Nhạc sĩ Phạm Duy với xứ Huế: "Cái đầu tôi để ở Hà Nội, cái dạ dày để ở Sài Gòn, còn trái tim tôi để ở Huế"

Phạm Duy là một nhạc sĩ danh dự của Huế, trái tim ông để ở Huế cùng một khối lượng di sản âm nhạc khá đồ sộ dành cho Huế.

Đỗ Thu Nga
16:00 14/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Nhạc sĩ Phạm Duy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông có hơn 1/3 cuộc đời sống ở Sài Gòn, hơn 1/3 sống ở ngoại quốc. Ông đi nhiều, yêu nhiều và được yêu cũng nhiều. Nhưng rồi qua những trải nghiệm của mình, ông thấy người con gái Huế ông từng yêu là đẹp nhất, sâu sắc nhất. Và ông thấy mảnh đất Huế thâm tình, lãng mạn, nên thơ nhất...

Trong nhiều tư liệu ở Huế đều chỉ ra, nhạc sĩ Phạm Duy đã nhiều lần đến Huế, Huế cũng để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng ông. Xin được điểm lại một vài sự kiện:

Lần đầu vào Huế đã bắt gặp cái đẹp trong những câu hò, câu hát

Vào năm 1944, từ Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Duy vào Huế với tư cách một anh chàng du ca trong Gánh hát Đức Huy Charlot Miều. Gánh hát này dừng chân ở rạp Tân Tân trước chợ Đông Ba. 

Trong lần đầu tiên đến Huế, nhạc sĩ Phạm Duy có dịp gặp gỡ kịch sĩ Vũ Đức Duy, nhạc sĩ Vĩnh Phan, ông Ngũ Đại (tức hoàng tử Vĩnh Trân - con trai vua Thành Thái), nhạc sĩ Ngô Ganh, nhạc sĩ Văn Giảng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương... Khi màn đêm buông xuống, các bạn đưa ông xuống ngủ đò, nghe các cô Bích Liễu (phu nhân của Vĩnh Phan), cô Minh Mẫn ca Huế. 

nhac-si-pham-duy-va-3-lan-vao-hue-voi-nhung-su-kien-de-doi-9
Nhạc sĩ Phạm Duy qua tranh vẽ

Đây cũng là lần đầu tiên nhạc sĩ Phạm Duy bắt gặp được cái đẹp trong những câu hò, câu hát của Huế. Ông phát hiện ra âm giai ngũ cung lơ lớ của Huế. Sau này khi trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, Phạm Duy đã vận dụng dân nhạc Huế với âm giai ngũ cung vào các ca khúc của mình, như "Con đường cái quan". 

 Lần thứ hai vào Huế và cuộc gặp gỡ với người con gái đẹp trên đường Nam Giao

Sau Cách mạng Tháng Tám, vào khoảng cuối tháng 10/1946, trên đường từ Nam ra Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Duy có dừg chân tại Huế. Ở đây, ông gặp được ca sĩ Tuyết mới vào nghề (sau là ca sĩ Ngọc Cẩm - phu nhân của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết). 

Ông tìm đến Quán Nghệ sĩ của ông bà Quốc Thành. Quán này được họa sĩ Phạm Đăng Trí dành nhiều công sức để trang trí, tạo ra không gian rất nghệ. Tại đây, ông cùng hát với Bùi Công Kỳ (một người bạn của nhạc sĩ Đặng Thế Phong). Cùng tại đây, ông gặp lại thi sĩ Lưu Trọng Lư và được mời về nhà nghe cô Tôn Nữ Thị Mừng (Lệ Minh) đánh đàn tranh. Phạm Duy đã quyết định phổ nhạc bài thơ "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư. 

Khi màn đêm buông xuống, ông được mời làm việc với các ông Tố Hữu, Hải Triều, Nguyễn Chí Thanh. Ngoài ra, ông còn được mời hát ở Đài phát thanh Huế với các bài: Gươm tráng sĩ, Chiến sĩ vô danh, Xuất quân.

Ở Huế, Phạm Duy có cơ hội gặp Kiều Miên - nữ sinh trường Đồng Khánh vô cùng kiều diễm, hát bài "Giọt mưa thu" rất hay. Đặc biệt, ông gặp được người con gái xinh đẹp trên đường Nma Giao. Nàng được xem như một Mỵ Nương trên trần thế và nhạc sĩ được làm Trương Tri để rồi mối tình đó đã tạo nên ca khúc "Khối tình Trương Chi".

Lần thứ ba vào Huế và những nhạc phẩm để đời

Sau ngày toàn quốc kháng chiến một năm, Phạm Duy hoạt động trong Đoàn Văn nghệ của Trung đoàn 304 cùng kịch sĩ Bửu Tiến, ca sĩ Ngọc Khánh, ca sĩ Vĩnh Cường (người vừa mất cách đây mấy năm) và một số đội viên khác tình nguyện vào chiến trường Bình Trị Thiên. 

nhac-si-pham-duy-va-3-lan-vao-hue-voi-nhung-su-kien-de-doi-7
"Quê nghèo" là một trong những ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác khi còn ở Huế

Tại chiến khu Ba Lòng, ông gặp được Hà Văn Lâu, Hoàng Trọng Khanh. Phạm Duy đã tổ chức đưa về Đại Lược ven sông Ô Lâu ở phía bắc Huế, rồi bí mật dưa vô hát ở cầu ngói Thanh Toàn (huyện Hương Thủy). Có hôm ông được đưa lên đến vùng ven Huế ở cầu Ông Thượng thuộc làng Lại Thế, sát làng Vỹ Dạ. 

Chuyến đi lịch sử này đã giúp ông sáng tác được 3 bài hát bất hủ: Bao giờ anh lấy được đồn Tây (sau này đổi thành Quê nghèo), Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung. Ngoài ra, ông còn viết: Tình nghèo, Người về, Bà mẹ quê, đặc biệt là bài Mười hai lời ru viết về 12 bà mẹ mất con do chiến sự (tiếc là ca khúc này đã thất truyền). 

Trong một đêm hè vào năm 1953, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết ca khúc "Dạ Lai Hương" để tặng hai người đẹp nổi tiếng Thu Vân và Dạ Thảo (cháu Đức Từ Cung) ở Huế. 

Ngoài những ca khúc đã dẫn bên trên, nhạc sĩ Phạm Duy còn sáng tác những đoản khúc về miền Trung, trong đó phần lớn dành cho Huế như: Con đường cái quan, Nước non ngàn dặm ra đi. Nhiều đoản khúc trong "Trường ca Mẹ Việt Nam" phát triển từ ca nhạc truyền thống Huế. Ông còn phố nhạc Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mạc Tử. Sau này hồi hương (2005), ông phổ nhạc 10 bài thơ của Bích Khê thành Dị khúc, trong đó có bài "Huế đa tình".

Phạm Duy hiểu Huế sâu sắc. Ông từng nói về người phụ nữ Huế như sau: "Từ khi biết Huế (1944) cho đến khi tôi đã yêu bà Thái Hằng rồi thành vợ chồng (1948), tôi vẫn ước mơ có một người tình xứ Huế. Con gái Huế, dĩ nhiên là đẹp rồi. Cái mà tôi thích nhất là đàn bà xứ Huế còn giữ được nhiều nữ tính. Cái nữ tính ấy lại được nuôi dưỡng trong khung cảnh nên thơ của vùng có nhiều đền đài lăng tẩm núi Ngự sông Hương làm cho nó có một sức hấp dẫn mạnh đối với loại người có nhiều “đàn ông tính” như tôi. Theo tôi, không một nơi nào trên cái nước Việt Nam này có người phụ nữ được sống trong cái môi trường văn hóa thơ mộng sâu sắc như thế cả”.

Đã có không ít lần ông nói và viết: "Cái đầu tôi để ở Hà Nội, cái dạ dày để ở Sài Gòn, còn trái tim tôi để ở Huế". Bởi thế trong bài "Tình ca" ông mới viết: "Biết ái tình ở dòng sông Hương". 

Kết lại, Phạm Duy là một nhạc sĩ danh dự của Huế, trái tim ông ở Huế cùng với di sản âm nhạc khá đồ sộ dành cho Huế. Và xứ Huế xinh đẹp cũng không ít lần tổ chức các chương trình vinh danh, tưởng niệm nhạc sĩ Phạm Duy vì những đóng góp của ông cho Huế.

Xem thêm: Vì sao nhạc sĩ Phạm Duy từng đập đàn cấm con đi hát?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận