Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - Cơn lốc lớn của nền tân nhạc Việt
Hoàng Thi Thơ là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Nhà thơ Du Tử Lê khi viết về người nhạc sĩ tài hoa này đã không ngớt lời khen tặng.
Dưới đây là đôi lời bình phẩm về âm nhạc của Hoàng Thi Thơ được nhà thơ Du Tử Lê viết vào tháng 12 năm 2010:
Những năm giữa thập niên 1950 tới đầu thập niên 1960, những mầm non tân nhạc chẳng những được quần chúng biết tới mà còn được ngợi ca như những tài năng xuất sắc của tương lai tân nhạc Việt.
Cũng ở trong giai đoạn này, ở lĩnh vực “chính quy” bên cạnh những ca khúc nổi tiếng mang đậm nét hướng về miền Bắc như “Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành, “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương, hay “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng ,… thì còn có những luồng gió lạ của ít nhất hai nhạc sĩ là Lam Phương và Hoàng Thi Thơ.
Nếu những ca khúc của Lam Phương được công chúng biết đến với nội dung mộc mạc, nhẹ nhàng qua “Khúc ca ngày mùa”, “Nắng đẹp miền Nam”,… thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã ném âm nhạc của mình vào xoáy nước mạnh mẽ, mới lạ vô cùng. Chúng tạo thành những cơn lốc lớn, qua hai ca khúc điển hình là “Trăng rụng xuống cầu” và “Gạo trắng trăng thanh”.
Tôi không biết hôm nay những người trẻ còn biết đến hai ca khúc vừa kể của họ Hoàng không? Riêng tại miền nam thập niên 1950, hầu như không mấy ai không biết. Thậm chí họ còn thuộc được ít nhiều ca từ trong “Trăng rụng xuống cầu”, như:
Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái
Ai ca dưới trăng ngà gần xa vắn dài
Mái chèo khoan thai, trên sông hai màu
Con thuyền về đâu
Ô hay! Sao trăng rụng xuống cầu ?
Vì đâu, Ô hay, sao trăng rụng xuống cầu?
Về nhịp điệu một bản nhạc thời ấy thường dùng là Slow, Bolero hay, Boston, Tango, Valse… thì Hoàng Thi Thơ lại đi một con đường khác, dùng “nhịp chèo thuyền” để viết nên “Trăng rụng xuống cầu”.
Tôi nghĩ, trước họ Hoàng, chưa có nhạc sĩ nào dù là tác giả cả những bài nhạc dân ca có một cách viết bất ngờ, thú vị như vậy.
Cũng thế, trong bài “Gạo trắng trăng thanh”, ngay dưới tựa đề, Hoàng Thi Thơ viết: “Riêng tặng 2 bạn Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm đôi giọng Nam Thương đã gieo tràn trên giải đất đầy chim chóc nầy vô vàn âm thanh, đậm lòng như những bát cơm quê hai màu khoai sắn … H.T.T.”
Đây là khổ nhạc thứ nhất của bài “Gạo trắng trăng thanh”:
“Trong đêm trăng, tiếng chày khua,
ta hát vang trong đêm trường mênh mang
Ai đang say, chày buông rơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy
Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê
Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về…”
Sau khi ra mắt, cả hai ca khúc ấy của Hoàng Thi Thơ nhanh chóng được quần chúng đem đến một mình hài khác, một đời sống khác. Đời sống đường phố với lời hai, lời ba. Thí dụ khi nhại theo nhịp và ý của bài “Gạo trắng trăng thanh”, quần chúng đã ghép tên của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Nam thời ấy như Phạm Duy, Anh Lân, Lê Thương, Trần Văn Trạch,… thành những câu được trẻ con hát rao khắp đường làng ngõ xóm. Họ cũng ghép đôi cho các nghệ sĩ mà mình ưa thích như: “Cô Tuyết Mai với anh Hoàng Thi Thao” hoặc “Cô Thúy Nga với anh Hoàng Thi Thơ”,…
Việc một ca khúc được quần chúng gắn cho một hình hài khác, một đời sống khác đã nói lên được tính phổ biến của ca khúc ấy. Đó là điều mà không phải ca khúc nổi tiếng nào cũng làm được.
Nhắc đến hai ca khúc này, không thể không nhắc đến tên tuổi đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết thời ấy, họ đã nổi lên như một hiện tượng.
Chỉ với hai sự kiện lược ghi kia, chẳng những cho thấy sự định hình tài năng âm nhạc của Hoàng Thi Thơ trong lòng người nghe mà còn được ghi nhận như những cơn lốc lớn, cuốn theo hàng trăm ngàn người mê đắm.
Sau hai ca khúc nổi tiếng “Gạo trắng trăng thanh” và “Trăng rụng xuống cầu”, vào cuối thập niên 1950 nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ còn tạo nên những cơn lốc hâm mộ khác với các ca khúc “Tà áo cưới”, “Đường xưa lối cũ”, “Những ngày thơ mộng”,…
Theo một số nhà nghiên cứu âm nhạc thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ không chỉ viết nhiều về quê hương, dân tộc, tình yêu mà ông còn là người có công đem các làn điệu dân ca vào nền tân nhạc rất sớm và là người ở lại lâu nhất so với những nhạc sĩ khác trong nỗ lực này.
Du Tử Lê
Xem thêm: Lạc bước vào “Mùa thu Đông Kinh” đầy lãng mạn của Hoàng Thi Thơ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận