Cái chết bí ẩn của nhạc sĩ Minh Kỳ được dự báo trước từ ca khúc “Những nấm mộ hoang”

Nhạc sĩ Minh Kỳ cha đẻ của rất nhiều ca khúc bất hủ như “Xuân đã về”, “Anh tiền tuyến em hậu phương”,...  Trong lúc đang ở đỉnh cao sự nghiệp, ông lại ra đi bởi một vụ nổ không rõ lý do trong tại cải tạo ở Biên Hòa.

Diệu Nguyễn
16:00 19/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Nhạc sĩ Minh Kỳ (1930 – 1975) với gia tài đồ sộ hàng trăm ca khúc, được xem là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng. Nhạc sĩ Minh Kỳ có tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, là con trai duy nhất của một gia đình khá giả thuộc hoàng tộc triều Nguyễn, cháu đời thứ 5 của vua Minh Mạng, có vai vế ngang với vua Bảo Đại.

Nhạc sĩ Minh Kỳ lớn lên ở Quy Nhơn và Nha Trang. Năm 1952, ông lập gia đình ở Nha Trang, đến năm 1957 cùng  gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây ông làm công chức và hoạt động văn nghệ. Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Minh Kỳ đã cho ra rất nhiều nhạc phẩm phù hợp với thị hiếu đại chúng và được đón nhận nhiệt tình như: Ánh xuân về, Bình minh đồng quê, Chị Hằng, Cô lái sông Hương, Đón trăng, Nha Trang chiều mưa, Trai làng tôi, Tiễn bạn, Tuổi hoa niên, Xuân đã về, Anh tiền tuyến em hậu phương, Chỉ có một người,... Tài năng và âm nhạc của nhạc sĩ Minh Kỳ đã để lại dấu ấn không phai nhòa trong nghệ thuật và trong lòng công chúng yêu nhạc.

Song song với khoảng thời gian hoạt động nghệ thuật, tại Sài Gòn nhạc sĩ Minh Kỳ gia nhập lực lượng cảnh sát, trở thành Trưởng ban Văn nghệ Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Cấp bậc cuối cùng của nhạc sĩ Minh Kỳ trong chính quyền khi ấy là đại úy cảnh sát, nên sau năm 1975 ông bị bắt đi cải tạo ở trại An Dưỡng, Biên Hòa. Khuya ngày 31/08/1975, một vụ nổ không rõ lý do trong trại cướp đã cướp đi sinh mạng của 3 người, trong đó có nhạc sĩ Minh Kỳ.

su-ra-di-bi-an-cua-nhac-si-minh-ky-duoc-du-bao-truoc-1
Nhạc sĩ Minh Kỳ thời trẻ

Theo nhiều người đồn đoán, cái chết nhạc sĩ Minh Kỳ được dự báo trước qua ca khúc “Những nấm mộ hoang” do nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác năm 1973. Khi ấy, nhạc sĩ Minh Kỳ và nhạc sĩ Anh Bằng cùng hoạt động trong nhóm sáng tác Lê Minh Bằng cùng nhạc sĩ Lê Dinh. Cụ thể, vào giữa thập niên 1960, cả 3 nhạc sĩ là thành lập nhóm sáng tác chung và cho ra đời rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như “Đêm nguyện cầu”, “Chuyện tình Lan và Điệp”, “Mưa trên phố Huế”, “Chỉ hai đứa mình”, “Cho người tình nhỏ”, “Tình đời”,…

Lời bài hát “Những nấm mộ hoang”, từng lời từng chữ viết ra như vận vào cuộc đời của nhạc sĩ Minh Kỳ sau này:

“Chiều nay trên phố vui

Khắp nơi dậy hương đời

Hòa bình đã đến rồi

Một mình tôi đến đây

Nghĩa địa chiều thênh thang

Vắng hương trên mộ hoang

Ai nằm đó sao không thức dậy

Ai nằm đây sao không bàng hoàng

Ai liều thân dâng cho hòa bình

Giờ một mình lẻ loi

Ai nằm đó không nghe tiếng gọi

Thanh bình ca vang vang rợp trời

Ai đành quên không vui họp mặt

Tìm giấc ngủ bình yên

Lặng buồn tôi thắp hương

Khấn xin tạ ơn người

Linh hồn siêu thoát rồi

Hòa bình hay chiến tranh

Cũng chỉ là rêu xanh

Bám trên nấm mộ hoang”.

Về cái chết của nhạc sĩ Minh Kỳ, người bạn tù của ông khi ấy là Phạm Tín An Ninh có kể lại như sau:

"Một đêm, vào ngày 31/08/1975, vào khoảng 21 giờ rưỡi, cả trại tù đang chìm trong bóng đêm. Những người tù đang nằm thao thức, bởi tâm tư còn nặng trĩu lo âu, không biết những điều bất trắc gì sẽ đến với số phận mình. Bỗng một tiếng nổ long trời kèm theo những tiếng la thất thanh và rồi tiếng còi báo động vang lên. Trên loa phát thanh phát ra giọng nói lệnh cho tất cả cải tạo viên nằm yên tại vị trí.

Khi ấy tổ của nhạc sĩ Minh Kỳ đang họp để phân công nấu bếp vào ngày hôm sau, vụ nổ bất ngờ đã làm cho 3 người thiệt mạng và khoảng 8 người bị thương. Nhạc sĩ Minh Kỳ bị thương rất nặng, được anh em tù khiêng đến bệnh xá. Ông bị thương ở ngực, bụng và cổ rất nặng. Biết mình không qua khỏi nên ông trăn trối với những người bạn tù: “Tụi mày về nói với vợ tao ráng nuôi con, chắc tao không qua khỏi”.

Sau đó máu ở ngực và cổ ông chảy ra lênh láng.

Nhạc sĩ Minh Kỳ vừa la vừa rên: “Sao chân lạnh quá! Lạnh quá! Sao bụng tao lạnh quá! Sao ngực tao lạnh quá!”.

Ông ra đi từ từ, chết từ chân đến bụng rồi đến ngực cho đến lúc tắt thở. Một cái chết mà chính bản thân ông cảm nhận được, biết được nó đến với mình từng phút, từng giây.

Sau đó, nhạc sĩ Minh Kỳ được chôn cất sơ sài trong mảnh rừng hoang rìa trại tù với một tấm bia viết bằng sơn đỏ dòng chữ “Vĩnh My”, được lấy từ tên thật của ông – Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ".

Nhạc sĩ Minh Kỳ mất để lại vợ và 9 người con. Sự ra đi của ông đã để lại sự thương tiếc cho rất nhiều người, đặc biệt là trong lòng công chúng yêu nhạc. Mọi người không ngừng cảm thán trước sự tài hoa nhưng văn số của ông. Dù đường đời và sự nghiệp khá ngắn ngủi, nhưng những ca khúc thiết tha mang nét nhạc trong sáng, bình dị của nhạc sĩ Minh Kỳ sẽ sống mãi với thời gian.

Xem thêm: Nhạc sĩ Minh Kỳ: Nghìn thu bạc mệnh, một đời tài hoa

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận