Lý do nào khiến nhạc sĩ Phạm Duy chọn phổ nhạc bài thơ "Tiếng thu" của thi sĩ Lưu Trọng Lư?

Nhạc sĩ Phạm Duy đã biến một bài chỉ vỏn vẹn 9 câu của thi sĩ Lưu Trọng Lư trở thành một nhạc phẩm hay. Ông vẫn giữ nguyên tên là "Tiếng thu".

Đỗ Thu Nga
10:00 08/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy có nhiều duyên nợ với Huế. Tuổi trẻ của ông gắn bó khá nhiều với mảnh đất này. Bản thân ông bị thu hút bởi thiên nhiên, con người nơi đây. 

Đặc biệt, trong thời gian ở Huế, nhạc sĩ Phạm Duy có cơ hội được gặp gỡ với thi sĩ Lưu Trọng Lư. Cũng vì quá yêu mến chàng thi sĩ này mà ông chọn phổ nhạc bài thơ "Tiếng thu".

Nhắc đến việc phổ nhạc "Tiếng thu", nhạc sĩ Phạm Duy từng chia sẻ như sau: "Tôi yêu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư từ hồi nào không biết, nhưng tôi chọn một bài thơ tiêu biểu nhất của anh là TIẾNG THU để phổ thành ca khúc ngay từ năm 1945. Bài này coi như là một bài hát đầu tay, vì nó mới chỉ là bài ca thứ 5 trong đời tôi".

Thi sĩ Lưu Trọng Lư quê ở Quảng Bình nhưng trải qua phần lớn thời gian tuổi trẻ ở Huế trước khi ra Hà Nội từ năm 1954. Ông là một trong những người khởi xướng phong trào Thơ mới. Thơ của ông không chải chuốt hoa mỹ nhưng có được sự chân thực trong cảm xúc trong câu chữ. Có lẽ, Lưu Trọng Lư đã chọn lòng rất chi tiết từng chữ để tạo nên những vần thơ làm lay động lòng người. 

vi-sao-nhac-si-pham-duy-chon-pho-nhac-bai-tho-tieng-thu-0
Chân dung thi sĩ Lưu Trọng Lư

"Tiếng thu" là bài thơ chỉ vỏn vẹn 9 câu nhưng lại được đánh giá là bài thơ hay nhất trong sự nghiệp của Lưu Trọng Lư. Nhiều người nhận xét, đây là bài thơ "thơ" nhất Việt Nam. Nghĩa là ngoài chất thơ thì nó không có gì bấu víu, không cõng thêm sứ mệnh nào khác, nó hoàn toàn trữ tình lãng mạn:

"Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ"

Thi sĩ Lưu Trọng Lư đã mượn không gian, cảnh vật đặc trưng của mùa thu để thể hiện bức tranh tâm trạng một cách đầy chân thực nhưng cũng không kém phần sống động. Xen lẫn vào đó chính là sự u buồn, khắc khoải. Bài thơ có những chủ thể tưởng như rời rạc nhưng thực ra lại có sự liên kết chắc chắn. 

Ngoài chủ thể chính là mùa thu thì còn có trăng, có chinh phụ chinh phu, có con nai vàng ngơ ngác - một hình ảnh kinh điển trong thi ca. Khi gộp các hình tượng này lại với nhau đã tạo ra một tổng thể có sức lay động lòng người một cách kỳ lạ. Những câu chữ như quện vào nhau tạo thành một bức tranh mùa thu ảo diệu, vừa gần vừa xa, vừa sáng tỏ lại vừa mông lung. Người ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nói ra một cách rạch ròi. 

"Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức"

Em không nghe được tiếng mùa thu hay em không thể nghe được? Em thì có thể không (muốn) nghe, nhưng anh thì nghe thấy hết, nghe được tất thảy những âm vang khẽ khàng nhất của mùa thu.

Lời thơ như lời đối thoại. Nhân vật em lại ẩn sau sự câm lặng, nên anh chỉ như đang đối thoại với chính mình. Có thể hai người cách nhau xa, hoặc không xa nhưng lại vì thiếu niềm đồng cảm, một bên thì thổn thức, rạo rực, một bên thì "không nghe", câm lặng đến đau lòng. Nên sau tất cả, lời thơ chính là tiếng lòng bi thiết của chỉ riêng một người.

vi-sao-nhac-si-pham-duy-chon-pho-nhac-bai-tho-tieng-thu-8
"Con nai vàng ngơ ngác" là hình tượng bất tử trong thơ

Trong không gian màu thu đó, ánh trăng hiện ra thật đặc biệt. Nó vẫn luôn như vậy, nhưng không gợi niềm hân hoan khi thưởng ngắm, nó thoáng gợi nỗi buồn: "Dưới trăng mờ thổn thức".

Vì người với người vẫn xa mặt cách lòng nên mùa thu trở nên phôi phai và nhuộm cho ánh trăng một vẻ u sầu:

"Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người chinh phụ"

Có lẽ vì không nghe được "tiếng thu" nên em cũng không cảm nhận được sự rạo rực, da diết trong cảm xúc: "Em không nghe rạo rực"

"Rạo rực" là sự bồi hồi, đắm say của con người trước niềm vui, hạnh phúc. Sự rạo rực này của Lưu Trọng Lư khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh người chinh phu và người chinh phụ, là những người gắn kết với nhau bằng tình cảm vợ chồng thiết tha. 

"Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc"

Thu về cuốn theo những chiếc lá héo tàn, xào xạc bay theo gió heo may. Đó là hình tượng điển hình của mùa thu nhưng cũng là biểu tượng của sự phôi pha. Tiếng lá thu rơi xào xạc đồng thời cũng là tiếng lòng đầy ngổn ngang của tác giả. Dù bất cứ tiếng động gì, dẫu là nhỏ nhất cũng khiến tâm hồn trở nên thổn thức, đầy thương nhớ.

Trong hai câu cuối, thi sĩ Lưu Trọng Lư đã thể hiện một ý niệm khá độc đáo:

"Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô"

Lưu Trọng Lưu đã tạo ra một hình tượng thơ bất hủ "con nai vàng ngơ ngác". Cho đến tận bây giờ cũng khó tìm được một hình tượng đẹp, ban sơ, lại thể hiện được sự thơ ngây, trong trẻo như một con nai vàng đang nhởn nhơ dạo bước trên thảm lá khô bìa rừng. Chỉ một tiếng động nhỏ cũng khiến chú nai nhẹ giật mình ngơ ngác. 

"Tiếng thu" chính là tiếng lòng, tiếng nói con tim của một tình yêu câm lặng. Tác giả đã mượn mùa thu để nói thay tiếng lòng của mình. Dẫu em không thể nghe hay không muốn nghe thì anh vẫn muốn bày tỏ.

Và tất cả những nỗi lòng này của người con trai đã được nhạc sĩ Phạm Duy truyền tải rất đầy đủ. "Tiếng thu" trở thành ca khúc ấn tượng trong làng nhạc Việt. 

Chính nhạc sĩ Phạm Duy đã tự nhận xét về việc phổ nhạc Lưu Trọng Lư của mình: "Những bài thơ Lưu Trọng Lư mà tôi phổ nhạc cho thấy nhạc của Phạm Duy vào lúc còn trẻ rất là hợp lý (logic), có câu cú đàng hoàng và nhất là dễ làm người nghe cảm động. Đó cũng nhờ ở lãng mạn tính tuyệt vời của lời thơ nơi thi sĩ. Tôi biết ơn anh Lưu Trọng Lư đã là người sớm cho tôi chất liệu để thành người nhạc sĩ của tình yêu lãng mạn".

Xem thêm:

Vì sao ca sĩ Julie đề nghị nhạc sĩ Phạm Duy đưa con đường Duy Tân vào ca khúc "Trả lại em yêu"?

Mối tình trong sáng nhất đời Phạm Duy: "Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm... Tôi dành tặng bà ấy 40 bài hát"

Vì sao dưới bài "Thuyền viễn xứ" nhạc sĩ Phạm Duy lại chèn lời nhắn "Huyền Chi, cô ở đâu"?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận