Nhạc sĩ Phạm Duy và hành trình "gom mùa xuân" vào âm nhạc

Khi nhắc về âm nhạc Phạm Duy, thi sĩ Uyên Sa nói: "Kim cường có ngàn mặt và Phạm Duy có ngàn lời ca". Quả đúng như vậy, chỉ nói riêng về mùa xuân trong âm nhạc của Phạm Duy đã là quá mênh mông... 

Đỗ Thu Nga
10:22 02/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Amnhac.net

Nhạc sĩ Phạm Duy là "cây đại thụ" của nền tân nhạc Việt Nam. Âm nhạc của ông là sự kết hợp tài tình giữa những điệu thức dân ca và tân nhạc. Nhất là sự hòa quyện giữa tâm hồn và tinh thần Việt với phong cách âm nhạc Tây phương, hiện đại. 

Âm nhạc của Phạm Duy rất đang dạng, ông viết Rong ca, viết Tình ca, Thiền ca và cả những bản nhạc say đắm được gọi là Xuân ca. Mùa xuân trong âm nhạc của Phạm Duy có khi đầy khi vơi, gắn liền với những xao động trong tâm hồn nghệ sĩ trước sự hồi sinh của vạn vật sau những ngày đông tàn. 

Mùa xuân trong âm nhạc của Phạm Duy phải nhắc đến một vài nhạc phẩm bất hủ sau: Đêm Xuân (1948); Hoa xuân (1953); Xuân thì (1953); Xuân Hồng (1956); Xuân hành (1959); Xuân ca (1961); Mùa xuân yêu em; Hoa đào ca; Tuổi xuân; Xuân hiến.

Trong nhạc phẩm "Một bàn tay" (1959), hình ảnh bàn tay được nhắc đi nhắc lại cùng với hình ảnh bốn mùa như thể bàn tay đi suốt cả thời gian, tạo nên những cung bậc tâm hồn cuộc đời. Đây là cung bậc cuộc đời đầy hân hoan, nhìn đâu cũng thấy sắc xuân, thấy yêu đời"

"Bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đời,

Một Xuân bao dung ai cũng là người

Bàn tay vụn xới, ôi bàn tay đưa lối

Dọc đời, thơ hát đầy vơi".

Mùa xuân trong "Nhạc tuổi vàng" (1960) lại chứa chạn một trời kỷ niệm:

"Tuổi vàng như bông lúa thơm tho ngày mùa

Trên cánh đồng chiều tà

Nhớ Xuân ca, khi còn thơ..."

nhac-si-pham-duy-va-nhung-sang-tac-ve-mua-xuan-0 (1)
Những bài hát về mùa Xuân đã đóng góp một phần không nhỏ vào kho tàng âm nhạc đồ sộ của Phạm Duy

Với Phạm Duy, khi xuân về cũng là lúc muôn loài trở mình đón xuân trong nhạc phẩm "Trên đồi xuân":

"Một con ốc nằm yên giấc ở đồi hoang

Bỏ mộng ngoan từ vỏ, vươn chào đón Xuân

Khiến đàn giun dế

Cũng ngước mặt nghenh đón

Bóng dáng người con gái tươi ròn

Chuồn chuồn ngấp nghé ở vòm tre

Rồi bay tới cùng đàn ong lượn vuốt ve

Khiến cho đàn nai bé

Kéo nhau về bỡ ngỡ

Quấn quýt người con gái đương tơ...".

Trong mảng Xuân ca của Phạm Duy, không thể không nhắc tới "Tuổi xuân (1973) với giọng ca của Thái Hiền tinh khôi, trong trẻo ở tuổi mới lớn: "Bỗng dưng yêu đời! Bỗng dưng yêu đời!". Cô bé trải lòng yêu thiên nhiên vũ trụ kỳ diệu, yêu quê hương đất nước đẹp ngời, yêu cuộc sống... Và rồi cô bé thấy yêu người: "Bỗng dưng yêu người! Bỗng dưng yêu người!". Cô yêu từ những người gần gũi, thân yêu, từ trẻ thơ đến cụ già, từ thầy cô, đến bạn bè, từ xóm vắng đến phố thị... 

Trong ca khúc "Xuân hành", một bài hát với ca từ như thơ, đó là cuộc hành trình của "NGƯỜI" với bao trăn trở về phận của mình trên thế gian này. Muôn đời này, ai cũng tự hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta sẽ về đâu?... 

"Người là TA, một mùa Xuân tỏa nắng mai

Bước lên đời mang một tình duyên mới

Người là TA, đường nhân ái còn đi mãi mãi

Hết bước Xuân, TA gọi nhau về trong NGƯỜI..."

Ở "Xuân thì" (1953), bài hát đẹp như một bài thơ về mùa xuân của đất Mẹ Việt Nam. Mùa xuân đến, chiến chinh lùi xa, chỉ còn lại hi vọng tốt lành. Mùa xuân đã đem đến rất nhiều hi vọng và Phạm Duy hi vọng về một mùa xuân hòa bình:

"Tình ra núi Bắc, non Đông

Duyên về tới chốn Nam sông, Tây rừng

Gọi đàn chim trắng như bông

Tin lành đưa xuống khắp vùng trên nước ta

Êm êm tiếng hát trăng tà

Tình soi trên phím tay ngà gái trinh

Người ôm nhân loại trong mình

Cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men".

nhac-si-pham-duy-va-nhung-sang-tac-ve-mua-xuan-8
Nhạc phẩm "Xuân thì"

Và với niềm hi vọng về mùa xuân tốt đẹp, Phạm Duy như muốn hóa thân thành hoa để tỏa hương, đem thương yêu, niềm vui đến cho mọi người. Ông gửi gắm sự hào hứng, tin yêu của mình trong "Hoa xuân" (1953):

"Xuân! Hoa tỏa hương mới

Nhân quần ân sái đã kêu đòi niềm vui

Xuân! Hoa là tình tôi

Đua nở cùng ai cùng quyến luyên mọi nơi

Có một bày thôn nữa nhìn hoa

Chúc cho Xuân vui vẻ thái hòa

Có một vài tóc trắng thầm mơ

Ước cho hoa nở mãi không già"...

Rồi nhạc sĩ đại tài Phạm Duy lại ước được sống trong cõi "Xuân hiền". Đó là cõi mùa xuân của sự tái sinh:

"Xuân non, Xuân già, Xuân vẫn Xuân quen

Mới biết Xuân là cuộc tái sinh duyên

Thu, Đông, Hạ chết

Nhưng Xuân còn nguyên

Khuyến khích dòng máu về tim

Xuân không lên đường, Xuân đứng êm êm

Đứng mãi trong đời để cõng ta lên

Yêu Xuân đằm thắm

Yêu Xuân một phen

Và sống cùng với Xuân hiền...".

Sang đến "Xuân ca" (1961), nhạc sĩ Phạm Duy thể hiện một cái tôi tràn đầy khao khát. Đó là hoài bão, khát vọng sống cống hiến dẫu biết rằng đã là người thì ai cũng phải chết, sẽ trở thành tro bụi hồng trần. Bởi lẽ, còn Xuân là còn mơ ước, còn hi vọng, còn trẻ mãi đầy sức sống theo thời gian:

"Xuân tôi ơi, sức Xuân tôi còn khát khao

Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu

Xuân muôn năm có ta Xuân còn hỡi Xuân

Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần"...

nhac-si-pham-duy-va-nhung-sang-tac-ve-mua-xuan-7
Nhạc phẩm "Xuân thì"

Phạm Duy vốn là một người tình cuồng nhiệt trong cuộc sống, vậy nên mùa xuân trong ông hiện hữu ở mọi nơi, mọi lúc, trên nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là một "Đêm xuân" tặng vợ hiền. Bài này đậm đà, thắm thiết, chứa chan hạnh phúc. Trong sáng tác, đây là lần thứ 6 ông nói tới cây đàn. Bây giờ là tiếng đàn báo tin Xuân đã về và hạnh phúc đã tới.

Và xin khép lại mảng đề tài mùa xuân trong âm nhạc của Phạm Duy bằng nhạc phẩm "Khúc hát thanh xuân" sáng trong và lấp lánh như viên kim cương ngàn mặt (nhạc của Johann Strauss do Phạm Duy viết lời) để thay lời tạ ơn đời đã cho ta kiếp người:

"Ôi ơn đời mãi mãi

Thoát thai theo đời, vun sới

Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời..." (Tạ ơn đời - Phạm Duy).

Xem thêm: "Bóng hồng" trong ca khúc "Đêm xuân" của Phạm Duy là ai?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận