Ca khúc "Yêu" của nhạc sĩ Văn Phụng: "Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ; Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai"
"Yêu" là ca khúc được nhạc sĩ Văn Phụng sáng tác cho danh ca Châu Hà - mối tình đầy trắc trở nhưng lại mang đến cái kết có hậu.
CA KHÚC "YÊU"
- Tên ca khúc: Yêu
- Sáng tác: Nhạc sĩ Văn Phụng
- Thể loại: Nhạc trữ tình
- Năm ra đời: Thập niêm 1960
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Lệ Thu
Ca khúc "Yêu" ra đời trong hoàn cảnh nào?
Bên cạnh tài năng âm nhạc, cố nhạc sĩ Văn Phụng còn được công chúng nhắc đến nhiều với chuyện tình đẹp nhưng cũng đầy trắc trở với danh ca Châu Hà. Bà là người vợ thứ hai nhưng lại là mối tình đầu của ông.
Hai người gặp nhau lần đầu tiên tại tư gia của danh ca Châu Hà. Năm ấy, nhạc sĩ trẻ Văn Phụng đến nhà Châu Hà để chăm bố bởi bố của ông thuê nhà của bố nàng Châu Hà. Tiếng đàn và mái tóc dài óng ả của Châu Hà đã thu hút ánh nhìn của chàng nhạc sĩ trẻ. Dường như, ông đã trúng tiếng sét ái tình.
Sau lần gặp gỡ định mệnh đó, nhạc sĩ Văn Phụng đã sáng tác ngay ca khúc "Suối tóc" để làm kỷ niệm. Không những thể, lần đầu gặp này còn được Văn Phụng ghi lại trong âm nhạc bằng ca khúc "Tiếng dương cầm" bất hủ: "Đi mãi tìm ai yêu đàn/ Bước chân lạc nơi đây chốn nao/ Trên lầu ai kia cất cao/ Vang tiếng dương cầm thiết tha...".
Tuy hai người yêu nhau thắm thiết nhưng gia đình Châu Hà phản đối kịch liệt, không thích con gái yêu người theo nghề "xướng ca vô loài". Mối tình này bị gia đình ngăn cấm kịch liệt. Quá phẫn uất, Châu Hà rời Hải Phòng vào Nam kết hôn. Còn Văn Phụng cũng lấy một người con gái Hà Thành.
Ít năm sau, Văn Phụng gặp lại Châu Hà ở miền Nam. Lúc này, nàng đã trở thành ca sĩ chuyên nghiệp hát cho đài phát thanh và các phòng trà. Còn chàng đã trở thành nhạc sĩ có tiếng. Hai người thường xuyên hát cặp trong các sân khấu miền Nam. Và tình yêu bị chôn vùi nằm nào bùng cháy trở lại.
Đây cũng là một trong những khoảnh khắc được nhạc sĩ Văn Phụng đưa vào âm nhạc. Ông sáng tác ca khúc mang tựa đề "Yêu" cho danh ca Châu Hà trong khoảng thời gian hai người gặp lại nhau ở miền Nam. Ca khúc toát ra thông điệp, đây là mối tình thắm thiết nhưng vì hoàn cảnh mà không thể đến được với nhau.
So với "Suối tóc" và "Tiếng dương cầm", ca khúc "Yêu" không nổi tiếng bằng. Tuy nhiên, đây là một trong những nhạc phẩm ấn tượng của nhạc sĩ Văn Phụng, thể hiện tình yêu cháy bóng, thủy chung với người con gái tên Châu Hà.
"Yêu là tình thương đau..."
Yêu là nhiều khi lòng bâng khuâng tự hỏi lòng có phải đang yêu hay không, đang nhớ đang thương một bóng hình trong chiều thu vương nắng nhè nhẹ. Khi yêu rồi không dám gọi tên người, chỉ biết ngơ ngẩn như câu ca dao: "Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai".
Nhạc sĩ Văn Phụng đã mở đầu ca khúc "Yêu" một cách rất nhẹ nhàng:
"Yêu là lòng bâng khuâng
Nhớ hay thương một chiều thu vương
Gió êm đưa dạt dào tre thưa
Lá rơi rơi, rơi tả tơi..."
Mối tình được nhắc đến trong ca khúc nhè nhẹ như ngọn gió êm dạt dào hàng tre thưa, làm cho "lá rơi rơi, rơi rơi tả". Thuở ban đầu mới bước vào con đường yêu đương, tiếng lá rơi nhẹ cũng làm xao xuyến lòng người, với niềm bâng khuâng mơ hồ sợ rằng chuyện tình yêu sau này cũng sẽ tả tơi như xác lá vàng.
"Yêu là tình dâng cao
Gió lao xao ngã hàng phi lau
Phút ái ân đắm say tâm hồn
Nhớ mãi đêm nào bên nhau"
Yêu là nghe tình dâng cao như sóng thủy triều, nhớ nhung vỗ về bến bờ hoang liêu. Gió ngoài xa nghiêng ngả hàng phi lau, còn gió tình thổi vào lòng yêu xao xác nỗi mong chờ. Lời nhạc da diết nhắc về những ngày ân ái say đắm, mong những ngày tình nồng thắm đó còn mãi.
"Thôi yêu dấu mà chi
Ngày vui xế bóng đôi lòng chia xa
Hơi tàn hơi buốt giá
Khi mùa xuân qua úa phai nhạt hoa"
Nhưng mộng ước có thể sẽ vỡ tna, ngày vui hoa mộng sẽ xế bóng về chiều dĩ vãng. Khi tình đau đớn đối diện với nỗi chia xa thì lòng mới hờn dỗi nhủ với lòng là "thôi yêu dấu mà chi". Càng yêu càng chuốc lấy sầu khổ riêng mình khi ngày vui đã qua mau như bóng mây bay ngang trời. Ôi buồn quá "ngày vui xế bóng đôi lòng chia xa".
Yêu dấu mà chi để "hôn tàn hơi buốt" khi xa nhau, lòng đau tả tơi như chiếc lá xa cành chiều nao, từ buổi ban đầu dự cảm mơ hồ cuộc tình sẽ mong manh trước cuộc đời là cơn gió cuốn vô tình. Mùa xuân qua đi, phai tàn màu hoa, tình yêu qua đi để héo úa lòng người ở lại.
"Nhớ thương bao nhiêu một người thân yêu
Đã đi xa về miền hoang liêu
Như trang thư là hành trang theo
Cố nhân ơi giận hờn chi nhau"
Yêu dấu để làm chi khi một người đi xa mãi về miền hoang liêu, còn một người ở lại nhớ thương biết bao nhiêu sầu chất ngất. Cuộc tình này chỉ còn là những cánh thư tình kỷ niệm. Nhớ thương không hết thì giận hờn nhau chi nữa cố nhân ơi...
"Yêu là tình thương đau
Với xót xa lệ tình khôn nguôi
Biết nói sao những khi âu sầu
Những khi úa nhầu tâm tư..."
Đến sau cùng, khi xa nhau rồi mới thấm thía câu nói "yêu là tình thương đau", với bao nhiêu xót xa nước mắt. Thương nhớ biết thuở nào nguôi ngoai.
Ca khúc "Yêu" được sáng tác trong thời gian nhạc sĩ Văn Phụng có nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Khi đó cả hai đang bị hôn nhân ràng buộc. Những cảm xúc trái ngược "tình dâng cao" và "tình thương đau" đó đều được đưa ông vào ca khúc này.
Xem thêm: Nỗi buồn ngấn lệ trần của Trúc Phương trong “Hai chuyến tàu đêm”
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận