Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phản ứng ra sao khi ca khúc "Tiếng gọi thanh niên" bị sử dụng trái phép?

Mặc dù đã kịch liệt phản đối nhưng ca khúc "Tiếng gọi thanh niên" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vẫn bị sử dụng trái phép. 

Đỗ Thu Nga
11:30 01/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

VỀ CA KHÚC "TIẾNG GỌI THANH NIÊN"

  • Tên ca khúc: Tiếng gọi thanh niên
  • Nhạc sĩ sáng tác: Lưu Hữu Phước
  • Thể loại: Nhạc tiền chiến
  • Năm ra đời: 1939 
  • Lời: Tiếng Pháp, tiếng Việt

Nguyên bản tiếng Pháp "La Marche des Étudiants"

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là "cây đại thụ" của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông gắn chặt với các sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Có thể nói, ông là nhà viết sử bằng âm nhạc. Những ca khúc cách mạng của ông có sức sống trường tồn cùng năm tháng, cổ vũ mạnh mẽ mọi tầng lớp công chúng để cùng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc: Lên đàng, Xếp bút nghiên, Bạch Đằng giang... Và không thể không nhắc đến ca khúc "Tiếng gọi thanh niên".

"Tiếng gọi thanh niên" là bài hát mà không bạn trẻ nào ra đời trước Cách mạng tháng Tám không biết: "Này thanh niên ơi/ Tiến lên dưới cờ giải phóng/ Đồng lòng cùng đi, đi, đi, sá gì thân sống...". Những ca từ đơn giản nhưng dễ đi sâu vào tâm trí người nghe đã mang về hiệu ứng cổ vũ, động viên mạnh mẽ trong công chúng, nhất là trong thế hệ thanh, thiếu niên thời kháng chiến.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-tieng-goi-thanh-nien-cua-luu-huu-phuoc-8
Ảnh bìa tờ nhạc "Tiếng gọi thanh niên"

Ca khúc "Tiếng gọi thanh niên" có tên nguyên bản là "La Marche des Étudiants", được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác nhạc vào cuối năm 1939. Ông Mai Văn Bộ đảm nhận nhiệm vụ đặt lời Pháp cho ca khúc. Khi đó, ca khúc này được sáng tác để làm bài hát chính thức của Câu lạc bộ Học sinh (Scholar Club) Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký. Nó cũng nhanh chóng trở thành bài hát chính của học sinh miền Nam thời bấy giờ. 

Viết lại lời Việt, đổi tên thành "Tiếng gọi thanh niên"

Năm 1941, Tổng hội Sinh viên Đông Dương đã chọn ca khúc này làm bài hát chính thức. Và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết lại lời Việt với tên "Tiếng gọi thanh niên". Ca khúc này được chia làm 3 phần:

- Lời 1 do Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước viết vào năm 1941 (trước 1945 chỉ hát bí mật).

- Lời 2 có tên gọi "Tiếng gọi sinh viên" do Lê Khắc Thiều và Đặng Ngọc Tốt soạn vào cuối năm 1941 (xuất bản năm 1943 rồi bị cấm).

- Lời 3 do Hoàng Mai Lưu soạn vào tháng 4/1945 (xuất bản trong những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám).

"Tiếng gọi thanh niên" lúc đầu mang tên "Tiếng gọi sinh viên". Lúc sinh thời, có lần nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng kể câu chuyện liên quan đến ca khúc này. Ông cho biết, năm 1940 (lúc 19 tuổi), học xong tú tài ở Sài Gòn, ông được cha mẹ cho ra Hà Nội học trường thuốc với kỳ vọng sau này con sẽ trở thành một bác sĩ tài đức.

Lưu Hữu Phước được học tập, sinh hoạt trong môi trường đầy mới lạ, có nhiều bạn sinh viên đam mê ca hát như mình nên ông chẳng khác nào "cá gặp nước". Vốn có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, lại võ vẽ nhạc lý, chơi được vài nhạc cụ thông dụng như guitar, măng-đô-đin, ông nghĩ ra việc sáng tác các bài hát cho sinh viên hát. Và "Tiếng gọi sinh viên" đã được ra đời.

Cũng theo Lưu Hữu Phước, các bạn sinh viên thích phần âm nhạc, không cần phải sửa gì. Nhưng phần lời có nhiều chỗ chưa ổn nên mọi người đã xúm vào cùng nhau sửa chữa. Cuối cùng, các bạn lấy bài này làm bài hát công khai của sinh viên.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-tieng-goi-thanh-nien-cua-luu-huu-phuoc-7
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết lại lời Việt cho ca khúc "La Marche des Étudiants"

Vào ngày 15/3/1942, Tổng hội Sinh viên tổ chức một đêm nhạc tại giảng đường nhằm lấy tiền giúp các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện - nơi các sinh viên trường y thực tập và muốn chọn một bài hát làm bài "Sinh viên hành khúc" chính thức có lời Pháp là "La Marche des Éstudiants".

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đưa cho bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàng - Trưởng ban Âm nhạc của Tổng hội sinh viên ĐH Hà Nội khi ấy mấy bài mình sáng tác để người này có nhiều lựa chọn. Bài "Tiếng gọi sinh viên" đã được lựa chọn.

Song bác sĩ Hoàn nhận thấy phần ca từ vẫn cần phải sửa thêm. Ông đã thành lập hội đồng duyệt (trong đó có Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng). Bài hát nhanh chóng được đón nhận, trở thành "Sinh viên hành khúc".  Mùa hè năm đó, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra lễ mãn khóa, có Toàn quyền Đông Dương Decoux và nhiều quan chức cấp ca của Pháp - Việt tham dự. 

Khi ban nhạc Pháp diễn tấu "Sinh viên hành khúc" thì mọi người, trong đó có Decoux đều đứng dậy. Cũng trong buổi lễ này, có 2 người hát rất hay là hai nữ sinh viên tên Nguyễn Thị Thiều và Phan Thanh Bình. Đây cũng là hai người đầu tiên hát thành công ca khúc này. 

Nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, "Sinh viên hành khúc" được các sinh viên Trường ĐH Đông Dương cất lên hào hùng ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ) - nơi Đền Hùng tọa lạc.  Sau khi ca khúc được phổ biến rộng rãi ở Hà Nội, sinh viên đã đưa vào trình diễn ở Nhà hát Lớn tại Sài Gòn và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Từ đó, ca khúc trở nên nổi tiếng. 

Đến năm 1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập, lấy hiệu kỳ là Cờ vàng sao đỏ. Bài hát cũng được thay đổi một chút, trở thành bài hát chính thức của tổ chức Thanh niên Tiền phong với tên gọi "Tiếng gọi thanh niên" hay "Thanh niên hành khúc".

"Sinh viên hành khúc" bị đổi tên thành "Tiếng gọi công nhân"

Theo tờ Công an nhân dân online, năm 1949, Pháp thành lập Chính phủ quốc gia Việt Nam. Chúng mời cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng, Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng. Đồng thời lấy Sài Gòn làm thủ đô. 

Lúc này, bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn đã đề nghị lấy ca khúc "Sinh viên hành khúc" làm Quốc ca của Quốc gia Việt Nam. Đề nghị này được Bảo Đại chấp nhận. Bài hát đổi tên thành "Thanh niên hành khúc". Phần lười được sửa lại như sau: "Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống/ Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên/ Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền…".

Đến năm 1954, Ngô Đình Diệm được Mỹ dựng lên làm Thủ tướng. Cựu hoàng Bảo Đại bị phế truất để đưa Diệm lên làm Tổng thống, lập nên Việt Nam cộng hòa. Nền "Đệ nhất Cộng hòa" ra đời từ đây.

Vào tháng 3/1956, Quốc hội lập hiến của Việt Nam Cộng hòa khai mạc, có nội dung chọn quốc kỳ và quốc ca. Về quốc kỳ, họ vẫn sử dụng cờ nền màu vàng có 3 sọc đỏ ở giữa (vốn có từ thời Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại đứng đầu). Về quốc ca, họ chủ trương thi tuyển. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-tieng-goi-thanh-nien-cua-luu-huu-phuoc-6
Ca khúc "Tiếng gọi thanh niên"

Ở thời kỳ đó có một số tên tuổi đã tham gia như: Phạm Duy với bài "Chào mừng Việt Nam; Hùng Lân với 2 bài là "Nhân dân cách mạng Việt Nam" và "Việt Nam minh châu trời đông"; Ngô Duy Linh với bài "Một trời sao"; Ngọc Bích và Thanh Nam với bài "Suy tôn Ngô Tổng thống"... Bài "Việt Nam minh châu trời đông" của Hùng Lân từng được Quốc dân đảng dùng làm đảng ca từ năm 1945.

Dẫu đưa ra chủ trương thi tuyển nhưng quốc hội lập hiến lúc đó vẫn quyết định chọn quốc ca có từ thời Bảo Đại nhưng đổi tên là "Tiếng gọi công dân". Chế độ này đã yêu cầu Đài phát thanh Sài Gòn sửa lại lời cho phù hợp với thời vận mới, với chính thể của họ. 

Lời mới được sửa lại như sau: "Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng/ Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống/ Vì tương lai quốc dân/ Cùng xông pha khói tên…".

Đến thời Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống (Đệ nhị Cộng hòa), ông ta giữ nguyên quốc ca, không sửa chữa. "Tiếng gọi công nhân" mà nguyên thủy là "Tiếng gọi sinh viên" ra đời năm 1941 của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ (chủ yếu là Lưu Hữu Phước) vẫn là Quốc ca của Việt Nam cộng hòa.

Nỗi bất bình cực độ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vô cùng bức xúc khi tác phẩm của ông bị sử dụng trái phép, trở thành "Quốc ca" của các chế độ ở Sài Gòn trước năm 1975. Cố nhạc sĩ đã nhiều lần công khai lên án, phản đối kịch liệt. 

Vào năm 1949, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có đơn thư kịch liệt phản đối việc tác phẩm bị sử dụng trái phép. Sau này, trong thời gian tập kết ngày Bắc đêm Nam, từ Thủ đô Hà Nội, tiếng nói của ông trên làn sóng điện Đài tiếng nói Việt Nam liên tục là những lời nặng tiếng nhẹ, bác bỏ, giễu cợt... nhưng bài "Tiếng gọi thanh niên" vẫn bị đối phương sử dụng trái phép.

Đến năm 1965, ông trở lại chiến trường miền Nam. Cùng năm, ông viết ca khúc "Giải phóng miền Nam". Rồi sự kiện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Thủ đô đóng ở Lộc Ninh (tỉnh Bình Long trước 1975, nay thuộc tỉnh Bình Phước. Ca khúc "Giải phóng miền Nam" đã được sử dụng làm Quốc ca chính thức của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Phải đến sau năm 1975, bản gốc của ca khúc mới chính thức được lưu hành tại Việt Nam với cái tên "Tiếng gọi thanh niên" hay "Thanh niên hành khúc". 

Xem thêm: 

Lời bài hát "Lên đàng" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Top 4 bài hát chính ca tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận