Lạc bước vào “Mùa thu Đông Kinh” đầy lãng mạn của Hoàng Thi Thơ

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác nhạc phẩm“Mùa thu Đông Kinh” vào năm 1963, sau nhiều lần đến xứ Phù Tang lưu diễn và bị say đắm bởi vẻ đẹp lãng đãng, u buồn nơi đây.

Diệu Nguyễn
08:00 10/11/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

CA KHÚC "MÙA THU ĐÔNG KINH”

  • Tên các khúc: Mùa thu Đông Kinh

  •  Nhạc sĩ: Hoàng Thi Thơ

  • Năm phát thành: 1963

  • Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Thúy Nga, Don Hồ,…

Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Mùa thu Đông Kinh” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Năm 1961, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thành lập Đoàn Văn nghệ Việt Nam với hơn 100 nghệ sĩ tên tuổi, thường xuyên lưu diễn tại các nước Châu Á và nhiều thành phố lớn trên thế giới như Viêng Chăn, Hồng Kông, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Paris, London, Hoa Kỳ,… và nhiều nhất là Đông Kinh (Thủ đô Tokyo thời ấy được người miền Nam gọi bằng cái tên rất Việt Nam là Đông Kinh) ở Nhật Bản.

Sau nhiều lần sang Nhật lưu diễn, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vô cùng ấn tượng với mùa thu tại xứ xở Phù Tang. Rừng cây dần chuyển màu từ sắc xanh sang đỏ, tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng rực rỡ, bắt mắt. Làn gió thu mang theo hơi lạnh thoảng qua làm những chiếc lá phong rơi, chạm rẽ vào vai, lòng người cũng chợt xao xuyến, bồi hồi.

Chính những rung cảm ấy đã giúp nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết nên nhạc phẩm “Mùa thu Đông Kinh” đầy tha thiết, lãng mạn.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-mua-thu-dong-kinh-cua-hoang-thi-tho
Bìa ca khúc "Mùa thu đông kinh" của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Một nhà văn, từng đánh giá về nhạc phẩm này của Hoàng Thi Thơ như sau: “Mùa Thu Đông Kinh không những nói lên được cảm nghĩ của một người Việt mà nhạc điệu còn tấu lên những âm hưởng Nhật Bản cổ truyền thật tuyệt diệu. Nếu một thính giả ngoại quốc, không phải người Nhật khi nghe dàn nhạc hòa tấu ca khúc này thì hầu hết sẽ ngỡ là nhạc phẩm của một người Nhật chính hiệu viết nên, không ai có thể ngờ nhạc khúc của một nhạc sĩ Việt Nam có nhiều dịp đến biểu diễn nghệ thuật tại Tokyo mà lại viết hay như vậy”.

Sau khi ra mắt năm 1963, bài hát được thể hiện lần đầu bởi giọng ca của Thúy Nga, cũng là người vợ yêu thương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cả hai đã gắn bó với nhau từ khi cưới năm 1957 cho đến khi nhạc sĩ qua đời vào năm 2001.

Đôi lời bình phẩm “Mùa thu Đông Kinh” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Lạc trong Đông Kinh

Vừa khi mùa thu gieo thương nhớ

Làm tôi ngẩn ngơ nhìn qua hồn thơ

Chiếc áo buồn kimono

Đôi thiên nga trong hồ

Cô geisha trên bờ

Thiết tha trong mong chờ

Chờ ai xa xăm...

Trong khung cảnh mùa thu lãng mạn, hình ảnh cô gái geisha trong chiếc áo kimono ngồi buồn nhìn xa xăm, trông chờ người khách đến đã gợi cho người nhạc sĩ bao thổn thức xa xăm, thoáng buồn thay cho thân phận của người ca kỹ.

Từ muôn nẻo đêm mà chẳng thấy

Người đâu với cung đàn đang dở dang

Nhớ thương hoài theo thời gian

Tiếng cô đơn khơi buồn

Shamisen não nề

Khi gió thu về...

Nàng geisha ngóng mắt trông chờ từ muôn nẻo, ngồi đợi từ sáng tới đêm muộn vẫn chẳng thấy người đâu. Nhớ thương hoài theo thời gian, cung đàn cũng trở nên dang dở. Cùng với tâm trạng của người ca nữ, tiếng kio khơi nguồn, tiếng đàn shamisen cất lên não nề, hòa vào cơn gió thu lạnh, mang theo nỗi khắc khoải, u buồn.

(Koto là nhạc cụ nổi tiếng của người Nhật, gần tương đồng với đàn tranh ở Việt nam. Còn Shamisen là loại đàn Nhật có 3 dây, thường được các nàng geisha sử dụng).

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-mua-thu-dong-kinh-cua-hoang-thi-tho (2)
Lời ca khúc "Mùa thu đông kinh" của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Mùa thu Đông Kinh

Buồn như tình em trong cơn gió

Đìu hiu liễu bên đàng ru lòng ai

Lá thu vàng trên bờ vai

Như bao nhiêu thu tình

Mang theo bao nỗi lòng

Tiếng gió thu lạnh lùng.

Mùa thu xứ Đông Kinh buồn như tình của người ca kỹ, như ngọn liễu đìu hiu bên hồ, rung rinh theo làn gió, chờ người khách lạ ghé đến thăm.

Mùa thu Đông Kinh

Gọi đôi hình bóng trong giây phút

Chờ trông bước đi tìm tâm tình nhau

Bước đi tìm duyên ngày sau

Trong tiếng hát mơ màng

Trong ánh nắng ngỡ ngàng

Xao xuyến lá thu vàng.

Trong tiếng đàn mơ màng, người lữ khách bước đi trên thảm lá vàng, nhìn ánh nắng xuyên qua tán cây, lòng không ngăn được xao xuyến…

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh năm 1929 tại làng Bích Khuê, phủ Triệu phong, tỉnh Quảng Trị. Ông xuất hiện và tham gia vào nền âm nhạc miền Nam ngay từ những năm đầu thập niên 1950, có thể xem ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho dòng nhạc vàng. Hoàng Thi Thơ là nhạc sĩ sáng tác rất đa dạng với nhiều thể loại, từ tình ca, trường ca, nhạc cảnh cho tới nhạc quê hương, tự tình dân tộc và cả nhạc lính.

Trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và đa dạng của mình, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã để lại cho kho tàng âm nhạc Việt hàng trăm ca khúc nổi tiếng, tiêu biểu nhất là Đường xưa lối cũ, Chuyện tình người trinh nữ tên Thi, Túp lều lý tưởng, Gạo trắng trăng thanh, Trăng rụng xuống cầu, Tình ca trên lúa,…

Xem thêm: “Trăng rụng xuống cầu” của Hoàng Thi Thơ: Bức tranh quê hương ấm áp tình quân dân

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận