Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên viết "Giáng ngọc" để tặng giai nhân nào?
"Giáng ngọc" là ca khúc Ngô Thụy Miên viết cho một người con gái có thực. Giai nhân này mang một vẻ đẹp kiêu sa, đặc biệt có đôi bàn tay đẹp.
CA KHÚC "GIÁNG NGỌC"
- Tên ca khúc: Giáng ngọc
- Thơ: Nguyên Sa
- Phổ nhạc: Ngô Thụy Miên
- Thể loại: Nhạc trữ tình
- Năm sáng tác: 1969
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Lệ Thu, Khánh Hà, Bằng Kiều...
Ca khúc "Giáng ngọc" ra đời trong hoàn cảnh nào?
"Giáng Ngọc" là một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã được trình diễn ở khắp các sân khấu trong và ngoài nước. Ca khúc này cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Trong làng nhạc trữ tình thờ kỳ 1954 - 1975, hiếm có ca khúc nào đẹp và lãng mạn từ giai điệu cho đến lời ca như "Giáng ngọc". Ca khúc này được Ngô Thụy Miên viết về một giai nhân có thật. Nàng mang vẻ đẹp kiêu sa, đặc biệt là có đôi bàn tay rất đẹp "bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa"...
Ca khúc "Giáng ngọc" được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sáng tác năm 1969, xuất phát từ nguồn cảm hứng về cô nữ sinh trung học: "Ngày đó, cô là một nữ sinh của trường trung học nổi tiếng ở Sài Gòn là Trưng Vương, còn tôi là một anh sinh viên lang thang ở trường đại học. Cô là nguồn cảm hứng cho tôi viết bài Dấu tình sầu và dĩ nhiên là cả bài Giáng ngọc. Đã nhiều năm trôi qua, tất cả đã đi vào quên lãng, nhưng bàn tay, mái tóc và dáng người đã cho tôi niềm cảm hứng để viết bài hát với những câu "bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa, vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm...".
Và thật tình cờ, chàng nhạc sĩ tài hoa đã tìm thấy cô gái tên Minh Ngọc đó ở thư viện của Trung tâm văn hóa. Dáng vóc ngọc ngà của cô đã khiến chàng nhạc sĩ hay mơ mộng si mê. Ông đã ca ngọc vẻ đẹp kiều diễm của giai nhân thành "giáng ngọc".
Vì sao nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không viết là "dáng ngọc" mà lại dùng là "giáng ngọc"? Theo một số tài liệu có được, các dùng từ "giáng" của nhạc sĩ gợi đến hình tượng một người đẹp tựa tiên giáng trần. Đó là nét đẹp ngọc ngà thanh khiết được ban xuống trần gian.
Về cô gái Minh Ngọc trong ca khúc "Giáng ngọc", có tư liệu cho biết, năm đó cô đang học đệ nhất (lớp 12) trường Trưng Vương, chàng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đang là sinh viên trường Khoa học. Vì bản tính hiền lành mà chàng nhạc sĩ chỉ biết ngẩn ngẩn ngơ ngơ nhìn theo bóng dáng nàng chứ không dám ngỏ lời.
"Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa"
Ca khúc "Giáng ngọc" lần đầu tiên được giới thiệu trong băng nhạc "Tình khúc Ngô Thụy Miên" năm 1974 qua tiếng hát Lệ Thu. Sau này, rất nhiều ca sĩ đã cover lại và đều thể hiện khá thành công.
Ca khúc "Giáng ngọc" được mở đầu một cách nhẹ nhàng mô tả hình dáng người con gái đẹp, hiếm có:
"Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa
Vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm
Gót bước nhẹ vương ý thơ
Tình yêu nào vương mắt ngọc
Mơ nước vẫn chưa phai nhòa..."
Thật hiếm có ngôn từ nào hay hơn những câu hát này khi miêu tả dáng người, tà áo, bước chân thướt tha, mái tóc xõa dài, má môi hồng thắm... và nhất là bàn tay đẹp, làm trái tim chàng nhạc sĩ trẻ thổn thức, rung động, gợi lên những mơ ước thầm kín:
"Và một lần thôi xin mắt em cay
Xin hết đi hoang những chiều buồn say
Và xin rằng mưa vẫn bay
Tình yêu này dâng mắt ngọc
Son phấn xin đừng ướt mi..."
Khi trái tim trở nên yếu mềm thì cũng là lúc bắt đầu những nghịch lý ở đời. Bóng dáng người có thể làm ta lâng lâng niềm vui sướng khi được nhìn thấy, khi nghĩ về, nhưng bình bóng đó có thể làm người ta đau khổ, dằn vặt.
Muốn nhìn thấy môi nàng cười xinh đẹp, nhưng cũng xin một lần cho mắt nàng cay vì cảm giác biết xót xa, để ta có thể vội vàng đến trước dáng ngọc kiêu sa và lau đi giọt châu của tuổi buồn hoang hải... Để rồi ta có nguyện dâng hết tình yêu này lên mắt ngọc đang chực chờ ướt mi.
Đến khi choàng tỉnh giấc mê, ta mới biết, đó chỉ là giấc mơ xa vời. Dáng ngọc đã xa tầm với và ta vẫn muôn đời độc bước âm thầm lang thang từng chiều, ghép nỗi buồn tủi vào từng nốt nhạc.
"Chiều buồn mưa bay gió lay
Một mình cô đơn bước chân âm thầm
Và tình yêu dâng nhớ nhung trong lòng
Mộng mơ giăng kín nét môi Thiên Thần...
Nhạc chiều lang thang rũ say
Từng hạt mưa rơi khóc trên cung đàn
Rượu nồng ai say ngất ngây vì nhớ
Và tình yêu đó xin ngừng bước chân..."
Sau cùng, ngay cả trong cơn mộng mị thì hai người cũng chẳng thể nào sánh bước. Bởi vốn dĩ, "dáng ngọc" đã như dáng của người tiên, của thiên thần, mang vẻ đẹp thần khiết không tì vết. Còn ta chỉ như kẻ phàm trần, đành thôi từ bỏ giấc mộng, tìm quên bằng men say và ý nhạc:
"Lắng nghe xa vắng nghe tiếng cô liêu
Tôi vẫn đi hoang những chiều buồn say
Tình yêu đành thôi ước mơ
Tìm quên bằng men ý nhạc
Duyên ước xin đành kiếp sau..."
Xem thêm: Đôi dòng tâm sự của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên về hoàn cảnh sáng tác "Paris có gì lạ không em"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận