Tượng đài âm nhạc Lưu Hữu Phước và 2 bài hát bất hủ về Bác Hồ kính yêu

Sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước không chỉ có những hành khúc chính luận sâu sắc mà còn có những ca khúc trữ tình viết về Bác Hồ kính yêu.

Đỗ Thu Nga
17:00 01/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Đặc biệt, ông đã để lại cho thế hệ sau di sản văn hóa âm nhạc vô cùng đồ sộ, xứng đáng là một trong những "cánh chim đầu đàn" của nền âm nhạc mới Việt Nam.

Những ca khúc cách mạng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Lưu Hữu Phước có tác dụng to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Đồng thời làm cho chúng ta hiểu một cách sâu sắc về giai đoạn quan trọng của các mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại từ thời kỳ tiền khởi nghĩa đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bên cạnh những hành khúc chính luận, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn để lại cho đời 2 ca khúc trữ tình sâu sắc về Bác Hồ kính yêu: Ca ngợi Hồ Chủ tịch và Tình Bác sáng đời ta. Phía sau hai ca khúc này là kỷ niệm sâu sắc của cố nhạc sĩ với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Amnhac.net xin được lược thuật lại như sau:

Tháng 5/1946, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được điều ra công tác tại Hà Nội.Trong kỳ họp thứ II của Quốc hội khóa I (tháng 10/1946), ông vinh dự được gặp Bác Hồ. 

nhac-si-luu-huu-phuoc-tung-viet-may-bai-hat-ve-bac-ho-0
Đối với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Bác như người Cha, là linh hồn của cuộc kháng chiến, là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc

Cố nhạc sĩ từng kể với bạn bè về sự kiện này: "Khi Bác Hồ ôm anh Tạo, tôi tưởng chừng như Bác đang ôm mình, ôm cả ba má chú bác, bà con xa gần của tôi và toàn dân Nam Bộ. Nước mắt của Bác rơi trên vai anh Tạo, tôi cảm thấy nóng hổi như rơi ở trên vai tôi. Bỗng tôi chợt nhớ ra là chính nước mắt tôi đang chảy ròng ròng trên vai tôi".

Khi kháng chiến bùng nổ, tại chiến khu Việt Bắc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được gặp Bác Hồ nhiều lần. Qua những lần tiếp xúc, làm việc, ông cảm nhận Bác như người Cha, là linh hồn của cuộc kháng chiến, là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Được may mắn gần gũi với Bác trong những ngày ở chiến khu, Lưu Hữu Phước đã dồn tình cảm thành kính và niềm tin mãnh liệt vào Bắc qua bài hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch". Bài hát ra đời vào năm 1947, còn được gọi là "Lãnh tụ ca". Bài hát mang âm điệu ca ngợi chậm rãi, trang nghiêm, thành kính mà cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước soạn cùng Nguyễn Đình Thi. Hình ảnh Bác Hồ hiện lên trên nền cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, chỉ lỗi, dẫn dắt dân tộc đi đến bờ vinh quang trong khúc khải hoàn:

"Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi

Toàn Việt Nam đón chào ngày mới

Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta

Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta

Hồ Chí Minh muôn năm giải phóng cho nhân dân

Xây dựng non nước Việt Nam...".

nhac-si-luu-huu-phuoc-tung-viet-may-bai-hat-ve-bac-ho-8
Bài hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch"

Bây giờ, khi giai điệu ca khúc chỉ còn được ngân lên hằng ngày như tiếng chuông trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội trước khi điểm giờ thì lòng ta vẫn không khỏi bồi hồi thương nhớ về Bác Hồ kính yêu. Những gì Bác đã làm cho dân tộc là những điều thiêng liêng, không gì sánh bằng.

Năm 1969, sau khi nghe tin Bác Hồ kính yêu qua đời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đau xót vô cùng. Ông đã chắp bút sáng tác ca khúc "Tình Bác sáng đời ta" với âm điệu thiết tha, trữ tình đau đáu. 

Qua giọng ca của ca sĩ Quốc Hương, công chúng cứ nghe là sẽ rưng rưng nước mắt: "Từ trong chiến hào hôm nào nghe tiếng Bác/ Hồn ta sáng rực như nở hoa...".

Nếu như lần trước, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước soạn lời chung với Nguyễn Đình Thi thì lần này ông soạn cùng với Diệp Minh Tuyền. Cả hai người này đều là nhà thơ, nhạc sĩ. Đó là những duyên nợ, là tình cảm riêng biệt mà Lưu Hữu Phước dành cho Hồ Chủ tịch kính yêu. 

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921 - 1989) sinh ra và lớn lên tại Cần Thơ. Trước năm 1945, ông theo học ở Sài Gòn. Ông có mối quan hệ thân thiết với Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng.

Lưu Hữu Phước là "cây đại thụ" của giới nhạc sĩ Việt Nam, đại diện cho phái âm nhạc Nam Bộ trong thời điểm khởi đầu của nền tân nhạc. Sở trường của ông là hành khúc.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng kinh qua rất nhiều chức vụ quan trọng. Song dù ở cương vị nào ông cũng không quên sự nghiệp âm nhạc thiêng liêng của mình. 

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất (1987) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).

Xem thêm:

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phản ứng ra sao khi ca khúc "Tiếng gọi thanh niên" bị sử dụng trái phép?

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Nhà cách mạng nhiệt huyết, "cha đẻ" của những bản hùng ca giải phóng

Giải mã ca khúc bất tử "Giải phóng miền Nam": Ra đời trong hoàn cảnh nào và ai là tác giả đích thực?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận