Giải mã ý nghĩa khác biệt giữa 2 câu hát "trốn phong ba" và "chốn phong ba" trong ca khúc "Thành phố buồn"
Trong ca khúc "Thành phố buồn", tác giả Lam Phương có sử dụng 2 câu hát "trốn phong ba" và "chốn phong ba" với 2 ý nghĩa hoàn toàn khác biệt.
THÔNG TIN CA KHÚC "THÀNH PHỐ BUỒN"
- Tên ca khúc: Thành phố buồn
- Nhạc sĩ sáng tác: Lam Phương
- Năm phát hành: 1970
- Thể loại: Nhạc vàng
- Ca sĩ thể hiện thành công nhất: Chế Linh
"Thành phố buồn" - ca khúc gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Lam Phương
Ca khúc "Thành phố buồn" thuộc thể loại nhạc vàng, được phát hành năm 1970. Ca khúc viết về mối tình giữa đôi nam nữ trong bối cảnh thành phố Đà Lạt với rừng thông bao phủ sương khói tạo nên cảm giác buồn.
Về hoàn cảnh sáng tác, theo Wikipedia, năm 1970, nhạc sĩ Lam Phương cùng ban văn nghệ Hoa Tình Thương của quân đội lên Đà Lạt biểu diễn. Khi ông đang ở nơi nghỉ ngơi thì vô tình nhìn xuống dưới đồi núi sương khói che phủ bao quanh rừng thông nên đã có cảm xúc viết nên bài hát này.
Sau khi trở về Sài Gòn, nhạc sĩ Lam Phương đem xuất bản tờ nhạc và ngay sau đó nó đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. Tờ nhạc này được bán rất chạy, thu tiền bản quyền lên đến gần 12 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng hòa.
Ca khúc "Thành phố buồn" được xem là một kỷ lục xuất bản nhạc lúc đó. Sau đó, ông có viết tiếp bài "Tình bơ vơ" nhưng không bán chạy bằng.
Sau sự kiện 30/4/1975, ca khúc "Thành phố buồn" bị liệt vào danh sách bài hát bị cấm lưu hành của chính quyền mới do có nội dung "ủy mị". Năm 2009, bài hát chính thức được lưu hành trở lại ở Việt Nam.
Người thể hiện thành công nhất ca khúc "Thành phố buồn" có lẽ là danh ca Chế Linh. Năm 2002, ông viết phần tiếp theo là "Thành phố buồn hơn" (Cho anh và em).
Ý nghĩa khác biệt giữa 2 câu hát "trốn phong ba" và "chốn phong ba"
Ca khúc "Thành phố buồn" là nỗi lòng của nhạc sĩ Lam Phương với ca sĩ Hạnh Dung. Thời điểm ông sáng tác ca khúc (năm 1970) cũng là lúc ông đang trải qua mối tình với ca sĩ Hạnh Dung. Cô ca sĩ này không quá nổi tiếng vì chỉ hát trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương (hát cho lính nghe).
Khi quen biết Hạnh Dung, Lam Phương sáng tác "Bọt biển" để ghi dấu ấn kỷ niệm hai người hẹn hò bên bờ đại dương. Sau đó, ông sáng tác "Giọt lệ sầu" khi thấy bế tắc trong tình yêu. Bế tắc ở đây có nghĩa là chẳng đi đến đâu, cho nên ngay từ buổi đầu gặp gỡ, ông đã không giấu được lo âu mà viết: "Thôi là hết em đi đường em/Tình duyên mình có bấy nhiêu thôi..." (Tình nghĩa đôi ta chỉ thôi); hoặc là "Lạy trời con được bình yên/ Tình yêu đó giết con trong ưu phiền..." (Lạy trời con được bình yên).
Một lần nọ, nhạc sĩ Lam Phương theo Biệt Đoàn ra Côn Đảo công tác, trình diễn cho các đơn vị quân đội ngoài ấy. Đêm cuối cùng mọi người gặp gỡ liên hoan để tiễn đưa đoàn ca sĩ về Sài Gòn. Lam Phương tạm biệt Hạnh Dung vì ông phải nán lại Côn Đảo vài hôm. Ông đã viết "Phút cuối": "Chỉ còn gần em một giây phút thôi/ Một giây nữa thôi là xa nhau rồi/ Người theo cánh chim về vui với đời/ Để lòng thương nhớ cho kiếp đơn côi".
Trong lần đi Đà Lạt công tác, nhạc sĩ Lam Phương đi một mình không có Hạnh Dung, rồi day dứt nhớ người yêu. Bởi ông và Hạnh Dung từng hẹn hò nhiều lần tại Đà Lạt. Ngồi trong căn nhà trọ ở lưng đồi nhìn xuống khu phố đìu hiu, ông thiết tha nhớ Hạnh Dung và "Thành phố buồn" ra đời từ đó: "Thành phố buồn nhớ không em/ Nơi chúng mình tình chút êm đềm.../ Quỳ bên em trong góc giáo đường/ Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương/ Chúa thương tình, sẽ cho mình, mãi mãi gần nhau".
Trong nhạc phẩm này, nhạc sĩ Lam Phương có câu hát: "Rồi từ đó TRỐN phong ba, em làm dâu người ta". Thế nhưng, đại đa số các ca sĩ Việt đều hát "CHỐN phong ba em làm dâu nhà người".
Cách hát này đã làm thay đổi ngữ nghĩa, nội dung bài hát. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ca sĩ Phương Dung thừng chỉ đích danh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã hát sai câu này. Sau đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng rất thiện chí phản hồi cảm ơn Phương Dung đã chỉ ra lỗi sai này.
Song cũng có một luồng ý kiến khác đến từ khán giả, họ cho rằng, lời đúng phải là "chốn phong ba". Để làm rõ điều này, chúng ta phải lật lại tờ nhạc gốc do tác giả phát hành trước 1975. Trong tờ nhạc đó ghi rất rõ là "TRỐN phong ba".
Ý nghĩa của "TRỐN phong ba" bà "CHỐN phong ba" là hoàn toàn khác biệt:
- "Rồi từ đó TRỐN phong ba, em làm dâu người ta": Câu này mang ý nghĩa, cuộc tình giữa hai người thiết tha nhưng gặp trắc trở, phong ba bão táp. Phong ba ở đây là người con trai (nhạc sĩ Lam Phương) đã có gi đình (ông lập gia đình với nữ kịch sĩ xinh đẹp Túy Hồng từ năm 1959 khi mới 22 tuổi). Biết cuộc tình này sẽ không thành, người con gái tìm cách "TRỐN" khỏi phong ba cuộc tình, để về làm dâu nhà người khác.
- "Rồi từ đó Chốn phong ba, em làm dâu người ta": Câu này mang ý nghĩa, ở chốn phong ba, người con gái về nhà chồng làm dâu người khác.
Hai ý nghĩa này, thoạt nghe đều thấy hợp lý. Nhưng chúng ta nên tôn trọng tác giả, khi tờ nhạc góc sử dụng từ "TRỐN phong ba".
Nếu nghe lại bài nhạc năm 1975, ta có cảm giác, Chế Linh hát "CHỐN phong ba". Thế nhưng trong một lần chia sẻ, Chế Linh xác nhận hát chữ "TRỐN" nhưng ngôn ngữ miền Nam nghe gần với chữ "CHỐN", Có lẽ từ đó các ca sĩ lớp kế cận hát bị nhầm.
Xem thêm: Nhạc sĩ Lam Phương: Ngôi sao sáng giữa bầu trời âm nhạc đại chúng trước 1975
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận