Một email cũ và một tâm nguyện cuối đời của nhạc sĩ Phạm Duy

Trước khi qua đời, nhạc sĩ Phạm Duy đã gửi đi một email nhắc đến ca khúc "VIỆT NAM, VIỆT NAM" và tâm nguyện đối với quê hương, đất nước...

Đỗ Thu Nga
10:38 20/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Nhạc sĩ Phạm Duy (tên thật là Phạm Duy Cẩn) sinh ra trong gia đình văn chương. Bố ông là nhà văn tài năng Phạm Duy Tốn. Từ nhỏ, ông đã biết chơi guitar, mandolin. Tình yêu âm nhạc đã thôi thúc ông tự mày mò học nhạc cổ điển, rồi tập tành sáng tác dù chưa từng kinh qua trường lớp chuyên nghiệp về âm nhạc nào.

Nhạc sĩ Phạm Duy chính là người khởi xướng, định hướng trào lưu, phong cách cho âm nhạc hiện đại Việt Nam, nhất là trong thể loại tình ca, viết về tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước. Nhạc của ông thanh thoát, nhẹ nhàng, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc cổ truyền Việt Nam và âm nhạc hàn lâm Tây phương. Từ đó tạo ra một phong cách riêng biệt, mang tính đột phá và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều lớp nhạc sĩ sau này.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Phạm Duy gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước. Trước thời khắc lịch sử của dân tộc (sự kiện 30/4/1975), nhạc sĩ Phạm Duy đã quyết định theo tàu hải quân Mỹ rời Việt Nam. Trong 30 năm rời xa quê hương, sự nghiệp âm nhạc của ông vẫn tiếp tục phát triển với nhiều đề tài, thể loại mới. Song lúc này, nhạc của ông bị cấm ở Việt Nam, chỉ phổ biến trong cộng đồng hải ngoại.

mot-email-cu-va-mot-tam-nguyen-cuoi-doi-cua-nhac-si-pham-duy-6
Nhạc sĩ Phạm Duy

Đến năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy chính thức trở về Việt Nam định cư, an hưởng tuổi già. Trong bài phỏng vấn vào năm 2005, báo Thanh Niên đặt câu hỏi: "Vì sao bác quyết định về sống tại Việt Nam?", Phạm Duy trả lời: "Thứ nhất tôi là người Việt Nam. Mà đã là người Việt Nam thì như các cụ đã nói 'lá rụng về cội'. Người Việt Nam nào cũng thế, nhất là tôi. Nhưng về lúc nào? 'Lá rụng' chưa? Điểm thứ hai quan trọng là khi tôi mất, tôi chỉ còn các con. Bạn bè thì không còn rồi, đất nước cũng không có. Sống là sống như thế nhưng Mỹ có phải là đất nước của mình đâu? Thế thì khi các con tôi về, con tôi ở đâu, tôi ở đó. Gia đình tôi vẫn luôn luôn gần nhau thế mà! Đó là lẽ tự nhiên, dù rằng ở độ tuổi 85, đổi cả cơ ngơi bên kia về đây thì cũng... mệt đấy. Thế nhưng tôi thích thử xem mình có làm nổi không?".

Nhạc sĩ Phạm Duy đã an hưởng tuổi già tại Việt Nam đến năm 2013. Trước khi qua đời, ông đã gửi một email với nội dung:

"Bố đưa con giữ lá thư nguyện vọng này: 

Tôi là Phạm Duy, nhạc sĩ đã được hồi tịch và cư ngụ tại 349/126 đường Lê Đại Hành, phường 13, quận 11, TP Hồ Chí Minh, thực tế đã là một công dân Việt Nam từ năm 2005... Tôi nghĩ rằng tôi có quyền nuôi một nguyện vọng đóng góp vào sinh hoạt âm nhạc trong nước bằng một ca khúc có tính chất xưng tụng nước ta nhan đề VIỆT NAM, VIỆT NAM sáng tác từ 1960, rút  trong trường ca Việt Nam là một tổ khúc kêu gọi sự đoàn kết dân tộc dưới bóng Mẹ Tổ quốc thiêng liêng và độ lượng. Sau đây là ca khúc đó:

Việt Nam, Việt Nam, nghe tự vào đời

Việt Nam, hai câu nói

Bên vành nôi: Việt Nam, nước tôi

Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người

Việt Nam, hai câu nói

Sau cùng khi lìa đời

Việt Nam đây miền xinh tươi

Việt Nam đem vào sông núi

Tự Do, Công Binh, Bác Ái muôn đời

Việt Nam không đòi xương máu

Việt Nam kêu gọi thương nhau

Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu

Việt Nam trên đường tương lai

Lửa thiêng soi toàn thế giới

Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời

Tình Yêu đây là khí giới

Tình Thương đem về muôn nơi

Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người

Việt Nam! Việt Nam!

Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời

Việt Nam! Việt Nam!

Việt Nam muôn đời!

Tôi mong có ngày ca khúc này được phép phổ biến. (kèm theo là một CD với hai bản hợp ca hát bài VIỆT NAM, VIỆT NAM)"

mot-email-cu-va-mot-tam-nguyen-cuoi-doi-cua-nhac-si-pham-duy-7
Ca khúc "Việt Nam, Việt Nam" của nhạc sĩ Phạm Duy được sáng tác năm 1966

Nhạc sĩ Phạm Duy và GS Trần Văn Khê từng có tình bạn vô cùng thân thiết. Họ thường xuyên trao đổi thư từ với nhau về âm nhạc và việc xin cấp phép phổ biến hai trường ca "Con đường cái quan và Mẹ Việt Nam. GS Trần Văn Khê đã soạn một lá thư dài khoảng mười trang với nội dung: Vì sao hai tác phẩm trường ca "Con đường cái quan" và "Mẹ Việt Nam" của nhạc sĩ Phạm Duy xứng đáng được phổ biến tại Việt Nam? Trong thư, GS Trần Văn Khê đã viết: 

"Tâm nguyện của Phạm Duy đối với quê hương là một tâm nguyện trọn vẹn. Duy luôn mong muốn về lại quê hương, thấy lại quê hương và mãi mãi suốt cuộc hành trình sinh lộ của mình, Duy đã luôn mang theo hình ảnh quê hương vào tâm trí, vào con tim, và vào những suy tư một đời Duy ghi lại bằng âm nhạc.

Hiện nay, Phạm Duy cũng như tôi, đã bước qua cái tuổi cửu thập rồi. Nhưng tâm nguyện mà tôi đem về quê hương đã phần nào thực hiện được, còn tâm nguyện của Duy - một người nhạc sĩ bao năm cách trở quê nhà - trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, còn có cơ hội nhìn thấy tác phẩm - đứa con tinh thần của mình được phổ biến, được trở về sống trên mảnh đất quê hương, nơi phôi thai cho những lời ca, điệu nhạc được dấy lên từ sự thiết tha cùng dân tộc. Tôi ước mong Chính phủ, Bộ Văn hóa xem xét đến trường hợp hai tác phẩm trường ca của Phạm Duy để cho hai tác phẩm rất sâu sắc, nhân văn này được phỏ biến đại chúng toàn quốc, giúp cho tư tưởng rất đẹp trong lời nhạc, lời ca đi sâu vào lòng người dân. Vì những gì nói đến trong hai bản trường ca cũng là hình ảnh phù hợp với tinh thần dân tộc, phù hợp với lối sống Việt Nam, quan niệm thẩm mỹ và cách ứng xử của người Việt trong suốt bao thăng trầm, gian truân của đất nước chúng ta.

Trân trọng,

Bình Thạnh, vào hè tháng 6.2012"

Đến những ngày cuối đời, người nhạc sĩ tài hoa luôn canh cánh những nỗi niềm. Ông không ngừng miệt mài nghiên cứu và sáng tác. Âm nhạc giống như một thành trì vững vàng để ông nương náu, khi cô đơn cũng như bệnh tật.  

Trong lúc Phạm Duy nằm bệnh, con rể - ca sĩ Tuấn Ngọc từng không giấu nổi ngạc nhiên mà thốt lên rằng: "Tôi chưa bao giờ thấy người nào say mê làm việc giống ông cụ. Cứ như mỗi lần sắp gục ngã, nghĩ đến âm nhạc và lời khen ngợi là ông có động lực để tiếp tục...".

Nhà Phạm Duy có một chị giúp việc tên Phụng, quê ở miền Tây. Có lần, chị thắc mắc: “Ông, nhạc của ông là nhạc sang hay sến?”. Ông trả lời ngắn gọn: “Nhạc Việt Nam”.

Trong một bài phỏng vấn với báo Thanh Niên tháng 6/2012, nhạc sĩ chia sẻ: "Tôi nghĩ, tôi chết cũng như sống thôi, vì gia tài để lại của tôi nhiều lắm. Một trăm năm nữa, nếu người ta vẫn hát bài Tình ca với câu Tôi yêu tiếng nước tôi, 999 bài còn lại, người ta quên cũng được". 

Ca khúc "Việt Nam, Việt Nam" được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1966, lúc đầu nằm trong phần kết của trường ca Mẹ Việt Nam. Nhưng "Việt Nam, Việt Nam" thường được hát riêng vì giai điệu hùng tráng, lời ca chứa chan tình yêu nước.

Ca khúc này mang nội dung ca ngợi quê hương Việt Nam trong thời bình, với lòng yêu quê hương tha thiết từ khi vừa lọt lòng. Ca khúc còn đề cao tình người, hòa bình với câu hát: "Việt Nam không đòi xương máu / Việt Nam kêu gọi thương nhau / Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu / Việt Nam trên đường tương lai / Lửa thiêng soi toàn thế giới " và "Tình yêu đây là khí giới / Tình thương đem về muôn nơi / Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người" và kết thúc bằng câu "Việt Nam muôn đời".

Xem thêm: Vì sao ca sĩ Julie đề nghị nhạc sĩ Phạm Duy đưa con đường Duy Tân vào ca khúc "Trả lại em yêu"?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận