Sự thật đằng sau nghệ danh Trúc Phương của “ông hoàng bolero”
Theo một số tờ báo viết, nghệ danh Trúc Phương có nguồn gốc từ việc Trúc Phương yêu thích âm thanh của những bụi trúc quanh nhà. Nhưng theo một người cháu của ông thông tin này không đúng.
Tôi viết những dòng chữ này về người nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương không phải chỉ ở vị thế là một khán giả yêu thích, ngưỡng mộ ông mà còn ở cương vị là một người cháu trong gia đình. Vì thế, tôi sẽ bắt đầu với bài viết này bằng xưng hô thân mật trong gia đình từ thuở nhỏ là chú Lộc thay cho danh xưng nhạc sĩ Trúc Phương như mọi người hay gọi.
Chú Lộc tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, sinh năm 1933 tại Trà Vinh chứ không phải năm 1939 như một số bài báo đã đăng tải. Tôi gọi mẹ của chú lộc là “bà dì Ba”, em gái bạn dì của bà nội tôi. Ba của chú Lộc là một nghệ sĩ hát bội, sau thì chuyển qua hát cải lương. Ba chú Lộc có nghệ danh là Năm Tùng theo tôi nhớ là vậy, ba của chú không phải là một nhà giáo thầm lặng như nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã ghi trước đó. Nếu là một nhà giáo sống thầm lặng thì đó là ba tôi mới phải.
Chú Lộc và dì Ba – mẹ chú Lộc từng có một khoảng thời gian sống chung với gia đình bà nội tôi. Theo lời ba tôi kể lại, chú Lộc từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Hồi trước, bà nội tôi mỗi lần nằm võng là lại kêu: “Thằng Lộc đâu, lại ca cho má nghe coi”. Nghe ba tôi kể thì bà nội có thói quen xưng má với chú Lộc.
Chú Lộc chạy lại, sau khi ca xong bà nội vui vẻ gật gù cho chú mấy xu đi ăn kẹo. Ba tôi nói chú Lộc bị lãng tai, đứng hơi xa một chút thì phải nói lớn chú mới nghe được. Thế mà chú Lộc viết nhạc rất hay. Sau này gặp lại Trúc Linh – con trai đầu lòng của chú Lộc, tôi mới biết lý do lãng tai của chú Lộc là do bị ảnh hưởng bởi bom dội trong thời chiến tranh chống Pháp.
Tôi còn nhớ, vào khoảng năm 1956, chú Lộc từ Trà Vinh lên thăm ba tôi. Trong gia đình, ba tôi hơn chú Lộc hăn 17 tuổi. Chú đi chiếc xe đạp cũ nát đã vậy còn bị cán đinh, mà khi trong túi chú không có tiền nên không vá xe được. Lúc đó chú Lộc cầm theo 2 bản nhạc là “Chiều làng em” và “Đò chiều”, đây là 2 trong số rất nhiều bản nhạc mà chú đã viết lúc còn rất trẻ ở Trà Vinh. Chú tới gặp ba tôi để xin lấy cái tên Trúc Phương, tức là tên Trần Trúc Phương của người chị thứ 5 trong gia đình (theo lời ba tôi kể thì chị Phương đã mất lúc 1 tuổi). Trong gia đình tôi có 10 anh chị em, tất cả đều dùng chữ lót là Trúc. Tôi là Trần Trúc Quang, con thứ 8 trong gia đình.
Như vậy, cái tên Trúc Phương không phải do xung quanh nhà chú Lộc có trồng nhiều trúc rồi chú ấy yêu thích, lấy tên Trúc Phương để làm danh xưng như nhiều bài báo đã viết. Lúc đó ba tôi đồng ý để chú Lộc lấy cái tên Trúc Phương và có giúp cho chú một ít tiền, trước là để chú vá cái bánh xe đạp bị thủng, sau là có kinh phí để in 2 bản nhạc đầu tay mà chú mang theo.
Có một điều lạ như thế này, ba tôi rất thích chứ Trúc mà chú Lộc cũng rất thích chữ ấy. Ba tôi có 10 người con, trai gái gì ông cũng lót chữ Trúc vào tên. Đến phiên chú Lộc, chú có 6 người con và cũng đều lót chữ Trúc vào tên như cha tôi.
Khoảng một năm sau, chú Lộc có quay trở lại tìm ba tôi. Khi ấy, ông dẫn theo một người con gái rất trẻ và đẹp. Bước vào nhà, ông vui vẻ gọi: “Tụi bây đâu, ra chào thím Lộc đi”. Tôi đoán người con gái năm xưa mà tôi gọi là “thím Lộc” ấy chính là mẹ của Trúc Linh con trai đầu của chú Lộc mà tôi đã gặp.
Sau năm 1959, gia đình tôi gặp đại nạn phải di chuyển đến nhiều nơi. Tôi nghĩ rằng khoảng thời gian sau đó chú Lộc có trở lại tìm ba tôi nhưng không gặp. Thời gian cứ vậy thấm thoát trôi qua, đứa trẻ 6 tuổi ngày nào giờ cũng đã quá 60 rồi. Chú Lộc ngày nào cũng đã trở thành nhạc sĩ Trúc Phương - “ông hoàng bolero” lừng danh.
Tôi không có dịp được gặp lại chú Lộc kể từ năm 1959. Đến khi có dịp nhìn lại ông trên một đoạn video clip trên đĩa nhạc Asia DVD thì mới tin ông đã qua đời.
Sau nhiều biến cố xa cách, câu chuyện về chú Lộc đã chìm sâu vào dĩ vãng của những thành viên trong gia đình tôi. Không hiểu tại sao, trong một ngày khi tôi đã ở cái tuổi 60 tôi lại nhớ về chú. Có lẽ ở cái tuổi này con người ta hay muốn quay lại, tìm về dĩ vãng. Thế rồi tôi tìm cách liên hệ với Trúc Linh, khoảnh khắc gặp lại con trai chú Lộc tôi như thấy lại cái nét phong sương và dáng dấp của chú ngày nào. Chúng tôi đã chấp vá những tháng ngày trong dĩ vãng, nhắc lại những kỷ niệm hụt hẫng thời thơ ấy. Tôi nhắc lại những chuyện trong thời thanh xuân của chú Lộc mà Trúc Linh chưa từng nghe qua, cũng như Trúc Linh nói cho tôi nghe về nhạc sĩ Trúc Phương trong nắm tháng ngày tôi không hề hay biết.
Nhắc lại một thời quá khứ, tôi mong rằng những câu chuyện này sẽ giúp được một phần nào đó làm sáng tỏ về cái tên Trúc Phương mà trước đó đã có nhiều ngoài đoán lầm hay hiểu không đúng. Bây giờ, chú Lộc đã về nơi dĩ vãng, nhưng âm nhạc của chú vẫn sống mãi trong lòng những người hâm mộ.
20/08/2013 – Trần Trúc Quang
Xem thêm: “Chắp tay lạy người” của Trúc Phương: Xin bỏ lại sau những bạc bẽo tình đời
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận