Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Sầu lẻ bóng”: Tiếng lòng khoắc khoải về người tình xa
Ca khúc “Sầu lẻ bóng” của nhạc sĩ Anh Bằng là bản tình ca day dứt về nỗi buồn mong đợi người yêu, được sáng dựa trên câu chuyện tình có thật trong đời cố nhạc sĩ.
CA KHÚC “SẦU LẺ BÓNG”
- Tên ca khúc: Sầu lẻ bóng
- Nhạc sĩ sáng tác: Anh Bằng
- Thể loại: Nhạc trữ tình
- Năm phát hành: 1963
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Sầu lẻ bóng”
Trong hàng trăm ca sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng trong suốt 60 năm sự nghiệp, “Sầu lẻ bóng” có thể được xem là bài tình khúc kinh điển nhất của thể loại nhạc vàng với giai điệu bolero trữ tình đầy cảm xúc. Bài hát này có đầy đủ yếu tố để trở thành một ca khúc bất tử với phần giai điệu mượt mà, tình cảm kết hợp với phần lời nhạc trau chuốt, da diết đầy cảm xúc.
“Sầu lẻ bóng” là tình khúc được nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác vào khoảng năm 1963. Bên trên tờ nhạc bài “Sầu lẻ bóng” xuất bản trước năm 1975 có để hình ca sĩ Mỹ Dung, nên nhiều người đồn đoán rằng, cô ca sĩ này chính là bóng hồng khiến Anh Bằng dây dứt, khoắc khoải viết nên giai điệu cô đơn, sầu thảm này.
Ca sĩ Mỹ Dung thời ấy không mấy nổi tiếng, nhưng cô lại chính là một trong những người tình tha thiết nhất của nhạc sĩ Anh Bằng. Danh ca Phương Dung từng tiết lộ về mối tình này trong một chương trình: “Tôi là bạn thân của ca sĩ Mỹ Dung. Mơ ước lớn nhất trong đời cô ấy chính là có một đứa con với nhạc sĩ Anh Bằng. Nhưng chính anh ấy nói với tôi rằng, anh yêu Mỹ Dung nhiều, nhưng anh cũng không thể bỏ vợ con của mình. Chính vì vậy, anh đành cắt đứng đoạn tình duyên đó, vì nếu cứ tiếp tục sẽ khiến vợ và con anh đau khổ. Sau đó hai người chia tay. Một thời gian sau Mỹ Dung mất, chính anh Anh Bằng đã tự tay làm đám tang cho cô. Cho tới khi mất, anh không có thêm một mối tình nào nữa”.
Vì quá day dứt và tiếc nuối vì mối tình dang dở mà người nhạc sĩ tài hoa đã thốt nên: “Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm…”. Sau ca khúc “Sầu lẻ bóng” đầu tiên, có lẽ nhạc sĩ Anh Bằng cảm thấy vẫn chưa đủ để nói hết tâm tình trong lòng, nên ông đã tiếp tục sáng tác thêm 2 bài “Sầu lẻ bóng” nữa và được đặt tên lần lượt là “Sầu lẻ bóng 2”, “Sầu lẻ bóng 3”.
Ca khúc này của nhạc sĩ Anh Bằng được rất nhiều nữ ca sĩ thu âm 50 năm trước, nổi tiếng có thể kể đến là Mỹ Thể, Giao Linh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh…
Cảm nhận về ca khúc “Sầu lẻ bóng”
Người ơi khi cố quên
Là khi lòng nhớ thêm
Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ
Mơ vui là lúc nghìn đắng cay xé tâm hồn
Tàn đêm tôi khóc khi trời mưa buồn hắt hiu
Lòng mình thầm nhớ dĩ vãng
Đau thương từ lúc vừa bước chân
Vào đường yêu
Mở đầu ca khúc là tiếng gọi “người ơi” đầy thiết tha, trìu mến gửi đến người tình đã cách xa với lời nhắn gửi tâm tình “khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”. Vẫn biết nhớ thương, đợi chờ này là vô vọng nhưng duyên tình đã trót trao người, kỷ niệm tình yêu trot sâu đậm trong lòng thì dễ gì mà quên đi được. Ngay từ lúc bước chân vào con “đường yêu” thì đã biết sẽ có lúc đau thương như vậy. Nhưng làm sao ngăn được sự rung cảm của lòng mình.
Đêm ấy mưa rơi nhiều
Giọt mưa tan tác mưa mùa ngâu
Tiễn chân người đi buồn che đôi mắt
Thắm ướt khi biệt ly
Nghe tim mình giá buốt
Hồi còi xé nát không gian
Xót thương vô vàn
Nhìn theo bóng tàu
Dần khuất trong màn đêm
Vẫn nhớ rõ đêm ấy, đêm tiễn chân người rời đi, một đêm mưa buồn hiu hắt, khiến nỗi biệt ly càng trở nên khắc khoải, u buồn. Tiếng còi vang lên, xé nát không gian, nhìn theo bóng tàu chở người đi mà trái tim tưởng chừng như ngừng đập. Người đi mang theo cả hồn tôi đi. Trời khóc mưa ngâu, người ở lại cũng khóc sầu biệt ly.
Mùa thu thương nhớ bao lần đi về có đôi
Mà người còn vắng bóng mãi
Hay duyên nồng thắm
Ngày ấy nay đã phai rồi
Từ lâu tôi biết câu thời gian là thuốc tiên
Đời việc gì đến sẽ đến
Nhưng ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên
Đã bao mùa thu thương nhớ, đợi chờ đi qua nhưng bóng người xưa vẫn chưa mãi chưa quay về. Bao đêm mưa buồn hiu hắt, tôi ôm nỗi sầu lẻ bóng, mòn mỏi đợi đời. Để rồi thương lòng thầm hỏi “Hay duyên nồng thắm ngày ấy đã phai rồi”, người ở phương xa ấy đã có người kề cạnh sớm hôm. Dẫu có biết thời gian là thuốc tiên, sẽ chữa lành mọi vết thương trong lòng. Nhưng sao tôi vẫn mãi không quên được người, càng cố quên lại càng nhớ thêm…hỡi người!
Nhạc sĩ Anh Bằng (1926 – 2015) là một nhạc sĩ tài hoa, nổi tiếng với kho tàng nhạc phẩm rất lớn, khoảng 650 ca khúc. Trong đó, có nhiều bản tình ca đi vào lòng người như “Chuyện giàn thiên lý”, “Anh còn nợ em”, “Sầu lẻ bóng”, “Chuyện tình Lan và Điệp”,…
Xem thêm: Bàn về "Khúc thụy du" của Anh Bằng: Liệu có viết đúng ý thơ Du Tử Lê không?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận