Nhạc sĩ Phạm Duy: "Tôi là người Việt Nam, nếu muốn được gọi là nhạc sĩ Việt Nam, thì tôi phải làm nhạc dân ca"

Nhạc sĩ Phạm Duy khởi sự sáng tác của mình bằng những bản nhạc mang tinh thần Việt Nam, với chất liệu Việt Nam. Có như vậy, ông mới được gọi là nhạc sĩ Việt Nam.

Đỗ Thu Nga
15:57 29/05/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ

  • Tên thật: Phạm Duy Cẩn
  • Nghệ danh: Phạm Duy
  • Ngày sinh - ngày mất: 5/10/1921 - 27/1/2013
  • Quê quán: Hà Nội
  • Gia đình: Phạm Duy sinh ra trong gia đình văn nghiệp
  • Nghề nghiệp: Ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công, nhà nghiên cứu âm nhạc
  • Thể loại sáng tác: Nhạc thiếu nhi, nhạc kháng chiến, nhạc quê hương, tự tình dân tộc, nhạc đôi lứa, nhạc tâm tư, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tục ca, vỉa hè ca
  • Ca khúc nổi tiếng: Nổi danh từ "Cô hái mơ" (1942); Bà mẹ Gio Linh, Tình ca, Tình hoài hương, Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam, Đạo ca
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Thái Thanh
  • Thời gian hoạt động: 1947 - 2013

Chiều ngày 27/1/2013, cây đại thụ của nền tân nhạc - nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời tại TP Hồ Chí Minh sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Người giúp việc thân cận của ông tâm sự: "Ông bị nhiều thứ bệnh, phải vào viện nhiều lần. Cách đây 4 hôm, ông nhập viện và qua đời lúc 2h chiều 27". 

Sự ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy khi ấy khiến gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là những người hâm mộ nhạc Phạm Duy vô cùng tiếc nuối. Cho đến nay, dù đã qua đời được hơn một thập kỷ nhưng âm nhạc Phạm Duy vẫn khiến luôn hiện hữu trong cuộc sống của người Việt. Bởi lúc sinh thời, Phạm Duy sáng tác nhạc gắn liền với tinh thần Việt Nam, gần gũi với người Việt....

Nhạc sĩ Phạm Duy là ai?

Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5/10/1921 tại Nhà hộ sinh số 40 Rue Takou, phố Hàng Cót, Hà Nội. Phạm Duy trưởng thành trong gia đình văn nghiệp.

Cha ông là Phạm Duy Tốn, được coi là nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học Mới đầu thế kỷ XX. Có thể ít người biết, cha của Phạm Duy chính là "cha đẻ" của truyện ngắn nổi tiếng "Sống chết mặc bay" - tác phẩm văn học đầu tiên của Việt Nam được viết theo lối Tây phương.

Phạm Duy còn có một người anh trai tên Phạm Duy Khiêm - một nhà văn hiếm hoi thành đạt rất sớm tại Pháp và trở thành trụ cột gia đình khi cha ông qua đời (khi ấy Phạm Duy mới chỉ lên ba). 

Thuở nhỏ, Phạm Duy là đứa trẻ hiếu động, tính tình có đôi khi khá bất cần đời. Ông học vỡ lòng ở trường Hàng Thùng, học tiểu học ở trường Hàng Vôi. Dẫu chỉ có 4 năm tiểu học và 1 năm trung học nhưng những bài học trong sách Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư đã in đậm trong tâm hồn ông trước khi bước ra ngoài xa hội, hình thành trong ông quan niệm về "đức độ của người Việt Nam" mà ông từng nhấn mạnh là "con người ở nông thôn" chứ không phải thành thị.

Học tài thi phận, năm 1936, Phạm Duy trượt vào trường Bưởi. Ông phải sang trường Trung học tư thục Thăng Long. Thời ấy, Phạm Duy được học trong môi trường có các thầy dạy là Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Tuyên, Khuất Duy Tiến, Phan Anh... 

Phạm Duy học cùng nhà thơ Quang Dũng. Tại lớp, ông có học lực đứng thứ 2. Trong 1 năm học Trung học, Phạm Duy được tiếp xúc sâu với cái đẹp của văn chương Pháp và ông cũng phát hiện ra mình có duyên với những con chữ.

nhac-si-pham-duy-la-ai-va-su-nghiep-am-nhac-cua-pham-duy-do-so-co-nao-8
Nhạc sĩ Phạm Duy thời trẻ

Vì cha đã qua đời nên anh trai trở thành người giám hộ, theo sát việc học tập và trưởng thành của Phạm Duy. Năm 1937, người anh Phạm Duy Khiêm không cho ông học tại trường Thăng Long nữa mà bắt chuyển qua học nghề ở trường Bách Nghệ (Trường Kỹ thuật Thực hành Hà Nội). Trường này có 2 ngành là gỗ và sắt, Phạm Duy chọn ngành sắt (nguội, tiện, rèn). Năm 1938, khi chưa học hết một niên khóa thì ông bị đuổi vì đánh nhau, vi phạm kỷ luật. 

Cũng trong năm đó, Phạm Duy bước ra ngoài xã hội, xin làm việc ở hiệu sửa radio trên phố Hàng Gai. Cuối năm 1939, ông đi Móng Cái làm việc ở Nhà Máy điện, làm thợ rèn rồi coi lò than. Sau 5 tháng làm việc, ông bị nám phổi phải vào việc điều trị. Tháng 5/1940, ông trở về Hà Nội, đầu quân làm lính thợ sang Pháp nhưng Pháp thua trận nên ý định đó không thành. 

Đến năm 1940, ông nghe theo bạn bè học dự thính lớp hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bạn học của ông là Bùi Xuân Phái, Phan Kế An, Võ Lăng... Thầy dạy là họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân. Nhưng ông phát hiện ra mình chẳng hề đam mê hội họa.

Mùa thu năm 1941, ông nghỉ học về Hưng Yên sống với mẹ tại nhà anh chị Phạm Duy Nhượng và được giới thiệu làm thư ký cho người anh họ làm nghề lục sự ở Tòa án. Một thời gian sau ông bỏ việc về làm con nuôi Tuần phủ Lê Đình Trân. Phạm Duy phụ trách việc kèm cặp 2 người em nhỏ học tập. Sau ông Trân được thăng chức Tổng đốc đến tỉnh Kiến An, Phạm Duy cũng đi theo. 

Năm 1943, Phạm Duy đi trông coi đồn điền cho gia đình Tổng đốc Trân tại Yên Thế (Bắc Giang). Một thời gian sau, mẹ ông gọi về Hà Nội để tham gia Gánh hát Đức Huy. Gánh hát này ra mắt ở Hải Phòng sau đó Nam tiến hoạt động, đôi khi qua cả Campuchia để biểu diễn. 

Tuổi thơ và thời tuổi trẻ của Phạm Duy đã trải qua rất nhiều cảnh sống. Và có lẽ nhờ đó mà ông đã tích được không ít tư liệu chân thực để phục vụ sự nghiệp sáng tác sau này. Giai đoạn lang thang vô định cũng là khoảng thời gian ông nhận ra mình đam mê nhạc đến nhường nào. Vì đam mê mà ông có nhiều động lực để tự học nhạc cổ điển, tự tập sáng tác. 

Năm 1953, ông qua Pháp tham gia khóa học âm nhạc trong 2 năm. Sau đó về nước và tiếp tục sự nghiệp âm nhạc ở miền Nam. Thời gian này ông viết nhạc kịch, viết nhạc cho phim.

Đến năm 1965, ông tham gia phong trào Du ca với Nguyễn Đức Quang, Giang Châu... Năm 1966, ông được đài Channel 13 mời tham gia chương trình dân ca của Pete Seeger (Mỹ). Năm 1990, ông bắt đầu viết hồi ký 4 cuốn (trong hồi ký của mình, ông có chia sẻ rất chi tiết về sự nghiệp âm nhạc cũng như những mối tình ngang qua cuộc đời mình). 

Ngày 27/1/2013, ông qua đời tại TP Hồ Chí Minh sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật. 

Nhạc sĩ Phạm Duy từ những mối tình trên đường rong ruổi đến cuộc hôn nhân với "nàng thơ" Thái Hằng

Những cuộc "bắt tình" của Phạm Duy

Năm 17 tuổi Phạm Duy đi "bụi" và đây cũng chính là lúc ông bước chân vào lĩnh vực ca nhạc. Ông trở thành ca sĩ chuyên hát nhạc Văn Cao trong gánh cải lương Đức Huy - Charlot Miều. Thời kỳ đi hát rong, ông gặp gỡ nhiều tên tuổi như thi sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Lê Ái Xuân, văn Đông... và tất nhiên là cả Văn Cao nữa - một người nhạc sĩ mà sau này đã trở thành bạn thân trong cả đời sống âm nhạc lẫn đời sống thường nhật của ông. 

Trên những bước đường rong ruổi cả hát từ Bắc vô Nam, từ biên giới Việt - Hoa đến tận Cà Mau, và sau này là sang cả Mỹ, rồi trở về đất Việt, nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại sau mình rất nhiều mối tình. 

Hồi mới nổi tiếng, Phạm Duy yêu thầm một cô gái rất xinh đẹp tên Sâm (người Hưng Yên). Để chinh phục trái tim nàng, ông đã viết dăm ba bức thư tình lâm li bi đát để gửi đi. Nhưng định mệnh đưa đẩy thế nào mà cô Sâm lại nhận lời làm vợ ông giáo Phạm Duy Nhượng (anh ruột Phạm Duy). Và có lẽ đây cũng là một phần nguyên nhân khiến Phạm Duy bỏ nhà đi "bụi" vì cảm thấy bản thân bị "quê" với bà chị dâu. 

Trong thời gian Phạm Duy đang "hát rong" ở tận miền Nam thì ở quê nhà, người chị dâu tên Sâm vắn số qua đời vì bệnh thương hàn khi tuổi còn rất trẻ. Và có lẽ, đây là mối tình "lành mạnh" nhất của Phạm Duy (lúc ấy ông còn rất trẻ)... 

nhac-si-pham-duy-la-ai-va-su-nghiep-am-nhac-cua-pham-duy-do-so-co-nao-7
Phạm Duy từng là một chàng nghệ sĩ đào hoa

Sau cô Sâm, chàng nghệ sĩ tài hoa lại si tình cô ca sĩ Thương Huyền của phòng trà "Thiên Thai". Trong hồi ký của mình, Phạm Duy kể: "Nàng là người tình chớp nhoáng của tôi. Tên thật của Nàng là Thường. Tôi đặt tên cho Nàng một cách giản dị, theo lối đánh vần "thương huyền thường". Tôi dạy cho Thương Huyền hát bài Trao lòng, một bài ca nhờ giọng hát trong trẻo của cô ca sĩ rất đa tình này mà trở thành nổi tiếng. Thương Huyền có nụ cười và hàm răng như hoa nở. Tính tình thuộc loại bạt mạng, bất cần đời".

Cũng theo Phạm Duy, hồi ấy, ông và Thương Huyền yêu nhau thắm thiết. Sau này còn gặp lại nhau nhiều lần trong kháng chiến. 

Sau Thương Huyền, nhạc sĩ Phạm Duy cũng có cuộc sống tạm bợ với một người tình đang làm nghề vũ nữ ở nhà hàng khiêu vũ Tabarin tên Định. Thời ấy, Định là một trong 2 vũ nữ đẹp nhất Hà Nội (người còn lại tên Thơm). Hai người có điểm chung là mê nhạc. Phạm Duy từng sáng tác ca khúc riêng dành tặng nàng.

Trong hồi ký của mình, Phạm Duy cũng từng lược thuật về giai đoạn ông lên vùng Yên Thế (Bắc Giang) coi nom đồn điền cho người cha nuôi. Thời gian ở đó, chàng nhạc sĩ họ Phạm lại "dính líu" với ít nhất 2 thôn nữ. Sau này, khi trở về quê cũ, Phạm Duy chỉ gặp lại 1 người xưa mà ông từng có ý định lấy làm vợ. Nàng tên Hạ, là con gái lớn quan Chánh Tổng. 

Phạm Duy gặp lại nàng khi nàng vẫn chưa lấy chồng, vẫn còn đẹp và ham mê lao động. Ông đã có những đêm ân ái nồng cháy trên ổ rơm thơm phưng phức bên người đẹp. Sau này, Phạm Duy lại tự đặt ra câu hỏi cho mình: "Không hiểu sao lúc đó tôi không ở lại Nhã Nam, lấy cô gái quê này làm vợ, trở thành một anh nông dân không tên tuổi? Âu cũng là số kiếp...".

Chuyện tình của Phạm Duy vẫn chưa có hồi kết. Năm 1946, ông gia nhập Đoàn Văn nghệ Giải Phóng, đóng quân và lưu diễn từ Sơn Tây qua Vĩnh Yên tới Lào Cai. Ở đây, vì nể bạn thân Văn Cao nên ông đã từ giã đoàn (mùa hè 1947) để ở lại hát cho "quán Biên Thùy" của Văn Cao. Và cũng từ đây, ông bắt đầu nối dài hồi ký tình yêu của mình với cô nàng chiêu đãi viên vốn là vũ nữ ở Hà Nội, mà ông gọi nó là "bắt tình". Cuối năm 1947, ông và nhạc sĩ Ngọc Bích (tác giả Mộng chiều xuân) rủ nhau về Chợ Tình...

Cuộc hôn nhân với ca sĩ Thái Hằng

Được biết, năm 1946 có một gia đình nghệ sĩ từ Hà Nội tản cư về Hà Đông mở quán phở kiêm quán cà phê, gọi là quán "Thăng Long" ở Chợ Đại - Cống Thái. Ấy là gia đình ông Phạm Đình Phụng. Ông Phụng yêu nhạc cổ còn vợ (vợ sau) là ca nương nên dù chạy giặc vẫn mang theo đàn. Ông chơi đàn nguyệt còn bà dạo ngón đàn tranh, tỳ bà... 

Vợ chồng ông Phụng có 3 người con là Phạm Thị Thái (ca sĩ Thái Hằng), Phạm Đình Chương (nhạc sĩ Phạm Đình Chương tức ca sĩ Hoài Bắc) và Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh). Nếu tỉnh cả người vợ trước thì ông Phụng có thêm 2 người con nữa là Phạm Đình Sĩ (bố ca sĩ Mai Hương sau này) và Phạm Đình Viêm (ca sĩ Hoài Trung). Nếu tính thêm dâu, rể thì có nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Khánh Ngọc.... Và phải nói rằng, gia đình ông Phụng là đại gia đình có truyền thống âm nhạc...

Lại nói chuyện về cô Thái (con gái ông Phụng), vào năm 20 tuổi, không chỉ hát hay mà còn biết chơi guitare Hawaienne nhưng lúc nào mặt nàng cũng buồn xa xăm. Quán "Thăng Long" là nơi hội tụ của giới văn nghệ sĩ tản cư và cô Thái là đích ngắm của rất nhiều "cây si" tên tuổi như thi sĩ Huyền Kiêu, thi sĩ Đinh Hùng, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Ngọc Bích... 

nhac-si-pham-duy-la-ai-va-su-nghiep-am-nhac-cua-pham-duy-do-so-co-nao-9
Nhạc sĩ Phạm Duy và Thái Hằng ở chiến khu Việt Bắc năm 1949

Trước khi theo gia đình tản cư, cô Thái từng gia nhập đoàn kịch của Thế Lữ (cô là cháu bà Song Kim, vợ Thế Lữ). Được nhà thơ Thế Lữ đặt cho nghệ danh là Thái Hằng nên cô sử dụng đến khi qua đời. 

Thời Thái Hằng có nhiều "cây si" đứng trước cổng thì không có Phạm Duy trong số đó. Dù rằng ông vẫn thường xuyên đến quán "Thăng Long" và tham gia những "show" văn nghệ của gia đình này. Nhiều hôm cao hứng quá, chàng nghệ sĩ trẻ còn nhảy lên bàn ăn, vung tay múa chân hát nhạc Văn Cao, ngâm thơ Hoàng Cầm... 

Người ta nói, thời Phạm Duy hay ghé quán "Thăng Long" là vì chàng mê người đẹp tên Hiếu. Nàng Hiếu thuộc loại đàn bà phóng túng của Hà Nội, sở hữu thân hình nở nang, đẹp không thua gì bức tượng thần vệ nữ Milo. Nàng còn có đôi mắt rất thơ, khiêu khích, có cái răng khểnh kiêu sa và trái tim bốc lửa. 

Phạm Duy có thời gian sống cùng Hiếu trên con thuyền nhỏ. Thuyền tình này khi thì trôi trên sông Đáy, khi thì đậu ở bến chợ Đại hay bến Cống Thần. Tại thuyền tình này, Phạm Duy đã sáng tác bài "Tiếng đàn tôi". 

Sang năm 1949, Phạm Duy cùng mấy anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Băng Thanh gia nhập các bạn văn nghệ quân đội của Liên khu IV. Vợ chồng ông Phụng cũng rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hóa để được ở gần các con.

nhac-si-pham-duy-la-ai-va-su-nghiep-am-nhac-cua-pham-duy-do-so-co-nao-6
Hình ảnh đại gia đình Thăng Long với: Hàng trên: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung Hàng dưới: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh

Phạm Duy và Thái Hằng khi ấy trở thành đồng đội trong đoàn văn nghệ quân đội. Phạm Duy thường theo Phạm Đình Viêm và Thái Hằng về quán "Thăng Long" (khi ấy ở Chợ Neo) chơi/ Và gia đình ông Phụng coi Duy như con cháu trong nhà. Phạm Duy được ăn, ngủ luôn ở quán. Giường ngủ là hai cái bàn kê sát vào nhau.

Ban đầu, Phạm Duy chẳng "khoái" Thái Hằng tí nào vì ông đang mê đắm thuyền tình. Nhưng khi về sống dưới một mái nhà, cùng nhau vui đùa ca hát thì mới tiếp xúc nhiều, hiểu nhau hơn, ông cũng phát hiện ra rằng, Thái Hằng có nhiều tố chất trở thành người vợ lý tưởng của mình. Và ông chợt nhận ra mình xấp xỉ 30 tuổi, cần phải lấy vợ rồi. 

Phạm Duy lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng, trở thành thành viên của đại gia đình nghệ sĩ. Vợ chồng ông có 8 người con (Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Đức, Thái Hạnh), các con ông đều theo nghiệp nhạc và có những thành công nhất định trong lĩnh vực của mình. Con trai ông là ca sĩ Duy Quang, nhạc sĩ hòa âm Duy Cường, ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo. Ông còn có con rể là ca sĩ Tuấn Ngọc (chồng Thái Thảo) - con trai nhạc sĩ Lữ Liên. Các cháu vợ của ông như ca sĩ Ý Lan (con gái Thái Thanh) và Mai Hương (con gái Phạm Đình Sỹ).

nhac-si-pham-duy-la-ai-va-su-nghiep-am-nhac-cua-pham-duy-do-so-co-nao-5
Phạm Duy, Thái Hằng và các con của họ

Nhạc sĩ Phạm Duy đào hoa nổi tiếng thời trẻ đã đành nhưng đến khi lập gia đình ông vẫn vướng scandal ngoại tình với em dâu là ca sĩ Khánh Ngọc (vợ nhạc sĩ Phạm Đình Chương - ca sĩ Thái Hằng là chị ruột của Phạm Đình Chương). Câu chuyện này khiến hôn nhân của Phạm Đình Chương đến bờ tan vỡ.

Khi ấy, dư luận phản ứng dữ dội khiến Khánh Ngọc phải chấm dứt sự nghiệp ca sĩ, xuất ngoại sang Mỹ. Trong khi đó, Phạm Duy mất tinh thần một thời gian rồi đáp trả dư luận bằng ca nhạc "Tôi còn yêu, tôi cứ yêu". 

Nhạc sĩ Phạm Duy - "con chim bách thanh" của nền tân nhạc Việt Nam

Sự nghiệp ca sĩ gắn liền với gánh hát Cải lương Đức Huy - Charlot Miều

Năm 1941, Phạm Duy chính thức bén duyên với âm nhạc ở vai trò phó quản lý và ca sĩ lưu động hát tân nhạc trong gánh hát Cải lương Đức Huy - Charlot Miều. Gánh hát này đã đưa Phạm Duy đi đến nhiều vùng đất trên khắp cả nước, mở mang nhiều kiến thức hơn.

Phải nói rằng, Phạm Duy hát rất hay. Giọng ca điêu luyện, đậm chất Việt đã đưa tên tuổi của ông sánh với các tên tuổi như Đặng Thế Phong, Văn Cao. 

Như một định mệnh, những năm tháng rong ruổi theo gánh hát đã giúp cho ông gặp gỡ được nhiều tri kỷ. Có thể kể đến như Lưu Trọng Lư, Văn Cao, Lê Xuân Ái, Lê Thương... Những mối duyên âm nhạc và nghệ thuật dường như đã giúp ông thư lượm được nhiều chất liệu quý giá, trở thành nguồn cảm hứng tràn đầy, nạp cho ông năng lượng mới, độ cảm thụ tinh tế để sau này tạo nên gia tài âm nhạc đồ sộ. 

nhac-si-pham-duy-la-ai-va-su-nghiep-am-nhac-cua-pham-duy-do-so-co-nao-4
Phạm Duy có một tình bạn rất đẹp với Văn Cao

Trong sự nghiệp của Phạm Duy không thể không nhắc đến hình bóng của nhạc sĩ Văn Cao - người bạn thân từ đời sống đến âm nhạc. Trong hồi ký của mình, Phạm Duy viết về cơ duyên gặp Văn Cao: "Trong thời gian ở Hải Phòng, tôi may mắn gặp một người bạn. Đó là Văn Cao".

Sau gần 2 tháng biểu diễn ở Hải Phòng, Phạm Duy tạm biệt Văn Cao cùng gánh hát tiếp tục cuộc hành trình từ Bắc vào Nam. Trong hành trang của mình. Phạm Duy có mang theo một số tác phẩm của Văn Cao. 

Khi nhắc về người bạn tri kỷ Văn Cao, Phạm Duy từng thốt lên: "Văn Cao thật là một con người tài hoa. Nhạc tình của nó hay, nhạc hùng của nó cũng hay không kém...".

Mặc dù Phạm Duy chưa hoàn toàn bước chân vào sáng tác nhưng nhờ quá trình lĩnh hội từ sách Tây ông đã có vốn kiến thức dày về nhạc lý. Từ đó ông đã góp ý, chỉnh sửa phần giai điệu của bài hát "Bến xuân" do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác chính.

Sự nghiệp nhạc sĩ rực rỡ

Nhạc thời chiến

Năm 1942, Phạm Duy bắt đầu sự nghiệp nhạc sĩ của mình với ca khúc "Cô gái mơ", phổ nhạc từ thơ Nguyễn Bính trong thời kỳ phong trào Tân nhạc Việt Nam bắt đầu nở rộ. Phạm Duy từng chia sẻ: "Tôi đã phổ nhạc bài thơ này vào năm 1942. Đó là bản nhạc đầu tay của tôi nên tôi yêu nó lắm". Ca khúc này nhanh chóng được đón nhận bởi ca từ nhẹ nhàng, da diết...

Năm 1944, Phạm Duy có ca khúc riêng của mình cả về phần nhạc và phần lời mang tên "Gương tráng sĩ" gắn liền với sự tích Hồ Hoàn Kiếm. 

Thời kháng chiến Nam Bộ (1945 - 1946), ông chơi rất thân với Văn Cao. Ông và Văn Cao giúp nhau trong việc sáng tác. Cả hai cùng nhau tạo nên "Bến xuân", "Suối mơ". 

Cũng trong giai đoạn này, Phạm Duy trở thành cán bộ văn nghệ của cuộc kháng chiến chống Pháp và trở thành một trong những nhạc sĩ thành công nhất. Ông sáng các các ca khúc ở thể loại hùng ca như: Chinh phụ ca, Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh, Nợ xương máu... Bên cạnh đó cũng có những nhạc phẩm lãng mạn như: Cây đàn bỏ quên, Cô hái mơ, Tình kỹ nữ...

Năm 1947, ông sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân ca. Ông cho rằng, bản thân là người Việt Nam, nếu muốn được gọi là nhạc sĩ Việt Nam thì phải làm nhạc dân ca. Ông nhắc nhở bản thân phải sáng tác âm nhạc am tinh thần Việt Nam với chất liệu Việt Nam. 

Trong khoảng hơn 20 năm ở miền Nam, trước khi đất nước phân chia, Phạm Duy sáng tác nhiều ca khúc với đầy đủ mọi khía cạnh đời sống. Đó là các ca khúc cổ vũ tinh thần yêu nước, hay say lao động như: Gánh lúa, Đường ra biên ải.

Kể từ năm 1948, ông bắt đầu khai thác mặt trái của cuộc kháng chiến với các ca khúc như Quê nghèo, Nhớ người thương binh, Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung...

Những nhạc phẩm thời kỳ này của Phạm Duy được công chúng đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên, do nhắc nhiều đến sự bi, khổ và chất "lãng mạn tiểu tư sản" nên có thời điểm Phạm Duy nhận về sự chỉ trích. Và có lẽ đây là điều khiến ông thao thức nhiều đêm dài vì sự bất đồng quan điểm trong sáng tác nghệ thuật. Sau nhiều lần khiển trách, ông quyết định rời chiến khu về lại thành phố.

Trước khi về Sài Gòn định cư, ông dành 2 năm để phổ những câu ca dao thành bài dân ca "Nụ tầm xuân". Ngoài ra, bài thơ Tiếng sáo thiên thai của Thế Lữ cũng được ông hòa âm thành một bản tango. 

nhac-si-pham-duy-la-ai-va-su-nghiep-am-nhac-cua-pham-duy-do-so-co-nao-1
Phạm Duy và Lưu Trọng Lư

Năm 1952, ông về lại Sài Gòn và tiếp tục sáng tác với các ca khúc: Em bé quê, Người về, Ngày trở lại...

Sau kháng chiến, Phạm Duy không khai thác nhiều khía cạnh tình yêu mà dành nhiều thời gian sáng tác các ca khúc ca ngợi con người, quê hương. Ông chính là người khởi xướng cho khuynh hướng "Tình ca quê hương".

Phải sau thời gian đi tu nghiệp ở Pháp về (sau 1954), Phạm Duy mới bắt đầu khai thác chủ đề tình yêu đôi lứa, mang ân hưởng dân ca, mở ra những cung bậc cảm xúc từ hạnh phúc đến đau khổ, nhớ thương. Đó là các ca khúc: Kiếp nào có yêu nhau, Đường em đi, Còn gì nữa đâu.... Tiếp đó, ông khai thác sâu hơn về những trạng thái tâm tưởng tình yêu - sự đau khổ - cái chết với các nhạc phẩm nổi tiếng như: Tạ ơn đời, Một bàn tay, Đường chiếc lá rụng...

Nói về việc sử dụng chất liệu dân ca, Văn Cao từng nhận xét bạn mình như sau: "Muốn nói gì thì nói, Phạm Duy là một nhạc sĩ lớn. Nó là người có công trong việc sử dụng chất liệu dân ca đưa vào những sáng tác của mình một cách sáng tạo, mở ra một con đường cho các nhạc sĩ sau này đi theo...".

Và đương nhiên, trái tim người nghệ sĩ không thể tránh khỏi sự nhạy cảm từ những vấn đề chính trị trong thời gian đất nước bị chia cắt. Năm 1956, ông bắt đầu sáng tác các nhạc phẩm ca ngợi chế độ mới như: Chào mừng Việt Nam. 

Thời kỳ này, nhạc phẩm nào của Phạm Duy cũng chan chứa tình yêu sâu đậm với đất nước, thương số phận con người gắn với tình yêu long đong lận đận. Thật hiếm có nhạc sĩ nào ở Việt Nam giống như Phạm Duy. Ông sở hữu kho tàng nhạc phẩm khổng lồ với hơn 1000 ca khúc đa dạng thể loại từ tình yêu quê, tình yêu lứa đôi cho đến nhạc kháng chiến, nhạc tâm linh - tâm tưởng. 

Đến năm 1963, ông sáng tác bản trường ca thứ hai mang tên "Mẹ Việt Nam" sau "Con đường cái quan". Đây là hai bản trường ca nổi tiếng và thành công nhất của Phạm Duy. Qua đó, ông gửi gắm thông điệp về tình yêu với dân tộc, đất nước nói chung và với mẹ Việt Nam nói riêng.

Đến năm 1965, ông tham gia phong trào Du ca và đi nhiều nơi ở miền Nam để hát. Phong trào này gắn liền với hoạt động xã hội của thanh niên học sinh sinh viên miền Nam thập niên 1960. Thời kỳ này, Phạm Duy đã sáng tác: Việt Nam Việt Nam, Du ca mùa xuân, Trả lại tôi tuổi trẻ... Với phong trào Du ca, ông xuất bản tập nhạc "Hoan ca" bao gồm các thể loại Bình ca, Đồng dao, nữ ca... 

Cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, ông cùng các con thành lập ban nhạc "The Dreamers" để tham gia diễn phòng trà, nhà hàng ở Sài Gòn. Lúc này, băng cassette được thịnh hành đã giúp cho ông có thêm nguồn thu nhập từ bản quyền âm nhạc. 

Ban nhạc gia đình của ông trở thành ban nhạc tiên phong cho phong trào trình diễn ở nước ngoài cùng các ca khúc trẻ lời Việt. Tham gia ban nhạc có các con Duy Quang, Thái Hiền.

Năm 1973, Phạm Duy cùng với nhạc sĩ Ngọc Chánh và ca sĩ Thanh Lan trình bày "Tôi biết buồn" tại đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha ở Tokyo. Bản nhạc này lọt vào chung kết của đại hội. Ngoài ra, ca khúc "Tuổi mộng mơ" cũng được thu âm tại Tokyo và được dịch sang tiếng Nhật là "Yume o Miruno".

Nhạc hải ngoại

Từ năm 1975, Phạm Duy cùng gia đình vượt biên sang Mỹ theo tàu hải quân. Gia đình ông sống ở California trong 30 năm. Rời xa quê hương đất nước, Phạm Duy vẫn tiếp tục sự nghiệp âm nhạc bằng tiếng Việt với các đề tài mới, thể loại mới.

Thời kỳ đầu, ông cùng các con và ca sĩ Khánh Ly đi hát ở các nơi có người Việt xa xứ. Cùng với đó, ông biên soạn cách dạy nhạc và in các băng đĩa để có thêm thu nhập. 

nhac-si-pham-duy-la-ai-va-su-nghiep-am-nhac-cua-pham-duy-do-so-co-nao-2
Khi ở Hải Ngoại, nhạc sĩ Phạm Duy vẫn đau đáu nỗi nhớ quê hương

Khi đã đủ vốn liếng, ông và các nghệ sĩ hát nhạc mang âm hưởng dân ca tại Mỹ bắt đầu những buổi hát rong ở các quán cafe, trường đại học, câu lạc bộ... 

Ông cùng các thành viên trong gia đình lập gánh hát "The Pham Duy family singers". Gia đình ông nhận biểu diễn ở các chương trình ca nhạc, các sự kiện âm nhạc lớn. Cũng trong giai đoạn này, ông sáng tác hàng loạt ca khúc trong tổ khúc "Bầy chim bỏ xứ" (ông thai nghén năm 1975 và hoàn tất vào năm 1990). Tổ khúc này gồm 18 ca khúc thể hiện nỗi lòng của những người Việt rời bỏ đất nước, ấp ủ hi vọng nhỏ vào ngày được đoàn tụ ở quê hương. Những sáng tác ở hải ngoại của ông dường như đều nhắc đến hành trình lưu vong của người Việt ở hải ngoại, luôn đau đáu về Việt Nam.

Những năm tháng cuối đời ở Việt Nam

Lúc nào Phạm Duy cũng đau đáu nỗi niềm về quê nhà. Ông ấp ủ một ngày được trở về Việt Nam nhưng phải đến ngày 17/5/2005, ông mới chính thức về Việt Nam định cư với sự cho phép của chính phủ Việt Nam.  Sự kiện ông về nước được báo giới trong nước và quốc tế cực kỳ quan tâm.

Báo chí Việt Nam thời kỳ đó đưa ra quan điểm rằng, đây là "nhịp cầu nối người Việt xa xứ về quê hương" hay "niềm vui thống nhất lòng người". Còn với Phạm Duy, ông cho rằng, đây là chuyến về như "lá rụng về cội".

Sau 1 năm về nước định cư, ông và hãng phim Phương Nam tổ chức đêm nhạc mang tên "Ngày trở về" ở nhà hát Hòa Bình (TP Hồ Chí Minh). Đêm nhạc quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và Phạm Duy là người kể câu chuyện trong suốt liveshow. 

nhac-si-pham-duy-la-ai-va-su-nghiep-am-nhac-cua-pham-duy-do-so-co-nao-00
Sau bao năm chờ đợi đằng đẵng, nhạc sĩ đã được thỏa ước nguyện trở về Việt Nam, mà ông ví nó giống như "lá rụng về cội"

Sau đó, Phạm Duy cũng thực hiện nhiều đêm nhạc khác như Con đường tình ta (2009), Mơ giấc mộng dài (2010) tại nhà hát Hòa Bình... 

Ngoài viết nhạc, Phạm Duy còn là cây bút phê bình điện ảnh. Sau vài năm sang Pháp học tập và xem nhiều bộ phim xuất sắc của thế giới, Phạm Duy đã viết bài bình như Kẻ cắp xe đạp, Công dân Kane, Xô nhau đi tìm vàng, Ảo mộng lớn...

Âm nhạc của Phạm Duy và những nhạc phẩm đặc sắc nhất

Nhạc sĩ Phạm Duy là con chim bách thanh. Nhạc của ông đa dạng, phong phú. Tất cả nhạc của ông dù dưới hình thức tân thì cũng là tình ca, tình người. 

Trong hơn 70 năm của mình, Phạm Duy đã tạo ra một kho tàng âm nhạc đồ sộ. Ông sáng tác nhiều thể loại khác nhau: Nhạc thiếu nhi, nhạc kháng chiến, nhạc tình ca, nhạc quê hương, nhạc tình yêu đôi lứa, nhạc tâm tư, nhạc trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tục ca, vỉa hè ca, Tâm phẫn ca (nhạc phản chiến). Trong đó:

Nhạc trường ca là thể loại quan trọng trong sự nghiệp của Phạm Duy và cũng là để nhấn mạnh vai trò của ông trong nền âm nhạc Việt Nam. Hai bản trường ca ấn tượng của ông là Con đường cái quan và Mẹ Việt Nam. Bản trường ca dài nhất và thực hiện lâu nhất của ông là "Minh họa Kiều".

Những năm cuối đời, hoạt động âm nhạc của Phạm Duy thường diễn ra ở Huế, tiêu biểu như các chương trình: Ngày trở về, Tôi yêu tiếng nước tôi, giới thiệu Trường ca Hàn Mặc Tử. Cũng có nhiều lần, nhạc sĩ về Huế không vì hoạt động âm nhạc mà để thăm nơi ghi dấu trong lòng ông. Phạm Dung từng nói "cái dạ dày của tôi ở Sài Gòn, cái đầu của tôi nhớ về Hà Nội và trái tim tôi để ở Huế".

nhac-si-pham-duy-la-ai-va-su-nghiep-am-nhac-cua-pham-duy-do-so-co-nao-0
"Bà mẹ nuôi" - Một trong những sáng tác hay của Phạm Duy

Bài hát nổi tiếng: Ông trăng xuống chơi ; Thằng Bờm có cái quạt mo; Chú bé bắt được con công; Một đàn chim nhỏ; Bé bắt dế; Đưa bé đến trường; Hẹn hò; Cỏ hồng; Ngày đó chúng mình; Cây đàn bỏ quên; Phượng yêu; Kiếp nào có yêu nhau; Đừng xa nhau; Mưa rơi; Đường em đi; Tôi còn yêu tôi cứ yêu; Tình ca; Về miền Trung ; Tình hoài hương ; Bà mẹ quê, Người tình, Chiến sĩ vô danh... 

Có thể thấy, Phạm Duy sáng tác rất nhiều, nhưng không phải ai cũng trình diễn thành công các ca khúc của ông. Người gắn liền tên tuổi với các sáng tác của Phạm Duy là danh ca Thái Thanh. Danh ca gắn bó, đồng hành với những nhạc phẩm của Phạm Duy từ những ngày đầu ông viết nhạc, bà biểu diễn, ghi âm hàng trăm bài từ các ca khúc quê hương đến những âm điệu phức tạp và cả tình yêu đôi lứa.

Sau Thái Thanh, người hay hát nhạc Phạm Duy nhất có lẽ là Duy Quang - con trai của ông. Với chất giọng ngọt ngào, tình cảm, Duy THanh được coi là một trong những ca sĩ nổi bật của nền tân nhạc Việt Nam thuộc thế hệ thứ 2. Duy Thanh cũng là người đóng vai trò trụ cột trong những đêm nhạc của Phạm Duy sau này.

Ngoài 2 ca sĩ trên thì danh ca Anh Ngọc, Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc cũng là những người hát nhạc Phạm Duy rất hay.

Với những thành tựu đặc biệt của mình, nhạc sĩ Phạm Duy từng được Trung tâm Thúy Nga vinh danh:

Paris By Night 19: Tác phẩm và Con người Phạm Duy

Paris By Night 30: Phạm Duy 2 - Người tình

Paris By Night 73: Song ca đặc biệt - The Best of Duets.

Nhạc sĩ Phạm Duy và vài nhận xét tiêu biểu về âm nhạc Phạm Duy

Nhạc của Phạm Duy được đặt lên bàn bình luận, phân tích rất nhiều. Trong đó có những nhận xét từ Giáo sư Eric Henry - người dành nhiều thời gian nghiên cứu về nhạc Việt, trong đó có nhạc Phạm Duy. Ông nhận định, không có dòng nhạc nào phong phú, đa dạng hơn nhạc Phạm Duy. Trong sáng tác của mình, PHạm Duy sử dụng nhiều và nhuần nhuyễn các chất liệu truyền thống. 

Nhạc sĩ Trần Tiến thì nhận xét: "Phạm Duy có công lớn trong việc phát triển nền tân nhạc của Việt Nam. Không chỉ tôi mà rất nhiều anh em sáng tác khác đã học tập được rất nhiều từ sáng tác của Phạm Duy".

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận xét: "Phạm Duy bàng bạc trong tất cả đời sống âm nhạc".

nhac-si-pham-duy-la-ai-va-su-nghiep-am-nhac-cua-pham-duy-do-so-co-nao-77
Ánh Tuyết đến thăm nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy

Ngô Thụy Miên: "Người nhạc sĩ có một gia tài âm nhạc đồ sộ, và sự đóng góp của ông cho âm nhạc Việt Nam là không thể nào so sánh được".

Nguyễn Văn Tý: "Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ".

Nguyễn Đình Toàn: "Ngôn ngữ ông giàu có đến độ, bên cạnh những chữ ông đã dùng, người ta tưởng chừng như còn dăm bảy chữ nữa ông chưa xài tới".

Tuấn Khanh: "Nói về một người đã mất, người ta hay nói đến những ký ức, nhưng với nhạc sĩ Phạm Duy, có lẽ người ta sẽ còn bàn nhiều về tương lai. Cuộc đời của ông là một ví dụ đầy xao xuyến về trái tim nghệ sĩ luôn lưu luyến cuộc đời, luôn tìm đến những điều mới mẻ và tạo dựng một lối đi khám phá đầy ngẫu hứng".

Tổng kết

Cho đến nay, âm nhạc của Phạm Duy vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Âm nhạc của ông là sự kết hợp tài tình của các giai điệu dân ca và tân nhạc. Đặc biệt là sự hòa quyện giữa tâm hồn và tình thần Việt Nam với phong cách âm nhạc Tây phương mới mẻ, hiện đại. Phạm Duy là một nhạc sĩ đa tài, "kẻ hát rong thế kỷ", góp phần không nhỏ vào sự độ sộ của nhạc Việt. 

Sau nhiều năm xa xứ, Phạm Duy đã trở về với quê cha đất tổ trong tình yêu thương của công chúng. Ông đã có những năm tháng cuối đời bình yên ở quê hương mình.

Xem thêm: Nhạc sĩ Nhật Trung: Nghệ thuật phải đi đôi với giải trí

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận