Hé lộ về mối tình đơn phương nhạc sĩ Huỳnh Anh dành cho “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga

Phía sau sự thành công của hai ca khúc “Mơ rừng” và “Kiếp cầm ca” của nhạc sĩ Huỳnh Anh là bóng dáng của Thanh Nga – nữ hoàng cải lương nức tiếng một thời.

Diệu Nguyễn
10:30 10/07/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Chân dung nhạc sĩ Huỳnh Anh và NSƯT Thanh Nga

Nhạc sĩ Huỳnh Anh sinh năm 1932 tại Cần Thơ. Cha ông là nghệ sĩ Sáu Tửng, người chơi đàn kìm nổi tiếng của cải lương miền Nam. Năm 15 tuổi, Huỳnh Anh đã bước vào con đường nghệ thuật với vai trò nhạc công. Vào những đầu thập niên 50, tay trống Huỳnh Anh đã càn quét khắp các ngóc ngách của Sài Gòn và được mệnh danh là “tay trống giang hồ”.

Song song với việc chơi trống, năm 24 tuổi nhạc sĩ Huỳnh Anh bắt đầu sáng tác nhạc chính thức. Nhạc phẩm đầu tay của ông là “Em gắng chờ”, viết năm 1956. Sau thành công của ca khúc đầu tay, ông liên tục cho ra đời thêm nhiều nhạc phẩm khác như “Biết nói gì đây”, “Hoa trắng thôi cài trên áo”, “Đàn trong đêm vắng”, “Đời tôi chỉ một người”,… Nổi tiếng nhất trong số đó là bài “Mưa rừng” và “Kiếp cầm ca”, hai ca khúc này được Huỳnh Anh viết riêng cho nghệ sĩ Thanh Nga – bóng hồng có duyên không nợ với ông.

moi-tinh-don-phuong-nhac-si-huynh-anh-danh-cho-nghe-si-thanh-nga (2)
Chân dung nhạc sĩ Huỳnh Anh và nghệ sĩ Thanh Nga thời trẻ

Về phần nghệ sĩ Thanh Nga, bà là một trong những cái tên sáng chói nhất của nghệ thuật của lương. Trong những năm thập niên 1960 – 1970, không ai là không biết đến cái tên Thanh Nga , mỹ nhân tài sắc vẹn toàn, được ưu ái gọi với cái tên “nữ hoàng sân khấu”, “nữ hoàng cải lương” với nhiều vai diễn kinh điển.

Từ năm 10 tuổi, Thanh Nga đã bước lên sân khấu tuồng cổ để hát mở màn cho đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga do mẹ mình làm chủ. Đến năm 16 tuổi, cái tên Thanh Nga đã nổi đình nổi đám, không chỉ trên sân khấu cải lương mà còn góp mặt trong nhiều phim điện ảnh nổi tiếng. Không chỉ vậy, Thanh Nga còn ghi dấu ấn với khả giả bằng chất giọng mùi mẫn, đầy cảm xúc.

Mối tình đơn phương nhạc sĩ Huỳnh Anh dành cho nghệ sĩ Thanh Nga: Có duyên không nợ

Năm 1961, đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga dựng vở cải lương “Mưa rừng” của hai soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng. Trong vở này, Thanh Nga là người diễn chính, vào vai một cô sơn nữ. Nhạc sĩ Huỳnh Anh được mời đến viết ca khúc chủ đề cho vở diễn này.

Dựa trên vở tuồng, ông sáng tác bài “Mưa rừng” như được “đo ni đóng giày” riêng cho nghệ sĩ Thanh Nga. Ca khúc được sáng tác đặc biệt, giảm thiểu những sở đoản trong tiếng hát của một nghệ sĩ cải lương khi hát tân nhạc. Để bài hát mượt mà và chuẩn chỉnh trên sân khấu, Huỳnh Anh đã dành nhiều thời gian đến tập hát cho Thanh Nga.

Tiếp xúc lâu ngày khiến trái tim chàng nhạc sĩ ôm mộng tương tư. Thời điểm ấy cũng là lúc nghệ sĩ Thanh Nga gặp một số vấn đề bất ổn trong chuyện tình cảm. Những buổi Thanh Nga không phải hát, người ta thường thấy hai người sánh đôi đi chơi. Có khi họ từ hậu trường đi vòng ra rạp, cùng nhau ngồi xem diễn trước cặp mắt tò mò của mọi người. Thậm chí nhạc sĩ Huỳnh Anh còn viết riêng ca khúc “Kiếp cầm ca” để dành tặng cho Thanh Nga. Sự quan tâm của chàng nhạc sĩ tài hoa dành cho “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga là điều ai cũng có thể nhận thấy. Thế nhưng dù báo chí Sài Gòn thời ấy có đồn đoán thế nào, họ cũng chưa bao giờ công khai hay nói về mối quan hệ tình cảm này.

moi-tinh-don-phuong-nhac-si-huynh-anh-danh-cho-nghe-si-thanh-nga (1)
Mối tình đơn phương bắt đầu từ ca khúc "Mơ rừng"

Cho đến một ngày, Thanh Nga bất ngờ lên xe hoa cùng ông Đổng Lân, mọi người mới vỡ lẽ. Thì ra, mối tình thơ mộng ấy chỉ là tình đơn phương của chàng nhạc sĩ. Giấc mộng không thành… nhạc sĩ Huỳnh Anh lại viết tiếp một ca khúc có tựa là “Mưa” như tiếp nối tơ lòng với những lời nhạc thở than.

Sau này, trong một đêm văn nghệ, nhạc sĩ Huỳnh Anh đã tiết lộ về mối quan hệ giữa mình với nghệ sĩ Thanh Nga như sau: 

“Các anh em hỏi tôi về mối quan hệ giữa tôi và Thanh Nga, xin lỗi các anh, chuyện đó có thật. Lần này tôi thú nhận vì cứ giấu mãi thì chuyện cũng chẳng đi đến đâu. Nhưng bản “Mưa Rừng” là “bản nhạc chủ đề” trong vở tuồng cùng tên là do hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng đã nhờ tôi viết. Bản này đã được viết đặc biệt hơn để có thể giảm thiểu những sở đoản của một nghệ sĩ cải lương khi hát tân nhạc, và tôi đã dùng nhiều thời giờ để tập hát bài này cho Thanh Nga. Thế nên, bài hát “Mưa rừng” đã gắn liền tên tuổi của tôi với người nữ nghệ sĩ khả ái này. 

Thưa các anh em, chuyện Thanh Nga mê tôi hay tôi mê Thanh Nga (bây giờ) chỉ có mình tôi biết thôi. Hôm nay tôi sẽ nói ra, bài “Kiếp Cầm Ca” chính là bài mà tôi đã viết riêng cho Thanh Nga. Vì chỉ có sân khấu cải lương mới có màn nhung mà thôi. Nhưng hai câu cuối trong bài “Ánh đèn lặng tắt / Gởi ai nỗi niềm”, thì người gởi nỗi niềm ở đây là tôi chứ không phải Thanh Nga!”

Xem thêm: Nhạc sĩ Huỳnh Anh: Nặng lòng “kiếp cầm ca” ra đi trong cô độc

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận