Ngô Thụy Miên và cuộc gặp gỡ làm nên mối giao cảm thi - ca: "Định mệnh đã cho tôi đọc thơ Nguyên Sa..."

Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên không chỉ gặp nhau ở tài năng mà trên hết là sự đồng điệu trong mối giao cảm về tình yêu và đam mê bất tận dành cho nghệ thuật... 

Đỗ Thu Nga
11:00 23/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Vài dòng phác họa chân dung Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên

Thi sĩ Nguyên Sa (tên thật là Trần Bích Lan, 1932 - 1998) nổi tiếng ở thập niên 1950. Ngoài bút danh Nguyên Sa, ông còn sử dụng bút danh Hư Trúc.

Thi sĩ Nguyễn Sa là người gốc Quảng Nam. Ông từng qua Pháp du học và làm giáo viên tại trường Chu Văn An. Ông cũng có thời gian dạy triết ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông cũng mở 2 trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi...

ngo-thuy-mien-va-cuoc-gap-lam-nen-moi-giao-cam-thi--ca-voi-nguyen-sa
Chân dung thi sĩ Nguyên Sa

Ngoài vai trò nhà giáo, ông còn là một nhà thơ tài hoa. Ông từ nhắc nhiều đến phương pháp làm thơ. Theo ông, những vần thơ nếu luôn luôn thật sát thì sẽ nhàm chán. Vần không sát hẳn, thậm chí lạc vần, nếu sử dụng đúng cách, đúng chỗ thì vẫn tạo ra một bài thơ hay.

Thi sĩ Nguyên Sa có nhiều bài thơ hay được phổ nhạc như: Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em, Vết sâu, Mai tôi đi, Tiễn đưa, Tháng sáu trời mưa... 

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (tên thật là Ngô Quang Bình, SN 1948) sinh ra ở Hải Phòng và từng theo học tại Đại học Khoa học Sài Gòn. Năm 1963, ông bắt đầu viết nhạc với ca khúc đầu tay "Chiều nay không có em". Sau đó, ông cho ra đời rất nhiều những bản tình ca bất hủ khác. Tính đến nay, ông sáng tác trên 70 ca khúc, với khoảng 20 bài viết ở trong nước. Giới mộ điệu đánh giá, Ngô Thụy Miên là "một nhạc sĩ tài hoa đích thực". 

Suốt sự nghiệp của mình, Ngô Thụy Miên chỉ viết tình ca. Với ông, chiến tranh là một giai đoạn còn tình yêu là vĩnh cửu. Vì thế, ông chú tâm vào các bản tình ca hơn là nhạc về chiến tranh, quê hương, thân phận. 

ngo-thuy-mien-va-cuoc-gap-lam-nen-moi-giao-cam-thi--ca-voi-nguyen-sa-8
Chân dung nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

Thi sĩ Nguyên Sa và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chẳng hề có liên quan nào ngoài sự cảm thông giữa hai con người cùng yêu nghệ thuật. Người nhạc sĩ của những bản tình ca từng nói "Nguyên Sa là một trong những nhà thơ có những bài thơ tôi ưa thích nhất và kể từ ngày tôi quen biết anh ở Sài Gòn cho đến tận bây giờ thì trong nhạc của tôi, thơ của anh luôn có chỗ đứng đặc biệt". 

Quả thực, ai đã từng mê đắm "Áo lụa Hà Đông", "Tuổi 13"... của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thì không thể không biết tới thi sĩ Nguyên Sa. Nguyên Sa là thi sĩ tình yêu với những vần thơ đẹp nao lòng nhưng lại mang sắc thái sang trọng khó đến gần với đông đảo công chúng. Ấy vậy mà qua khối óc nghệ thuật của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, những vần thơ của Nguyên Sa trở nên thăng hoa, những ý thơ bay bổng đến gần với khán thính giả hơn. Hầu hết những bài thơ của Nguyên Sa được Ngô Thụy Miên phổ nhạc đều có sức sống bền bỉ trong lòng công chúng... 

Ngô Thụy Miên viết về mối giao cảm thi - ca với Nguyên Sa

Ngày 18/4/1998, thi sĩ Nguyên Sa qua đời. Tin này khiến nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bàng hoàng, thẩn thơ. Những hoài niệm về Nguyên Sa lẩn khuất trong tâm trí của Ngô Thụy Miên. 

Ông kể, không rõ nhà thơ Nguyên Sa từ Pháp về Việt Nam từ năm nào, chỉ biết cùng với nhà thơ Cung Trầm Tưởng. Nguyên Sa đã đem Paris về "cho bọn trẻ chúng tôi" (ý nói thế hệ Ngô Thụy Miên). Một Paris với hè phố Saint Michel, với sông Seine, tháp Eiffel, những cặp tình nhân, giáo đường giăng sương mù... Nguyên Sa còn mang cả nắng Sài Gòn, lụa Hà Đông và đâu đó bóng dáng Hà Nội vào thi ca Việt Nam một cách thật nhẹ nhàng, thân thiết.

Có không ít người từng hỏi Ngô Thụy Miên về mối quan hệ với thi sĩ Nguyên Sa: Là họ hàng hay người quen? Kỳ thực, hai người chẳng có mối liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. 

"Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quý thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn dòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình", nhạc sĩ Ngô Thụy Miên viết về cuộc gặp gỡ định mệnh làm nên mối giao cảm thi - ca với thi sĩ Nguyên Sa.

Ngô Thụy Miên trải lòng thêm: "Tôi đến với thơ Nguyên Sa, không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ của ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo lên bằng những lời thơ ngọt ngào tình tứ, tươi mát. Cũng như bao nhiêu anh em thanh niên sinh viên, học sinh hồi thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ ông. Nói đến 'Áo lụa Hà Đông', có lẽ chúng ta không ai là không biết: 'Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông'. Nhưng cá nhân tôi khi đọc bài thơ đã chú ý đến 4 câu: Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết/ Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu/ Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau/ Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại"...".

Ngô Thụy Miên đã quyết định đặt bút phổ nhạc cho bài thơ "Áo lụa Hà Đông". Ông đã hoàn tất phần điệp khúc viết theo cung Rê thứ để thích hợp với hồn thơ Nguyên Sa. 

ngo-thuy-mien-va-cuoc-gap-lam-nen-moi-giao-cam-thi--ca-voi-nguyen-sa-7
Ca khúc "Áo lụa Hà Đông"

Đến cuối 1970, trong đêm nhạc ở trường đại học Khoa học, Ngô Thụy Miên đã giới thiệu bài hát tới các bạn trẻ. Sau đó, bản nhạc đã được phổ biến thường xuyên ở các chương trình ca nhạc do ông và nhạc sĩ Trường Sa thực hiện trên đài phát thanh Quân đội, hay các đêm nhạc khác ở Sài Gòn. 

Cũng trong năm 1970, ông tiếp tục viết "Tình khúc tháng sáu" phổ theo ý thơ bài "Tháng sáu trời mưa" của Nguyên Sa. Đến năm 1984, ông mới phổ bài "Tháng sáu trời mưa". 

Tiếp đó, Ngô Thụy Miên phổ nhạc "Paris có gì lạ không em" và "Tuổi 13"... Đến năm 1974, ông cùng nhóm bạn thực hiện cuốn băng "Tình ca Ngô Thụy Miên". Ông đã đến gặp nhà thơ Nguyên Sa để xin ghép 3 bản nhạc. 

Lần đầu nói chuyện đã để lại ít nhiều kỷ niệm. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên kể về cuộc gặp gỡ đó như sau: "Nhà thơ rất giản dị, dáng dấp xuề xòa. Ông rất vui khi biết tôi phổ thơ ông, và hỏi tôi sẽ nhờ ai hát? Tôi nói nhạc sĩ Văn phụng viết hòa âm, ca sĩ Duy Trác hát Áo lụa Hà Đông, Thái Thanh hát 2 bài Paris có gì lạ không em, Tuổi 13. Và từ đó, Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi 13, đã trở thành một phần đời nhạc Ngô Thụy Miên".

Ngược lại, thi sĩ Nguyên Sa cũng có góc nhìn trân trọng đối với những gì nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã làm. Một lần, trong chương trình phát thanh giới thiệu chủ đề Thơ Nhạc Nguyên Sa/Ngô Thụy Miên do Duy Trác thực hiện có nhắc đến những chia sẻ của thi sĩ Nguyên Sa.

Thi sĩ nói rằng bài thơ "Áo lụa Hà Đông của ông có một số mệnh rất đặc biệt. Khi bài thơ được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thành nhạc, danh ca Duy Trác đã trình bày, từ đó, cái tên "Áo lụa Hà Đông" đã gắn với 3 người, thi sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ. Nó trở thành một định mệnh. Mặc dù đây không phải là bài thơ hay nhất của Nguyên Sa, cũng như không phải ca khúc tuyệt tác của Ngô Thụy Miên, cũng không phải bài hát mà Duy Trác trình bày thành công nhất.

Ở cuốn bài viết chia sẻ về cuộc gặp gỡ định mệnh với Nguyên Sa trong âm nhạc, Ngô Thụy Miên có viết: "Trong nhạc Ngô Thụy Miên, thơ Nguyên Sa có một chỗ đứng rất đặc biệt...". Vâng, trong nhạc tôi ý thơ của ông bàng bạc khắp nơi, đâu đó thấp thoáng một chút nắng Sài Gòn, chút lụa Hà Đông, bâng khuâng chút trời Paris và người yêu rất nhỏ... Định mệnh đã cho tôi đọc thơ Nguyên Sa, được nghe tiếng hát Duy Trác, được thưởng thức hòa âm Văn Phụng, để hôm nay, và mãi sau này, dù các anh ở đây, hay đã đi xa rồi, tôi vẫn xin được gửi lời cám ơn chân thành nhất của một người viết nhạc tình ca đến các anh. Xin lần cuối gửi lời cầu chúc nhà thơ một chuyến đi xa về nơi an lành, vĩnh cửu".

Xem thêm: Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: "Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận