Trường ca "Sông Lô” của Văn Cao: Trang sử hào hùng được viết bằng âm nhạc

Trường ca "Sông Lô” là nhạc phẩm được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1947 , được đánh giá là một trong những tượng đài của nhạc kháng chiến nói riêng và của tân nhạc Việt Nam nói chung.

Diệu Nguyễn
11:00 16/10/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

CA KHÚC TRƯỜNG CA "SÔNG LÔ”

  • Tên các khúc: Trường ca "Sông Lô"
  • Nhạc sĩ: Văn Cao
  • Năm phát thành: 1947
  • Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Quang Thọ, Ánh Tuyết, Lê Dung, Trọng Tấn,…

Hoàn cảnh ra đời ca khúc Trường ca "Sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao

Trong “thuở bình minh” của tân nhạc Việt Nam, do bối cảnh xã hội nên trong quá trình hình thành âm nhạc đã phân thành ba dòng. Bên cạnh dòng nhạc trữ tình lãng mạn là dòng ngưỡng vọng lịch sử (tiến bộ yêu nước) và ca khúc cách mạng. Dưới sự tác động của lịch sử và được giác ngộ cách mạng, nhạc sĩ Văn Cao đã nhìn nhận và đi vào cuộc sống hiện thực kháng chiến của nhân dân, cộng với tài năng sẵn có, ông đã trở thành nhạc sĩ có tên tuổi trong dòng nhạc cách mạng. Dù số lượng sáng tác không nhiều, nhưng hầu hết các ca khúc của Văn Cao đều gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc như “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”, “Mùa xuân đầu tiên”,… đặc biệt, có một ca khúc của ông đã tạo dựng nên một thể loại độc đáo trong nền thanh nhạc mới Việt Nam, đó là trường ca với bản Trường ca "Sông Lô”

Không phải ngẫu nhiên khi tiếp cận ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Duy – người bạn thân thiết của nhạc sĩ Văn Cao đã nhận xét rằng: “Bài Trường ca "Sông Lô” của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại. Nét nhạc của trường ca rất mạnh, rất tươi sáng. Phần nhịp điệu cũng rất phong phú với những đoạn chuyển rất tài tình. Bài hát này của Văn cao đã đánh dấu sự trưởng thành của tân nhạc…”.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, niềm vui chưa trọn vẹn thì nước ta lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Khẩu hiệu xuyên suốt của giai đoạn này là: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Khi ấy, mặt trận văn hóa nghệ thuật cũng cùng đồng hành với dân tộc qua khẩu hiệu “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”. Xác định văn hóa cũng là một mặt trận, người làm công tác văn hóa, nghệ thuật cũng là chiến sĩ cộng sản tiên phong trên mặt trận ấy để sáng tạo ra những tác phẩm phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Trong bối cảnh lịch sử ấy, nhạc sĩ Văn Cao cùng với giác ngộ và ý thức trách nhiệm của một người chiến sĩ cách mạng đã phát huy tài năng của mình trong sáng tạo nghệ thuật.

Với tư cách là một chiến sĩ văn hóa cách mạng, tháng 10 năm 1947, Văn Cao được cử lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Đúng lúc đó, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, tấn công Việt Bắc. Trên đường đi kháng chiến, nhạc sĩ Văn Cao phải băng qua Phú Thọ, rồi men theo dọc bờ sông Lô để tìm đường lên Chiến khu Việt Bắc.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-truong-ca-song-lo-cua-van-cao (1)
Lời bài hát trường ca "Sông Lô" của nhạc sĩ Văn Cao

Ngày 24 tháng 10 năm 1947, bộ đội pháo binh của ta đã giành được chiến thắng trận Đoan Hùng trên sông Lô: bắn cháy 2 tàu chiến và bắn hỏng 2 chiếc tàu chiến khác của Pháp, tiêu diệt hàng trăm lính Pháp, cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải thủy theo đường sông Lô của Pháp. Trước tình cảnh ấy, Pháp buộc phải tiếp tế cho cánh quân của họ ở Tuyên Quang bằng đường không (thả dù) và phải cho quân rút lui khỏi Việt Bắc. Lúc rút chạy quân Pháp đã trả thù hèn hạ bằng cách cướp bóc, tàn phá và đốt trụi các làng xóm dọc hai bờ sông Lô.

Lúc quân Pháp vừa rút lui thì cũng là lúc nhạc sĩ Văn Cao đi ngược dòng sông Lô lên Việt Bắc, ông đã tận mắt thấy cảnh xóm làng bị đốt trụi “nền khô trơ than xám”, cảnh “thây giặc trôi trở về ngập bờ”, khung cảnh nhân dân đôi bờ hân hoan mừng chiến thắng, hò nhau dựng lại xóm làng, cảnh “đoàn quân thời chinh chiến” trên đường chiến thắng trở về, cảnh dòng Lô giang hùng vĩ chảy về xuôi,…

Đến chiến khu Việt Bắc, nhạc sĩ Văn Cao đã tìm gặp Doãn Tế, sĩ quan pháo binh vừa tham gia chỉ huy các trận đánh thắng Pháp trên sông Lô. Qua những say sưa thuật lại của người linh danh dũng, nhạc sĩ đã ứng tác bài Trường ca "Sông Lô”. Bài hát rất nhanh được hoàn thành từ tình yêu cuộc sống, từ cuộc chiến hào hùng và được đăng ngay trên báo Văn nghệ số tháng 3 năm 1948.

Trường ca "Sông Lô” như một trang sử được viết bằng âm nhạc, bởi ca khúc này không viết từ góc nhìn riêng nào đó của cuộc chiến, mà nó mang một vẻ đẹp hoàn hảo với góc nhìn đa chiều để người nghe có thể có thể hình dung được một phần hiện thực của lịch sử, của Chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947.

Đã ra đời hơn 2/3 thế kỷ nhưng Trường ca "Sông Lô” của nhạc sĩ Văn cao vẫn sừng sững trên đỉnh nhạc Việt, được giới chuyên môn đánh giá cao và được công chúng nhìn nhận như một trong những tượng đài của nền tân nhạc Việt Nam.

Lời ca khúc Trường ca "Sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao

Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u

Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu

Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa xã tàn thôn trang

Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa

Trên dòng sông trở về đoàn người

Reo mừng vui trên sóng nước biếc

Trôi đầy sông bao đám xác thù

Dân hân hoan nghe sóng réo vi vu xa xa

Đường ngập người nghe gió lá vi vu hiền hoà

Sông mênh mông như bát ngát hát

Thây giặc trôi trở về ngập bờ

Sông gầm âm vang súng trái phá

Bao rừng thu như bát ngát cười

Dân hoan hô chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công

Tiếng trái phá quân thù gục chìm dòng Lô

Đây dòng Lô đây dòng Lô

Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng

Đây Von Ga đây Dương Tử

Đây sông Lô đây sóng căm hờn vút cao

Sóng lấp lánh vàng sao ngàn chiến sĩ sông Lô

Chiến sĩ sông Lô thân rừng áo sương đang ca rằng

Giờ mồ thực dân sóng lấp cát vàng

Chiến sĩ sông Lô oai hùng đấu tranh gào kêu vang sóng

Đây giặc Pháp tàn trong căm gan toàn dân

Về trong đêm gió rét

Từng sân vui bóng người quanh lửa hồng

Nền khô trơ than xám

Đêm chìm đợi ánh chiêu dương

Vui hát ca hoà vui hát ca hoà dân buông lưới

Phan Lương vui bóng thuyền

Lều dựng lên ven sông bóng người sầm uất bến Then

Vui hát ca hoà vui hát ca hoà chí kiến thiết

Bên sông Lô đắp nhà

Bao dân trong khu mười mơ thành người sông Lô

Đời vui vút lên đời vui sướng về

Vui hát ca hoà vui hát ca hoà chí kiến thiết

Đây tay trai Việt Bắc

Sông Lô đang xuôi mau tin về đồng lúa reo mừng

Rung trong bao hương đồng

Mừng một mùa chiến công

Dòng sông Lô trôi dòng sông Lô trôi

Mùa xuân tới nước băng qua ngàn

Nước in ven bờ xanh ôm bóng tre

Dòng sông Lô trôi

Xem thêm: “Buồn tàn thu” của Văn Cao: Tuyệt tác tân nhạc "thuở bình minh"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận