Nhạc sĩ Văn Cao với nghề báo: "Tôi làm báo 50 năm vẫn chưa là cái đinh gì so với thời ông Văn Cao làm báo"

Nhạc sĩ Văn Cao không chỉ soạn nhạc rất tài mà còn vẽ giỏi, làm thơ hay. Ít ai biết rằng, từng có một thời gian ông thuộc biên chế của báo Lao Động với vai trò họa sĩ và sửa mo-rat.

Đỗ Thu Nga
17:00 11/06/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Nhạc sĩ Văn Cao - người nghệ sĩ đa tài của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam

Nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 1995)  tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ra trong gia đình công chức ở Hải Phòng. Lúc nhỏ, ông học tại Trường Tiểu học Bonnal, sau lên học Trung học tại Trường Saint Josef. Đây cũng là nơi ông bắt đầu học nhạc, bén duyên với âm nhạc. 

Nhạc sĩ Văn Cao là "cha đẻ" của "Tiến quân ca" - quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông là nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam.

Nói về nhạc sĩ Văn Cao, PGS,TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Văn Cao là một người nhạc sĩ lớn, một người nghệ sĩ bậc thầy trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật  như âm nhạc, thơ ca, hội họa...

nhac-si-van-cao-va-chuyen-viet-bao-ve-tranh-minh-hoa
Nhạc sĩ Văn Cao rất đa tài, ông viết sáng tác nhạc giỏi, làm thơ hay, vẽ tranh cũng rất "nghệ"

Ở lĩnh vực âm nhạc, Văn Cao là nhạc sĩ tài hoa, cây đại thụ của nền âm nhạc chuyên nghiệp nước ta. Văn Cao được giới chuyên môn đánh giá là nhạc sĩ nổi bật nhất nền âm nhạc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX, cùng với Trịnh Công Sơn và Phạm Duy.

Nhạc sĩ Văn Cao có sáng tác đầu tay năm 16 tuổi (1939) với ca khúc "Buồn tàn thu. Từ năm 1941 đến 1943, ông lần lượt cho ra mắt nhiều nhạc khúc trữ tình như: Bến xuân, Thiên thai, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Suối mơ, Đàn chim Việt, Trương Chi...

Từ đầu thập niên 40, nhất là từ khi rời Hải Phòng lên Hà Nội, trong Văn Cao đã xuất hiện một giọng điệu âm nhạc mới, cứng cỏi, luôn hướng về dân tộc. Ông cho ra đời ca khúc "Gò Đống Đa", "Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang"... đây là những ca khúc thuộc thể loại hành ca và được xem là bước chuyển mình mới mẻ trong âm nhạc của Văn Cao.

Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý - cán bộ cách mạng và được thuyết phục tham gia Việt Nam với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc. Văn Cao đã viết những khuôn nhạc đầu tiên song căn gác số 171 phố Mongrant và dấu ấn đặc biệt nhất là ca khúc "Tiến quân ca". Bài hát được đăng trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập vào tháng 11/1944. Đến ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt "Tiến quân ca" làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Sau "Tiến quân ca", Văn Cao sáng tác nhiều hành khúc cách mạng khác như "Chiến sĩ Việt Nam", "Công nhân Việt Nam", "Không quân Việt Nam", "Tiến về Hà Nội"... Và trong thời gian này, ông cũng liên tục cho ra mắt các nhạc khúc trữ tình với tinh thần lạc quan, thắm đượm tình yêu quê hương đất nước như "Làng tôi", "Ngày mùa"... Và đỉnh cao nhất là "Trường ca Sông Lô".

Mùa xuân năm 1975, nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ca khúc "Mùa xuân đầu tiên". Theo lời tâm sự của ông, nếu "Tiến quân ca" là bản nhạc đưa những người lính ra trận thì "Mùa xuân đầu tiên" là bản nhạc đón những người lính trở về với khát vọng đoàn tụ, sum họp. 

nhac-si-van-cao-va-chuyen-viet-bao-ve-tranh-minh-hoa-8
Trương ca sông Lô là nhạc khúc rất nổi tiếng của Văn Cao

Nhắc đến Văn Cao, Giáo sư Phong Lê khẳng định: Đó là một nhà thơ lớn, bởi ông là tác giả của không ít bài thơ "làm tổ" trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ như: Ai về Kinh Bắc; Một đêm đàn lạnh trên sông Huế; Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc... Bên cạnh những bài thơ lẻ, Văn Cao còn có cả một tập thơ mang tên "Lá".

Sau thơ, Văn Cao còn viết văn xuôi với các truyện ngắn đã được đăng trên "Tiểu thuyết thứ Bảy" (1943) như: Dọn nhà, Siêu nước nóng... 

Văn Cao còn có tài hội họa. Năm 19 tuổi, ông dự học không liên tục Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 20 tuổi, ông đã họa nên nhiều bức tranh có tiếng như: Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm, Thái Hà ấp đêm mưa... Ấn tượng nhất có lẽ là tác phẩm "Cuộc khiêu vũ của những người tự tử". Sau này ông cũng để lại cho đời những tác phẩm nổi tiếng khác như: Chân dung bà Băng, Cổng làng, Cây đàn đỏ, Cô gái và đàn dương cầm...

nhac-si-van-cao-va-chuyen-viet-bao-ve-tranh-minh-hoa-2
Một số bức tranh do Văn Cao vẽ

Giáo sư Phong Lê cũng từng chia sẻ rằng, chính tư chất họa sĩ đã "cứu" Văn Cao trong suốt những năm khó khăn. Ông đã kiếm sống bằng việc vẽ tranh minh họa cho bìa sách, tranh minh họa cho báo...

Nhà báo, Nhà lý luận phê bình âm nhạc Trần Lệ Chiến thì đánh giá: Những sáng tác của Văn Cao ở 3 lĩnh vực âm nhạc - hội họa - thi ca đều đã được kiểm chứng và sàng lọc bởi thời gian. Tác phẩm của Văn Cao trường tồn cùng năm tháng. Bởi đó là những giá trị nghệ thuật đích thực - nghệ thuật vị nhân sinh.

nhac-si-van-cao-va-chuyen-viet-bao-ve-tranh-minh-hoa-6
Văn Cao làm nghệ thuật vị nhân sinh

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao là một người nghệ sĩ đặc biệt đa tài, cây đại thụ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. 

Và thực tế đã chứng minh, Văn Cao để lại cho đời rất nhiều tác phẩm có giá trị ở cả 3 lĩnh vực. Ông đã được Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1, năm 1996). Tên của ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Đà Nẵng...

Nhạc sĩ Nam Cao và chuyện vẽ, viết cho Báo Lao Động

Vì sao Văn Cao có thời gian gắn bó với Báo Lao Động và Văn Cao làm gì ở Báo Lao Động đã từng được họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ trên tờ Công an nhân dân khoảng năm 2015. 

Theo họa sĩ Văn Thao, sau Cách mạng Tháng Tám, ông Văn Cao được ông Nguyễn Khang và ông Nguyễn Thành giới thiệu đến nhà in Rạng Động - nơi chịu trách nhiệm trình bày, sửa mo-rat cho báo Độc Lập của Đảng Dân chủ và Lao động của Tổng Công đoàn Việt Nam. Trước Cách mạng Tháng Tám, Văn Cao từng phụ trách nhà in bí mật Phan Chu Trinh, in báo Độc Lập.

Nhà in Rạng Đông do ông Nghiêm Xuân Huyến làm chủ. Ông Huyến cũng từng là chủ bút của hai tờ báo Bắc Kỳ Thể Thao và Con Ong nổi tiếng một thời. Có không ít nhà văn, nhà báo như Vũ Bằng, Ngọc Giao, Hoàng Chương, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân... từng là bạn và là cộng tác viên của ông. Sau khi được Trần Huy Liệu giác ngộ, nhà in Rạng Đông trở thành một cơ sở bí mật của Mặt trận Việt Nam. 

nhac-si-van-cao-va-chuyen-viet-bao-ve-tranh-minh-hoa-4
Nhạc sĩ Văn Cao cùng cố Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng lãnh đạo Báo Lao Động tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày ra số báo đầu tiên

Trước Cách mạng Tháng Tám một tuần, ông Huyến bị Nhật bắn và đánh tử vong trong tù. Ông Nghiêm Bình (cháu ruột ông Huyến) đã thay ông lên làm quản lý. Ông Bình là cán bộ Việt Nam làm việc trong nhà in Rạng Đông. 

Với sự hướng dẫn tận tình của ông Bình, Văn Cao nhanh chóng nắm bắt được quy trình in ấn (hiện đại nhất lúc bấy giờ). Không lâu sau, Văn Cao có thể tự trình bày, xuất bản những nhạc phẩm của mình tại nhà in Rạng Đông.

Mặc dù thời gian làm việc ở báo Lao Động không dài nhưng có ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của Văn Cao. Trong đó có sự ra đời của ca khúc "Công nhân Việt Nam".

Họa sĩ Văn Thao kể, cuối tháng 12/1945, một chiều tối, hòa cùng những người công nhân trở về sau một ca làm việc, Văn Cao cảm thấy mình giống như một thành viên trong đội ngũ của những người công nhân hỏa xa. Đó là những con người nhân ái, đôn hậu, mạnh mẽ. Văn Cao đã đi cùng một tốp thợ dọc theo phố ga trở về căn gác nhỏ ở 45 phố Nguyễn Thượng Hiền. 

Đêm ấy ông không ngủ. Một nét nhạc cứ lặp đi lặp lại trong đầu. Một lời ca bật ra: "Công nhân Việt Nam tiến tới/Cùng sống tập đoàn, toàn thế giới công khai cùng kiến thiết xã hội ngày mai...". Khoảnh khắc đó, Văn Cao nhận ra rằng công cuộc kiến thiết đất nước nằm trong tay của giai cấp công nhân. Và ca khúc "Công nhân Việt Nam" cứ thế ra đời. Sau này, ca khúc "Công nhân Việt Nam" đã được chọn làm bài hát chính thức của Tổng Công đoàn Việt Nam.

nhac-si-van-cao-va-chuyen-viet-bao-ve-tranh-minh-hoa-3
Văn Cao từng cống hiến cho báo Lao động; trong ảnh là một số tác phẩm trưng bày tại Triển lãm “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao”

Nói về câu chuyện vẽ và viết của Văn Cao, ông Trần Đức Chính - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động nhận xét: "Tôi là lớp hậu sinh, đã làm báo 50 năm vẫn 'chưa là cái đinh' gì so với thời ông Văn Cao làm báo". 

Ông Chính kể, năm 1945, trụ sở báo Lao Động dọn về số 51 Hàng Bồ. Đây cũng là trụ sở Công vận xứ ủy Bắc Kỳ của Đảng. Ông Văn Cao đa tài, viết bài, biên tập, vẽ minh họa, sắp chữ, in báo. Thú thật, chưa có nhà báo làm làm được ngần ấy việc cho một tờ tuần báo.

Mặc dù không được xếp vào hàng danh họa, nhưng ông Văn Cao để lại dấu ấn trong lĩnh vực vẽ bìa sách và minh họa cho báo. Theo nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, chính Văn Cao và vài ba người (Bùi Xuân Phái, Sỹ Ngọc, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng...) vào những năm 60 đã mở hướng thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa... Có thể nói, Văn Cao đã lập được một trường phái minh họa và bìa sách. 

Từ những năm 70, Văn Cao chú trọng việc vẽ bìa báo Tết, báo Xuân. Năm 1974, ông xuất hiện trên tuần báo Văn nghệ, minh họa bìa cho ấn phẩm Xuân Giáp Dần. Từ đó trở đi, ông đều đặn xuất hiện trên các báo với vai trò người minh họa. Ông từng cộng tác cho báo Đại đoàn kết, Người Hà Nội, Lao Động... 

Xem thêm: Văn Cao và tiếng lòng khắc khoải qua ca khúc Trương Chi: "Trương Chi là tôi đấy!"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận