Ca khúc “Làng tôi” của Văn Cao: Thanh âm vang vọng khắp miền quê

Ca khúc “Làng tôi” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1947, theo lời kể của ông bản nhạc này là món quà cưới ông viết dành tặng cho người vợ thân yêu của mình.

Diệu Nguyễn
2 ngày trước Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

CA KHÚC "LÀNG TÔI’

  • Tên các khúc: Làng tôi

  • Nhạc sĩ: Văn Cao

  • Năm phát thành: 1947

  • Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Bích Liên, Quỳnh Giao, nhóm Năm Dòng Kẻ,...

Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao

Ca khúc “Làng tôi” sáng tác năm 1947, nằm trong mạch những ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Văn Cao từ “Thiên Thai”, “Suối mơ”, “Bến xuân” của thời kỳ đầu tân nhạc đến “Làng tôi”, “Ngày mùa”…  thời chống Pháp và sau cùng là ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” viết năm 1976.

Theo lời kể của họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn cao, vào mùa thu năm 1988, Tỉnh ủy – UBND tỉnh Nam Định gửi lời mời gia đình nhạc sĩ Văn cao cùng ekip chương trình “Đêm nhạc Văn Cao” do Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dàn dựng về biểu diễn tại TP. Nam Định. Đây là lần đầu tiên nhân dân ở thành phố này được thưởng thức trọn vẹn và trực tiếp những sáng tác bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao.

Sau đêm diễn, một vị lãnh đạo của tỉnh đề nghị Văn Cao sáng tác cho quê hương Nam Định một bài hát. Nhạc sĩ Văn Cao nghe vậy thì cười bảo: “Bài hát “Làng tôi” chính là tâm huyết tôi viết dành tặng cho quê hương đấy”.

Đêm ấy về khách sạn Vị Hoàng, Văn Cao đã kể lại cho con trai mình là nhạc sĩ Văn Thao hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Làng tôi”. Trầm ngâm trong giây lát để hồi tưởng lại, Văn Cao chậm rãi: “Bố viết bài này tặng cho mẹ con nhân ngày cưới. Chỉ vì cuộc kháng chiến chống Pháp xảy ra sớm hơn dự định nên bố không tổ chức kịp cho mẹ con một đám cưới trang trọng tại Hà Nội, khiến bố cứ ân hận mãi…”.

Trong cuốn “Văn Cao – Người đi dọc biển” của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có đoạn nhạc sĩ Văn Cao nhớ lại về hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Làng tôi” như sau: “Buổi chiều đi bên bờ sông vùng Ba Thá, huyện Chương Mỹ, Hà Đông, nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng buồn lắm. Nhịp và giai điệu bài hát “Làng tôi” tuôn chảy từ tối ấy”.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-lang-toi-cua-nhac-si-van-cao (1)
Ca khúc "Làng tôi" của nhạc sĩ Văn Cao ra đời năm 1947

Đầu năm 1947, sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), nhạc sĩ Văn Cao cùng các văn nghệ sỹ tản cư đi kháng chiến về đóng quản rải rác tại các thôn xóm thuộc huyện Ứng Hòa - Hà Đông. Trong một lần đi công tác, con đò chở ông xuôi trên sông Đáy, hai bên bờ sông rợp bóng tre xanh dưới nắng chiều bảng lảng. Bỗng một hồi chuông từ nhà thờ Ba Thá ngân lên. Tiếng chuông vang vọng trên bầu trời tím đỏ hoàng hôn, tiếng chuông lan tỏa trên mặt nước hòa cùng tiếng mái chèo ì oạp, tiếng chuông run rẩy trên những rặng tre ven sông. Tiếng chuông khiến tâm hồn nhạy cảm của nhạc sĩ Văn Cao bồi hồi xao xuyến, đưa ông về với miền quê thân thương đầy ắp những kỷ niệm ngày thơ… Thế rồi nét nhạc bỗng ngân vang theo nhịp “Từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung” và hình ảnh “Bóng cau với con thuyền một dòng sông” hiện ra trước mắt. Nhạc sĩ Văn Cao lấy vội cây đàn ghi ta trên vai và những nốt nhạc đầu tiên thánh thót rơi trên phím đàn, giai điệu của bài hát âm vang tỏa lan trên dòng sông, giữa một chiều mùa xuân se lạnh.

Buổi chiều buồn thương ấy qua tiếng vĩ cầm của lòng ông không làm réo lên những thanh âm thanh thiết oán hờn. “Làng tôi” của Văn Cao trong những ngày chiến tranh loạn lạc và cả sau này đều vang lên những thanh âm dặt dìu, da diết của tình yêu quê hương xứ xở.

Bài “Làng tôi”của Văn Cao đã ra đời trong cái mùa xuân đầu tiên của cuộc kháng chiến trường kỳ. “Làng tôi” theo chân người nhạc sĩ, theo chân những người lính Cụ Hồ, những đoàn dân công… băng qua mọi nẻo đường đất nước. Bài hát được nhạc sĩ Văn Cao viết ở nhịp 6/8, nhịp nhàng, sâu lắng, giàu tình cảm với bố cục gọn gàng, chặt chẽ. Nét nhạc chủ đạo được nhạc sĩ phỏng theo nhịp điệu đung đưa của tiếng chuông nhà thờ. Bài hát gồm có 3 lời, như một câu chuyện kể có mở đầu, có dẫn dắt tình tiết với phần kết thúc đầy lạc quan và tin tưởng vào ngày mai sáng lạn.

Ca khúc “Làng tôi” của Văn Cao không định danh ngôi làng cụ thể, nhưng ai nghe bài hát cũng ngậm ngùi nhớ về làng quê nơi mình chôn rau cắt rốn, như một góc riêng tư của ký ức.

Năm 2010, ca khúc “Làng tôi” là 1 trong 20 bài hát được tôn vinh trong cuộc bình chọn "Bài hát hay về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Lời bài hát “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao

Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung

Đời đang vui đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền, một giòng sông.

Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà, ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn.

Đường ngập bao xương máu tơi bời, đồng không nhà trống tan hoang.

Chiều khi giặc Pháp qua, chiều vắng tiếng chuông ngân, phá tan nhà thờ xưa.

Làng tôi theo đoàn quân du kích, cướp ngay súng quân thù trả thù xưa.

Bao căm hờn từ xa quê nhà, rừng chiều nhớ cánh đồng chiều xưa.

Từ xa quê trông lớp cây già, làng quê còn thấy buồn đau.

Ngày diệt quân Pháp tan, là lúc tiếng chuông ngân, tiếng chuông nhà thờ rung.

Làng tôi cùng đoàn quân chiến thắng, đánh tan lũ quân thù về làng xưa.

Dân tưng bừng chặt tre phá cầu, cùng lập chiến lũy đào hào sâu.

Giặc chưa tan chiến đấu không thôi, đồng quê chào đón ngày mai.

Xem thêm: Hồi ức về Trường ca "Sông Lô’’ của nhạc sĩ Văn Cao

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận