"Bóng hồng" trong ca khúc "Đêm xuân" của Phạm Duy là ai?

"Đêm xuân" (Dạ khúc) là nhạc phẩm trữ tình được nhạc sĩ Phạm Duy chắp bút năm 1948. "Bóng hồng" trong nhạc phẩm này đã gắn bó nửa đời người với chàng nhạc sĩ đa tình.

Đỗ Thu Nga
14:09 15/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

CA KHÚC "ĐÊM XUÂN"

  • Tên ca khúc: Đêm xuân (Dạ khúc)
  • Nhạc sĩ sáng tác: Phạm Duy
  • Năm ra đời: 1948
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thái Hiền, Trần Thái Hòa

"Bóng hồng" trong ca khúc "Đêm xuân" của Phạm Duy là ai?

Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn (1921 - 2013) là tên tuổi lớn trong nền tân nhạc Việt Nam. Ông để lại cho đời khối lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó có không ít ca khúc về mùa xuân: Đêm xuân, Hoa xuân, Xuân thì, Xuân Hồng, Mùa xuân yêu em, Tuổi xuân, Xuân hiến... Và đặc biệt không thể không nhắc đến "Đêm xuân" (Dạ khúc). Đây là nhạc phẩm được phổ biến rộng rãi và có lượng khán giả lâu năm lớn. Có người gọi ca khúc này là "Đêm xuân" nhưng cũng có người gọi là "Dạ khúc". Tên chính thức được ghi trong tờ nhạc phát hành năm 1953 là "Đêm xuân". 

Ca khúc "Đêm xuân" được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác ngay sau khi cưới danh ca Thái Hằng. Đây cũng là ca khúc "Xuân ca" đầu tiên của ông. 

Trong hồi ký của mình, Phạm Duy từng chia sẻ: "Tôi soạn bài xuân ca đầu tiên là ĐÊM XUÂN để tặng người vợ yêu quý vừa kết hôn là Thái Hằng. Bài này đậm đà, thắm thiết, chứa chan hạnh phúc. Trong sáng tác, đây là lần thứ sáu tôi nói tới cây đàn. Bây giờ là tiếng đàn báo tin Xuân đã về và hạnh phúc đã tới".

Trong tờ nhạc của nhà xuất bản Tinh Hoa, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, ca khúc này thuộc "chuyện ca Khối Tình". Vậy nên rất có thể đây chính là tiền truyện của ca khúc "Khối Tình Trương Chi" mà nhạc sĩ đã sáng tác 4 năm trước đó. 

bong-hong-trong-ca-khuc-dem-xuan-cua-nhac-si-pham-duy-la-ai-7
Ca khúc "Đêm xuân" được Phạm Duy viết cho danh ca Thái Hằng

Điều này dường như cũng có cơ sở vì một lần nữa hình ảnh nàng Mị Nương đã xuất hiện trong tác phẩm này. Có thể Phạm Duy đã so sánh hình ảnh danh ca Thái Hằng với nàng công chúa trong tích xưa. Mị Nương đã mê đắm tiếng đàn của Trương Chi cũng như Thái Hằng đã mến mộ tài năng của nhạc sĩ Phạm Duy.

Cũng trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy viết: "Đến với Thái Hằng, tôi còn có một ưu điểm mà người khác có thể không có, đó là cái tài mọn của tôi trong âm nhạc. Tài nghệ nhỏ nhoi này cũng đã được nhiều người công nhận, từ Tướng tư lệnh Nguyễn Sơn rất giỏi về văn nghệ, qua những nhà văn hóa lão làng như Đặng Thái Mai, Nguyễn Đức Quỳnh... tới đông đảo quần chúng là bộ đội hay dân quê nhưng nó chỉ xuyên qua loại nhạc hào hùng có lợi ích cho kháng chiến mà thôi. Tôi gọi đó là cái tài hùng. Riêng đối với Thái Hằng, bây giờ tôi trổ luôn cái tài hèn ra là việc soạn nhạc tình và soạn lời Việt cho nhạc cổ điển".

Được biết, trước Phạm Duy, danh ca Thái Hằng có mối tình say đắm với người trai trẻ tên Trần Văn Nhung. Tuy nhiên, người này đã hi sinh vào năm 1945 trong Cách mạng Tháng Tám. Tin sét đánh này đã khiến cô gái 18 tuổi đau đớn, quằn quại suốt mấy năm liền.

Phạm Duy biết hết những điều đó. Ông đã an ủi người đẹp bằng tiếng đàn. Dần dần tài năng và sự quan tâm của Phạm Duy đã chinh phục được trái tim Thái Hằng. Và trong không khí tràn ngập hạnh phúc hôn nhân, nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa "bóng hồng" Thái Hằng vào âm nhạc của mình để tạo ra bản nhạc trữ tình mang tên "ĐÊM XUÂN":

"Ðêm qua say tiếng đàn 

Ðôi chim uyên tới giường

Chim báo tin 

Xuân đã về trong giấc mộng 

Em yêu câu hát buồn 

Lả lướt trong màn trăng 

Yêu trời thanh vắng đón đưa em tới chàng 

Hồn em chùng đêm tối 

Tình em còn chơi vơi 

Lòng em yêu rồi xin đừng nhạt phai 

Ðừng nhạt phai…"

Chuyện tình của chàng nhạc sĩ đa tình với cô ca sĩ mang nỗi buồn u uất

Nhạc sĩ Phạm Duy là "con bướm đa tình", khi đã "tạm" mỏi cánh, con bướm này chọn nơi dừng chân, lập gia đình với danh ca Thái Hằng. Nhưng người đẹp tài sắc vẹn toàn này lại mang trong tâm nỗi buồn u uất, chưa hề tỏ bày cùng ai...

Được biết, nhạc sĩ Phạm Duy quen biết gia đình danh ca Thái Hằng từ dạo còn tản cư ở Chợ Đại - Cổng Thần (Hà Đông, năm 1947). Sau đó, họ cùng nhau về Liên khu VI ở Chợ Neo (Thanh Hóa, đầu năm 1949). Thời điểm đó, nhạc sĩ Phạm Duy đã thấy trong đôi mắt Thái Hằng vương vấn một nỗi buồn.

Có lẽ vì thế mà nhiều "cây si" như thi si Đinh Hùng, thi sĩ Huyền Kiêu, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Ngọc Bích... không thể nào làm trái tim người đẹp Thái Hằng rung động. Thái Hằng cũng là cô nàng kín tiếng, ít âm sự chuyện riêng tư. Phải đến khi gặp Phạm Duy, cô mới bắt đầu mở lòng, chia sẻ những nỗi niềm thầm kín.

bong-hong-trong-ca-khuc-dem-xuan-cua-nhac-si-pham-duy-la-ai-6
Chân dung ca sĩ Thái Hằng

Như đã chia sẻ bên trên, Thái Hằng từng đính hôn với một sinh viên trường Luật tên Trần Văn Nhung (năm 1945). Nhung là thanh niên yêu nước nhưng có khung hướng thân Nhật. Đầu thập niên 40, anh tin rằng Nhật Bản thực sự muốn giúp Việt Nam thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Từ cảm tình với Nhật khiến anh được tặng học bổng du học nhưng chưa kịp đi thì xảy ra vụ Nhật đảo chính ngày 9/3/1945. Trước giờ đảo chính, một sĩ quan Nhật hỏi một nhóm sinh viên Hà Nội do họ triệu tập xem có ai muốn xung phong cùng đi với lính Nhật vào Hà Nội? Thứ họ nhận được là vinh dự tự tay giật lá cờ tam tài của Pháp xuống.

Mọi người đang do dự thì Nhung và một sinh viên nữa đứng lên nhận lời. Hai người này đi tiên phong trong đám lính Nhật và bị bắn chết ngay trên bờ tường thành Cửa Bắc trong phút đầu tiên của vụ đảo chính. 

Ngày 11/3/1945, một buổi lễ truy điệu những người đã hi sinh cho nền "thịnh vượng chung của Đại Đông Á" được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Thái Hằng đầu chít khăn trắng tới dự lễ truy điệu này. 

Cái chết của Nhung ảnh hưởng đến Thái Hằng. Từ đó cô đắm đuối trong nỗi sầu riêng. Trong suốt 1 năm thời chưa tản cư, tuần nào cô cũng mang oa đến đặt trên mộ Nhung và khóc... 

Khi theo gia đình đi tản cư, cô vẫn mang theo ảnh và nhật ký của người đã khuất. Trong đó Nhung có viết những câu vừa gở vừa thiêng: "Nếu anh chết thì em phải lấy chồng và cố tìm ra một người nào như anh nhé".

Ba năm sau ngày Nhung mất, cha mẹ Thái Hằng đã tìm cách đốt tấm ảnh và nhất ký của Nhung để con gái vơi đi nỗi sầu bi. Nhưng Thái Hằng vẫn chưa thoát khỏi nỗi đau mất người yêu.

Khi biết tâm sự của Thái Hằng, Phạm Duy thực tâm nể phục thái độ anh hùng của Nhung cũng như sự chung tình của Thái Hằng. Ông cố gắng tìm mọi cách để người đẹp vơi bớt đi nỗi sầu trong tim

Sau 6 tháng quen biết, Phạm Duy đưa ra quyết định quan trọng: Hỏi cưới Thái Hằng.  Nói về lễ ăn hỏi, Phạm Duy từng kể: "Bên nhà trai không có ai ngoài tôi ra, đành phải nhờ người em của điêu khắc gia Lê Thị Kim là Bạch Bích tới bưng khay trầu. Hôm đó, từ quán Thăng Long đi ra tôi còn là kẻ độc thân rồi tức khắc từ ngoài cửa đi vào, sau khi ra đứng lễ ông bà ông vải xong, từ nay trở đi tôi trở thành người chồng chưa cưới của Phạm Thị Thái Hằng. Một cái lễ hỏi nhẹ tênh, so với sự nặng nhọc và kiên trì của 6 tháng khổ công vận động của tôi...".

Cũng vì muốn tỏ ra là anh hùng trong mắt hiền thê mà Phạm Duy tình nguyện vào chiến trường Bình Trị Thiên trong 6 tháng, vừa biểu diễn vừa sáng tác. Trong khoảng thời gian này, ông đã sáng tác nên: Bà mẹ Gio Linh, Bao giờ lấy được đồn Tây (sau sửa là Quê nghèo)...

bong-hong-trong-ca-khuc-dem-xuan-cua-nhac-si-pham-duy-la-ai-09
Hình ảnh Phạm Duy và Thái Hằng khi mới cưới (bên trái) và khi ở Việt Bắc (bên phải)

Trở về từ chiến trường, lễ cưới của hai người được diễn ra với chủ hôn là tướng Nguyễn Sơn. Lễ hỏi giản dị cỡ nào thì lễ cưới đơn sơ như thế. Áo cưới là áo dài màu xanh thẫm mang từ ngày xa Hà Nội, giờ mới có dịp mặc. Chỉ có cái quần vải trắng là vừa mới may xong và đôi guốc mới. Chú rể mặc quần bộ đội kaki Mỹ, đội mũ ca lô bằng dạ màu xanh, chân đi giày cao cổ... chẳng khác nào hình ảnh cô dâu chú rể trong "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan: "Ngày hợp hôn này không đòi may áo cưới. Tôi mặc đồ quân nhân. Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân...:.

Theo Phạm Duy, tiệc cưới là hai mâm cơm thịnh soạn hơn ngày thường, được bày trên hai cái bàn trong quán Thăng Long. Tính sơ sơ có gần hai chục người ngồi ăn tiệc cưới. Ông bố vợ đứng lên mời mọi người cầm đũa, sau khi đã cám ơn khách khứa. Tướng Nguyễn Sơn cũng đứng lên nói vài câu chúc mừng.

"Giản dị đến độ không có một cái nhẫn cưới tặng cô dâu, nhưng tôi có thể nói ngay ra đây kể từ hôm nay tới 40 năm sau, chưa bao giờ đôi vợ chồng này to tiếng với nhau một lần", nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ.

Ăn xong cỗ cưới, họ cũng đưa nhau ra trước cửa quán Thăng Long chụp ảnh kỷ niệm. Riêng cô dâu chú rể có thêm 1 bức ảnh riêng, hai người nắm tay đứng trong vườn chuối bên cạnh quán.

"Bức ảnh chụp mọi người trong đám cưới, khi chúng tôi về thành, ông bố vợ đã cắt bỏ hình tướng Nguyễn Sơn vì sợ lính Tây khám mà thấy ảnh tướng Tư lệnh thì nguy hiểm lắm...", Phạm Duy lại kể. 

Cưới được 4 tuần thì Phạm Duy được điều lên Việt Bắc. Ông đưa vợ đi cùng. Quãng đường từ Thanh Hóa lên Việt Bắc dài hơn 800km phải đi bộ, nhưng mới đi được nửa đường thì Phạm Duy phát hiện vợ mang thai. Lỡ rồi, nên họ vẫn đi. Một tháng sau, họ đến Thái Nguyên. Liên lạc viên dẫn tới Yên Giã (khu rừng gần ranh giới Thái Nguyên và Bắc Kạn). Ở đây không có gia đình dân thường. Khu thung lũng này là An toàn khu (ATK) của tất cả các cán bộ làm việc trong các cơ quan khác nhau của Trung ương. Mỗi gia đình cán bộ đều được cơ quan mình phát cho một mảnh đất rồi có người tới phụ giúp để dựng cái nhà bằng nữa.

Yên Giã là nơi dành cho các gia đình văn nghệ sĩ. Họ trở thành hội viên của các Hội nhà văn, Hội họa sĩ, Hội nhạc sĩ... Vợ chồng Phạm Duy là thượng khách của Nguyễn Xuân Khoát - Chủ tịch Hội nhạc sĩ kháng chiến. Họ cất cho một mái nhà tranh nằm không xa nhà vợ chồng Văn Cao là bao. 

Những ngày ở ATK đã ghi đậm dấu ấn trong hồi ức Phạm Duy. Ông từng viết: “Đời sống ở Yên Giã quá đẹp. Bõ công chúng tôi đã rời bỏ một nơi "an ninh thịnh vượng" là Thanh Hoá để lên đây ở…”.

Mặc dù là chàng nhạc sĩ đa tình nhưng với Phạm Duy, Thái Hằng là người vợ mà không ai có thể thay thế được. Những năm cuối đời của Thái Hằng, Phạm Duy luôn ở bên cạnh giường bệnh của vợ. Danh ca Thái Hằng cũng cảm thấy bình an và hạnh phúc khi có chồng và các con ở cạnh. 

Xem thêm: Top 10 câu nói hay nhất về sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận