Nhạc sĩ Vũ Thành An và những đoạn tình được kể lại trong hồi ký "Chuyện tình không tên" 

Dẫu thành công trên con đường âm nhạc và quan lộ nhưng trong tình yêu, nhạc sĩ Vũ Thành An lại là người kém may mắn. Ông đã gói gọn sự lận đận của mình trong những nhạc phẩm "Không tên".

Đỗ Thu Nga
08:00 23/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Vũ Thành An là nhạc sĩ nổi bật của miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 đến 1975. Ông sớm thành công trên con đường âm nhạc và quan lộ nhưng trong tình yêu, ông lại là người kém may mắn và nhiều lận đận. Ông đã nhiều lần gói gọn chuyện tình dang dở của mình vào các nhạc phẩm "Không tên".

Trong một bài phỏng vấn vào năm 2019, nhạc sĩ Vũ Thành An có những chia sẻ về nguồn cảm hứng sáng tác những bài hát "Không tên" của mình. Ông nói: "Cho đến giờ, tôi đã sáng tác được 101 bài hát "Không tên", nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đã từng yêu 101 người phụ nữ, cũng không phải chỉ có 1 người duy nhất. Tôi yêu nhiều người, từng có những hình bóng trước hôn nhân nhưng tôi chưa bao giờ có lỗi với người phụ nữ nào cả".

Dưới đây là tóm lược một số câu chuyện tình, chuyện đời của người nhạc sĩ tài hoa được ông kể lại trong hồi ký "Chuyện tình không tên":

"Bóng hồng" của những tình khúc đầu đời

Nhạc sĩ Vũ Thành An là "cha đẻ" của "Tình khúc thứ nhất", "Anh đến thăm em đêm 30" và "Bài không tên cuối cùng". Những nhạc phẩm ra đời từ mối tình sinh viên với người đẹp học trên 2 khóa ở trường ĐH Luật khoa Sài Gòn.

Về hoàn cảnh ra đời ca khúc "Tình khúc thứ nhất", nhạc sĩ Vũ Thành An kể: "Khi mới quen nhau, em nhiều lần nói anh hãy viết ca khúc để kỷ niệm mối tình mình. Nhưng anh cứ lần nữa hoài không viết. Một hôm em đã phải nhỏ những giọt nước mắt và nói: 'Anh không yêu em sao mà không chịu viết?'. Và một buổi chiều mùa xuân 1965, trên chuyến xe từ Vũng Tàu về Sài Gòn, dòng âm thanh vang lên trong đầu và anh viết xuống: Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở...".

Sau khi hoàn thành, Vũ Thành An đưa cho Nguyễn Đình Toàn xem. Hai người lúc đó đang là đồng nghiệp của Đài Phát thanh Sài Gòn. Nguyễn Đình Toàn đã đề nghị viết lại lời ca khúc trên nền nhạc mà Vũ Thành An soạn với những lời ca da diết, trầm buồn, sâu lắng hơn: "Tình vui theo gió mây/ Ý sầu mưa xuống đời/ Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi/ Mấy tuổi xa người". 

Ca khúc này được Vũ Thành Toàn trình bày lần đầu trong chương trình Văn học nghệ thuật của Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1965. Sau đó, nữ danh ca Lệ Thu thể hiện trong chương trình âm nhạc chủ đề do Đình Toàn và Thành An phụ trách chính.

"Tình khúc thứ nhất" cũng chính là ca khúc đưa nhạc sĩ Vũ Thành An dấn thân sâu hơn vào con đường âm nhạc. 

Một lần nọ, ông đọc được bài thơ "Em đến thăm anh đêm 30" trong tập thơ của Nguyễn Đình Toàn. Trong đó có câu: "Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em". Câu thơ khiến ông nhớ về kỷ niệm tình yêu của hai người. Đó là chiếc pin cài áo bằng bạc hình chiếc lá mà ông tặng cho người yêu dịp sinh nhật.

nhac-si-vu-thanh-an-va-nhung-doan-tinh-gan-lien-voi-loat-bai-khong-ten-7
Ca khúc "Em đến thăm anh đêm 30"

"Khi đọc tới câu 'Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em', anh lập tức nhớ ngay đến em. Hình tượng chiếc lá của chiếc pin cài áo đó chính là bằng chứng tình yêu của anh đối với em. Và anh quyết định phổ nhạc bài thơ của anh Toàn", Vũ Thành An viết trong hồi ký. 

Ca khúc "Em đến thăm anh đêm 30" có phần mở đầu nồng ấm, ngọt ngào. Đó là bức tranh thơ mộng, tự tình của những người yêu nhau tìm đến với nhau trong đêm 30: "Anh đến thăm em đêm ba mươi/ Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi...".Nhưng nửa sau ca khúc lại là những ca sầu bi, đẫm lệ tựa những dự cảm buồn cho mối tình đẹp: "Tháng ngày đã trôi qua/ Tình đã phôi pha, người khuất xa/ Chỉ còn chút hương xưa/ Rồi cũng phong ba rụng cùng mùa...".

Thế nhưng chuyện tình của hai người không đi đến đâu vì khoảng cách về gia thế, địa vị, tuổi tác và cả học vấn. Gia đình ngăn cấm nhưng hai người vẫn cố gắng liên lạc, khóc cạn nước mắt để giữ tình đôi ta, nhưng sau cùng vẫn đành buông tay. Và đây cũng là lý do ca khúc "Bài không tên cuối cùng" ra đời. Ca khúc được viết trên quãng đường rất ngắn chưa được 1km từ trường luật về nhà ở Trần Quý Cáp, đoạn gần ngã tư Lê Văn Duyệt, và không sửa lời nào.

Bài hát không tên đầu tiên ra đời với ý nghĩa từ biệt nỗi đau cuối cùng của cuộc tình sâu đậm kéo dài 2 năm: "Biết bao lần em đã hứa/ Hứa cho nhiều rồi lại quên/ Anh biết tin ai bây giờ/ Ngày còn đây người còn đây cuộc sống nào chờ". 

Sau này, khi ngồi ngẫm nghĩ lại, Vũ Thành An thấy áy náy khi đã trách móc người xưa nên ông viết trong hồi ký: "Em đã từng muốn anh ghi lại kỷ niệm cho cuộc tình chúng mình. Và anh đã viết nhưng anh chưa bao giờ nghĩ 'Bài không tên cuối cùng'  anh đã viết ra trong sự thảng thốt khi em đột ngột bỏ anh đi, sau đó lại được phổ biến rộng rãi! Chắc chắn những lời ca đó đã gây ảnh hưởng đến em. Anh hoàn toàn không muốn vậy".

Vũ Thành An đã sửa chữa những "sai lầm" bằng ca khúc "Bài không tên trở lại cuối cùng". Ca khúc được viết vào năm 1991, sau 26 năm chia tay người cũ: "Nhớ rất nhiều câu chuyện đó/ Ngỡ như vừa hôm qua/ Ôi ước ao có một ngày được gặp em/ Hỏi chuyện em lần cuối/ Này em hỡi con đường em đi đó/ Con đường em theo đó đúng đấy em ơi/ Nếu chúng mình có thành đôi lứa/ Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ?".

Đến năm 1998, ông đã có dịp gặp lại người cũ ở Paris và được cô mời dùng cơm tại nhà hàng của cô. Cuộc gặp gỡ này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng ông. 

"Bài không tên số 2" - Mối tình mang phong vị tiểu thuyết

Theo Vũ Thành An, thời trẻ, đường tình của ông lận đận, hay bị người ta phụ là bởi thường gặp gỡ và yêu đương với người hơn tuổi hoặc giàu có hoặc con nhà trâm anh thế phiệt. Trong đó có cuộc đã được ông lấy làm cảm hứng sáng tác "Tình khúc thứ nhất". Cuộc tình này khiến ông mất 2 năm để lấy lại cân bằng.

Năm 1967, trái tim của ông loạn nhịp trước cô nữ sinh trẻ trung, xinh đẹp tại nhà của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Ông choáng ngợp khi lần đầu tiên thấy cô lái xe sang tới đón mình đi chơi. Đó là chiếc xe hiệu Opel màu xanh thời thượng, xa xỉ. Bất chấp khoảng cách thân thế, hai người yêu đương nồng sâu cho đến khi nhạc sĩ nhập ngũ vào trường Thủ Đức giữa năm 1967. Trong thời gian huấn luyện, thỉnh thoảng ông tìm các xuất trại để gặp gỡ người yêu. 

nhac-si-vu-thanh-an-va-nhung-doan-tinh-gan-lien-voi-loat-bai-khong-ten-6
"Bài không tên số 2" của Vũ Thành An

Khoảng tháng 5/1968, ông tốt nghiệp. Trong thời gian nghỉ trước khi tiếp tục khóa tập huấn chuyên biệt tại Vũng Tàu, hai người có 1 buổi tối đi chơi cùng nhau. Cô ôm chặt người yêu, quyến luyến không muốn rời và còn bảo nhạc sĩ hãy ở lại, đừng đi trình diện. Nhưng là một người lính, ông không thể trái lệnh cấp trên, đành lên đường đi huấn luyện.

6 tháng sau, ông nhận thư chia tay của cô gái. Vũ Thành An đau đớn, sụp đổ, không hiểu hiểu chuyện gì xảy ra và ông cũng không thể làm gì được vì đang trong quân ngũ. Cuối tháng 12/1968, ông về Sài Gòn và tìm đến nhà cô gái. Nhưng nàng lúc đó đã là vợ người ta. Chàng trai si tình như chết lặng và cảm xúc đó đã thúc đẩy ông sáng tác "Bài không tên số 2". 

"Bài không tên số 3" - những dự cảm đớn đau của "bóng hồng" bạc mệnh

Năm 1965, nhạc sĩ Vũ Thành An có mối quan hệ thân thiết với gia đình một người bạn. Lần nọ, gia đình bạn nhờ thay mặt họ tham dự buổi lễ được tổ chức ở trường cô em gái của bạn với tư cách là phụ huynh ở Đà Lạt. Sau khi ra về, người bạn đi cùng đã nói rằng, cô gái kia có tình cảm đặc biệt với ông. 

Song chuyện đó không khiến Vũ Thành An để tâm, bởi ông đang chìm đắm trong chuyện tình với "Tình khúc thứ nhất". Ông cũng chỉ coi nữ sinh này như em gái. Hai anh em thân thiết đến mức cùng viết chung bài hát mà sau này Vũ Thành An đặt tên "Bài không tên số 3" khi phát hành tập nhạc 10 bài không tên vào khoảng năm 1970. 

"Anh còn nhớ em đã cùng anh soạn 'Bài không tên số 3'. Anh viết: 'Yêu nhau cho nhau nụ cười/ Thương nhau cho nhau cuộc đời/ Mà đời đâu biết đợi/ Để tình nhân kết đôi...' Em viết: 'Để rồi đánh mất nhau/ Tay buông lơi tình mềm/ Chân không theo tình bền/ Chẳng giữ được nhau...'. Không biết bây giờ có nhạc sĩ nào tìm được bạn gái viết ca từ hay như vậy không?", Vũ Thành An viết trong hồi ký.

Và họ đã đánh mất nhau trong chính lời bài hát. Năm 1967, khi nhạc sĩ Vũ Thành An vừa nhập học tại trường Thủ Đức thì cô gái đến thăm, nói lời từ biệt. "Mọi sự việc đã xảy ra đúng như em viết. Đánh mất nhau! Lần này, em cùng với chị họ vào thăm anh để nói 'Ngày mai em sẽ đi Tây Đức du học'! Vậy là em đã thật sự ra đi!".

nhac-si-vu-thanh-an-va-nhung-doan-tinh-gan-lien-voi-loat-bai-khong-ten-5
"Bài không tên số 3"

Vũ Thành An trải lòng rằng, trước khi đi cô đến thăm ông, chứng tỏ cô yêu ông nhiều. Sau này, ông cũng hỏi han về cô thông qua một người bạn học bên Đức nhưng cứ nghe ai nhắc đến ông là cô lại khóc rồi bỏ đi. Cô đi để lại cho ông lá thư từ giã trong đó có hai chữ "Bảo trọng". Ông giữ lá thư đó mãi, luôn mang trong hành trang. Lá thư là nguồn an ủi ông trong những năm tháng lạnh giá.

Trong những năm tháng tù đầy, lá thư của cô giống như liều thuốc tinh thần xoa dịu những đắng cay: "Những lúc trong rừng sâu nước độc, nằm hồi tưởng lại đời mình, anh biết chính em là người yêu anh thật, yêu anh nhất trong số những người đã đi qua đời anh. Anh tha thiết muốn gặp lại em trong những lúc khổ đau đó". 

Năm 1985, sau khi ra tù, ông tìm đến nhà cô gái nhưng lại nhận tin dữ, cô đã qua đời trước đó 1 năm. Cô bị tai nạn ở Đức. Dường như, sự ra đi này đã được tiên tri từ trước trong "Bài không tên số 3": "Đêm sâu mái tóc em dài/ Buông xuôi, xuôi theo dòng đời/ Mà đời dài như tiếng kinh cầu/ Còn sầu mang đến cho nhau".

"Bài không tên số 4" - Mối tình với cô xướng ngôn viên truyền hình xinh đẹp

Trong khoảng thời gian trống vì tan vỡ với mối tình đầu tiên, Vũ Thành An gặp người phụ nữ trong "Bài không tên số 4". Ông gọi người này là bạn thân, là mối giao tình thân thiết, chứ không phải là tình yêu sâu đậm. Cô là người phụ trách thu âm cho chương trình Nhạc chủ đề trên đài phát thanh.

Lúc đầu, ông và cô là đồng nghiệp bình thường. Nhưng khi thân hơn, ông cảm thương cho hoàn cảnh của cô - người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh trong hôn nhân không hạnh phúc, bị chồng bỏ, phải một mình nuôi dạy 3 con trai. 

nhac-si-vu-thanh-an-va-nhung-doan-tinh-gan-lien-voi-loat-bai-khong-ten-4
"Bài không tên số 4"

Cô quen mặt với cả nước vì là xướng ngôn viên truyền hinh nhưng lại không ai biết về nỗi sầu bi của cô. Đó là ý nghĩa câu hát: "Triệu người quen có mất người thân/ Khi lìa trần có mấy người đưa?" (Bài hát không tên số 4). 

Nhạc sĩ Vũ Thành An là người duy nhất cận kề, lắng nghe nỗi niềm của cô. Trong khoảnh khắc xúc động, cảm thương trở thành rung động yêu đương: "Tuy lúc ấy chúng ta chỉ coi nhau như bạn, nhưng lắm lúc anh cũng không khỏi bị mê hoặc vì nét quyến rũ của em, nhất là đôi môi nũng nịu lúc nào cũng như muốn khóc. Một lần anh đánh bạo muốn hôn lên đôi môi đó, nhưng em nhẹ nhàng lảng tránh. Em càng lánh xa anh em càng cuốn hút, có lần anh đánh bạo hỏi cưới em. Em không từ chối cũng không nhận lời. Và chúng ta không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa...".

"Bài hát không tên số 5" - Cuộc hôn nhân với người vợ "vượng phu ích tử"

Năm 1969, Vũ Thành An chọn Nguyễn Thị Thoa làm điểm dừng chân. Đó là cô nữ sinh hiền lành, thuần hậu, có gia cảnh đáng thương. Mẹ cô ốm yếu, cha cũng bệnh tật. Cô vừa đi học vừa đi làm để phụ gia đình. 

Khi cô gật đầu về chung nhà, Vũ Thành An đã viết "Bài không tên số 5": "Hãy đến chia nhau nghèo khó/ Quên lo tương lai mịt mờ/ Hãy cố yêu người mà sống/ Lâu rồi đời mình cũng qua...".

Hai người đến với nhau từ hai bàn tay trắng, cùng chia sẻ khó khăn. Bởi khi đó ông vẫn là nhạc sĩ trẻ, chưa có gì trong tay. 

nhac-si-vu-thanh-an-va-nhung-doan-tinh-gan-lien-voi-loat-bai-khong-ten-3
"Bài không tên số 5"

Nhưng có một điều thú vị ông chia sẻ trong hồi ký, tuu vợ xuất thân nghèo khó nhưng lại được thầy tử vi nói có số "vượng phu ích tử". Và quả đúng như thế, sau khi hai người cưới nhau, con đường công danh sự nghiệp của ông thăng tiến nhanh chóng. Gần 4 năm sau (vừa tròn 30 tuổi), ông được thăng chức Trưởng ti thông tin Gia Định (chức vị tương đương Giám đốc sở ngày nay). Nhưng gia đình ông sau đó phải chịu cảnh "bạo phát tàn bạo". Do ông đảm nhiệm chức vụ lớn trong chính quyền cũ nên bị đưa đi cải tạo 10 năm (1975 0 1985). 

Năm 1984, khi ông đang đi cải tạo chưa rõ ngày về, người vợ tìm cách đưa con sang Mỹ định cư. Dù đau đớn nhưng ông vẫn quyết định ly hôn để giúp vợ hoàn thành thủ tục định cư.

Năm 1985, ông ra tù nhưng mối duyên này đã đứt vì khoảng cách địa lý. Trong hồi ký, ông nhắc đến vợ bằng lời lẽ tri ân, trân trọng: "Anh cảm phục em mấy mươi năm qua đã một mình nuôi dạy con trai chúng ta khôn lớn nên người. Xin cho em cuối đời được bình an".

Xem thêm: Hé lộ về mối tình đơn phương nhạc sĩ Huỳnh Anh dành cho “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận