Vì sao ca sĩ Julie đề nghị nhạc sĩ Phạm Duy đưa con đường Duy Tân vào ca khúc "Trả lại em yêu"?
"Trả lại em yêu" là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy với hình ảnh con đường Duy Tân xinh đẹp...
CA KHÚC "TRẢ LẠI EM YÊU"
- Tên ca khúc: Trả lại em yêu
- Nhạc sĩ sáng tác: Phạm Duy
- Thể loại: Trữ tình
- Năm ra đời: 1972
- Ca sĩ tiêu biểu: Julie Quang
Ca khúc "Trả lại em yêu" viết về câu chuyện gì?
Suốt 93 năm cuộc đời, nhạc sĩ Phạm Duy miệt mài sáng tác và để lại cho đời gia tài âm nhạc đồ sộ. Ông viết ở mọi thể loại và hầu như thể loại nào cũng có những nhạc phẩm nổi tiếng.
Trong những sáng tác về lứa tuổi học sinh sinh viên, ông ghi dấu với: Con đường tình ta đi, Ngày xưa Hoàng Thị, Tuổi ngọc... Nhưng tiêu biểu nhất có lẽ là ca khúc "Trả lại em yêu" - bài hát chứa đựng nỗi buồn chia tay của mối tình học sinh trong thời ly loạn. Chàng trai từ biệt người yêu, tạm rời xa giảng đường để lên đường nhập ngũ.
Bên cạnh ý nghĩa về cuộc chia tay đẫm lệ trong thời ly loạn, ca khúc "Trả lại em yêu" còn mô tả lại một không gian Sài Gòn xưa cũ gắn với kỷ niệm của một thế hệ. Không gian đó là khung trời đại học, nơi có đường Duy Tân cây dài bóng mát, nơi có các trường Đại học kề cạnh nhau như Luật khoa, Viện Đại học Sài Gòn, Kiến Trúc. Nơi đó còn có Hồ Con Rùa từng là khuôn viên hẹn hò của nhiều thế hệ sinh viên Sài thành.
Theo nhiều tài liệu tìm được, ca khúc "Trả lại em yêu" được sáng tác vào năm 1972. Đó là thời điểm chiến tranh Việt Nam đang bước vào thời kỳ cao trào.
Tuy nhiên, điều thú vị nhất ở nhạc phẩm này có lẽ câu chuyện về hoàn cảnh sáng tác. Phạm Duy sáng tác ca khúc này không phải từ chính câu chuyện tình yêu của mình mà đó là lời đề nghị của cô con dâu tên Julie.
Julie (trước năm 1975 có nghệ danh là Julie Quang) là ca sĩ nổi tiếng trước 1975. Cô sở hữu giọng ca đầy mê hoặc. Từ thập niên 1960, cô hát nhạc ngoại tại các căn cứ quân đội Hoa Kỳ ở Long Bình, Biên Hòa, Nha Trang, Tân Sơn Nhất... ở một số ban nhạc trẻ, trong đó có ban The Free Ones. Cũng từ ban nhạc này, Julie gặp ca sĩ Duy Quang (con trai nhạc sĩ Phạm Duy). Họ cùng hát chung ở Nha Trang từ năm 1968 - 1970 và trở thành cặp đôi đẹp từ trên sân khấu ra đến ngoài đời thực.
Nhờ quen biết Duy Quang mà Julie được nhạc sĩ Phạm Duy khuyến khích, dẫn dắt chuyển sang hát nhạc Việt. Danh tiếng của cô gắn liền với ca khúc "Mùa thu chết" do nhạc sĩ Phạm Duy cùng thi sĩ Bùi Giáng sáng tác. Tuy nhiên, Julie cho rằng, trong tất cả những bài đã từng hát, cô ấn tượng nhất không phải "Mùa thu chết' mà là "Trả lại em yêu".
Ca khúc "Trả lại em yêu" ra đời trong hoàn cảnh nào?
Khi nhắc đến hoàn cảnh ra đời ca khúc "Trả lại em yêu", ca sĩ Julie hào hứng kể, nó gắn liền với kỷ niệm khi cô còn hát trong ban nhạc The Dreamers - nhóm nhạc của gia đình họ Phạm (gồm Julie và các anh em Duy Quang, Minh, Hùng, Cường).
Thời gian đó, ngày 2 buổi họ đến phòng trà và về nhà vào mỗi đêm, các thành viên trong ban nhạc The Dreamers đều đi trên con đường Duy Tân nên con đường này trở nên rất thân thuộc, sự thay đổi của từng góc cây ven đường cũng có thể nhận ra. Julie nói rằng mỗi đêm đi hát về đều qua con đường này và cảm thấy thoải mái, được thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Mỗi lần đi về qua trường Luật trên đường Duy Tân, Julie để ý góc cây đối diện trường, đêm nào cũng có một cô gái mặc áo dài trắng đứng nhìn qua trường luật, có lẽ trong lòng mang nhiều tâm sự. Ngày nào đi hát về đêm Julie cũng thấy cô đứng đó, lặng thinh suốt thời gian dài.
"Tôi từng đặt câu hỏi trong đầu: Cô chờ ai? Và phải chờ đợi một mình như thế bao lâu? Cô ta không sợ một mình trong bóng đêm? Đã có lúc tôi ngỡ cô là bóng ma trên đường Duy Tân", Julie thắc mắc.
Rồi một ngày nọ, Julie không còn thấy cô gái đứng đó nữa. Cô cảm thấy có chút hụt hẫng trong lòng. Hình bóng cô gái mong manh trong đêm tối đã trở nên thân thuộc với cô, đến khi không còn thấy nữa thì cảm thấy như có sự thiếu vắng. Cô về liền nói với bố chồng - nhạc sĩ Phạm Duy tâm trạng của mình và đề nghị ông đưa con đường Duy Tâm vào trong âm nhạc.
Ngày hôm sau, nhạc sĩ Phạm Duy có gặp con dâu để lấy một số thông tin làm chất liệu cho bài hát về tình yêu tuổi trẻ. Ông hỏi Julie, ở đường Duy Tân có gì đặc biệt để đưa vào nhạc; giới trẻ ra khu vực đó thường làm những gì? Julie đáp, ở đó có các trường đại học, có hàng quán, có cư xá Duy Tân.... Và sau đó, hình ảnh con đường Duy Tân đã xuất hiện trong ca khúc "Trả lại em yêu".
Sau một đêm, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác ra những lời ca rất hay, đặt tên ca khúc là "Trả lại em yêu". Ca khúc này nhanh chóng được thế hệ trẻ đón nhận và trở nên nổi tiếng.
Ca sĩ Julie chia sẻ thêm, năm 1990 khi trở về Việt Nam, đón xích lô đi vòng quanh phố xá Sài Gòn, trở về con đường xưa đúng Mùng 1 Tết. Cô nói với bác xích lô: "Chúng tôi không định hướng, anh cứ đạp quanh Sài Gòn miễn sao đi qua đường Duy Tân ngày trước...".
Khi xe đi qua đường Duy Tân (nay là đường Phạm Ngọc Thạch), sắp sửa tới trường Luật (nay là trường ĐH Kinh tế) ở góc đường với đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) thì Julie nghe thấy tiếng huýt sáo bài "Trả lại em yêu". Cô giật mình nhìn ra phía sau mới biết đó là tiếng huýt sáo của bác xích lô. Hỏi ra mới biết, ông cũng thoáng nhận ra cô là ca sĩ Julie năm nào nên khi cô đề nghị chở ra đường Duy Tân thì đồng ý luôn.
Người lái xích lô này là một cựu thiếu tá năm xưa. Trở về sau thời gian bị tù đầy thì hành nghề đạp xích lô kiếm sống. Với những người lái xích lô, "Trả lại em yêu" và dòng nhạc Phạm Duy, nhạc tình năm xưa là một phần ký ức đẹp trong thanh xuân của họ.
Đôi lời bình về ca khúc "Trả lại em yêu"
Năm ấy, tâm hồn người nhạc sĩ hòa nhịp theo nỗi buồn khắc khoải của tuổi trẻ để rung lên những giai điệu da diết của lớp thanh niên thời ly loạn. Để rồi, tất cả được đưa vào từng lời ca:
"Trả lại em yêu, khung trời Đại học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai tàn"
Cuộc chia ly nào cũng buồn và càng buồn hơn khi còn đang hồn nhiên dùi mài kinh sử trên giảng đường thì phải tạm giác sự học, lên đường nhập ngũ. Để rồi, không biết liệu có ngày trở về hay không.
"Con đường Duy Tân cây dài bóng mát" từ khi đi vào nhạc của Phạm Duy đã trở thành con đường học trò, con đường kỷ niệm, con đường nổi tiếng nhất trong âm nhạc miền Nam. Nếu so sánh thì đường Duy Tân năm đó chưa phải là con đường đẹp nhất Sài Gòn nhưng nhờ khối óc tài hoa của Phạm Duy, con đường này trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
Con đường Duy Tân gắn liền với "khung trời Đại học" thuở nào. Bởi lẽ, đây là nơi có 2 trường Đại học nổi tiếng là ĐH Luật (nay là ĐH Kinh tế) và ĐH Kiến trúc. Bên cạnh đó là Hồ Con Rùa - nơi chứng kiến nhiều buổi hẹn hò, yêu đương, giận hờn, chia tay của sinh viên Sài Gòn:
"Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ
Ngọn đèn hiu hiu nỗi lòng cư xá
Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hòa"
Sài Gòn xưa có nhiều xưa xá (sau này người ta gọi là khu tập thể). Đó là cư xá Chu Mạnh Trinh - nơi ở của các văn nhân, nghệ sĩ, hay cư xá Lữ Gia - nơi ở của những người nắm địa vị, có tiền của. Nơi đây còn có cư xá của những sinh viên nghèo...
Lời ca trong nhạc phẩm này ban đầu tưởng là bình dân, nhưng nghe kỹ lại thấy sang trọng vô cùng:
"Anh sẽ ra đi về miền cát nóng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc suʼng
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông
Cơn gió Cao Nguyên, từng đêm lạnh lùng
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Ðem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ
Ðem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về"
Những cung bậc cao vút thổ lộ nỗi buồn ngày mai anh sẽ về một nơi mịt mù thuốc súng. Anh đã bỏ lại sau lưng cả tuổi đời ngây dại. Và anh cũng chẳng mong có ngày trở về. Đó là một viễn cảnh đầy xót xa vào thời chiến chinh.
"Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày Thủ Ðô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt"
Trả lại em yêu mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới
Ðường buồn anh đi bao giờ cho tới
Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài…
Trả lại em yêu! Trả lại em yêu!
Mây trời xanh ngát …
Ngày mai anh đi, tất cả chỉ còn lại ký ức. Ngày mai anh đi, lao vào con đường không biết ngày trở về. Nỗi buồn tràn ngập muôn nơi. Bỏ lại khung trời Đại học cao vời vợi, trả lại em tất cả những vui buồn tuổi học trò...
Xem thêm: Tài tình như Phạm Duy: Biến tâm tư của chàng thi sĩ thành nhạc phẩm bất hủ "Ngày xưa Hoàng Thị"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận