Chuyện ít biết về hoàn cảnh ra đời "Bâng khuâng chiều nội trú"- ca khúc nổi tiếng nhất của Nguyễn Trung Cang
"Bâng khuâng chiều nội trú" là ca khúc nói thay tiếng lòng của hàng vạn sinh viên ký túc xá năm xưa. Đây cũng là ca khúc thành công nhất của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang sau năm 1975.
CA KHÚC "BÂNG KHUÂNG CHIỀU NỘI TRÚ"
- Thơ: Hoài Mỹ
- Sáng tác: Nguyễn Trung Cang
- Thể loại: Nhạc vàng
- Năm ra đời: 1981
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Tuấn Ngọc
Ca khúc "Bâng khuâng chiều nội trú" ra đời trong hoàn cảnh nào?
Tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang gắn liền với ban nhạc Phượng Hoàng lừng danh một thời. Ông thuộc nhóm nhạc sĩ tiên phong trong phong trào nhạc trẻ thập niên 1970. Ông sáng tác "khỏe" trong giai đoạn trước 1975 với các tác phẩm nổi bật như: Thương nhau ngày mưa, Bước tình hồng, Mặt trời đen...
Sau năm 1975, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang có sáng tác nhưng số lượng rất khiêm tốn. Hai ca khúc nổi bật ở giai đoạn này là "Bâng khuâng chiều nội trú" và "Còn yêu em mãi". Trong đó, "Bâng khuâng chiều nội trú" được xem là ca khúc hay nhất của ông ở giai đoạn sau 1975.
Ca khúc "Bâng khuâng chiều nội trú" không chỉ ấn tượng bởi lời ca, giai điệu mà còn khiến người nghe tò mò bởi hoàn cảnh sáng tác khá đặc biệt. Được biết, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang viết ca khúc này vào năm 1981. Khi đó ở Việt Nam đang "cấm đoán nhạc vàng" nên ông đã gửi bài hát ra nước ngoài. Bài hát này đã được Tuấn Ngọc thể hiện và nhanh chóng trở nên nổi tiếng... Sau đó, "Bâng khuâng chiều nội trú" ngược dòng trở về Việt Nam. Cũng vì ca khúc được phổ biến trước ở nước ngoài nên không ít người nhầm tưởng nó ra đời trước năm 1975.
"Bâng khuâng chiều nội trú" là ca khúc được yêu thích nhất của sinh viên hơn 30 năm trước với câu chuyện về hoàn cảnh ra đời khá thú vị. Câu chuyện bắt đầu từ hai bài thơ được một thiếu nữ trường Luật viết trong buổi chiều mưa tầm tã năm 1981. Bạn trai của cô gái này là bạn thân của Nguyễn Trung Cang. Mối quan hệ bắc cầu này đã dẫn đến sự ra đời của bài hát "Bâng khuâng chiều nội trú".
Người viết bài thơ "Bâng khuâng chiều nội trú" (được nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang lấy cảm hứng soạn ra phần đầu bài hát) và "Mưa" (được đưa vào đoạn B trong cấu trúc A - B của bài hát) là cô sinh viên Hoài Mỹ - khi đó là sinh viên trường Tư pháp TP Hồ Chí Minh (nay là ĐH Luật). Năm đó, cô làm thơ vui theo cảm xúc của tuổi trẻ.
Sau nhiều năm trôi qua kể từ ngày bài thơ và bài hát ấy ra đời, Hoài Mỹ gần như quên bẵng câu chuyện chiều mưa ký túc xá năm ấy. Đến một ngày, khi cô đang làm việc ở Long Xuyên (An Giang) thì nghe được bài hát trong quán cà phê qua giọng ca Tuấn Ngọc và nhớ lại là sau 2 bài thơ ra đời, anh Phương Thái (người yêu sau là chồng) đã đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang xem và nhạc sĩ đã thích thú rồi phổ nhạc bài thơ này.
Hoài Mỹ còn nhớ là cô đã được xem bản thảo gốc với nét bút của Nguyễn Trung Cang. Nhưng ở thời điểm ấy, những ca khúc như "Bâng khuâng chiều nội trú" không có chỗ trên sân khấu ca nhạc vì bị quy là "nhạc tiểu tư sản".
Nếu để so sánh thì lời thơ ban đầu khác khá xa so với lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Dưới đây là lời thơ được trích theo trí nhớ của Hoài Mỹ:
Bài thơ "Bâng khuâng chiều nội trú"
Chiều nội trú bâng khuâng
Trong đôi mắt anh học viên tư pháp
Tôi bắt gặp cái nhìn
Dù tôi đi gần
Dù tôi đi xa
Cái nhìn ấy suốt đời tôi nhớ
Ôi! Cái nhìn thân thuộc quá
Một cái nhìn làm tôi lớn khôn lên
Bài thơ "Mưa"
Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa tí tách giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao em buồn lại nhớ thương anh
Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa quấn quýt thì thầm trên ngói
Anh có nghe mưa tưởng chăng lời em nói
Rất nồng nàn tha thiết yêu anh
Như tiếng hát anh xưa
Tiếng hát êm đềm
Như mưa hôm nay
Mưa âm thầm gợi nhớ
Như em yêu anh em buồn vô cớ
Như anh rất gần mà anh rất xa
Cũng theo Hoài Mỹ, bài thơ "Bâng khuâng chiều nội trú" có một nhân vật chính khác ngoài cô, đó là anh bạn cùng trường, học trước 1 khóa. Một chiều mưa đến chơi phòng Hoài Mỹ trong khu nội trú. Và ánh mắt của anh, cái nhìn của anh trong cơn mưa rả rích đã khiến Hoài Mỹ tức cảnh sinh... thơ. Và đó là hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
Còn với bài thơ "Mưa" lại là một trạng thái cảm xúc khác. Đây là bài thơ dành cho người yêu. Anh bạn tự pháp ngày đó tên là Chánh, hiện đang công tác ở tòa án. Còn Hoài Mỹ hiện không làm trong ngành tư pháp. Mỗi khi nghe lại bài hát này, Hoài Mỹ thấy nhớ thời sinh viên, nhớ tình bạn giữa cô, anh Thái và Nguyễn Trung Cang. Đó là kỷ niệm đẹp thời thanh xuân của mỗi người.
"Bâng khuâng chiều nội trú" - ca khúc nói thay tiếng lòng của sinh viên nội trú năm xưa
Như đã chia sẻ, "Bâng khuâng chiều nội trú" là ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang sau năm 1975. Qua tiếng hát của Tuấn Ngọc, ca khúc dường như nói thay nỗi lòng của hàng vạn sinh viên ký túc xá:
"Chiều nội trú bâng khuâng như đôi mắt ai ngày nào tao ngộ
Chiều nội trú bâng khuâng như đôi mắt ai vời vợi tha thiết
Ánh mắt thật gần mà cũng thật xa
Ôi yêu thương quá ánh mắt êm đềm
Mong tình yêu cho hồn trở lớn khôn thêm..."
Không gian chiều nội trú chở theo những cảm xúc của thuở bắt đầu mơ mộng, biết buồn, biết nhớ. Có một chiều nội trú xa xăm tơ tưởng. Để rồi khi bất chợt nhận ra ánh mắt ai da diết quá khiến lòng bồi hồi đến lạ, vừa trông chờ, vừa nghi vấn. Lúc này, tâm hồn tựa như cánh cửa được đẩy ra để đón nhận những rung động đầu đời đang chớm nở.
Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang đã dùng giai điệu dịu dàng mà dè dặt, ngọt ngào nhưng thoáng chút ưu tư để mở đầu cho ca khúc "Bâng khuâng chiều nội trú". Cách này như để khơi gợi lại cái thuở ban đầu lưu luyến trong miền hoài niệm riêng của mỗi người. Giữa khung trời nội trú, một tâm hồn bẽn lẽn dại khờ đang trở mình biết suy tư:
"Là một thoáng mây bay trong đôi mắt ai một ngày nắng đẹp
Là một thoáng giăng mây trong đôi mắt ai một ngày u ám
Ánh mắt mơ hồ phủ kín hồn tôi
Nghe sao chới với có thể quên người
Mưa chiều nay cho hồn tôi luống bâng khuâng..."
Trong chiều bâng khuâng, "đôi mắt ai" trở nên thân thuộc quá, tình cảm trong sáng ấy từ sự chớm nở dần thành sâu đậm. Mắt ai vui thì hồn ta trong trẻo, mắt ai buồn thì hồn ta u ám.
Không còn là những xao động nhất thời, ánh mắt yêu thương giờ đã ngập tràn cả cảm xúc tương tư. Ôi, ánh mắt lãng đãng như mây trời, mây mê say sưa, níu bước ai trong chiều mưa. Không rõ cơn mưa đầu mùa là khách thể đồng cảm, góp thêm nỗi da diết hay chính là chủ thể trữ tình đang rì rào trong man mác bâng khuâng:
"Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa quấn quít giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao ta buồn lại nhớ thương nhau
Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa tí tách thì thầm trên ngói
Em có nghe mưa tưởng chăng lời anh nói
Rất nồng nàn ngọt tiếng: yêu em..."
Chẳng có chiều nào miên man bằng chiều mưa nội trú, lặng nhìn mưa rơi, lặng nghe tiếng tí tách, lòng bồi hồi thầm ghen với những hạt mưa nhỏ có đôi, đang rì rào ca khúc tự tình. Để rồi, mượn âm thanh ấy để nói về chút tương tư đầu đời, gửi lời nhớ thương.
Nhạc vừa réo rắt, vừa vui say, vừa nồng nàn, dịu nhẹ như mối tình đầu trong khung cảnh ký túc, làm dâng trào những cảm xúc vụng dại lãng mạn vô cùng... Từ trong khoảng xa xôi chợt về ánh mắt mê đắm năm cũ. Và biết đâu trong chiều mưa nào đó, ta lại thành ta của ngày xưa cũ, giũ đi những oằn nặng của đời, để tâm hồn bay bổng cùng những thanh âm dào dạt yêu thương...
Xem thêm: Top 3 ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận