Mối tình trong sáng nhất đời Phạm Duy: "Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm... Tôi dành tặng bà ấy 40 bài hát"

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy gọi chuyện tình với nhà thơ Lệ Lan là "mối tình thơ nhạc". Mối tình này kéo dài suốt một thập kỷ. 

Đỗ Thu Nga
21:00 05/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Phạm Duy là 1 trong 4 cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Ông sáng tác rất "khỏe", nhất là tình ca. Theo nhiều tư liệu, những bản tình ca của ông là kết quả của cuộc sống tình ái vô cùng phong phú. Trong hồi ký của mình, ông kể, biết yêu từ sớm - khoảng 12 tuổi, bản thân là người "nghiện yêu" và "mỗi bài hát là một cuộc tình". Ông cho rằng, trên đời này "chưa ai sướng bằng tôi. Sướng ở cái nghĩa người ta lao tới và không bao giờ quên được nhau. Đôi mắt bao giờ cũng còn đuôi, không bao giờ hận tình". Với Phạm Duy, "tình yêu đẹp lắm. Người nam và người nữ yêu nhau mới có cuộc đời, còn nếu không yêu, tuyệt giống từ lâu rồi".

Phạm Duy nổi tiếng là anh chàng "du ca" có những cuộc tình chớp nhoáng, đầy nhục dục và nồng cháy. Trong cuốn hồi ký của mình, ông cũng thừa nhận điều đó. Tuy nhiên, cũng trong hồi ký đó, ông có dành nhiều trang viết kể về "mối tình thơ nhạc" trong sáng nhất đời. Đó là mối tình với hai mẹ con nhà thơ Lệ Lan (Alice) mà sau này người đời thường gọi là "tình mẹ duyên con". 

Câu chuyện về "tình mẹ duyên con" của Phạm Duy với mẹ con nhà thơ Lệ Lan được ông kể lại khá chi tiết trong hồi ký. Amnhac.net xin phép được tóm lược như sau:

Tình mẹ...

Năm 1944, Phạm Duy trở thành ca sĩ tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy - Charlot Miều (Ngô Nhật Huy). Thời kỳ hát rong, ông được gặp gỡ nhiều tên tuổi lớn như thi sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Văn Đông... và nhạc sĩ Văn Cao - người sau này trở thành người tri kỷ trong cả đời sống lẫn âm nhạc của ông. 

Trong hành trình rong ruổi đó, ông còn gặp được nhiều phận đời khác nhau. Để từ đó, những chuyện tình trong đời Phạm Duy kéo dài thêm. Cụ thể, trong một lần đi lưu diễn tại Phan Thiết, ông đã gặp cô nàng người Việt lai Anh tên Helene. Lúc này, Helene đã có 2 người con và ly dị chồng.

Giữa chàng du ca và người phụ nữ trẻ có một cuộc tình rất nhẹ nhàng. Theo hồi ký của Phạm Duy, đó là cuộc tình trong sáng. Hai người đều cảm mến lẫn nhau nhưng không ai dám nói lên tiếng yêu đương. Có thể vào thời điểm đó, Phạm Duy mang trong mình cảm giác tự ti của anh chàng du ca trong gánh hát rong và nàng chưa tìm ra được lối thoát cho cuộc sống đơn thân thầm lặng nuôi con. 

chuyen-ve-moi-tinh-trong-sang-nhat-doi-pham-duy-0
Nhạc sĩ Phạm Duy yêu sớm và yêu nhiều

Phạm Duy và người phụ nữ Alice chỉ được xem là mấp mé một cuộc tình. Suốt một tháng trời, hai người cùng nhau đi dạo trên phố đông hoặc cùng nhau trên các bãi cát trắng dọc biển. Trong những lần gặp gỡ, họ nói với nhau rất nhiều chuyện trên trời dưới bể, nhưng chưa một lần dám nắm tay hay nói lời ân ái.

Cuộc gặp gỡ nào cũng phải đến hồi chia ly. Chàng du ca rời Phan Thiết, giã từ Helene để theo gánh hát vào Nam biểu diễn. Helene tiễn Phạm Duy trên sân ga xe lửa, nói với nhau những lời nhẹ nhàng, thể hiện sự trân quý.

Trên đường du ca, Phạm Duy và Helene thường xuyên trao đổi nhiều bức thư. Mỗi cánh thư cũng chỉ là những lời hỏi thăm, động viên, không hề mảy may có những lời tỏ tình. 

Chuyện tình của hai người dừng lại ở chuyện gặp gỡ, gần nhau, hát và đọc cho nhau nghe những lời ca, lời thơ rồi chia tay nhau, gửi cho nhau những lá thư màu xanh màu tím... Thời gian trôi qua, Phạm Duy gần như quên lãng hình bóng của người phụ nữ đơn thân...

...duyên con

Những tưởng duyên tình giữa Phạm Duy và Helene đã hết, ai ngờ, năm 1956, ông gặp lại người đẹp khi đang lang thang trước chợ Bến Thành. Lúc này, người phụ nữ lai Tây đã có chồng mới và có thêm 3 đứa con nữa. Lúc này, Phạm Duy đã trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng được nhiều người biết đến. 

Gặp lại Phạm Duy, Helene mở lời: "Nếu 'ông' rảnh rỗi, xin mời lại chơi. Nhà ở ngay đầu đường Trần Hưng Đạo kia kìa...". 

Khi ấy, Phạm Duy đã theo Helene về nhà, trước để thăm khỏi, sau là để tìm hiểu xem cuộc sống của cô giờ thế nào. Tại ngôi nhà trên đường Trần Hưng Đạo, ông gặp hai người con riêng Helene là Alice và Roger.

Phạm Duy ngỡ ngàng khi thấy Alice giống mẹ như đúc. Và cũng giống như các nữ sinh Sài Gòn khác, Alice cũng có tên tiếng Việt, đó là Lệ Lan. Và dường như, Phạm Duy cũng là thần tượng của cô bé Alice. Bởi khi gặp mặt, cô bé quấn quýt Phạm Duy như người đã quen từ lâu.

Trong hồi ký của mình (chương 8, tập 3), nhạc sĩ Phạm Duy có viết: "Tôi ngỡ ngàng khi thấy Alice. Cô bé giống mẹ như đúc. Cũng như các nữ sinh khác, cô bé đã biết tới những bài hát của tôi như: Tình kỹ nữ, Bên cầu biên giới, Tình ca, Tình hoài hương...

Có lẽ trong tiềm thức của cô thiếu nữ 16 tuổi này đã có dư hương vòng tay bế bồng của tôi lúc cô mới lên bốn cho nên cô quấn quýt tôi như người quen biết từ lâu. Đang có một thảm kịch trong lòng sau vụ ái tình được cả nước biết, tôi đi tìm an ủi ở người bạn cũ Helene. 

Nhất là ở người con gái giống mẹ như đúc. Trong lúc đang có cảm giác bị mọi người xung quanh khinh miệt, ghét bỏ, tôi thấy nguôi ngoai trong lòng khi nghe hai mẹ con nói rằng tôi chẳng có tội tình gì cả! Họ nói thế vì họ muốn kéo tôi ra khỏi một sự nhục nhằn, tôi biết vậy!".

chuyen-ve-moi-tinh-trong-sang-nhat-doi-pham-duy-7
Bức hình chụp chung của nhà thơ Lệ Lan và nhạc sĩ Phạm Duy

Để ghi lại cuộc gặp gỡ này, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một câu ca dao thành một tình khúc với nhan đề "Nụ tầm xuân". Khi xuất bản ca khúc này, Phạm Duy có viết lời đề tặng Hệ Liên (về sau người phụ nữ này lấy tên là Huệ Liên, cũng do ở tên Helene mà ra): "Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay!".

Nhạc sĩ Phạm Duy hơn Lệ Lan khoảng 20 tuổi. Chuyện tình dùng dằng với người mẹ Helene năm nào giờ trượt sang người con. Theo Phạm Duy, Lệ Lan rất giống mẹ, cả về khuôn mặt, giọng nói lẫn suy nghĩ, nên Phạm Duy có cảm giác như được ngược thời gian trở về 12 năm trước. 

Lệ Lan không thích cha dượng nên ít tâm sự với mẹ. Thay vào đó, Phạm Duy trở thành người lắng nghe mọi tâm sự của cô thiếu nữ đang tuổi dậy thì. Hai người càng ngày càng trở nên thân thiết, thấu hiểu nhau hơn. 

Có một điều đáng chú ý, thời điểm đó Phạm Duy đã có 4 người con cùng với danh ca Thái Hằng. Cuộc sống của họ khi ấy khá hạnh phúc. Bởi Thái Hằng là người phụ nữ bao dung, quảng đại. Bà tha thứ cho mọi mối tình ngoài luồng của chồng (kể cả cuộc tình đầy tai tiếng với người em dâu của bà). Sau này, trong hồi ký, Phạm Duy đã không tiếc văn để ca tụng các đức tính tốt của Thái Hằng.

Chiều thu năm 1957, Phạm Duy tỏ tình với Alice và nhận lại một cái ừ lặng lẽ. Lúc đó, người nhạc sĩ nổi tiếng có đưa ngay ra quyết định, "mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Helene".

"Vì chênh lệch tuổi tác và vì không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ đầu rằng đây chỉ là mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để lên xe hoa về nhà chồng", nhạc sĩ Phạm Duy viết trong hồi ký.

Là một nhạc sĩ, Phạm Duy cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Ông không cần chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi như Lệ Lan. 

Theo Phạm Duy, mỗi cuối tuần được gặp nhau, thế là quá đủ. Và ông đã nói điều này trong ca khúc "Cho nhau": "Cho nhau chẳng tiếc gì nhau, cho nhau gửi đã từ lâu, cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu...". 

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng khẳng định, trong 10 năm (1957 đến 1968), hầu hết các bản tình ca của ông đều viết cho Lệ Lan: Ngày đó chúng mình, Đừng xa nhau, Cỏ hồng, Nha Trang ngày về... Ở phía Lệ Lan, cô cũng viết hơn 300 bài thơ dành tặng nhạc sĩ Phạm Duy.

chuyen-ve-moi-tinh-trong-sang-nhat-doi-pham-duy-6
"Nghìn trùng xa cách" là lời hồi đáp lá thư Lệ Lan gửi cho Phạm Duy trước khi lấy chồng

Năm 1969, Lệ Lan đi lấy chồng. Khi ấy, cô đã viết cho nhạc sĩ Phạm Duy lá thư từ biệt: "Mười năm, quá đủ cho một mối tình đẹp và một đời người ngắn ngủi...Từ đây đến ngày cưới, có thể L. sẽ xin gọi chú một, hai lần nữa. Chẳng để làm gì cả. L. chắc chú cũng nghĩ như L.. Chẳng có gì bi thảm. Chẳng có gì tiếc hận. Mối tình đẹp kết thúc một cách êm ái. L. chỉ xin giữ lại một chút dư hương để truyền lại cho các con của L. sau này chúng nó cũng có một tâm hồn biết yêu thương đằm thắm". 

Ngay sau khi nhận được tâm thư của Lệ Lan, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết ca khúc "Nghìn trùng xa cách" - bài hát này sau đó trở thành tuyệt phẩm của đôi lứa: "Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi/ Còn gì đâu nữa mà giữ cho người.../ Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời".

Sau này, khi đã ở cái tuổi thập cổ lai hy, nhạc sĩ Phạm Duy vẫn dành những lời trìu mến cho "mối tình thơ nhạc" của mình. Ông chia sẻ: "Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm. Trong gia tài các nhạc phẩm của tôi, tôi dành tặng bà ấy 40 bài hát là Phạm Duy lúc còn trẻ. Với tôi, có 3 bài hát đánh dấu thời điểm tôi yêu, tôi xa và tôi quên bà ấy: Ngày ấy chúng mình, Ngàn trùng xa cách, Chỉ từng đấy thôi".

Xem thêm: Vì sao dưới bài "Thuyền viễn xứ" nhạc sĩ Phạm Duy lại chèn lời nhắn "Huyền Chi, cô ở đâu"?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận