Văn Cao và Phạm Duy: Tình bạn hiếm có khó tìm qua lời kể của họa sĩ Văn Thao
Trong một lần trò chuyện với họa sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao), nhạc sĩ Phạm Duy bộc bạch: "Tao luôn ganh đua với bố mày.... Bố mày giỏi quá. Tao không bằng được"...
Họa sĩ Văn Thao - con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao là người nắm giữ nhiều câu chuyện, kỷ niệm về tình bạn đẹp trong cả âm nhạc của đôi bạn thân Văn Cao - Phạm Duy. Mỗi lần kể và bố và người bạn thân, họa sĩ Văn Thao đều vô cùng hứng khởi, dốc hết tâm can để chia sẻ.
Ở bài viết này, chúng tôi xin lược thuật lại câu chuyện về tình bạn đẹp giữa nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy qua lời kể của họa sĩ Văn Thao:
Tình bạn bắt đầu từ lời khuyên "mày nên đi vào sáng tác"
Trong một lần được hãng truyền thông quốc tế phỏng vấn về nhạc sĩ Phạm Duy, họa sĩ Văn Thao chia sẻ, cha ông từng hết lời khen ngợi người bạn thân. Nhạc sĩ Văn Cao nói: Đứng về phương diện nghệ thuật, Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho tân nhạc Việt Nam. Và theo tôi, Phạm Duy thực sự là một nhà văn hóa".
Nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy quen nhau năm 1944 tại Hải Phòng trong một cơ duyên âm nhạc rất thú vị. Năm đó, Phạm Duy theo gánh hát cải lương Đức Huy Charlot Miều (mới thành lập) xuống Hải Phòng biểu diễn. Trong gánh hát, lúc đầu Phạm Duy làm những công việc tạp vụ như dọn phông màn, bán vé, xếp chỗ ngồi, vẽ quảng cáo...
Sau một vài đêm diễn, ông chủ gánh hát phát hiện Phạm Duy có giọng hay nên đã bổ sung ông vào hát lấp chỗ trống trong thời gian thay cảnh. Phạm Duy lần đầu bước ra sân khấu với phong cách lãng tử và giọng ca ấm áp. Ông thể hiện mượt mà ca khúc "Bản đàn xuân" của Lê Thương và "Con thuyền không bến" của Đặng Thế Phong. Ngoại hình và tiếng hát của Phạm Duy đã gây được thiện cảm cho khán giả.
Thông qua một vài người bạn ở Hải Phòng, Phạm Duy biết tới những sáng tác của Văn Cao. Ngày đó, ca khúc "Buồn tàn thu" của Văn Cao được Phạm Duy biểu diễn và được khán giả Hải Phòng yêu thích.
Phạm Duy hát nhạc Văn Cao nhưng không hề biết rằng, lúc đó Văn Cao cũng đang sống ở Hải Phòng. Bạn bè của Văn Cao là Trần Liễn, Doãn Tòng đi xem hát về kể ngay với Văn Cao: "Có một tay ca sĩ trẻ hát 'Buồn tàn thu' của mày rất hay". Văn Cao khá ngạc nhiên và quyết định đi nghe Phạm Duy hát.
Sau đêm nhạc đó, một người bạn đã dẫn Phạm Duy đến nhà Văn Cao nằm ở góc bến Bính, Hải Phòng. Qua những câu chuyện âm nhạc, tình bạn của hai người bắt đầu nảy nở. Những cuộc gặp gỡ chóng vánh chưa đủ để Văn Cao hiểu rõ về Phạm Duy. Nhưng Văn Cao đã nhìn thấy trước được "tiềm năng âm nhạc" trong con người Phạm Duy, vì thế ông động viên và khuyên "mày nên đi vào sáng tác...". Và Phạm Duy đã đồng ý. Những nốt nhạc đầu tiên của ông có sự góp ý, trao đổi của người bạn Văn Cao.
Trong hồi ký của mình, Phạm Duy có viết: "Trong thời gian ở Hải Phòng... tôi có may mắn gặp một người bạn. Người đó là Văn Cao".
Sau gần 2 tháng biểu diễn ở Hải Phòng, Phạm Duy tạm biệt Văn Cao rồi cùng gánh hát tiếp tục hành trình từ Bắc vào Nam để biểu diễn. Trong hành trang của mình, Phạm Duy mang theo một số tác phẩm của Văn Cao. Phạm Duy là người góp phần không nhỏ vào việc giới thiệu âm nhạc của Văn Cao đến đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, Phạm Duy cò bắt đầu chắp bút viết nhạc.
Có một điều khá thú vị, những nhạc phẩm đầu tay của Phạm Duy có ảnh hưởng khá nhiều từ các sáng tác của Văn Cao, thậm chí nội dung của một số ca khúc cũng mang sự tiếp nối và phát triển từ âm nhạc của Văn Cao.
Ví dụ như: Văn Cao có "Trương Chi" thì Phạm Duy có "Khối tình Trương Chi"; Văn cao có "Trường ca sông Lô" thì Phạm Duy có "Tiếng hát trên sông Lô"; Văn Cao có "Thiên thai" thì Phạm Duy có "Tiếng sáo thiên thai"...
Nâng nhau trong âm nhạc
"Nhạc tình của nó hay, nhạc cùng của nó cũng hay không kém" - Phạm Duy
Vào trung tuần tháng 6/1945, nhạc sĩ Phạm Duy rời gánh hát Đức Huy để trở thành ca sĩ tự do tại Sài thành. Cuối tháng 10/1945, ông ngược ra Hà Nội gặp lại Văn Cao. Biết bạn mình là tác giả "Tiến quân ca" và một loạt ca khúc cách mạng nổi tiếng, Phạm Duy mừng cho bạn lắm.
Gặp Văn Cao và một số bạn bè ở một số tụ điểm âm nhạc tại Hà Nội, lúc đó, Phạm Duy đã trở thành một ca sĩ thành danh và cũng đã có trong tay một số sáng tác được ghi nhận như: Cây đàn bỏ quên, Gươm tráng sĩ, Khối tình Trương Chi, Chinh phụ ca. Song đứng trước Văn Cao - người bạn thân thiết, Phạm Duy vẫn thốt lên: "Văn Cao thật là một con người tài hoa. Nhạc tình của nó hay, nhạc hùng của nó cũng hay không kém như: Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam...".
Đầu năm 1946, nhạc sĩ Phạm Duy gia nhập đội quân Nam tiến vào chiến trường miền Nam, chiến đấu tại mặt trận Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến tháng 10/1946, Phạm Duy trở lại Hà Nội, lang tang hát ca tại một số phòng trà.
"Thế mạnh của mày là dân ca... hãy khai thác và đưa chất liệu dân ca vào những sáng tác" - Văn Cao
Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, nhạc sĩ Văn Cao được giao nhiệm vụ tổ chức đưa một số đoàn văn nghệ sĩ tản cư đi kháng chiến. Văn Cao gặp Phạm Duy tại một quán cà phê ở Phố Huế. Ông trao cho bạn một tâm giấy giới thiệu Phạm Duy về công tác tại Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam ở chùa Trầm. Nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng, Phạm Duy bỏ đài gia nhập đoàn kịch Giải Phóng của họa sĩ Phạm Văn Đôn.
Đầu tháng 5/1947, đoàn kịch Giải Phóng đến Lao Kay, Phạm Duy gặp lại Văn Cao. Ở đây, Văn Cao có mở một quán nhạc tên Biên Thùy (bên kia cầu Cốc Lếu) làm vỏ bọc cho hoạt động của mình (khi ấy Văn Cao phụ trách Đội điều tra Công an Liên khu X). Với uy tín của mình, Văn Cao thành lập một ban nhạc tập hợp nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ có tên tuổi từ Hà Nội, Hải Phòng để phục vụ khách hàng thâu đêm.
Gặp lại bạn ở quán Biên Thùy, Phạm Duy liền bỏ đoàn kịch Giải Phóng và rủ cả ca sĩ Mai Khanh cùng nhạc sĩ Ngọc Bích ở lại với Văn Cao. Gặp bạn lần này, Phạm Duy không chỉ là ca sĩ thành danh mà còn là nhạc sĩ cứng nghề. Văn Cao cũng coi Phạm Duy như đồng nghiệp. Hai người có thời gian bàn bạc, trao đổi với nhau về nghệ thuật, hiểu rõ về nhau hơn.
Nhạc sĩ Văn Cao cũng rất thẳng thắn khi khuyên Phạm Duy: "Thế mạnh của mày là ở dân ca. Hãy khai thác và đưa chất liệu dân ca vào những sáng tác. Tao tin mày sẽ thành công. Cần tìm cho mình một con đường, một phong cách riêng…”.
Sau cuộc gặp gỡ này, Phạm Duy hăng say sáng tác. Năm năm đi theo kháng chiến với hơn 40 ca khúc, Phạm Duy trở thành nhạc sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho giai đoạn đó với các ca khúc: Nhạc tuổi xanh, Nương chiều, Bà mẹ quê, Bà mẹ Gio Linh, Tiếng đàn tôi, Quê nghèo...
Cãi nhau vì tính cách bất đồng
Phạm Duy là người phóng khoáng lại đào hoa, tính cách này khác hẳn với Văn Cao. Phạm Duy hát tại quán Biên Thùy của Văn Cao gần ba tháng thì lại cùng Bích Thùy chia tay Văn Cao ra đi. Cuộc chia tay của đôi bạn thân lần này không vui vẻ lắm vì trong thời gian này, Phạm Duy "phải lòng" một cô gái nhảy là nhân viên hoạt động trong đội điều tra của Văn Cao. Mối quan hệ này đã làm ảnh hưởng đến công việc của Văn Cao.
Không chấp nhận việc này, Văn Cao tức giận, đuổi nhạc sĩ Phạm Duy đi. Trước khi dứt tình ra đi, Phạm Duy đã để lại cho người đẹp tình khúc nổi tiếng: Bên cầu biên giới (trong cuốn Phạm Duy còn đó nỗi buồn, Tạ Tỵ có viết về sự kiện này). Phạm Duy lại tiếp tục con đường du ca của mình.
Đến cuối năm 1949, Phạm Duy kết hôn với ca sĩ Thái Hằng (em nhạc sĩ Phạm Đình Viêm) ở Thanh Hóa. Giữa năm 1950, vợ chồng Phạm Duy được triệu tập lên Việt Bắc dự Đại hội Văn nghệ. Phạm Duy gặp lại Văn Cao và đây là cuộc gặp cuối cùng giữa hai người để rồi họ xa nhau mãi mãi.
Sau đại hội Văn nghệ, Phạm Duy trở về Thanh Hóa. Đến ngày 1/5/1951, Phạm Duy cùng gia đình từ bỏ kháng chiến về Hà Nội rồi vào Sài Gòn sinh sống.
Phạm Duy coi Văn Cao là bậc thầy: "Bố mày giỏi quá... Tao không bằng được"
Mặc dù từng xảy ra xích mích cãi nhau và giờ mỗi người sống ở một phương trời khác nhau nhưng Phạm Duy luôn kính trọng Văn Cao. Ông coi Văn Cao là một nhạc sĩ lớn có ảnh hưởng trong sự nghiệp sáng tác của mình. Còn với Văn Cao, Phạm Duy là người có công quảng bá các nhạc phẩm của ông đến với công chúng mọi miền tổ quốc. Nhạc của Văn Cao cũng được Phạm Duy đem ra phân tích, bình phẩm và ca ngợi.
Khi bình phẩm về "Trường ca sông Lô", nhạc sĩ Phạm Duy đã viết: "Trường ca Sông Lô là một tác phẩm vĩ đại. Thằng bạn này vẫn là kẻ khai phá. Nó là cha đẻ của loại trường ca. Về hình thức, bài của nó chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây phương”.
Theo lời họa sĩ Văn Thao, đầu thập niên 1990, đã có tin đồn về việc Phạm Duy xin về nước. Đến năm 1994 thì bà Thái Hằng về và đến thăm nhạc sĩ Văn Cao. Khi đó gia đình mới biết nhạc sĩ Phạm Duy xin về nước là chính xác.
Ít lâu sau, một cán bộ cấp cao bên ngành an ninh đã đến gặp nhạc sĩ Văn Cao hỏi ý kiến. Văn Cao nói: “Phạm Duy là một nhạc sĩ có tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước ta. Không thể phủ nhận được những tác phẩm của ông ta trong nửa đầu của cuộc kháng chiến. Nó là thằng bạn cũ của tôi. Tôi hiểu nó. Giờ đây Phạm Duy đã gần 80 tuổi rồi, còn làm gì được nữa đâu…”.
Đầu năm 2000, Phạm Duy về nước nhưng nhạc sĩ Văn Cao đã là người thiên cổ. Ông đến thăm mẹ con họa sĩ Văn Thao rồi ra mộ thắp hương cho bạn.
Trong những ngày ở Hà Nội, Phạm Duy thường đến thăm và trò chuyện với họa sĩ Văn Thao ở số nhà 102 Lê Lợi. Trong các cuộc trò chuyện ông đã chia sẻ nhiều kỷ niệm giữa hai người và cũng chẳng giấu những chuyện riêng tư của bản thân.
Trong một lần trò chuyện, Phạm Duy kể: "Tao luôn ganh đua với bố mày. Bố mày có Thiên Thai, tao cũng có Tiếng sáo Thiên Thai. Bố mày có Trương Chi, tao cũng có Khối tình Trương Chi. Bố mày có Trường ca Sông Lô, tao cũng có Tiếng hát Sông Lô. Bố mày giỏi quá. Tao không thể bằng được”.
"Rồi ông tặng tôi cuốn hồi ký của ông. Qua hồi ký của ông cùng với cuộc gặp này, khiến tôi hiểu ra một điều - không giống nhiều người khác, Phạm Duy không có tính đố kỵ và viết hồi ký rất trung thực", họa sĩ Văn Thao chi sẻ.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận