc đến nhạc sĩ Lam Phương, người đời không thể không nhắc đến những mối tình ngang qua đời ông. Bởi những tình ấy đã tạo cảm hứng dạt dào để chàng nhạc sĩ tài hoa viết ra những giai điệu đầy rung cảm.

Trước khi chính thức nên duyên với diễn viên Túy Hồng, chàng nhạc sĩ trẻ Lam Phương từng say đắm và tương tư một vài bóng hồng, Trong đó, chuyện tình với nữ ca sĩ trẻ Bạch Yến là để lại trong ông nhiều cảm xúc nhất.  Vào đầu những năm thập niên 60, Bạch Yến là một ngôi sao ca nhạc hàng đầu ở Sài Gòn với nhan sắc xinh đẹp và giọng ca đầy ngọt ngào. Khi ấy, có rất nhiều chàng trai phải lòng cô, trong đó có nhạc sĩ trẻ đang nổi Lam Phương.

Nhưng khi vừa mới chớm yêu thì Bạch Yến lại đi sang Pháp du học, bỏ lại chàng nhạc sĩ ôm nỗi sầu khắc khoải viết nên ca khúc đầy da diết “Chờ người”. Ít lâu sau, Bạch Yến về nước, theo lời báo chí ngày đó tường thuật thì Lam Phương đã sang nhà xin cưới hỏi, nhưng không nhận được cái gật đầu của người đẹp. Là con người yêu âm nhạc, ít lâu sau Bạch Yến lại tiếp tục đi theo tiếng gọi nghệ thuật, bỏ lại sau lưng tất cả, trong đó có cả mối tình vô vọng của chàng nhạc sĩ tài hoa. Thế là bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu yêu thương, nhạc sĩ Lam Phương đều gửi vào lời ca tiếng hát, viết nên những khúc tình ca bất hủ một thời: “Tiễn người đi”, Tình bơ vơ”,…

Nhac-si-Lam-Phuong-la-ai-ma-duoc-vi-von-la-ong-hoang-nhac-tinh-3
Nhạc sĩ Lam Phương - Bạch Yến thời trẻ.

Thế rồi, nhạc sĩ Lam Phương sau bao trắc trở tình duyên cũng đã gặp được định mệnh đời mình – diễn viên Túy Hồng. Túy Hồng tên thật là Trương Ánh Tuyết, từ Bình Dương theo anh trai lên Sài Gòn và tham gia vào đoàn kịch nói Sân Nam của ông bầu Anh Lân. Năm 1959, khi ấy Túy Hồng 19 tuổi chính thức làm vợ của nhạc sĩ Lam Phương. Trong không khí hân hoan của ngày cưới, nhạc sĩ Lam Phương đã vui mừng sáng tác ra ca khúc “Ngày hạnh phúc”, đến tận hôm nay vẫn được yêu thích và hát rộn ràng trong các đám cưới. Sau ngày vui, hai con gái của nhạc sĩ Lam Phương là Ánh Hằng và Ánh Loan lần lượt chào đời.

Cuộc sống hôn nhân của cả hai viên mãn, hạnh phúc cho đến sau năm 1975, gia đình nhạc sĩ Lam Phương sang Mỹ định cư. Không chỉ trở lại “kiếp nghèo” nơi đất khách, mà hôn nhân của ông với Túy Hồng cũng trở nên chênh chao. Năm 1979, họ chính thức đường ai nấy đi, chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm. Khoảng thời gian đổ vỡ sau hôn nhân đã khiến nhạc sĩ Lam Phương hụt hẫng, viết ra hàng loạt ca khúc bi sầu như: “Buồn”, “Điên”, “Mất”, “Tiếc”, “Say”, “Lầm”,…

Nhac-si-Lam-Phuong-la-ai-ma-duoc-vi-von-la-ong-hoang-nhac-tinh-4
Vợ chồng nhạc sĩ Lam Phương - Túy Hồng hồi trẻ

Thế rồi ông sang Pháp để “tị nạn ái tình” và tại đây ông đã gặp định mệnh đời mình một lần nữa – bà Cẩm Hường. Theo lời nhạc sĩ Lam Phương kể thì bà Cẩm Hường rất đẹp, bà từng là hoa hậu tại Pháp. Bà cũng chính là nguồn cảm hứng lai láng để nhạc sĩ Lam Phương quay trở lại thời kỳ đỉnh cao sáng tác. Sức mạnh của tình yêu đã khiến Lam Phương cho ra đời hàng loạt ca khúc tươi vui, yêu đời và bài hát nào cũng vô cùng ăn khách: “Bé yêu”, “Bài tango cho em”, “Thiên đàng ái ân”,…  Nhưng đáng tiếc, sau 10 năm, cuộc hôn nhân thứ hai của nhạc sĩ Lam Phương cũng tan vỡ.

Nhạc sĩ Lam Phương từng thú nhận: “Chuyện tình của tôi, buồn nhiều hơn vui…”. Quả thật là thế, cứ ngỡ với tài hoa và tấm chân tình như thế nhạc sĩ Lam Phương sẽ có người bầu bạn bên đời, nhưng rồi sau bao lần tan vỡ, hợp tan người nhạc sĩ vẫn cứ là: Tình duyên trăm mối…một kiếp đơn côi.

Nhạc sĩ Lam Phương và cơ duyên đến với âm nhạc

Nhạc sĩ Lam Phương: Ông vua nhạc tình

Nhìn lại chặng đường sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương, những người yêu nhạc có thể dễ dàng nhận thấy dù là ở giai đoạn nào nhạc của Lam Phương cũng luôn mang nhiều cảm xúc với những nỗi buồn man mác, trĩu nặng tâm tư. Ngay cả khi ông viết về thiên nhiên cũng vẫn toát lên nét tâm trạng như vậy, âm điệu buồn như sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi tác phẩm của ông.

Nhac-si-Lam-Phuong-la-ai-ma-duoc-vi-von-la-ong-hoang-nhac-tinh-5
Nhạc sĩ Lam Phương người viết những nốt sầu

Có lẽ chính hoàn cảnh, gia thế và cái “số” đã tạo nên một nhạc sĩ Lam Phương với nỗi buồn trĩu nặng. Từ cậu bé miền quê nghèo khổ, đến chàng nhạc sĩ trẻ với thành công bậc nhất Sài Gòn với số tài sản khổng lồ. Để rồi lại trắng tay, nghèo xơ nghèo xác ở nơi đất khách quê người, phải chật vật gây dựng lại từ đầu. Đâu chỉ cuộc đời, mà tình duyên của ông cũng lận đận chẳng kém. Lúc thì ở tột đỉnh của hạnh phúc, khi lại xuống đáy sâu vực thẳm của tan vỡ. Cứ thế, gần cả cuộc đời và ngay cả những phút giây hạnh phúc nhất, nỗi buồn và sự cô đơn vẫn xâm chiếm tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa. Điều đó được ông thể hiện rõ qua hàng loạt các ca khúc nổi tiếng như: “Kiếp nghèo”, “Thành phố buồn”, “Trăm nhớ ngàn thương”, “Giọt lệ sầu”,…

“Ta say, trời đất cũng say/ Ta điên vì những cuộc tình/ Ta buồn, ta chán cuộc đời vì đời bạc trắng như vôi…” – Lời ca day dứt, đau khổ trong bài hát “Say” do nhạc sĩ Lam Phương sáng tác cứ thế tái hiện cuộc đời đầy nỗi buồn của ông.

Nhạc sĩ Lam Phương: "Ông hoàng" của dòng nhạc bolero

Nghĩ đến nhạc sĩ Lam Phương là người ta lại nghĩ đến thời cực thịnh của dòng nhạc bolero. Với hàng trăm tác phẩm được khán giả yêu thích, những người yêu nhạc vẫn thường ưu ái gọi Lam Phương là “ông hoàng” của dòng nhạc này.

Những lời ca trong sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương thường rất ấn tượng khi chọn được câu chốt ngay từ mở đầu, cộng với tiết tấu dễ nghe, bắt tai đã khiến âm nhạc của Lam Phương đi sâu vào lòng người. Có thể kể đến như: “"Thành phố nào nhớ không em/ Nơi chúng mình tìm phút êm đềm/ Thành phố nào vừa đi đã mỏi/ Đường quanh co quyện gốc thông già…" hay như “Em ơi nếu mộng không thành thì sao…”.

Nhac-si-Lam-Phuong-la-ai-ma-duoc-vi-von-la-ong-hoang-nhac-tinh-7
Nhạc Lam Phương gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội

Chất liệu ngôn từ được nhạc sĩ Lam Phương sử dụng là một kiểu nam tính trữ tình đặc trưng, khắc họa một chân dung nghệ sĩ nhất quán vừa dễ thương cảm, lại vừa dễ thẩm thấu. Những ca khúc được chắp bút bởi Lam Phương đều dựa trên cảm xúc chân thành từ tấm lòng đôn hậu, thật thà của một người được sinh ra trên mảnh đất miền Tây. Từng câu hát vang lên, khán giả có thể hiểu ngay, không cần suy nghĩ hay lý giải nhiều. Cứ như vậy, dòng nhạc bolero do nhạc sĩ Lam Phương sáng tác được công chúng đón nhận rộng rãi và điều này được thể hiện rõ qua số lần tái bản và tiền tác quyền kỷ lục.

Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương

Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những nhạc sĩ nổi bật nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Khi ấy, từ phòng trà sang trọng cho đến những xóm nghèo nhập cư, từ sân khấu kịch nghệ đến cả những vùng hỏa tuyến khốc liệt thì đều vang lên những bài hát của Lam Phương.

Vào những năm đầu của sự nghiệp (1953 – 1954), ký ở về vùng quê thanh bình vẫn luôn đau đáu trong lòng của chàng nhạc sĩ trẻ. Nên trong khoảng thời gian ấy, nhạc sĩ Lam Phương đã cho ra đời hàng loạt ca khúc về quê hương như: “Khúc ca ngày mùa”, “Trăng thanh bình”, “Hương thanh bình”,…

Khoảng thời gian sau năm 1955, khi chứng kiến từng đoàn người di cư vào miền Nam sau hiệp định Giơ Ne Vơ, Lam Phương đã viết nên những ca khúc bất hủ, đến tận ngày nay vẫn rất được yêu thích: “Chuyến đò vĩ tuyến”, “Rừng khuya”, “Đoàn người lữ thứ”, “Nắng đẹp miền Nam”,…

Trong thời gian nhập ngũ, nhạc sĩ Lam Phương cũng có những tác phẩm rất hay như: “Chiều hành quân”, “Bức tâm thư”, “Tình anh lính chiến”,…

Từ thập niên 1960 đến trước năm 1975, có thể nói đây là khoảng thời gian đỉnh cao của nhạc sĩ Lam Phương cả về danh tiếng lẫn tiền bạc. Những bài hát của ông sau khi ra đời đều được công chúng đón nhận nhiệt tình như: “Thành phố buồn”, “Tình bơ vơ”, “Biển tình”, “Phút cuối”,…

Sau năm 1975, thời gian đầu ở Mỹ, nhạc sĩ Lam Phương rất ít sáng tác, cho đến năm 1979 khi cuộc hôn nhân với Túy Hồng tan vỡ ông mới lại tìm đến âm nhạc để giải tỏa cảm xúc, lúc này một loạt ca khúc buồn với tựa một chữ ra đời: “Điên”, “Buồn”, “Mất”, “Say”,…

Đến khi sang Pháp năm 1980, gặp người vợ thứ 2 là Cẩm Hường thì nhạc sĩ Phạm Duy mới thực sự quay lại thời kỳ đỉnh cao sáng tác của mình với hàng loạt ca khúc ăn khách như: “Thiên đàng ái ân”, “Bài tango cho em”, “Mùa thu yêu đương”, “Đường vào paris có lắm nụ hồng”,…

Vài năm sau, cuộc hôn nhân thứ 2 tan vỡ. Năm 1995, nhạc sĩ Lam Phương lại quay trở lại Mỹ, thời gian sau này ông cũng sáng tác một vài bài hát, nhưng không qua nổi bật như những thời kỳ đỉnh cao trước đó.

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc nhất của nhạc sĩ Lam Phương

Lam Phương là một trong những nhạc sĩ có gia tài ca khúc đồ sộ với hơn 200 tác phẩm, chia thành 2 giai đoạn chính là trước năm 1975 và sau năm 1975.

Những nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương trước năm 1975 gồm: Biển tình (1966), Buồn chi em ơi (1963), Chiếc áo mùa đông (1960), Chiều hành quân (1958), Chiều hoang vắng (1968), Chiều tàn (1959), Chuyến đò vĩ tuyến (1956), Đêm dài chiến tuyến (1966), Đêm tiền đồn (1970), Đơn côi (1964), Em là tất cả (1965), Giã từ người yêu (1971), Giọt lệ sầu (1969),  Kiếp tha hương (1961), Kiếp ve sầu (1959), Ngày hạnh phúc (1960), Ngày tạm biệt (1960), Nghẹn ngào (1969), Nhạc rừng khuya (1954), Nhớ (1995) , Thành phố buồn (1970), Thu sầu (1969), Thuyền không bến đỗ (1973) ,Trăm nhớ ngàn thương (1970), Trăng thanh bình (1954), Vĩnh biệt (1964), Xin thời gian qua mau (1967),…

Nhac-si-Lam-Phuong-la-ai-ma-duoc-vi-von-la-ong-hoang-nhac-tinh-8
Nhạc sĩ Lam Phương có một kho tàng âm nhạc với hơn 200 ca khúc

Những nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương trước năm 1975 gồm: Anh đã biết (1989), Bài Tango cho em (1980), Bãi nắng (1991), Bé yêu (1984), Biển sầu (1983), Bọt biển (1982), Hạnh phúc trong tầm tay (1998), Khóc mẹ (1979), Kiếp phiêu bồng (1992), Lầm (1978), Mất (1978) ,Tình đẹp như mơ (1988), Tình hè (1989), Tình hồng Paris (1990) ,Vòng tay chờ đợi (1986), Vùng trời ngày đó (1988),…

Nhắc đến những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Lam Phương, những người yêu nhạc không ai không biết đến bài “Thành phố buồn” của ông. Trong thập niên 1960, chỉ với một ca khúc này đã mang đến cho nhạc sĩ Lam Phương số tiền 12 triệu đồng, một con số rất lớn thời đó, người ta ước tình rằng số tiền này bằng với thu nhập trong 20 năm của một đại tá quân đội, còn nếu tính ra tiền đô thì con số phải lên tới nửa triệu đô. Đây là một con số quá lớn so với một bài hát. “Thành phố nào nhớ không em/ Nơi chúng mình tìm phút êm đềm…” – Giai điệu và lời ca trong nhạc phẩm “kinh điển” này, từ khi ra đời cho đến nay vẫn rất được lòng công chúng yêu nhạc.

Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Lam Phương

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long từng ưu ái gọi nhạc sĩ Lam Phương là "nhạc sĩ của đại chúng" bởi sau một quá trình dài cống hiến hết mình cho âm nhạc, tên tuổi của Lam Phương đã quá đỗi quen thuộc với nhiều thế hệ, tầng lớp khán giả. Nhạc sĩ Lam Phương là một nhạc sĩ đa tài, viết nhạc theo nhiều phong cách khác nhau: từ trữ tình, bolero đến các bản nhạc mang âm hưởng dân gian. Dù là ở dòng nhạc nào Lam Phương cũng tỏa sáng rực rỡ. "Nhiều tác phẩm của ông, chỉ cần vang lên vài câu đầu là khán giả lập tức nhận ra ngay. Có thể nói, người nhạc sĩ tài hoa Lam Phương có công góp phần hình thành nền âm nhạc đại chúng trước 1975", nhà phê bình chia sẻ.

Trước khi nhạc sĩ Lam Phương xuất hiện và nổi tiếng vào thập niên 1960, nhạc trữ tình việt Nam thường có sự phân biệt ngầm giữa nhạc sang và nhạc sến. Những nhạc sĩ có xuất thân từ nhạc tiền chiến, nhạc lãng mạn trước đấy, ở họ luôn có sự tự cao nhất định bởi thứ âm nhạc ấy đẹp, sang trọng, rất Tây, với lời ca trau chuốt và phần giai điệu cầu kỳ. Khi ấy, họ không đánh giá cao trào lưu bolero. Nhưng khi nhạc sĩ Lam Phương xuất hiện, ông xóa mờ ranh giới đó. Ông chứng minh người ta vẫn có thể viết ra những bài hát cầu kỳ như nhạc lãng mạn tiền chiến nhưng vẫn có sự gần gũi với công chúng. Dù viết theo lối bolero thịnh hành, thì nhạc của ông vẫn đẹp về giai điệu và vẫn sang trọng trong ca từ.

Như danh ca Họa Mi cũng từng chia sẻ: “Nhạc của anh Lam Phương là nhạc đại chúng, gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội và xuất hiện trong từng ngõ ngách của đời sống, vô cùng dễ thuộc và dễ nhớ. Tôi nghĩ rằng, tầm vóc của một nhạc sĩ một phần được thể hiện qua sức sống các tác phẩm của họ trong lòng công chúng. Và nhạc sĩ Lam Phương xứng đáng là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam bởi gia tài sáng tác đồ sộ cùng hàng trăm ca khúc vượt thời gian của anh”.

Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương - Nhạc sĩ của những kiếp người

Nhìn lại chặng đường sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương, ta dễ dàng nhận thấy cả một cuộc đời sáng tác của cố nhạc sĩ đều gắn liền với thân phận con người, tình yêu đôi lứa và những nỗi buồn, sự khắc khoải trong tâm hồn. Lam Phương gieo niềm đam mê âm nhạc và nỗi lòng của mình vào các sáng tác một cách bình dị, nhẹ nhàng, sâu lắng, đậm chất tình như chính con thật của ông.

Nhac-si-Lam-Phuong-la-ai-ma-duoc-vi-von-la-ong-hoang-nhac-tinh-10
Nhạc sĩ Lam Phương qua đời ngày 22/12/2020, hưởng thọ 83 tuổi

Nói về nhạc sĩ Lam Phương, ca sĩ Anh Tuyết từng nhận xét rằng: “Nhạc sĩ Lam Phương là một người nhạc sĩ tài hoa, đức độ, sống rất ôn hòa, nhẹ nhàng và có nụ cười rất hiền. Cũng chính sự bình dị, hiền hòa với mọi người, với đời ấy nên những những giai điệu ông viết ra cũng rất trôi chảy với phần ca từ nhẹ nhàng, dễ rót vào tâm tư của người nghe”.

Giản dị, hiền lành chính là dấu ấn mà nhạc sĩ Lam Phương để lại trong lòng các nghệ sĩ. Cuộc đời nhạc sĩ Lam Phương như những nốt nhạc "thăng trầm" với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Dù ông đã ra đi nhưng "tài sản" mà cố nhạc sĩ để lại cho công chúng yêu nhạc vô cùng quý giá. Có thể nói, nhạc Lam Phương đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu với khán giả Việt cả trong và ngoài nước, dù cho thời gian có trôi qua bao lâu chăng nữa.

Những câu nói hay của nhạc sĩ Lam Phương

“Tôi sáng tác cho tôi, hoặc do hoàn cảnh gây nên, hoặc vì tâm hồn xúc động. May mắn cho tôi là những ước mơ, buồn vui riêng tư đó lại cũng là những vui buồn, mơ ước của mọi người” – Nhạc sĩ Lam Phương

“Đã phụng sự cho nghệ thuật, mà tự bằng lòng mình, thì là phụ nghệ thuật rồi. Tôi vẫn nuôi tham vọng một ngày gần đây sẽ là tác giả của những bản nhạc lớn” – Nhạc sĩ Lam Phương

Tổng hợp

Xem thêm: Nhạc sĩ Khúc Lan: Sau những chới với đã mạnh mẽ "tỏa hương" trở thành hiện tượng của làng nhạc hải ngoại thập niên 80

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận