Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Con đường xưa em đi": Cảm hứng khởi nguồn từ một con đường mòn

"Con đường xưa em đi" của nhạc sĩ Châu Kỳ và thi sĩ Hồ Đình Phương là một trong những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng nhất suốt 60 năm qua. 

Đỗ Thu Nga
13:42 01/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

VỀ CA KHÚC "CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI"

  • Tên ca khúc: Con đường xưa em đi:
  • Nhạc sĩ sáng tác: Nhạc sĩ Châu Kỳ (nhạc), Hồ Đình Phương (viết lời)
  • Thể loại: Nhạc trữ tình, nhạc vàng
  • Giai điệu: Bolero
  • Năm ra đời: Khoảng năm 1967 đến 1968
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thanh Tuyền, Chế Linh

Ca khúc "Con đường xưa em đi" lấy cảm hứng từ một con đường mòn

"Con đường xưa em đi" là ca khúc nhạc sĩ trữ tình do nhạc sĩ Châu Kỳ và thi sĩ Hồ Đình Phương sáng tác khoảng năm 1967 đến 1968. Với nhạc phẩm này, nhạc sĩ Châu Kỳ phụ trách phần nhạc còn thi sĩ Hồ Đình Phương phụ trách phần lời.

"Con đường xưa em đi" là một trong những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng nhất suốt 60 năm qua. Bài hát này được phổ biến đến nỗi có rất nhiều biến thể. Và khi ca khúc càng được chế lời nhiều thì chứng tỏ giai điệu của nó rất cuốn hút và mức độ phủ sóng càng mạnh. 

Về hoàn cảnh ra đời "Con đường xưa em đi", cách đây vài năm, bà Kha Thị Đàng - vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ đã có những chia sẻ vô cùng thú vị. Theo bà Đàng, con đường đã làm nên cảm hứng cho nhạc sĩ Châu Kỳ cùng người bạn thân - thi sĩ Hồ Đình Phương viết nên ca khúc "Con đường xưa em đi" là một con đường mòn nhỏ nằm sau Nhà máy giấy Tân Mai (thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bây giờ). 

hoan-canh-ra-doi-con-duong-xua-em-di-cua-chau-ky-ho-dinh-phuong-9
Nhạc sĩ Châu Kỳ và ca khúc "Con đường xưa em đi"

"Ngày đó tôi làm kế toán ở nhà máy giấy Tân Mai, anh Hồ Đình Phương cũng đang làm phó giám đốc hành chính ở đó. Phía sau nhà máy này có một hãy nhà tập thể để cho công nhân nghỉ ngơi. Ở đó có một con đường mòn xuyên qua cánh đồng. Chúng tôi thường di chuyển qua lại trên con đường đó. Mỗi lần thấy tôi đi qua, anh Hồ Đình Phương lại nói vui rằng 'con đường xưa em đi'. Và một thời gian sau, bài hát 'Con đường xưa em đi' ra đời", bà Kha Thị Đàng chia sẻ.

Cũng theo bà Đàng, nhạc sĩ Châu Kỳ thường có thói quen đàn để sáng tác những giai điệu nhạc hay còn thi sĩ Hồ Đình Phương sẽ tìm lời cho những giai điệu đó. Hai người bạn thân sáng tác chung như thế cả vài chục ca khúc. Bài hát "Con đường xưa em đi" là bài hai mà hai người lấy cảm hứng từ con đường mòn năm đó. Và cũng vì lời do thi sĩ Hồ Đình Phương viết nên rất đẹp và bay bổng chẳng khác gì một bài thơ. 

Bà Kha Thị Đàng cũng từng xác nhận, ca khúc "Con đường xưa em đi" được sáng tác trước năm 1975, nhưng đến quãng năm 2006 - 2007 trước khi nhạc sĩ Châu Kỳ qua đời đã cùng vợ nghe lại và bàn với nhau về việc chỉnh sửa lại lời để ca khúc này phổ biến rộng rãi đến nhiều đối tượng người nghe hơn. 

hoan-canh-ra-doi-con-duong-xua-em-di-cua-chau-ky-ho-dinh-phuong
Nhạc sĩ Châu Kỳ và vợ - bà Kha Thị Đàng

Bởi lẽ, ca khúc ra đời vào trước 1975 khi chiến tranh đang diễn ra. Nếu một số chỗ vẫn giữ nguyên lời như bản gốc thì không phù hợp với thời bình. Vì thế, cố nhạc sĩ Châu Kỳ đã quyết định chỉnh lại một số chỗ cho phù hợp và rõ nghĩa.

Cụ thể, câu "Chiến trường anh bước đi…” thành câu “Lối mòn anh bước đi…” và câu “Nơi đây phiên gác canh dài…” thành câu “Nơi đây thao thức canh dài…”.

Bà Kha Thị Đàng cũng khẳng định, ca khúc này viết về tình cảm đôi lứa chứ hoàn toàn không đưa vấn đề chính trị hay chiến trường vào. 

Ca khúc "Con đường xưa em đi" - ca từ đẹp và bay bổng như một bài thơ

Ca khúc "Con đường xưa em đi" do Hồ Đình Phương viết lời nên ca từ rất đẹp và bay bổng không khác gì một bài thơ. Con đường xưa em đi trong nhạc phẩm này cũng là con đường đã in dấu bước chân xưa của đôi tình nhân, đã từng trải qua câu chuyện tình đẹp và ngọt ngào với bao lần hẹn hò. Nay người trai phải đi xa nên nỗi buồn đã vàng võ lên mái tóc thề của người yêu:

"Con đường xưa em đi,

vàng lên mái tóc thề,

ngỡ hồn dâng tái tê

Anh làm thơ vu quy, 

khách qua đường lắng

nghe tình ta đã ghi

.

Những mùa trăng vu quy,

vì mưa gió không về

Chiến trường anh bước đi

.

Có nàng hoen đôi mi,

ngóng theo đường vắng hoe

Hỏi còn ai cố tri...

hoan-canh-ra-doi-con-duong-xua-em-di-cua-chau-ky-ho-dinh-phuong-6
Bản gốc "Con đường xưa em đi" do VCPMC cung cấp

Đến đoạn nhạc tiếp theo chính là sự xa cách tình nhân, có là "chiến trường anh bước đi", ra đi về miền biên địa đã mấy mùa mưa gió không ngày về, để lỡ làng "những mùa trăng vu quy"....

"Em ơi nhìn gió lên khơi, 

lòng có trông vời một người xa cuối trời? 

Nơi đây phiên gác canh dài, 

e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài. 

.

Em ơi màu áo phong sương, 

mình ước huy hoàng 

được bàn tay chính nàng

.

Dâng hoa, dâng hết ân tình 

Tình đến bao giờ 

Hỏi đường xưa mà nhớ… 

Con đường xưa em đi 

.

Thời gian có quên gì 

Đá mòn kia vẫn ghi, 

ghi một đêm trăng thanh 

Quán bên đường vắng tênh 

Chỉ còn em với anh.

Nếu đoạn đầu là tâm sự của người ở lại thì đoạn sau là suy tư của chàng trai nơi đầu tuyến. Chàng luôn có niềm ao ước giản dị nhưng cũng thật huy hoàng, đó là rũ bỏ áo phong sương để trở về tìm lại con đường xưa, nối lại tình duyên sau nhiều ngày xa cách. 

Vì sao ca khúc "Con đường xưa em đi" từng bị dừng lưu hành?

Tháng 3/2017, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong đó đề cập đến quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 do vi phạm bản quyền tác giả và quyền liên quan.

5 ca khúc bị tạm dừng lưu hành là: Cánh thiệp đầu xuân; Chuyện buồn ngày xuân; Con đường xưa em đi; Đừng gọi anh bằng chú; Rừng xưa. 

Hội đồng Nghệ thuật thuộc Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, "Con đường xưa em đi" là một trong 5 ca khúc bị tạm dừng lưu hành do vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Cụ thể, ca khúc "Con đường xưa em đi" đã bị thay đổi lời. 

hoan-canh-ra-doi-con-duong-xua-em-di-cua-chau-ky-ho-dinh-phuong-0
Nhạc sĩ Châu Kỳ

Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, những ca khúc, dị bản sai lời so với bản gốc sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn.

Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng việc "cấm vì dị bản" là chưa thỏa mãn đồng thời yêu cầu công bố bản gốc ca khúc. 

Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đã gửi công văn lên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương yêu cầu xem xét quyết định trên. Hội này cho rằng việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn xác định lời bài hát gốc của các tác giả trước 1975 "là việc làm cần thiết" nhưng cần tham khảo ý kiến của nhiều phí, "cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng" trong việc thẩm định nhằm tránh "hiểu lầm, suy diễn không có lợi". 

Ngày 14/4/2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã gửi công văn yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc bên trên. Đồng thời yêu cầu Cục này "tổ chức kiểm điểm sâu sắc" những cá nhân và tập thể có liên quan. Sau chỉ đạo này, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã rút lại quyết định cấm lưu hành 5 ca khúc nhạc vàng trên.

Bản gốc ca khúc "Con đường xưa em đi" đang ở đâu?

Vào năm 2017, khi được hỏi về bản gốc và bản sửa của ca khúc "Con đường xưa em đi", bà Kha Thị Đàng cho biết: Do thời chiến tranh, gia đình cũng từng chạy loạn nên bị thất lạc bản gốc, còn bản sửa do chính nhạc sĩ Châu Kỳ chỉnh sửa thì gia đình không lưu lại. Nhưng cũng theo bà Đàng, trong một cuốn hồi ký do bà viết có nói về 300 ca khúc của chồng trước khi qua đời có tên gọi "Thi Đàng Kỳ Duyên". Trong đó, bà có viết mấy câu giới thiệu về bài "Con đường xưa em đi". 

Theo báo Dân trí, vào đầu tháng 4/2017, nhà báo Phan Phương - Trưởng ban hội viên của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khẳng định, lúc sinh thời nhạc sĩ Châu Kỳ đã ủy quyền cho Trung tâm này bảo vệ quyền tác giả của khoảng 300 ca khúc do nhạc sĩ sáng tác. Trong đó có nhạc phẩm "Con đường xưa".

hoan-canh-ra-doi-con-duong-xua-em-di-cua-chau-ky-ho-dinh-phuong-8
Ca khúc "Con đường xưa em đi"

Năm 2004, nhạc sĩ Châu Kỳ trực tiếp ký hợp đồng ủy quyền cho VCPMC. Sau khi ông mất, tháng 8/2008 - đại diện của cố nhạc sĩ là vợ ông (bà Kha Thị Đàng) tiếp tục ký hợp đồng ủy thác quyền tác giả cho Trung tâm. Hiện Trung tâm còn lưu giữ bản gốc của ca khúc “Con đường xưa em đi” do nhạc sĩ Châu Kỳ cung cấp.

Theo nhà báo Phan Phương, ca khúc với tên tác giả là Châu Kỳ - Hồ Đình Phương được phổ biến từ ngày 1/9/1969 theo giấy phép số 3577 BTT/NBC/PHNT. Bản gốc này do Thanh Tuyền và Chế Linh thu thanh vào đĩa hát “Việt Nam”, hòa âm và ban nhạc: Y Vân.

"Trong hợp đồng ủy quyền cho VCPMC của nhạc sĩ Châu Kỳ có phần xác nhận của chính nhạc sĩ cũng như người nhà đại diện cho nhạc sĩ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản nhạc của mình", nhà báo Phan Phương chia sẻ. 

VCPMC chia sẻ lời gốc của ca khúc "Con đường xưa em đi" 

Theo phía VCPMC, lời gốc của ca khúc "Con đường xưa em đi" như sau:

“Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê

Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi

Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về

Chiến trường anh bước đi

Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe... Hỏi còn ai cố tri

Em ơi! nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời?

Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài

Em ơi! màu áo phong sương, mình ước huy hoàng được bàn tay chính nàng

Dâng hoa, dâng hết ân tình

Tình đến bao giờ

Hỏi đường xưa mà nhớ… con đường xưa em đi

Thời gian có quên gì

Đá mòn kia vẫn ghi, ghi một đêm trăng thanh

Quán bên đường vắng tênh

Chỉ còn em với anh". 

Trong bản gốc do VCPMC cung cấp có viết rõ cụm từ: "Chiến trường anh bước đi" và "Nơi đây phiên gác canh dài".

Trước đó, bà Kha Thị Đàng chia sẻ rằng, vì sợ ngành chức năng e ngại 2 cụm từ đó nên tác giả đã chỉnh sửa: "Chiến trường anh bước đi" thành "Lối mòn anh bước đi" và "Nơi đây phiên gác canh dài" thành "Nơi đây thao thức canh dài".

Với câu chuyện này, phía VCPMC phản hồi: "Có thể tác giả chỉ sửa lại bằng miệng, chưa có trao đổi gì với phía trung tâm, cũng như không có giấy tờ chứng nhận về bản nhạc tác giả đã sửa lại". 

Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời ca khúc Hai vì sao lạc: Hóa ra không phải kể về một câu chuyện tình yêu

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận