Nhạc sĩ Lê Dinh: Một đời tài hoa, sống trọn vẹn “kiếp tằm nhả tơ”

Nhạc sĩ Lê Dinh là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc vàng trước năm 1975. Nhắc đến ông những người yêu nhạc sẽ nhớ ngay đến những bản tình ca bất hủ như “Cánh thiệp hồng”, “Ga chiều”, “Xác pháo nhà ai”,...

Diệu Nguyễn
15:59 06/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ LÊ DINH

  • Tên thật: Lê Văn Dinh
  • Nghệ danh: Lê Dinh
  • Ngày sinh: 08/09/1934 – 09/11/2020
  • Quê quán: Tiền Giang
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: Nhạc vàng
  • Ca khúc nổi tiếng: Cánh thiệp hồng, Ga chiều, Xác pháo nhà ai, Chiều lên bản Thượng, Tình yêu trả lại trăng sao, Thương về xứ Thượng, Ngang trái, Nỗi buồn Châu Pha...
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Giao Linh, Trường Thanh, Thanh Lan, Thu Phương, Trúc Mai, Chế Linh, Mạnh Đình, Mạnh Quỳnh, Phượng Vũ, Đan Nguyên...
  • Thời gian hoạt động: 1953 - 2020

Nhạc sĩ Lê Dinh là ai?

Nhạc sĩ Lê Dinh tên thật là Lê Văn Dinh, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1934 tại làng Vĩnh Hựu, Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Thuở nhỏ Lê Dinh học tại trường Gò Công, sau đó ông lên Mỹ Tho tiếp tục theo học trung học tại trường Collège Le Myre de Vilers. Học xong, ông lên Sài Gòn học cao đẳng tại trường Vô tuyến điện (Ecole Supérieure de Radio Electricité). Trong thời gian theo học tại đây, Lê Dinh được học hàm thụ âm nhạc tại trường École Universelle de Paris, Pháp.

Năm 1954, Lê Dinh tốt nghiệp trường Cao đẳng Vô tuyến điện, nhưng do chưa tìm được việc ngay nên ông nhận dạy pháp văn và âm nhạc tại các trường tư thục ở Gò Công và Chợ Lớn. Cũng nhờ dạy học ở Gò Công mà nhạc sĩ Lê Dinh có duyên gặp gỡ với một cô giáo có tên Kim Quyên. Sau một năm quen nhau, cả hai nên duyên vợ chồng.

Từ năm 1956 – 1975, Lê Dinh được nhận vào làm việc tại Đài phát thanh Saigon với chức vụ Chủ sự phòng sản xuất, rồi chuyển sang Phòng điều hợp của đài. Ông chủ yếu nhận phụ trách về mặt kỹ thuật, đúng với chuyên môn ông theo học tại trường Cao đẳng Vô tuyến điện.

Nhạc sĩ Lê Dinh bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1953, khi ấy ông vẫn còn đi học. Ca khúc đầu tiên của ông là bài “Quê mẹ” do Linh Sơn thể hiện, được phát trên đài phát thanh Pháp Á. Đến năm 1956, nhạc sĩ Lê Dinh mới có ca khúc đầu tiên được xuất bản là “Làng anh làng em”. Tiếp nối thành công đó, ông cho ra mắt thêm rất nhiều ca khúc nổi tiếng khác như: “Cánh thiệp hồng”, “Tình yêu trả lại trăng sao”, “Nỗi buồn châu pha”,…

Nhac-si-Le-Dinh-la-ai-thanh-vien-nhom-Le-Minh-Bang-huyen-thoai-1
Nhạc sĩ Lê Dinh bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1953

Trong khoảng thời gian làm việc ở Đài phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Lê Dinh có cơ hội quen biết với nhạc sĩ Minh Kỳ. Sau này cả hai chơi thân và cùng sáng tác rất nhiều ca khúc nổi tiếng, được ký tên “Lê Dinh – Minh Kỳ”. Sau đó không lâu, ông lại tiếp tục quen biết và làm thân với nhạc sĩ Anh Bằng. Cả hai cùng nhau sáng tác và ký tên những ca khúc chung là “Lê Dinh – Anh Bằng”.

Sau khi đã hợp tác thành công với cả hai nhạc sĩ, Lê Dinh đã quyết định kết hợp cả 3 tạo thành nhóm Lê Minh Bằng để sáng tác cùng nhau. Từ đó, huyền thoại Lê Minh Bằng ra đời với nhạc phẩm đầu tay mang tên “Đêm nguyện cầu” được ra mắt công chúng vào năm 1966. Ngoài bút danh Lê Minh Bằng, cả 3 nhạc sĩ còn sử dụng một số bút danh khác như: Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Cầm,…

Sau năm 1975, nhạc sĩ Lê Dinh bị kẹt lại trong nước, khoảng thời gian này ông dừng hẳn việc sáng tác lại. Đến năm 1978, cả nhà Lê Dinh di cư đến một đảo thuộc Đài Loan, hai tháng sau đó lại đến Hong Kong và điểm cuối cùng họ chọn định cư là Canada. Sau khi đã ổn định cuộc sống tại nước ngoài, nhạc sĩ Lê Dinh mới bắt đầu sáng tác trở lại.

Cũng trong khoảng thời gian đó, nhạc sĩ Lê Dinh bắt đầu làm việc cho một hàng tàu có tên là Federal Navigation (viết tắt là FEDNAV). Làm việc ở hàng tàu 20 năm, thì nhạc sĩ Lê Dinh nghỉ việc bắt đầu thành lập Đài tiếng nói Việt nam tại Montreal và trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút của Nguyện san Nghệ thuật. Làm việc một thời gian thì ông nghỉ hưu vì đã lớn tuổi.

Đến tháng 11 năm 2020, nhạc sĩ Lê Dinh qua đời, hưởng thọ 86 tuổi.

Đời tư nhạc sĩ Lê Dinh: Phía sau hào quang thành công là người vợ tần tảo

Nhắc đến sự thành công của nhạc sĩ Lê Dinh, người ta không thể không nhắc đến sự hy sinh của vợ ông – bà Kim Quyên (hay còn được gọi với cái tên thân thương là cô Tám).

Năm 1956, nhạc sĩ Lê Dinh sau khi ra trường đã về dạy học ở Gò Công. Tại đây ông đã quen biết với bà Trần Thị Kim Quyên cũng là cô giáo dạy học ở trường. Sau một năm yêu nhau, cả hai quyết định về chung nhà. Sau này, cả hai có với nhau 3 người con.

Ca sĩ Phương Dung cũng đã từng chia sẻ về chuyện tình của vợ chồng nhạc sĩ Lê Dinh như sau: “Cô Tám rất đẹp, ở Gò Công khi ấy ai cũng biết danh cô. Từ khi kết hôn dọn lên Sài Gòn sống, cô chấp nhận làm nội trợ chăm lo cuộc sống cho gia đình. Cô không bao giờ tham gia tiệc tùng hay sánh bước bên chồng ở bất kỳ cuộc vui nào, vì cô muốn cho thầy Lê Dinh sự tự do và thoải mái. Có một người vợ vẹn toàn lo nghĩ như thế nên người nhạc sĩ tài hoa này lúc nào cũng có thể chuyên tâm vào công việc sáng tác, cho ra đời những tác phẩm hay”.

Nhac-si-Le-Dinh-la-ai-thanh-vien-nhom-Le-Minh-Bang-huyen-thoai-2
Nhạc sĩ Lê Dinh cùng vợ - bà Kim Quyên (Bên góc trái)

Ngoài ra, nữ danh ca Phương  Dung cũng bật mí rằng: “Vợ của thầy Lê Dinh là người rất khéo, có trình độ và vô cùng tinh tế. Dù chỉ ở nhà nội trợ, nhưng cô ấy đủ khả năng để giữ được tâm hồn bay bổng, lãng mạn của chồng khi bên cạnh luôn có những bóng hồng vây quanh. Thấy chồng đi cùng người khác, cô Tám chỉ bước ra chặn trước đầu xe để nhạc sĩ Lê Dinh thấy vợ, rồi cô lại lặng lẽ bước vào trong chẳng nói thêm câu gì”.

Sau nhiều năm chung sống chồng là nhạc sĩ Lê Dinh, bà Kim Quyên từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn như sau: “Trong cuộc sống vợ chồng tất nhiên sẽ có những chuyện vui buồn về tình cảm, nhưng tôi nghĩ khi đã chọn làm vợ một nghệ sĩ thì mình phải chịu đựng, đợi khi trời quang mây tạnh gia đình sẽ lại yên vui”.

Cứ thế, nhờ nghệ thuật “giữ chồng” đầy tinh tế của mình, bà Kim Quyên đã cùng chồng chung sống hạnh phúc dù trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của cuộc sống. Và cũng nhờ hậu phương vững chắc ấy, mà nhạc sĩ Lê Dinh có thể tỏa sáng trên chặng đường cống hiến cho nghệ thuật của mình.

Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Lê Dinh

Nhạc sĩ Lê Dinh là một trong những tên tuổi lớn của dòng nhạc vàng trước năm 1975 với sức sáng tác bền bỉ và đa dạng. Nhìn lại chặng đường sáng tác của nhạc sĩ Lê Dinh, chúng ta có thể chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn đầu là từ 1953 -1966:  Lớn lên ở vùng đất Gò Công, nơi mà cổ nhạc miền Nam rất phổ biến, từ già trẻ gái trai ai cũng đều yêu thích. Khi còn nhỏ, trong các buổi họp mặt tại nhà, cha ông cùng với bạn bè hay trình bày vui chơi các bản nhạc cổ, cứ thế Lê Dinh lớn lên trong những âm điệu của vọng cổ, của bài Bình bán, của điệu Tây Thi. Tình yêu âm nhạc trong âm cũng lớn dần theo năm tháng. Đến khi đi học, có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc sâu hơn, nhạc sĩ Lê Dinh bắt đầu mày mò sáng tác với hai thể loại chính là nhạc tình và nhạc quê hương.

Nhac-si-Le-Dinh-la-ai-thanh-vien-nhom-Le-Minh-Bang-huyen-thoai-3
Lê Dinh sáng tác với hai thể loại chính là nhạc tình và nhạc quê hương

Bài hát đầu tiên mà ông viết là bà “Quê mẹ” vào năm 1953, nhưng mãi đến tận năm 1956 ông mới có ca khúc đầu tiên được xuất bản là “Làng anh làng em”. Sau khi nhận được sự đón nhận của công chúng yêu nhạc, Lê Dinh lại tiếp tục cho ra đời thêm nhiều nhạc phẩm khác như: “Ngày ấy quen nhau”, “Tấm ảnh ngày xưa”, “Cánh thiệp hồng”, “Ngang trái”, “Thương đời hoa”, “Tình yêu trả lại trăng sao”,… Và cũng từ ấy, tên tuổi của ông được nhiều người biết đến, cái tên “nhạc sĩ Lê Dinh” cứ vậy ghi danh mình vào hàng tác giả nổi tiếng của nền âm nhạc thập niên 50.

Giai đoạn hai là từ 1966 đến 1975:  Đây được xem là thời kỳ đỉnh cao trong sáng tác của nhạc sĩ Lê Dinh, khi ông cùng với nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng thành lập nhóm sáng tác Lê Minh Bằng.           

Nhạc sĩ lê Dinh kể lại: “Khi quen với nhạc sĩ Minh Kỳ và nhạc sĩ Anh Bằng, mỗi người trong chúng tôi ai cũng có những tác phẩm riêng của rồi. Nhưng tôi nghĩ, cứ mãi viết chung 2 người – giữa tôi với anh Minh Kỳ hay giữa tôi với anh Anh Bằng – thì không có lợi, không hay hơn cũng không mạnh hơn việc cả ba người cùng hợp tác với nhau mà sáng tác. Thế là chúng tôi quyết định thành lập nhóm, lấy tên chung là Lê Minh Bằng”.

Từ đó, huyền thoại Lê Minh Bằng ra đời với những bản tình ca lừng lẫy, đến tận bây giờ vẫn rất được yêu thích như: “Chuyện tình Lan và Điệp”, “Đêm nguyện cầu”, “Căn nhà ngoại ô”, “Cho người tình nhỏ”, “Hai mùa mưa”,…

Nhac-si-Le-Dinh-la-ai-thanh-vien-nhom-Le-Minh-Bang-huyen-thoai-4
Nhạc sĩ Lê Dinh trong nhóm Lê Minh Bằng

“Sau thành công của những ca khúc đầu tiên như “Chuyện tình Lan và Điệp”, “Cô hàng xóm”,…chúng tôi đúc kết được điều quý giá là muốn một bài hát được phổ thông và được chấp nhận thật sâu trong công chúng, thì ngoài nét nhạc dễ thuộc, dễ nhớ… còn phải thật dễ thương. Nghĩa là âm điệu phải thật uyển chuyển, có hồn nhạc, khi nghe qua lần đầu thính giả có thể nhớ thoang thoáng phần âm điệu. Còn về phần lời ca, thì đừng quá giản dị nhưng cũng đừng quá cầu kỳ, đừng bắt người ta nghe nhưng không hiểu gì hết”, nhạc sĩ Lê Dinh từng kể.

Cứ thế, với cái tên Lê Minh Bằng tên tuổi của ba nhạc sĩ gồm Lê Dinh, Anh Bằng, Minh Kỳ đã được đặt lên hàng “top” thời kỳ ấy!

Giai đoạn ba là từ năm 1975 về sau: Do biến động của thời cuộc, nhóm lê Minh Bằng không còn sáng tác chung nữa và nhạc sĩ Lê Dinh cũng ngừng hẳn việc sáng tác của mình. Mãi cho đến khi định cư ổn định tại Canada ông mới bắt đầu sáng tác trở lại. Những ca khúc ông viết trong khoảng thời gian này chủ yếu là về nỗi nhớ quê hương như: “Thương về Gò Công”, “Sao Anh không nhớ gò công”, “Chữ tình”, “Huế buồn”,…

Khi được hỏi về khoảng thời gian sáng tác tại hải ngoại, nhạc sĩ Lê Dinh từng tâm sự rằng: “Ở hải ngoại tôi vẫn sáng tác, nhưng so với trước năm 1975 thì rất ít. Bởi ở hải ngoại tôi còn rất nhiều thứ cần thì giờ nhiều để giải quyết và cơm áo gạo tiền ràng buộc không cho mình còn nhiều thì giờ để sáng tác”.

Tuy nhịp sáng tác của nhạc sĩ Lê Dinh đã lơi đi nhiều, tuy vậy những người yêu nhạc vẫn được nghe những sáng rất giá trị từ ông như: “Bài hát của người điên”, “Dòng kỷ niệm cũ”, “Nắng bên này sông”,…

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc nhất của nhạc sĩ Lê Dinh

Sau hơn 60 năm làm việc và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, nhạc sĩ Lê Dinh đã để lại một kho tàng hơn 200 ca khúc, với hàng chục bài hát được xếp vào hàng “bất tử” có thể kể đến như: Thương đời hoa, Tấm ảnh ngày xưa, Tình yêu trả lại trăng sao, Ga chiều, Xác pháo nhà ai, Chiều lên bản thượng, Ngang trái, Ngày ấy quen nhau, Tâm sự ngày chủ nhật, Mưa lạnh trên đèo, Thương về biên cương, Phố vắng đêm mưa, Có nhớ không anh, Nắng bên này sông, Nỗi buồn viễn xứ, Huế buồn, Dòng kỷ niệm, Cho người tình cũ, Buồn len mắt nhỏ,…

Ngoài những bài sáng tác riêng, nhạc sĩ Lê Dinh còn có những bài nhạc sáng tác chung với nhạc sĩ Anh Bằng, nhạc sĩ Minh Kỳ và nhóm Lê Minh Bằng rất được công chúng đón nhận như: Chuyện tình Lan và Điệp (1-2-3), Hai mùa mưa, Đêm nguyện cầu, Linh hồn tượng đá, Cho người tình nhỏ, Đà Lạt hoàng hôn, Thương về miền đất lạnh, Người em Vỹ Dạ, Tình đời,…

Nhac-si-Le-Dinh-la-ai-thanh-vien-nhom-Le-Minh-Bang-huyen-thoai-5
Nhạc sĩ Lê Dinh có hơn 200 bài hát

Trong đó, nhạc phẩm “Tình yêu trả lại trăng sao” được Lê Dinh sáng tác riêng vào năm 1964 được xem là một trong những ca khúc tiêu biểu nhất của ông.

Thôi hết rồi người đã xa tôi

Quên hết lời thề ngày xa xôi

Quên đường xưa lối qua ngậm ngùi

Nghe thời gian bước đi bồi hồi hai ta cùng chung lối.

Trong phần đề tựa khi phát hành, nhạc sĩ Lê Dinh có ghi: “Cho L.T.P, cảm thông nỗi đau buồn qua thi phẩm Tin Vui Đám Cưới nhà Ai”. Những lời ca da diết viết cho một cuộc tình buồn đã khiến người nghe bồi hồi, day dứt khôn nguôi.

Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Lê Dinh

Với sức sáng tác mãnh liệt và bền bỉ, nhạc sĩ Lê Dinh đã có đóng góp rất lớn vào kho tàng âm nhạc Việt Nam. Những bài tình ca nổi tiếng của ông đã được khán thính giả mến chuộng từ 4 thập niên qua và đến tận ngày nay những nhạc phẩm này vẫn được các ca sĩ hàng đầu trình diễn.

Nhac-si-Le-Dinh-la-ai-thanh-vien-nhom-Le-Minh-Bang-huyen-thoai-6
Nhạc sĩ Lê Dinh đã có đóng góp rất lớn vào kho tàng âm nhạc Việt Nam

Nam ca sĩ Anh Ngọc, thành danh từ thập niên 50 khi phụ trách chương trình phê bình nhạc của Đài phát thanh Sài Gòn đã nói về nhạc sĩ Lê Dinh như sau: “Qua âm nhạc của Lê Dinh khán giả tiếp nhận những âm điệu uyển chuyển, dồi dào, không nhàm chán và phần lời ca của Lê Dinh rất chân thật, rất đơn sơ nhưng không kém phần điêu luyện. Cũng nhờ đó bài hát đi thẳng vào lòng người nghe một cách dễ dàng”.

Đó là lý do mà khi nhắc đến nhạc sĩ Lê Dinh, người ta sẽ nhớ ngay đến một vị nhạc sĩ tài hoa, sở hữu giai tài gia tài âm nhạc đồ sộ với các sáng tác bất hủ, làm mê đắm lòng người.

Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Lê Dinh: Sống trọn vẹn “kiếp tằm nhả tơ”

Con người của nhạc sĩ Lê Dinh được mọi người nhận xét là nhiệt thành và mộc mạc như lời nhạc của ông. Cả một đời, ông sống hết mình cho nghệ thuật, vì nghệ thuật, không khoa trương ồn ào.

Danh ca Trang Mỹ Dung cũng từng nghẹn ngào chia sẻ về người thầy của mình: “Thầy Lê Dinh là một người thầy rất nghiêm khắc nhưng rất chỉnh chu và tận tâm với học trò. Và tôi đã học được ở thầy cách sống chân tình, cống hiến hết mình cho nghệ thuật”.

Nhac-si-Le-Dinh-la-ai-thanh-vien-nhom-Le-Minh-Bang-huyen-thoai-7
Nhạc sĩ Lê Dinh sống hết mình cho nghệ thuật, vì nghệ thuật, không khoa trương ồn ào

Vì ưa chuộng lối sống bình dị nên việc lấy cảm hứng sáng tác của  nhạc sĩ Lê Dinh cũng rất gần gũi. Từ một sự việc bất chợt xảy đến hay một kỷ niệm thoáng qua, từ nội dung trong sách, một bài thơ hay hoàn cảnh của bạn bè... tất cả đều có thể trở thành chất liệu để Lê Dinh viết nhạc.

Nhạc sĩ Lê Dinh viết nhạc khá nhanh và không cầu kỳ. Ông có thể viết ra những tuyệt phẩm ngay cả khi đang lái xe đến nơi làm việc. Nhạc sĩ Lê Dinh thường sáng tác nhạc song song với lời ca, một câu nhạc là một câu lời. Và ông không bó buộc bản thân ở một thể loại âm nhạc cố định, Lê Dinh có thể sáng tác ở nhiều thể loại âm nhạc khác nhau như boléro, tango, habanera...

Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Uyên Phương: “Yêu, viết và hát để phục vụ cho tình yêu”

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận