Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Thiên thai": Tuyệt phẩm hoàn mỹ hiếm có của tân nhạc Việt Nam
Ca khúc "Thiên thai" của nhạc sĩ Văn Cao được coi là một trong những tuyệt phẩm của nền tân nhạc Việt Nam.
VỀ CA KHÚC THIÊN THAI
- Tên ca khúc: Thiên thai.
- Nhạc sĩ sáng tác: Văn Cao.
- Thể loại: Nhạc trữ tình.
- Năm phát hành: 1941 (có nơi ghi 1955).
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thái Thanh.
Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Thiên thai"
Ca khúc "Thiên thai" là một sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao. Đây là bài hát thuộc thể loại nhạc trữ tình, có âm hưởng như một vở opera hoặc bản trường ca. Người đầu tiên thể hiện ca khúc này là danh ca Thái Thanh, nằm trong album "Tiếng tơ đồng 2".
Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ca khúc "Thiên Thai" vào năm 1941, khi đó ông chỉ mới 18 tuổi. Trước đó vào năm 1940, ông có dịp vào thăm xứ Huế, ngồi ngắm cảnh bên bờ sông Hương. Phong cảnh thơ mộng, tựa như "chốn bồng lai" nơi đây đã khiến ông dạt dào cảm hứng sáng tác. Tiếp đó, ông lại có chuyến đi thuyền trên sông Phi Liệt tại Hải Phòng. Vừa lắng nghe ca trù, vừa ngắm cảnh sắc thiên nhiên, ông chợt nhớ lại cảm xúc khi đang ngắm sông Hương và viết nên bài hát này.
Năm 1994, nhạc sĩ Văn Cao có viết lời đề tựa cho ca khúc này. Ông ghi: "Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi, với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi...".
Đây là một bài hát có cấu trúc đặc biệt, được nhạc sĩ phối trộn tới 3 loại nhạc ngũ cung của Việt, Tây Nguyên và Trung Hoa. Tuy là kết hợp nhiều loại nhạc ngũ cung, nhưng Văn Cao vẫn có thể tài tình làm nên một khúc ca hài hòa hiếm có, với những nốt nhạc bay bổng đầy tinh tế.
Ca khúc "Thiên thai" và tuyệt phẩm hoàn mĩ về thiên nhiên đất trời
Ca khúc "Thiên thai" được sáng tác phỏng theo thơ của Hoàng Thoại, cũng như chịu ảnh hưởng từ câu chuyện của Lưu Thần và Nguyễn Triệu trong "U Minh Lục". Đây là một tiểu thuyết nổi tiếng Trung Quốc, ghi chép nhiều câu chuyện về thần linh, ma quỷ hư hư thực thực.
Sách "Thái Bình Quảng Ký" có trích dẫn lại câu chuyện này trong "U Minh Lục" của Lưu Nghĩa Khánh như sau: Hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu đang tới núi Thiên Thai hái thuốc thì không may bị lạc. Đi mất mấy ngày, không tìm được đường ra, lương thực cũng hết, những tưởng sắp chết thì thấy trên vách núi phía xa có cây đào đầy ắp quả. Họ níu vào dây leo mà lên, mỗi người ăn vài trái cây cho đỡ đói, không ngờ sức khỏe hồi phục, cảm thấy khỏe khoắn hơn cả. Lại tiếp sau đó họ đi vào tiên cảnh, gặp hai tiên nữ trò chuyện thân mật, gọi là "lang quân", liền sống ở đây một thời gian dài. Đến khi Lưu Thần và Nguyễn Triệu rời núi mà về quê hương, mới hay cảnh vật năm xưa đã thay đổi, tựa như vài trăm năm đã trôi qua.
Mở đầu bài hát, nhạc sĩ Văn Cao đã mượn câu chuyện để nói về chuyện chính mình "đi lạc". Văn Cao vì mê mẩn tiếng hát sóng xô, mà lạc bước vào cõi tiên lúc nào chẳng hay.
"Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
Theo gió tiếng đàn xao xuyến"...
Cái hay của "Thiên Thai" là âm hưởng trầm bổng, du dương hài hòa như một bản nhạc giao hưởng. Những khuôn nhạc biến hóa tuần tự một cách tinh tế, hòa hợp hoàn hảo với giai điệu thần tiên. Người nghe tưởng chừng như thoáng thấy cảnh tiên thơ mộng, với những câu hò, tiếng hát của các chàng trai cô gái, hay tiếng đàn cầm réo rắt trong veo.
"Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn"
Nhạc sĩ Văn Cao đã khởi lên cả một thước phim sinh động về chốn bồng lai tiên cảnh, với những hư hư thực thực kỳ ảo hiếm có. Thiên Thai chính là đây rồi, khung cảnh trinh nguyên chưa từng nhuốm bụi trần dơ bẩn. Chẳng biết đây là đêm hay ngày, chỉ biết dịu dàng "môt mùa đào dòng", chưa từng biết đến hai chữ tàn phai. Chốn tiên ấy tựa như một giấc mơ ngàn đời không thể chạm, là khu vườn cấm chỉ có thể ngắm nghía từ xa.
"Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát cuộc tình duyên
Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần"
Bỗng chốc, nỗi nhớ quê nhà lại dâng lên trong lòng người lữ khách, kết hợp hài hòa với giai điệu trùng xuống. Chưa kịp buồn lâu, đoạn xướng âm cao vút về "khúc bồng lai" lại làm ta thoáng nghe tiếng hát trong veo đón chàng lữ khách tới tiên giới. Tiếng nhạc văng vẳng cứ như ru, như say, khiến người nghe quên cả lối về, cứ muốn đắm chìm mãi ở cõi mộng ấy.
"Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi, chắc không đường về
Tiên nữ ơi,
Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên"...
Chỉ tiếc, cuộc vui nào cũng có lúc tàn, chuyến thăm "Thiên Thai" cũng dần đến hồi kết. Trần duyên chưa dứt, người phàm nhớ nhung cõi thực, cũng là lúc mà chốn tiên mờ dần, trôi về nơi xa. Đó cũng chính là nỗi lòng nhớ nhung quê nhà của Văn Cao, luôn âm ỉ không thể nào dập tắt, dẫu cho tâm trí có choáng ngợp trước cảnh sắc thần tiên...
Trong video âm nhạc "Giấc mơ một đời người", nhạc sĩ Văn Cao có từng nhắc lại ca khúc "Thiên thai" tuyệt mỹ ấy. Ông nói: "Tại sao tôi nói tới Thiên Thai, là bởi có một nơi, một cõi nào đó, người ta coi như đất hứa. Không ai tìm được trên cái cõi thế gian này, tìm mãi trong những hoài niệm của mình tuổi thanh niên, thì nhớ ra rằng có lần tìm ra được". Có lẽ, ông cũng từng tìm ra được cõi "Thiên thai" cho chính mình, nhưng rồi vì còn nhung nhớ trần thế mà chẳng thể ở lại.
Đôi nét về nhạc sĩ Văn Cao
Nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 1995) tên thật là Nguyễn Văn Cao, quê gốc Hải Phòng. Ông học âm nhạc từ rất sớm, là một người có năng khiếu nghệ thuật cao. Ông chính là "cha đẻ" của "Tiến quân ca", bài hát được chọn là quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa , sau đó là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thời điểm sáng tác "Thiên Thai", nhạc sĩ Văn Cao chỉ mới 18 tuổi. Thế nhưng, đây là một ca khúc được giới chuyên môn đánh giá rất cao, dành tặng những lời xưng tụng cao nhất. Không ít nhà phê bình âm nhạc nhận xét rằng, đây là "đỉnh cao của nền tân nhạc Việt Nam". Ca khúc "Thiên thai" được cho là tuyệt phẩm hoàn mỹ, thể hiện tài năng "trời cho" của Văn Cao về lĩnh vực âm nhạc, thi ca và hội họa.
Trong lĩnh vực âm nhạc, ông được coi là một nhạc sĩ "huyền thoại", với vô số ca khúc bất hủ. Một số ca khúc tiêu biểu do ông sáng tác là: "Tiến quân ca", "Buồn tàn thu", "Trường ca Sông Lô", "Làng tôi", "Thiên thai", "Tiến về Hà Nội", "Mùa xuân đầu tiên",...
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận