Bàn về "Khúc thụy du" của Anh Bằng: Liệu có viết đúng ý thơ Du Tử Lê không?
Nhắc đến bài hát “Khúc thụy du” mọi người đều biết đây là bài hát do nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác dựa trên bài thơ cùng tên của thi sĩ Du Tử Lê. Thế nhưng so với bài thơ gốc, nhạc phẩm “Khúc thụy du” đã được Anh Bằng “lái” theo một hướng khác, với tình yêu đôi lứa nồng nàn.
Nhạc sĩ Anh Bằng (1926 – 2015) tên thật là Trần An Bường, là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc vàng miền Nam với hơn 650 tình khúc để lại cho đời. Nhà thơ Du Tử Lê (1942 – 2019) tên thật là Lê Cự Phách, không chỉ là nhà thơ lớn, ông còn là chứng nhân của nhiều trào lưu văn nghệ tại miền Nam trước đây. Sinh thời, ông có hơn 300 tác phẩm thơ được phổ nhạc.
Trong đó, “Khúc thụy du” là bài nổi tiếng nhất. Bản gốc “Khúc thụy du” dài hơn 100 câu, khi được in trên tạp chí đã bị cắt hai phần ba. Du Tử Lê sau này cũng không còn nhớ được bài thơ gốc nên sử dụng văn bản đã lược đi để in sách.
Bài thơ “Khúc thụy du”: Tiếng kinh cầu của con người trước chiến tranh
Bài thơ “Khúc thụy du” được nhà thơ Du Tử Lê viết vào năm 1968, khi ấy ông 26 tuổi. Chứng kiến khung cảnh chiến tranh loạn lạc, từng giây từng phút trôi qua là muôn vàn đạn bom dội xuống, hận thù và cái chết tràn lan khắp mọi nơi. Lời thơ cứ thế bật ra, như tiếng kinh cầu của con người trước chiến tranh tàn khốc, từng dòng, từng dòng đỏ thẫm, tang thương:
“Như con chim bói cá/ tôi thường ngừng cánh bay/ ngước lên nhìn huyệt lộ/ bầy quạ rỉa xác người…/như con chim bói cá/ tôi lặn sâu trong bùn/ hoài công tìm ý nghĩa/ cho cảnh tình hôm nay…/đời sống như thân nấm/ mỗi ngày một lùn đi/ tâm hồn ta cọc lại/ ai làm người như tôi?”
Chàng trai trẻ Du Tử Lê khi ấy như thấu hiểu nhân sinh: Là con người hay con vật, đứng trước chiến tranh thì đều mang thân phận rẻ rúng như nhau, đừng đòi hỏi gì cả.
"Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng khi chứng kiến đất nước trong chiến tranh, loạn lạc, nhà thơ Du Tử Lê đã bật ra những suy tư nặng trĩu về cuộc đời. Câu chữ trong thơ chứa đựng nhiều khắc khoải, lột tả được tâm trạng mòn mỏi của thi sĩ. Đoạn một của bài thơ vì thế mà có nhiều hình ảnh u ám, gợi liên tưởng đến cái chết thông qua hình ảnh chim bói cá", nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói.
Trên nền cảnh u ám ấy, đoạn hai tác phẩm Du Tử Lê lại nói về tình yêu của những người trẻ với những khát khao cháy bỏng giữa dòng đời đầy bất an, biến động.
“…vì sao mình yêu nhau/ vì sao môi anh nóng/ vì sao tay anh lạnh/ vì sao thân anh rung/ vì sao chân không vững/ vì sao anh van em... Thụy ơi và Thụy ơi/ không còn gì có nghĩa/ ngoài tình anh tình em/ đã ướt đầm thân thể”.
Tuyệt khúc “Khúc thụy du” – Hát lên những ân tình dang dở
Nhà thơ Du Tử Lê từng kể lại rằng, vào năm 1985 nhạc sĩ Anh Bằng có tìm gặp ông tại quán cà phê Tay Trái và giới thiệu mình là người đã phổ nhạc cho bài thơ của ông, trước đó hai người chưa từng quen biết.
Nếu như bài thơ “Khúc thụy du” mô tả nỗi ám ảnh trước chiến tranh và cái chết, là tiếng kêu đau thương của con người thì bài hát “Khúc thụy du” lại mang đậm dấu ấn về một tình yêu mãnh liệt, đắm say.
Nhạc sĩ Anh Bằng đã lấy nhiều câu trong đoạn hai của bài thơ, đồng thời sáng tạo thêm vào một số ý để phổ thành một bài nhạc hoàn chỉnh. Anh Bằng đã lược bỏ những ý thơ tang tóc, chỉ giữ lại những hình ảnh đẹp, lãng mạn. Khi nghe “Khúc thụy du” do nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc, ta vẫn nghe ra được những nỗi vấn vương, ám ảnh của Du Tử Lê nhưng nhẹ nhàng hơn, tựa như một giấc mộng.
“Anh là chim bói cá
Em là bóng trăng ngà
Chỉ cách một mặt hồ
Mà muôn trùng chia xa”
Nếu như trong bài thơ, hình ảnh chim bói cá là sự mở để đi sâu vào sự tang thương, chết chóc thì trong bài hát hình ảnh chim bói cá lại là sự nối tiếp của tình yêu, làm rõ cho bức tranh tình yêu đôi lứa.
“Hãy nói về cuộc đời
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào”
Câu chuyện tình yêu trong “Khúc thụy du” của nhạc sĩ Anh bằng mãnh liệt và đắm say vô cùng. Nhân vật trữ tình sẵn sàng vượt mọi định mệnh ngang trái để tận hiến với tình yêu và cuộc đời.
“Cắt đứt cuộc tình đầu
Thụy bây giờ về đâu?”
Hai câu hát cuối trong bài được Anh Bằng sáng tạo thêm câu hỏi tu từ “Thụy bây giờ về đâu?”, để khắc họa rõ nét hơn về sự day dứt dành cho nửa kia trong tình yêu. Câu chữ ngân vang nghe như có niềm ưu tư và nỗi cô đơn đang bao trùm, bơ vơ, hiu quạnh.
Ca khúc “Khúc thụy du” được Anh Bằng viết theo nhịp 3/4 chậm rãi và sâu lắng với nhiều đoạn luyến láy vô cùng tình tứ. Khiến cho người nghe như được đắm chìm trong nhiều câu hỏi về thân phận con người, về những điều đã đánh mất, về sự mong manh hữu hạn của tình yêu.
Một số khán giả từng nhận xét ca khúc do nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác không truyền tải hết nội dung trong bài thơ của thi sĩ Du Tử Lê. Tuy nhiên, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lại cho rằng: "Nhạc sĩ cũng là một độc giả. Khi đọc bài thơ, họ phổ nhạc theo cảm nhận của riêng mình. Trong trường hợp này, nhạc sĩ Anh Bằng không làm mất đi tinh thần của văn bản gốc. Ngược lại, bài hát đã mang tác phẩm “Khúc thụy du” đến gần hơn với độc giả, đồng thời khiến họ cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của áng thơ Du Tử Lê. Đó là sự tương hỗ giữa thơ và nhạc trong nghệ thuật”.
Bản thân nhà thơ Du Tử Lê sau mấy chục năm nhìn lại cũng công nhận nhạc sĩ Anh Bằng có cái lý của ông khi sáng tác ra tình khúc “Khúc thụy du”.
Khúc thụy du là gì? “Thụy” là ai?
Nhắc đến cái tên “Khúc thụy du”, nhiều người suy luận rằng “Thụy” ở đây là tên riêng của bà Thụy Châu, vợ cũ của nhà thơ. Còn “du” chính là lấy từ bút danh Du Tử Lê của ông. Một giả thuyết khác cũng được đưa ra là theo nghĩa Hán Việt từ “thụy du” có nghĩa là một khúc hát về giấc ngủ, một chuyến đi dài hoặc là cái chết.
Còn theo nhà thơ Du Tử Lê chia sẻ, thì bài thơ là kỷ niệm tình yêu giữa ông và một cô sinh viên ngành dược. Ông đã lấy tên đệm của cô gái – Thụy, cộng với chữ đầu trong bút danh của mình là – Du để làm nhan đề bài thơ.
Tổng hợp
Xem thêm: Nhạc sĩ Anh Bằng: Huyền thoại nhạc vàng miền Nam, hư giác, điếc tai vẫn miệt mài sáng tác
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận