Nhạc sĩ Phạm Duy và những chia sẻ rất đời về cha - nhà văn Phạm Duy Tốn

Có lẽ ít ai biết được, ông cụ thân sinh ra nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy chính là nhà văn tài hoa Phạm Duy Tốn - người khai mở lối văn tả thực. 

Đỗ Thu Nga
11:06 06/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Amnhac.net

Phần đa chúng ta biết đến Phạm Duy là nhạc sĩ tài hoa, có đóng góp lớn cho nền tân nhạc Việt Nam thập niên 1940 trở về sau; bên cạnh đó là những mối tình chớp nhoáng trên đường du ca... Còn về gia đình (thân phụ và thân mẫu) của ông thì ít được nhắc đến hơn. 

Trong khuôn khổ bài viết này, Amnhac.net xin lược thuật, trích dẫn một vài thông tin cơ bản từ "Hồi ký Phạm Duy" cũng như các tư liệu đã tổng hợp được để trả lời câu hỏi: Bố Phạm Duy là ai?

Bố tôi là nhà văn Phạm Duy Tốn

Cha đẻ của nhạc sĩ Phạm Duy là nhà văn Phạm Duy Tốn (1883 - 1924). Ông là nhà văn tiên phong của nền văn học mới Việt Nam đầu thế kỷ 20. Trước khi trở thành một nhà văn, ông từng là thông ngôn ở tòa Thống sứ Bắc Kỳ.

Nhà văn Phạm Duy Tốn cực kỳ nổi tiếng với truyện ngắn "Sống chết mặc bay". Đây được coi là truyện ngắn đầu tiên viết theo lối Tây phương của Văn học Việt Nam. 

bo-cua-pham-duy-la-ai-0
Nhà văn Phạm Duy Tốn

Về gia đình, nhà văn Phạm Duy Tốn lấy con gái ông đồ trên phố Hàng Gai tên là Nguyễn Thị Hòa. Chị gái của bà Nguyễn Thị Hòa là bà Nguyễn Thị Nghi (mẹ đẻ của ông Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng). 

Vợ chồng nhà văn Phạm Duy Tốn có 5 người con (3 trai, 2 gái): Phạm Duy Khiêm (1908 - 1974), nhà giáo, nhà văn, chính trị gia, từng giữ chức Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, được trao giải Văn chương Đông Dương (Prix Littéraire D'Indochine) lần đầu tiên và giải thưởng Louis Barthou của Viện hàn lâm Pháp; Phạm Thị Thuận; Phạm Thị Chinh; Phạm Duy Nhượng (1919 - 1967), nhà giáo, nhạc sĩ; Phạm Duy Cẩn (1921 - 2013), tức nhạc sĩ Phạm Duy.

Trong hồi ký của mình, ngay ở phần đầu tiên "Thời thơ ấu - vào đời", nhạc sĩ Phạm Duy đã có những chia sẻ vô cùng gần gũi, chân thật về cha mình - nhà văn Phạm Duy Tốn. 

Bố tôi đặt tên cho con đều dựa vào chữ nho

Những dòng đầu tiên nhắc về cha mình trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ về cách đặt tên các con của nhà văn Phạm Duy Tốn. Ông viết: "Bố tôi là Phạm Duy Tốn, được người đời biết như là một nhà báo, một nhà văn đã từng tiếp xúc với văn hóa Âu Tây và đã không còn là một nhà nho thuần túy nữa. Nhưng khi bố tôi đặt tên cho con cái thì đều dựa vào chữ nho cả. Tên của ông cũng như tên của các con đều là tên của những đức tính và nếu viết bằng chữ nho thì chữ nào cũng nằm trong bộ ngôn, nghĩa là bộ chữ thuộc vào những hạng người thích ăn to nói lớn. 

bo-cua-pham-duy-la-ai-8
Đại gia đình Phạm Duy (Nguồn ảnh: Hồi ký Phạm Duy)

Anh cả của tôi mang tên Khiêm, tới hai người chị là Thuận và Trinh, rồi tới người anh hơn tôi 2 tuổi là Nhượng. Hai người anh trong thực tế sẽ sống bằng nghề ăn nói, họ đều là những ông thầy dạy học. Nhưng họ đều giống tôi ở cỗ tính nết sẽ không như cái tên bố đã đặt cho. Ông Khiêm nhiều khi còn có vẻ thiếu khiêm nhường. Ông Nhượng không hẳn lúc nào cũng nhường nhịn em nhỏ. Còn tôi, với cái tên Cẩn, nếu suốt đời đã sống nhờ chữ "ngôn" trong cái tên thì trái với điều mong muốn của bố tôi, chẳng bao giờ tôi thấy trong tôi có được một sự cẩn trọng tối thiểu ! Tuy vậy, về sau tôi cũng học mót bố tôi trong việc đặt tên cho tám đứa con. Chúng đều phải mang những cái tên tốt đẹp như : Quang, Minh, Hùng, Cường, Hiền, Thảo, Đức, Hạnh. Tôi đã thừa hưởng tinh thần hướng thượng của bố tôi vậy".

Bố tôi là người Việt Nam đầu tiên cắt búi bó và mặc âu phục

Nhắc về những việc làm mang tính tiên phong của cha mình - nhà văn Phạm Duy Tốn, nhạc sĩ Phạm Duy lại viết: "Bố tôi là người Việt Nam đầu tiên cắt búi bó và mặc âu phục. Không biết lúc chuẩn bị cắt tóc bố tôi có sai vợ lập ban thờ làm lễ xin tổ tiên tha cho cái tội tày trời như những người cùng cảnh ngộ hay không? Nhưng sau khi bố tôi cắt tóc, bà tôi buồn rầu và căm giận đến độ từ đó trở đi, mỗi một buổi sáng vừa mở mắt dậy là bà tôi ngồi chửi con. Bà cứ ngồi ở đầu giường, không thèm đi súc miệng vì muốn làm tăng độ ác của câu chửi... Kèm theo câu chửi là câu rủa... Đệm vào câu rủa là một cái bát đàn - loại bát bằng đất nung, rẻ tiền nhất - được bà tôi đập xuống đất vỡ tan. Rủa bố tôi chết. Lời rủa có vẻ hiệu nghiệm. Bố tôi chết trước bà tôi hai năm". 

Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, ông không có kỷ niệm nào với bố cả. Bởi vì nhà văn Phạm Duy Tốn chết khi Phạm Duy với lên 2. Qua lời mẹ kể, ông biết bố mình có hình vóc hao hao gầy, mặt rỗ hoa, rất vui tính, hay nói đùa và chọc ghẹo bạn bè, vợ con. Phạm Duy công nhận, bản thân giống bố ở điểm này.

Bố tôi từng đổi nhiều nghề, tôi cũng vậy

Cũng qua những lời kể từ gia đình và người thân quen, Phạm Duy biết bố từng làm nhiều nghề ngoài viết văn, viết báo. Sau khi tốt nghiệp trường Thông ngôn, nhà văn Phạm Duy Tốn làm thông dịch viên ở một vài tòa công sứ tỉnh nhỏ. Rồi bỏ đi làm thư ký cho một chi nhánh của Banque de L'Indochine ở tỉnh Mông Tự bên Tầu. Nhà văn Phạm Duy Tốn còn mở nhà hàng cao lầu trên phố Cầu Gỗ, mở tiệm vàng ở phố Hàng Đào. Sau đó, đi tìm mỏ than hay mỏ vàng gì đó ở Quảng Yên... 

"Trong đời, tôi cũng hay đổi nghề như bố. Vào với nghề viết văn, bố tôi chọn con đường tả chân và phê bình xã hội, khi thì viết những truyện ngắn rất đứng đắn khiến cho truyện của ông về sau được đưa vào giáo trình của Bộ Giáo dục, khi thì sưu tập và phóng tác những chuyện tiếu lâm (dưới bút dânh Thọ An). Những lúc tôi soạn bài hát phê bình xã hội như tâm ca hay tục ca tôi đều liên tưởng tới việc làm của người bố tuy không gần gũi mà hóa ra thân thiết. Sau khi làm báo và cũng đã làm một người khá nổi danh trong xã hội rồi, cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, bố tôi được bầu làm Hội Viên Thành Phố Hà Nội và được cử đi dự Đấu Xảo Marseille vào năm 1922", Phạm Duy viết trong hồi ký.

bo-cua-pham-duy-la-ai-6
Nhà văn Phạm Duy Tốn từng đổi qua nhiều nghề khác nhau

Nhà văn Phạm Duy Tốn trở về sau khi dự Đấu Xảo Marseille (1922) thì lâm bệnh. Ông qua đời vào năm 1924 vì bệnh ho lao. 

Mặc dù nhà văn Phạm Duy Tốn qua đời nhưng thật may mắn, các tài liệu về ông vẫn được con cái lưu giữ. Chẳng hạn như lá thư hay những bức ảnh ông gửi về khi đi Nam Kỳ hay đi Pháp. Ví dụ như mẩu báo Trung Bắc Tân Văn, Thực Nghiệp Dân Báo, Khái Hóa Nhật Báo... đăng tin ông mất năm 1924, trong đó có phần về tiểu sử. Những tài liệu này được anh chị của nhạc sĩ Phạm Duy đem qua Pháp và gửi cho ông bản sao vào năm 1975. Do đó, ông được "gặp" lại bố mình trong những kỷ vật.

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy có trích dẫn vài đoạn trong tờ báo Trung Bắc Tân Văn số 2078 ra ngày 25/2/1924. Tờ báo này đã cho Phạm Duy rõ hơn về chân dung bố mình. Trước hết là con người ký giả, nhà văn Phạm Duy Tốn: "... Ông Tốn khi mới tốt nghiệp trường Thông Ngôn ở Yên Phụ năm 1901 thì bổ làm thông ngôn ngạch tòa sứ Ninh Bình rồi đổi sang Thị Cầu (tòa sứ Bắc Ninh). Ngay lúc bấy giờ ông đã nổi tiếng là một tay thông ngôn có đặc sắc và bắt đầu kết bạn với ông Nguyễn Văn Vĩnh, bản báo chủ nhiệm, lúc đó cũng làm thông ngôn một toà...".

Bài báo này còn viết thêm: "... ... quan trên tin dùng (...) giá ở người khác ắt có thể làm nên phú quí lắm, nhưng cái chí khí cao thượng, cái tâm huyết hăng hái của ông, không hám về đường công danh phú quí như ai, cho nên dù được tín dụng thế nào mặc lòng, ông cũng xin từ chức mà vào làm biên tập trong Đại Việt Tân Báo là cái báo quốc văn ra đời trước nhất tại xứ ta. Vậy thì trong làng báo, cùng với bản báo chủ nhiệm, ông là người vào làng trước nhất vậy".

"Con người kinh tế" của bố tôi

Về con người kinh tế của Phạm Duy Tốn, tờ báo kia có viết: "... Về đường kinh tế thì ông có mở một cửa hàng Tân-Nam-Lâu là cửa hàng khách sạn của người Việt Nam ta mới có là một; ngày ấy là ngày vào khoảng 1908 là lúc cái phong trào khai thương ở xứ ta mới nhóm lên. Cánh nam nhi học thức mình mới thoát tỉnh cái giấc mộng hư văn mà không cho việc buôn là tiện nghệ; trong cảnh đó thì ông có thể kể vào tay kiện tướng tiên phong vậy".

Vẫn trong bài báo đó: "... Mấy năm sau ông lại có mở một cửa hàng buôn đồ vàng bạc, tức là cái cửa hàng Nam Bảo đã có tiếng mà ông để lại cho một đồng bang kế nghiệp. Ông vốn không phải là nhà buôn, sự khai thương của ông cũng vì một cái tân tư tưởng của ông nóng nẩy quá nó xui giục ông làm vậy...".

Phạm Duy Tốn nóng nảy thực. Theo Vũ Bằng viết trong báo Văn số 169 ra ngày 1/1/1972 tại Saigon là số đặc biệt "Tưởng Niệm Phạm Duy Tốn", ông thủ vai quan trọng trong vụ tẩy chay người Tầu ở Hà Nội vào lúc ông là người tiên phong trong phong trào khai thương ở xứ ta: "... Phạm Duy Tốn đã đứng trước cửa tiệm Nam Bảo phố Hàng Đào chỉ huy thanh niên chống lại đội xếp đàn áp các người biểu tình tẩy chay Hoa Kiều ăn cơm gạo của ta béo mập rồi quay lại khinh bỉ dân ta...".

bo-cua-pham-duy-la-ai-7
Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh và Nguyễn văn Vĩnh Được Chính Phủ Bảo Hộ mời đi dự Đấu Sảo ở Marseille - Ảnh chụp tại Paris, năm 1922 (Nguồn ảnh: Hồi ký Phạm Duy)

Vũ Bằng cũng viết thêm: "... Mở tiệm kim hoàn ở Hàng Đào, cụ Phạm Duy Tốn đã khéo áp dụng cái cười để quảng cáo cho cửa tiệm. Riêng về cách quảng cáo ấy cũng hết sức mới, so với lúc bấy giờ. Cụ thuyết phục được các đào kép rạp Quảng Lạc quảng cáo cho tiệm vàng của cụ. Nhiều lần người ta thấy đào Cưỡng và đào Đinh đóng tuồng Nhất Bộ Nhất Bái Phàn Lê Huê và Quan Công Phò Nhị Tẩu giơ tay lên trời nói một câu rất trơ mà cũng rất công hiệu : ''Ra hiệu Nam Bảo mua vàng đeo tay... ''.

Trong hồi ký, Phạm Duy nhấn mạnh một điểm về "con người kinh tế" của cha mình: "Tuy vậy, tôi phải chua xót mà nói rằng bố tôi đã thất bại lớn trong công việc kinh doanh. Khách sạn Tân Nam Lâu và tiệm vàng Nam Bảo được mở ra với ý định tranh thương với Hoa Kiều, đã không thành công. Bố tôi chết đi để lại khá nhiều những món nợ mà mẹ tôi và anh Khiêm phải mất hàng chục năm sau mới trả hết".

"Con người chính trị" của bố tôi

Nhạc sĩ Phạm Duy từng thắc mắc, không hiểu động lực nào đẩy bố mình vào thương trường trong khi đáng lẽ ra ông chỉ nên đứng ở địa vị một người cầm bút. Mãi đến khi đọc được cuốn "Đông Kinh Nghĩa Thục" của Nguyễn Hiến Lê do LÁ BỐI ấn hành tại Saigon năm 1968 thì mới rõ "con người chính trị" của Phạm Duy Tốn. 

Nguyễn Hiến Lê viết: "... cụ Tây Hồ [Phan Chu Trinh] kể rõ phương pháp của Khánh Ứng nghĩa-thục [của Trung Hoa] và đề nghị lập tại Hà Thành một nghĩa-thục tương tự. Đề nghị được chấp thuận và sau một hồi bàn xét, tên Đông Kinh Nghĩa Thục được lựa chọn, mục đích được vạch rõ : khai trí cho dân. Đại cương đã vạch rồi, ít lâu sau các cụ tới hội để tổ chức nghĩa-thục và phân phối công việc. Lần này vắng mặt cụ Tăng [Bạt Hổ] và cụ Sào Nam [Phan Bội Châu], nhưng thêm nhiều nhà nho khác như Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần... và vài nhà tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học... Hết thẩy đều cử cụ Lương Văn Can làm thục trưởng... Các cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn tự đảm nhiệm việc xin giấy phép mở trường và tức thì thảo đơn gửi Phủ Thống Sứ...". 

Theo Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục muốn đào tạo lớp người mới không chỉ bằng những lớp dạy ở những môn học mới như địa dư, toán học... mà còn cử người soạn sách mới, soạn bài ca ái quốc, đi diễn thuyết để truyền bá tư tưởng mới... Ngoài những phong trào vận động cắt tóc, bỏ nhuộm răng, mặc âu phục, nghĩa thục còn phá bỏ cái tục khinh công thương nên lúc đó đã chủ trương chấn hưng công thương. Cụ Phan Chu Trinh là người đầu tiên chấn hưng thương nghiệp, mở QUẢNG NAM THƯƠNG HỘI, mướn người dệt vải nội hoá. Nghĩa Thục cũng còn khuyến khích việc khuếch trương nông nghiệp, khai thác quặng mỏ nữa... Phong trào nghĩa thục này đưa tới vụ âm mưu đầu độc người Pháp ở Hà Nội và Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn đã bị bắt, dẫn vào Hà Đông (trang 121, ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC - Nguyễn Hiến Lê).

"Như vậy là nhờ tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục bố tôi nhìn thấy kẻ sĩ phải thoát ra khỏi giấc mộng hư văn để bước vào đường khai thương. Cùng là đồng chí với bố tôi trong Đông Kinh Nghĩa Thục, ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng nhìn thấy đâu là quyền lợi của dân tộc. Ông cũng bỏ cả sự nghiệp văn chương và báo chí để đi tìm mỏ vàng ở bên Lào rồi cũng chết đi cùng với giấc mộng kinh tế của mình. Hai nhà văn nhà báo này khi trở thành những Nghị Viên của thành phố là đã nhẩy ra làm chính trị để bênh vực quyền lợi quốc dân. Cả hai đều đã sớm nhìn thấy kinh tế mới là sức mạnh. Được cử đi dự Đấu Xảo ở Pháp (Exposition de Marseille - 1922) thì lại càng nhìn thấy rõ hơn sức mạnh đó. Làm báo, viết văn hay hoạt động chính trị nghĩa là khai trí chưa đủ. Còn phải khai thương nữa.

Quả rằng cả hai ông đều là những người vừa can đảm vừa ngây thơ. Can đảm ở chỗ dám làm chứ không phải chỉ dám nói, dám viết. Khuyến khích người Việt làm kinh tế qua những bài diễn văn hay qua những bài viết trên báo chưa đủ, phải tự mình nhẩy vào đấu trường. Ngây thơ ở chỗ nhẩy ngang vào thương trường mà không có vốn, không có học lực về thương mại. Người Pháp lúc đó chỉ muốn đào tạo cho người Việt trở thành những người thông ngôn, họ đâu có muốn đào tạo những người làm kinh tế ? Không có vốn thì phải đi vay nợ. Hai hay ba bốn người không có kinh nghiệm thương mại, không có vốn liếng thì làm sao cạnh tranh nổi với Hoa Kiều ? Thất bại là con cháu phải gánh lấy nợ nần. Bây giờ thì tôi nhìn thấy thái độ vừa hùng tráng vừa bi thảm của hai kẻ sĩ muốn trở thành thương gia để xây dựng đất nước, thái độ này đáng lẽ ra phải được nhắc tới trong bài viết mới gần đây của thuyết gia Hoàng Văn Chí, nói về sự khiếm khuyết của giới thương ở nước ta, mới chỉ có sĩ, công và nông mà thôi !

Bao nhiêu năm đã trôi qua kể từ khi có bài học của hai ông Vĩnh và Tốn. Nhưng tại nước Việt Nam, qua nhiều chế độ, vẫn chưa có nhiều nhà kinh doanh lớn. Dưới thời Pháp thuộc, Hoa Kiều ở Việt Nam nắm nghề buôn là chuyện dĩ nhiên. Nhưng sau khi nước Việt Nam giành được độc lập và bị chia đôi vào năm 1954, tại miền Nam, dưới hai chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, người Tầu vẫn còn nắm việc kinh doanh dù chính phủ Ngô Đình Diệm cấm không cho họ làm 18 thứ nghề. Và kể từ 1975 cho tới bây giờ (1989) ngay trong cộng đồng người Việt ở rải rác khắp nơi trên thế giới, nghề buôn bán tiêu biểu là các dịch vụ ngân hàng, nhà đất và thực phẩm Á Đông, hình như vẫn còn nằm trong tay người Tầu cũng từ Việt Nam ra đi ''tị nạn chính trị'' ! Ở trong nước, Cộng Sản thành công về quân sự, chính trị. Họ hoàn toàn thất bại về kinh tế".

Bố tôi gặp khó khăn trong việc khai thương, nhưng không bị trở ngại trong văn chương

Nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ, nhà văn Phạm Duy Tốn gặp khó khăn trong việc khai thương nhưng bù lại, ông không bị trở ngại trong văn chương: "những đoản thiên tiểu thuyết như Sống Chết Mặc Bay, Con Người Sở Khanh, Nước Đời Lắm Nỗi... (đăng trên báo NAM PHONG, các số 18, 20, 23). Các nhà biên khảo như Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Cổn,Vũ Ngọc Phan đều cho bố tôi là nhà văn xã hội đầu tiên của nền văn học cận đại.

Một truyện rất ngắn như Câu Chuyện Thương Tâm đã khiến cho phê bình gia Thanh Lãng, sau khi gọi bố tôi là ông tổ của phong trào tiểu thuyết, viết thêm: Phạm Duy Tốn có một xu hướng xã hội rõ rệt: ông đứng về phía những người yếu đuối, bị bóc lột; ông đứng về phía ông cụ già kéo xe để chống lại bà phì nộn ngồi trên xe, ông bênh vực bọn dân đen sống nheo nhóc trên bờ đê Yên Phụ để phản đối thái độ vô nhân đạo của bổn quan lại ngồi trong sòng bạc.

bo-cua-pham-duy-la-ai-5
Tác phẩm "Sống chết mặc bay" được đăng kỳ đầu tiên trên Nam Phong tạp chí số 18, năm 1918

Bài May Cho Ta ca tụng một cách xỏ xiên người Pháp. Bố tôi viết rằng: người Pháp qua nước ta... vì văn minh nên chỉ ăn bánh mì thôi, chớ chi mà người Nhật, người Tầu (vốn ăn cơm) đến bảo hộ dân mình thì cả nước chết đói. Thật là may cho ta quá!".

Ở loại hài văn, Phạm Duy Tốn không còn tế nhị nữa, ông kể truyện tiếu lâm. Loại đoản văn thiên tiểu thuyết, ông ghi chép và phóng tác những truyện cười bình dân. Truyện tiếu lâm An Nam dùng tiếng cười để để phê bình xã hội hơn là dùng tiếng khóc. 

"Bố tôi đem chuyện tục và khôi hài ra để răn đời. Căn nhà thấp bé ở phố hàng Dầu có một cái gác nhỏ đầy bụi bậm mà trong thời thơ ấu, tôi chỉ dám leo lên lục lọi có một đôi lần. Lần đầu vớ phải một cái đầu lâu ! ! ! Tôi sợ quá muốn ngất đi... Chủ nhân của cái sọ người đó là ông anh họ Nguyễn Ấu Thìn có thời ở trọ nhà tôi để theo học Trường Y Khoa. Mọi người trong nhà đã quên không đem chôn đồ vật thí nghiệm của anh sinh viên bác sĩ sau khi anh Thìn tốt nghiệp và không còn ở chung với chúng tôi nữa", Phạm Duy chia sẻ.

Dẫu chẳng có ký ức về bố nhưng qua sự tìm hiểu, nhạc sĩ Phạm Duy có thu thập được cho mình rất nhiều thông tin về hay. Mà sau này, ông gom hết chúng vào hồi ký của mình. 

Xem thêm: Mối tình trong sáng nhất đời Phạm Duy: "Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm... Tôi dành tặng bà ấy 40 bài hát"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận