“Sao chưa thấy hồi âm” của Châu Kỳ – Lời hờn trách của người con gái khi yêu

Ca khúc “Sao chưa thấy hồi âm” của nhạc sĩ Châu Kỳ được sáng tác năm 1965, phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Trương Minh Dũng.

Diệu Nguyễn
06:45 19/09/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

CA KHÚC “SAO CHƯA THẤY HỒI ÂM”

Tên các khúc: Sao chưa thấy hồi âm

Nhạc sĩ: Châu Kỳ

Năm phát thành: 1965

Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Hoàng Oanh

Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Sao chưa thấy hồi âm”

Ca khúc “Sao chưa thấy hồi âm” là nhạc phẩm được nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác vào năm 1965. Trong phần đề tự cho ca khúc, ông đã viết như sau: “Thân tặng thi sĩ Trương Minh Dũng người đã khơi cho tôi nguồn cảm hứng để viết thành ca khúc này”. Nhạc sĩ Châu Kỳ và nhà thơ Trương Minh Dũng là những người bạn tâm giao, thân thiết của nhau cho đến lúc cuối đời. Cả hai đều là người Huế, dù cách nhau gần 10 tuổi nhưng cả hai hợp nhau từ sở thích cho đến gu âm nhạc, văn chương. Những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Châu Kỳ được phổ từ thơ của Trương Minh Dũng có thể kể đến là: Túy ca, Sao chưa thấy hồi âm, Bỏ phố lên rừng,…

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-sao-chua-thay-hoi-am-cua-nhac-si-chau-ky (1)
Bìa ca khúc "Sao chưa thấy hồi âm" của nhạc sĩ Châu Kỳ

Theo lời bà Kha Thị Đàng, vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ chia sẻ, khi ấy, nhà thơ Trương Minh Dũng ở Đà Lạt sáng tác xong bài thơ “Sao chưa thấy hồi âm” thì liền gửi về Sài Gòn cho chồng bà. Sau khi đọc xong ông tấm tắc khen và bắt tay ngay vào việc phổ nhạc. Viết xong thì ông đem gửi bản nhạc này đến hãng đĩa và được ca sĩ Hoàng Oanh hát lần đầu trong đĩa nhựa. Bài hát được công chúng yêu thích, đón nhận nhiệt tình đến nỗi Nhà xuất bản Tinh hoa Miền Nam mang đến một chiếc xe hơi đời mới để đổi lấy được quyền độc quyền xuất bản tờ nhạc ca khúc “Sao chưa thấy hồi âm”.

Vào những năm 1960, khi phương tiện thông tin còn thô sơ, người ta chủ yếu truyền tin cho nhau qua những lá thư tay. Thư được xem là “phương tiện” chở tâm tình, nỗi nhớ của cô gái nhỏ chốn quê nhà đến chàng trai nơi tiền tuyến phương xa. Thấu hiểu, xót xa cho nỗi lòng chờ đợi thư hồi âm của cô gái, nhạc sĩ Châu Kỳ đã viết nên ca khúc “Sao chưa thấy hồi âm” với nét nhạc thiết tha, như nói thay tiếng lòng của cô gái ấy và hàng triệu cô gái khác ngoài kia, đang chung một nỗi chờ thư.

Đôi lời cảm nhận ca khúc “Sao chưa thấy hồi âm” của nhạc sĩ Châu Kỳ

Theo năm tháng hoài mong,

Thư gởi đi mấy lần đợi hồi âm chưa thấy:

Anh ơi! Nhớ rằng đây, còn có em đêm ngày

Hằng thương nhớ vơi đầy.

Ngày đi người đã hứa toàn những lời chan chứa,

Còn hơn gió hơn mưa.

Một tuần một lần thư kể nghe chuyện sương gió,

Kể nghe niềm ước mơ.

Người ta thường nói, thời gian chính là liều thuốc chữa lành mọi vết thương lòng. Thế nhưng, thời gian chẳng thể làm phai nhòa đi hình bóng người thương trong trái tim chân thành của cô gái. Những lúc nhớ nhung, cô gái chỉ biết viết lòng mình vào những dòng thư gửi cho người yêu nơi phương xa vời vợi. Những bức thư là lời nhắn gửi người yêu, dù có khó khăn, cách trở anh cũng hãy cố vượt qua bởi nơi đây có một người đang hằng ngày thương nhớ về anh.

Nhưng anh vắng hồi thư,

Hay là anh hững hờ, hoặc là anh không nhớ!

Em đâu khác người xưa

Ngày lẫn đêm mong chờ tình yêu nói sao vừa.

Từ lâu đành xa vắng, đời trăm ngàn cay đắng

Hỡi anh biết hay chăng?

Chỉ cần một hồi âm là em mừng vui lắm,

Cớ sao anh phụ lòng?

Thời gian chờ đợi không khiến cô gái mất đi lòng tin với người mình yêu, nhưng sự chua xót tận đáy lòng của một cô gái chính là sự vô tâm, thờ ơ của người yêu. Nỗi nhớ khi xa vắng chỉ mong được lấp đầy bởi những bức thư hồi âm, chờ ngày chờ đêm chỉ mong một tấm thư gửi về. Nhưng anh chẳng biết, hoặc là vì anh vô tâm, hững hờ phụ lòng em.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-sao-chua-thay-hoi-am-cua-nhac-si-chau-ky-1
Lời bài hát "Sao chưa thấy hồi âm" của nhạc sĩ Châu Kỳ

Ngày xưa anh còn nhớ

Nàng Tô Thị bồng con ngóng trông.

Thời gian đã hoài công,

Người thành đá ngàn kiếp yêu thương chồng.

Ngày nay em nào thấy

Lòng chân thành của tình thế nhân.

Tìm đâu trong tình yêu,

Được bền lâu để kiếp sau không sầu.

Lòng chung thủy sắc son, một lòng vì chồng vì con đã là truyền thống bao đời này của người phụ nữ Việt. Nhiều truyện xưa tích cũ đã ghi chép, lưu giữ lại hình ảnh đẹp này của người phụ nữ Việt Nam. Như câu chuyện “Hòn vọng phu” kể về người con gái tên Tô Thị bồng con đứng đợi chồng chinh chiến nơi xa trường. Em cũng vậy, cũng một lòng son sắt chờ anh, mong ngóng anh từng ngày, bao tâm tư em đều gửi vào những bức thư ấy. Thế nhưng, anh chẳng hiểu lòng em. Liệu tình yêu này có được bền vững trọn kiếp như lời đôi mình từng thề ước khi xưa.

Em mơ ước làm sao cho trọn mối duyên đầu,

Đẹp lòng anh yêu dấu.

Xưa Chức Nữ chàng Ngưu từng đắng cay dãi dầu

Chờ Ô Thước bắc cầu.

Còn anh từ xa cách làm em hờn em trách

Hỏi anh có hay không?

Mỏi mòn đợi hồi âm thềm hoa đành lẻ bóng

Nhớ thương anh ngập lòng.

Niềm mơ ước duy nhất trong tình yêu của một cô gái chính là được cùng người yêu trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê. Thế nhưng, anh nào có hiểu, để mình em ở đây mòn mỏi đợi chờ hồi âm của anh. Bóng hoa thềm này đảnh lẻ bóng, ôm nỗi tương tư muộn phiền thương nhớ một người ở phương xa.

Xem thêm: Nhạc sĩ Châu Kỳ gửi tâm tư thương nhớ vào nhạc phẩm "Đừng nói xa nhau": Yêu là chết ở trong lòng một ít

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận