Tuyệt phẩm "Áo lụa Hà Đông": Thơ và nhạc cùng hòa quyện và thăng hoa
Màu áo lụa Hà Đông nổi tiếng năm nào được thi sĩ Nguyên Sa đưa vào thơ, rồi lại được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chắp thêm đôi cánh để biến thành tuyệt phẩm bất hủ - "Áo lụa Hà Đông".
CA KHÚC "ÁO LỤA HÀ ĐÔNG"
- Tên ca khúc: Áo lụa Hà Đông
- Thơ: Nguyên Sa
- Phổ nhạc: Ngô Thụy Miên
- Thể loại: Nhạc trữ tình
- Năm sáng tác: 1969
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thái Thanh, Elvis Phương, Ái Vân, Duy Trác, Khánh Ky, Duy Quang, Bằng Kiều...
Ca khúc "Áo lụa Hà Đông" ra đời trong hoàn cảnh nào?
Nguyên Sa (tên thật là Trần Bích Lan) là một nhà thơ, nhà báo và giáo sư triết học nổi tiếng. Tên tuổi của ông bừng sáng trong giới âm nhạc khi những bài thơ của ông được phổ nhạc. Nổi bật nhất có lẽ những ca khúc do Ngô Thụy Miên phổ nhạc: Áo lụa Hà Đông, Tuổi 13...
Trong khuôn khổ bài viết này, Amnhac.net xin chia sẻ đến quý khán thính giả yêu nhạc những thông tin hay về ca khúc "Áo lụa Hà Đông". Ca khúc này được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc vào năm 1969 từ bài thơ cùng tên của cố thi sĩ Nguyên Sa. Năm đó, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên mới 21 tuổi.
Thông qua ca khúc "Áo lụa Hà Đông" mà công chúng biết nhiều hơn về làng lụa Vạn Phúc - nơi xuất phát của lụa Hà Đông nức tiếng Hà thành. Đến nay, lụa Hà Đông vẫn được yêu thích tại Việt Nam và xuất khẩu ra quốc tế.
Ca khúc "Áo lụa Hà Đông" sau khi được phổ biến đã thu hút sự quan tâm của công chúng và giới ca sĩ. Rất nhiều ca sĩ trình diễn thành công ca khúc này như Thái Thanh, Tuấn Ngọc, Duy Trác, Duy Quang... Sau năm 1975, ca khúc này cũng được trình diễn trong chương trình Duyên dáng Việt Nam. "Áo lụa Hà Đông" và "Niệm khúc cuối" là một trong hai ca khúc của Ngô Thụy Miên đã được cấp phép tại Việt Nam.
Đánh giá về nhạc phẩm "Áo lụa Hà Đông", báo Tuổi trẻ từng viết: "Những giai điệu ngọt ngào của bài Áo lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (thơ Nguyên Sa) ra đời cách đây đã gần 40 năm. Vậy mà mỗi khi thoáng thấy bóng dáng chiếc áo lụa trên đường phố Sài Gòn, nhiều người lại nghĩa ngay đến những ca từ tha thiết của bài hát ấy: Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông..".
Báo Công an Đà Nẵng cũng dành những lời đánh giá sâu sắc cho ca khúc "Áo lụa Hà Đông": "Nếu Từ Công Phụng và Du Tử Lê được coi là sự hòa quyện giữa thơ và nhạc, Phạm Duy và Phạm Thiên Thư là tri kỷ, thì Ngô Thụy Miên và Nguyên Sa là cuộc gặp gỡ đầy thú vị của hai tâm hồn lãng mạn, đậy lửa yêu đương. Cuối năm 1969, sau bốn năm hai ca khúc đầu tay, Ngô Thụy Miên đã đến với dòng thơ Nguyên Sa. Ông nói, tôi đến không từ một sự lựa chọn vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ Nguyên Sa, tôi đã nghe được những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo nên bằng những lời thơ ngọt ngào, tình tứ và tươi mát. Cũng giống như bao anh em thanh niên, sinh viên học sinh của thập niên 1960, Ngô Thụy Miên yêu và thuộc không ít thơ của Nguyên Sa. Nhắc đến "Áo lụa Hà Đông", không ai không biết. Bởi thế, khi gieo nhạc bài thơ này, Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành một giai điệu bất hủ, sống mãi cùng thời gian...".
Chuyện ít biết về bóng giai nhân "Áo lụa Hà Đông" thấp thoáng trong thơ và nhạc
Có lẽ ai cũng ít nhiều biết về quê lụa Hà Đông - ấy là làng nghề dệt tơ tằm đẹp nổi tiếng từ nghìn năm trước. Lụa Hà Đông cũng từng được chọn để dùng may trang phục cho triều đình phong kiến.
Năm 1938, xứ Bắc Kỳ có tổ chức một cuộc thi người đẹp (tương tự như thi Hoa hậu thời nay) với những điều lạ: Không diễn ra ở Hà Nội mà ở tỉnh Hà Đông; các cô gái ở mọi lứa tuổi, kể cả đã có chồng, ngành nghề gì cũng đều có thể tham gia (kể cả vũ nữ). Điều kiện duy nhất là phải mặc áo lụa của xứ Hà Đông.
Năm ấy, người đăng quang là Lý Lệ Hà. Cô này xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo của tỉnh Thái Bình. Vì mưua sinh mà cô dạt lên Hà Nội làm nghề vũ nữ và là hoa khôi một thời ở vũ trường Liszt Hà Nội. Giai đoạn năm 1936 - 1938, khu phố Khâm Thiên (Hà Nội) có 6 vũ trường và ở đường Bà Triệu có vũ trường Liszt nổi tiếng nhất. Lý Lệ Hà trở thành một trong hai vũ nữ nổi tiếng nhất đất Hà thành khi đó.
Cuộc thi người đẹp đã giúp tên tuổi của Lý Lệ Hà càng nổi hơn. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng trở thành nguồn cảm hứng để gần 20 năm sau, thi sĩ Nguyên Sa cho ra đời bài thơ "Áo lụa Hà Đông". Và sau đó, nhạc sĩ trẻ Ngô Thụy Miên phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.
Về phần cô Lý Lệ Hà, sau khi nổi tiếng đã trở thành niềm mơ ước của biết bao công tử nhà giàu. Song cô lại chọn trở thành người tình của vua Bảo Đại (nhà Nguyễn).
Việc cô trở thành nhân tình của vua Bảo Đại có nhiều giai thoại khác nhau. Có người kể, khi làm việc ở vũ trường Liszt, cô thường nhảy cùng cậu thanh niên tên Hạnh. Hạnh là thợ may có tiếng ở số 10 Hàng Bông, mê nhảy đến mức 30 tuổi vẫn chưa lấy vợ.
Trong số bạn bè của Hạnh có người tên Nguyễn Bắc (sau này là Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, 1954 - 1979) - nhà hoạt động bí mật ở Hà Nội, cũng là người chắp nối liên lạc giữa các tri thức với chiến khu, kể rằng có lần Hạnh đang nhảy với Hà thì có 2 mật thám đến, ghé vào tai bảo: "Tiên sư mày, muốn yên thân thì dừng ngay để bọn tao đưa cô lên hầu cụ (Bảo Đại)".
Cũng có câu chuyện khác kể rằng vũ nữ Lý Lệ Hà đã chủ động quyến rũ Bảo Đạo vào những năm 1940. Chuyện là tin đồn về nhan sắc của Hà đã đến tai người anh em họ của nhà vua là Vĩnh Cẩn. Vĩnh Cẩn dưa Hà đến gặp Bảo Đại ở Sài Gòn khi ông về đây để chữa chân gãy 2 năm trước trong 1 lần đi săn ở Đà Lạt.
Đến Sài Gòn, Lý Lệ Hà tiếp tục nhảy ở các vũ trường Sài Gòn và khiến nhiều chàng trai si mê. Còn theo tin của Sở Mật thám Pháp, thời kỳ đó, Hà đã có chồng nhưng không phải là sự trở ngại để cô vũ nữ này từ bỏ thú vui, đam mê của mình.
Nhan sắc của Lý Lệ Hà đã khiến Bảo Đại si mê. Suốt thời gian ở Hà Nội, Bảo Đại và Lý Lệ Hà gần như không rời nhau một ngày, đi đâu cũng kè kè bên nhau. Sách "Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam" viết: Bảo Đại công khai quan hệ với Lý Lệ Hà, đêm đêm đi dạo, ăn nhậu, lui tới các tụ điểm vui chơi, nhảy nhót bất chấp mọi lời dị nghị. Cuộc tình này đã khiến Nam Phương hoàng hậu cũng như thứ phi Mộng Điệp vô cùng sầu lòng. Sau 1946, Lý Lệ Hà và Bảo Đại sống lưu vong ở Hong Kong. Tại đây, Hà dốc hết vốn liếng tích kiệm được để Bảo Đại có cuộc sống thoải mái nhất. Thế mới thấy, Lệ Hà cũng rất nặng lòng với Bảo Đại. Song cuối cùng hai người cũng đường ai nấy đi. Bảo Đại đa tình chủ động rời bỏ cô vũ nữ xinh đẹp để theo đuổi những cuộc tình mới.
Có tư liệu cho biết, Lý Lệ Hà sang Pháp, kết hôn với người bản địa, sống ở một ngôi làng ngoại thành Paris. Kể từ đó, bà không gặp lại Bảo Đại lần nào nữa.
"Áo lụa Hà Đông" - Khi thơ và nhạc cùng thăng hoa
Như đã chia sẻ, Lý Lệ Hà từ một cô gái thuần nông trở thành vũ nữ nức tiếng, sau đó đoạt giải hoa hậu, rồi trở thành người tình của một ông vua nổi tiếng đa tình... Những câu chuyện đó đã trở thành huyền thoại lưu truyền trong dân chúng. Đến hơn 20 năm sau, người đẹp Lý Lệ Hà cùng sự tích áo lụa của xứ Hà Đông trở thành cảm hứng để Nguyên Sa đưa vào bài thơ "Áo lụa Hà Đông".
Dĩ nhiên, bài thờ này không phải viết về người đẹp Lý Lệ Hà, mà Nguyên Sa viết tặng người học trò nào đó của ông:
"gặp một bữa, anh đã mừng một bữa
gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
thơ học trò anh chất lại thành non
và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu"
Cũng từ màu áo lụa năm xưa, thi sĩ Nguyên Sa đưa vào thơ, rồi nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chắp cánh trở thành tuyệt phẩm bất hủ. Thơ và nhạc đã hòa quyện, thăng hoa, làm say đắm bao thế hệ công chúng.
Chia sẻ về cái duyên gặp gỡ, Ngô Thụy Miên tâm sự, ông và Nguyên Sa không có liên hệ gì ngoài sự đồng cảm của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Ông đến với thơ Nguyên Sa không từ một chọn lựa, mà vì ông đã nhìn thấy mình trong thơ Nguyên Sa, đã nghe được những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ qua những lời thơ ngọt ngào, tình tứ và tươi mát.
Vậy nên khi phổ nhạc, ông đã biến nó trở thành giai điệu bất hủ, sống mãi cùng năm tháng:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng gì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại
Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi"
Xem thêm: "Riêng một góc trời" - bản tình ca muộn màng của Ngô Thụy Miên
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận