Đêm thu buồn nhớ người yêu đặt bút viết nên "Con thuyền không bến"

"Con thuyền không bến" là một trong hai nhạc phẩm (ca khúc còn lại là Giọt mưa thu) bất hủ của của nền tân nhạc Việt Nam được chắp bút bởi tài năng đoản mệnh Đặng Thế Phong.

Đỗ Thu Nga
18:00 05/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

VỀ CA KHÚC "CON THUYỀN KHÔNG BẾN"

  • Tên ca khúc: Con thuyền không bến
  • Nhạc sĩ sáng tác: Đặng Thế Phong
  • Thể loại: Nhạc tiền chiến
  • Năm ra đời: 1940
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Khánh Ly

Ca khúc "Con thuyền không bến" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Đặng Thế Phong chỉ có vỏn vẹn 3 nhạc phẩm nổi tiếng là "Đêm thu", "Con thuyền không bến" và "Giọt mưa thu". Trong đó, "Con thuyền không bến" và "Giọt mưa thu" được đánh giá là hai nhạc phẩm bất hủ của nền tân nhạc Việt Nam.

Về hoàn cảnh ra đời ca khúc "Con thuyền không bến", có tài liệu cho rằng ca khúc được Đặng Thế Phong hoàn chỉ ở Nam Vang. Theo tài liệu của nhạc sĩ Lê Hoàng Long, ca khúc này gắn chặt với câu chuyện tình sâu đậm của Đặng Thế Phong và cô Tuyết. 

Năm 1939, nhạc sĩ Đặng Thế Phong tình cờ quen một cô gái xinh đẹp, duyên dáng tên Tuyết, gia đình làm nghề bán hàng chăn ga gối đệm ở phố Hàng Sắt (Nam Định). Cô Tuyết vốn là người hâm mộ giọng hát Đặng Thế Phong. Từ lần đầu tiên chạm mặt, hai người đã lưu luyến. Sau thời gian tìm hiểu, hai người tiến đến hẹn hò. Biết gia cảnh bạn trai khó khăn, cô Tuyết nhiều lần ngỏ ý giúp đỡ về tiền bạc nhưng Đặng Thế Phong luôn từ chối. Vì thế mà mối tình của họ ngày càng sâu đậm hơn. Đặng Thế Phong yêu cô Tuyết hơn cả bản thân mình.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-con-thuyen-khong-ben-cua-dang-the-phong-5
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong sáng tác "Con thuyền không bến" vào đêm thu nhớ thương người yêu

Năm 1940, Đặng Thế Phong phải tạm xa cô Tuyết để lên Bắc Giang hát theo lời mời và kết hợp tìm cảm xúc sáng tác. Ai từng đến Bắc Giang cũng biết, thị xã này có con sông Thương chia đôi dòng nước bên đục bên trong. Một đêm, khi nhóm bạn cùng nhau thuê thuyền du ngoạn sông Thương thì có người mang một phong thư đến cho Đặng Thế Phong. Không ngờ đó là thư báo tin người yêu ốm mấy ngày liền. Chàng trai trẻ đọc xong thư bần thần ngồi lặng. Bạn bè thắc mắc hỏi thì ông cho biết, thư báo tin cô Tuyết nhuốm bệnh cả tuần và nhớ ông lắm nên có lẽ ông phải về Nam Định gấp.

Chính trong đêm này, lúc đêm sắp tàn, nhạc sĩ Đặng Thế Phong thao thức không sao chợp mắt được. Ông đã ngồi dậy đặt bút viết nên tuyệt phẩm "Con thuyền không bến" buồn não nề...

hai hôm sau, nhạc sĩ Đặng Thế Phong từ giã bạn bè, rút ngắn thời gian về Nam Định. Nghe tin người yêu về, cô Tuyết đỡ bệnh nhanh hơn. Và tối hôm sau hai người hẹn gặp nhau. Lúc bấy giờ miền Bắc đang vào thu, gió heo may mang theo cái lạnh về. Hai người lặng lẽ đi bên nhau để sửa ấm cho nhau sau bao ngày xa cách. 

Cũng trong buổi hẹn hò đó, nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã thì thầm rót vào tai người yêu những ca từ tha thiết của nhạc phẩm "Con thuyền không bến" mà ông vừa sáng tác trong một đêm trăng trên sông Thương vì quá thương nhớ cô.

Ít lâu sau, ca khúc "Con thuyền không bến" được lan truyền sâu rộng đến nỗi một ông bầu trên Hà Nội đã mời Đặng Thế Phong lên hát tại rạp Hồng Hà (năm 1940). Khi ấy, ông đã đưa cả cô Tuyết đi cùng. Kết thúc, khán giả đứng dậy vỗ tay, còn Đặng Thế Phong cùng người yêu trở về Nam Định trong niềm hân hoan vô bờ...

"Con thuyền không bến" - dự cảm buồn cho cuộc tình, cuộc đời của chàng nhạc sĩ đoản mệnh

"Con thuyền không bến" ra đời giữa đêm khuya thanh vắng trên sông Thương (Bắc Giang). Sông Thương không có nước chảy cuồn cuộn như sông Lô hay sông Đà, cũng không mênh mông sóng nước như sông Hồng hay sông Đáy, không trầm mặc như sông Hương... mà nó gợi lên sự êm đềm với những gợn nước lăn tăn nhẹ nhàng trên mặt sông, như là có thể dìu hồn người nghệ sĩ trong những cơn đắm mê của đêm thu buồn. 

Giữa khung cảnh thanh vắng giữa sông Thương cùng nỗi nhớ thương người yêu vô bờ bến mà chàng nhạc sĩ trẻ đã phát tiết tiết thành giai điệu:

"Đêm nay thu sang cùng heo may

Đêm nay sương lam mờ chân mây

Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng

Như nhớ thương ai chùng tơ lòng.

.

Trong cây hơi thu cùng heo may

Vi vu qua muôn cành mơ say

Miền xa lời gió vang thông ngàn

Ai oán thương ai tàn mơ vàng".

Có lẽ giữa đêm thu buồn, nhạc sĩ Đặng Thế Phong thấy mình như con thuyền đang lờ lững chơi vơi giữa dòng, tơ lòng chùng xuống bởi nỗi nhớ thương ai, giấc mộng vàng trong thoáng chốc đã vỡ tan như mảnh trăng lấp lánh trên mặt nước. Ngồi giữa sóng nữa, chàng nhạc sĩ mơ màng nhìn lên những hàng cây đang rung gió nhẹ nhàng tưởng như đó là lời gió ở một miền xa xăm đang vọng về những lời than oán buồn thương.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-con-thuyen-khong-ben-cua-dang-the-phong-8
Ca khúc "Con thuyền không bến"

Con sông Thương đi qua cả Lạng Sơn nhưng phần lớn nằm ở trong lòng tỉnh Bắc Giang, và đặc biệt là hiện tượng "nước chảy đôi dòng". Hiện tượng này đã được Đặng Thế Phong đưa vào ca khúc "Con thuyền không bến":

"Lướt theo chiều gió

Một con thuyền theo trăng trong

Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng..."

Nước chảy đôi dòng ở sông Thương là do sự nhập giang của một dòng nước chảy ra từ cánh đồng chiêm đục màu phù sa, hòa vào nước sông vốn rất trong xanh, tạo thành 2 dòng nước chảy khác màu dần hòa quyện với nhau. Hiện nay, hiện tượng này không còn vì sự thay đổi địa chất và hạn tầng. Thế nhưng "sông Thương nước chảy đôi dòng" đã đi vào thơ ca:

"Sông Thương nước chảy đôi dòng

Bên trong bên đục em trông bên nào" (Ca dao)

Trên dòng sông Thương, con thuyền lướt nhẹ nhàng theo bóng trăng tưởng như đang trôi vô định không bến bờ:

"Biết đâu bờ bến 

Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu 

Trên con sông Thương 

Nào ai biết nông sâu. 

.

Nhớ khi chiều sương 

cùng ai trắc ẩn tấm lòng 

Biết bao buồn thương 

Thuyền mơ buông trôi xuôi dòng 

.

Bến mơ dù thiết tha 

Thuyền ơi đừng chờ mong..."

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã từng nhận xét về ca khúc này: "Hình như không phải chỉ có con thuyền buông trôi theo dòng mà có cả kiếp người trôi trong dòng đời, cái có thật và cái tưởng tượng đều lẩn khuất sau một màn sương, chúng ta nhìn nhau với lòng trắc ẩn, hạnh phúc khó khăn hay chỉ sống không thôi đã là một điều khó khăn, "bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong", chúng ta chẳn thể nào tới được nơi mog ước, cũng không biết đã ra đi từ đâu...".

Còn nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét: "Bài 'Con thuyền không bến' có ưu điểm là được soạn với giai điệu ngũ cung, dạng 2 (Ré Fa Sol La Do - nốt Mi trong bài chỉ là nốt thoáng qua) nghe như hát sa mạc hay ngâm Kiều... Ngoài ra, ca khúc cũng có những đoạn hát với "nhịp chỏi" (syncope), một thứ nhịp ta thường thấy trong những bản hát Chèo".

Ca khúc "Con thuyền không bến" của nhạc sĩ Đặng Thế Phong sáng tác khi ông đã chớm phát những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh nan y. Có lẽ vì vậy mà ông đã có những dự cảm buồn cho cuộc tình và cuộc đời của mình. Con thuyền không bến ở trên sông Thương đó có lẽ chính là hình tượng của cuộc đời ông, lờ lững, chơi vơi, không bến bờ neo đậu. 

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918 - 1942) là người thành Nam (Nam Định). Cuộc đời ông long đong, dang dở việc học, sống lang bạt kỳ hồ với nhiều nghề khác nhua: dạy nhạc, vẽ tranh cho báo, ca sĩ... Ông lang thang đi từ thành Nam lên Hà Nội, rồi trôi dạt vào Sài Gòn đến Nam Vang, sau đó trở về Hà Nội và qua đời tại đây vì bệnh lao. 

Bàn về âm nhạc của Đặng Thế Phong, tất cả đều thừa nhận ông thuộc lớp nhạc sĩ tiên phong cho âm nhạc lãng mạn Việt Nam với những bản tình ca đầu tiên trong lịch. Sau này, nhạc phẩm của ông trở thành cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ khác. 

Xem thêm: Nhạc sĩ Đặng Thế Phong và 3 nhạc phẩm mùa thu dự báo vận số đoản mệnh

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận