Tài tình như Phạm Duy: Biến tâm tư của chàng thi sĩ thành nhạc phẩm bất hủ "Ngày xưa Hoàng Thị"

Ban đầu, bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị" không được chú ý nhiều. Nhưng qua ngòi bút tài hoa của Phạm Duy, nó nhanh chóng trở thành ca khúc bất hủ, khiến công chúng mê mẩn...

Đỗ Thu Nga
11:47 05/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Amnhac.net

CA KHÚC "NGÀY XƯA HOÀNG THỊ"

  • Tên ca khúc: Ngày xưa Hoàng Thị
  • Thơ: Phạm Thiên Thư
  • Phổ nhạc: Phạm Duy
  • Thể loại: Trữ tình
  • Năm ra đời: 1971
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thái Thanh

Biến bài thơ ít được chú ý trở thành nhạc phẩm bất hủ

Phạm Duy là nhạc sĩ đại tài của nền tân nhạc Việt Nam. Ông sở hữu gia tài sáng tác đồ sộ, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Ông viết nhạc thiếu nhi, kháng chiến, quê hương, dân tộc, đạo ca, trường ca, tâm ca, thiền ca... Nhưng có lẽ, nổi bật nhất và được ưa chuộng nhất phải là tình ca. 

Nhạc sĩ Phạm Duycòn làm giàu sự nghiệp âm nhạc của mình bằng những nhạc phẩm phổ thơ. Có thể nói, ông là "thầy phù thủy" xuất sắc khi phổ thơ. Đa số các nhạc phẩm phổ thơ của ông ở mảng tình ca: Ngày xưa một chuyện tình sầu, Trăm năm như một chiều, Hãy trả về em, Lá diêu bông... 

Trong đó, nổi tiếng và để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng khán giả là ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị". Nhạc phẩm này được phổ thơ từ sáng tác của thi sĩ Phạm Thiên Thư - người được mệnh danh là "người tình thi ca" của nhạc sĩ Phạm Duy. Ca khúc này được cố nhạc sĩ phổ nhạc vào năm 1971. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ngay-xua-hoang-thi-cua-pham-duy-0
Chân dung thi sĩ Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ Phạm Duy

Nhắc về cơ duyên dẫn đến việc Phạm Duy phổ nhạc "Ngày xưa Hoàng Thị", thi sĩ Phạm Thiên Thư kể. Vào khoảng năm 1968, ông tự xuất bản tập thơ đầu tiên. Ông in rất ít, chủ yếu để mình đọc và tặng bạn bè thân thiết vì không muốn nhiều người biết về mình.

Khi công chúng biết đến cái tên Phạm Thiên Thư nhiều hơn là khi ông nhờ nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc 10 bài Đạo ca do ông viết lời. Phạm Duy gặp và tình cờ đọc được tập thơ có bài "Ngày xưa Hoàng thị". Và chính ông cũng không ngờ được, Phạm Duy lại thích bài thơ đó đến thế và đề nghị ông cho phổ nhạc bài đó. 

"Dĩ nhiên, được một nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy để ý đến bài thơ của mình thì còn gì hạnh phúc bằng. Tôi cũng bất ngờ nghe lại bài hát của mình khi đã phổ nhạc. Nhạc sĩ đã tôn bài thơ lên rất nhiều qua những giai điệu bay bổng", thi sĩ Phạm Thiên Thư chia sẻ.  

Ca sĩ đầu tiên thể hiện "Ngày xưa Hoàng Thị" là Thanh Thúy. Tuy nhiên, người được cho là thể hiện thành công nhất lại là Thái Thanh. Khi nghe Thái Thanh hát, công chúng cảm giác như đang được nghe một người phụ nữ trải đời, ngồi kể lại câu chuyện thời thanh xuân của mình, có chút hoài niệm và tiếc nuối. Sau này có Nguyên Hà cũng cover ca khúc này khá thành công. Khi nghe dường như là một cô gái mới lớn đang kể về những rung động đầu đời một cách rất trong sáng, ngây thơ, lặng lẽ như hàng cây xanh đang đón những hạt mưa nhỏ...

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ngay-xua-hoang-thi-cua-pham-duy-7
Thái Thanh là ca sĩ thể hiện "Ngày xưa Hoàng Thị" thành công nhất

Quay lại với bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị", có nhiều tư liệu viết rằng, thời điểm mới ra đời, bài thơ không được chú ý nhiều. Bài thơ là cảm xúc của thi sĩ Phạm Thiên Thư về những kỷ niệm dĩ vãng, mối tình nhẹ vu vơ của thời trai trẻ.

Thế nhưng, sau khi Phạm Duy phổ nhạc và phát hành, "Ngày xưa Hoàng Thị" nhanh chóng được đón nhận và gây bão. Nó trở thành hiện tượng âm nhạc khiến công chúng mê mẩn, nhất là trong giới học sinh, sinh viên.

Những năm đầu thập niên 70, "Ngày xưa Hoàng Thị" được giới học sinh sinh viên yêu thích. Họ thường chép lời bài hát ra các cuốn sổ học trò để tặng nhau. Và ở đâu cũng thấy người ta bật "Em tan trường về Anh theo Ngọ về...".

Giải mã thắc mắc về bóng hồng trong "Ngày xưa Hoàng Thị"

Ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị" nổi bật ngay từ tiêu đề gắn liền với hình bóng một con người. Chính vì thế, khi ca khúc trở nên nổi tiếng, báo chí và công chúng đặt ra thắc mắc về nhân vật chính trong ca khúc là ai? Và đã có không ít người hám danh tự nhận là mình là Hoàng Thị. Việc này khiến cuộc bàn tán và những tin đồn bị đẩy lên cao trào. 

Ngay sau đó, thi sĩ Phạm Thiên Thư đã có cuộc phỏng vấn sâu "giải mã" về người con gái "Hoàng Thị" trong thi phẩm và nhạc phẩm "Ngày xưa Hoàng Thị". Ông kể, năm 14 tuổi, theo cha mẹ từ quê nhà Thái Bình vào miền Nam sinh sống. Gia đình cư ngụ trong ngôi nhà nhỏ nằm sau chợ Tân Định. Ông theo học tú tài ở Trường trung học Văn Lang.

"Trong lớp, tôi chú ý đến cô bạn Hoàng Thị Ngọ, người gốc Hải Dương. Ngọ tóc đẹp, mái tóc dài buông lơi, che bờ vai mảnh dẻ. Nhà Ngọ ở trên đường Trần Quang Khải. Tan trường, Ngọ ôm cặp đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau, dưới bóng hàng cây xiên nắng. Chỉ là tình học trò câm lặng". 

Xin chia sẻ thêm, cô Ngọ nhỏ hơn thi sĩ Phạm Thiên Thư 2 tuổi, nhưng hai người lại học cùng lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ). Phạm Thiên Thư vẫn còn nhớ như in kỷ niệm học trò của hai người. Đó là lần thầy giáo gọi ông lên bảng trả bài. Ông không thuộc nhưng thay vì lên tận bàn thầy giáo trên bục giảng, ông đi đến ngang chỗ cô Ngọ rồi dừng lại (cô ngồi bàn đầu trong lớp). Cô Ngọ biết ý, liền mở cuốn tập cho... ông liếc. Và thế là ông đọc vanh vách, chẳng vấp váp tí nào. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ngay-xua-hoang-thi-cua-pham-duy-5
"Hoàng Thị" là mối tình tuổi học trò đầy trong sáng của thi sĩ Phạm Thiên Thư

Sự rung động đầu đời chỉ dừng lại ở đó. Sau khi đậu tú tài, Phạm Thiên Thư chọn theo học Đại học Vạn Hạnh. Dẫu đã "nương nhờ cửa phật" nhưng Phạm Thiên Thư không thể quên bóng hình cô nữ sinh năm nào. Hình ảnh cô ôm cặp, tóc dày bay bay trong gió vẫn thấp thoáng đâu đó mỗi lần ông có dịp đi qua con đường cũ. Và thế là tứ thơ tràn về:

"Em tan trường về

Đường mưa nho nhỏ

Chim non giấu mỏ

Dưới cội hoa vàng

Bước em thênh thang

Áo tà nguyệt bạch

Ôm nghiêng cặp sách

Vai nhỏ tóc dài... 

Em tan trường về

Cuối đường mây đỏ

Anh tìm theo Ngọ

Dáng lau lách buồn..."

Cũng theo thi sĩ Phạm Thiên Thư, sau này, ông có về tìm lại bóng hình xưa nhưng cô Ngọ đã bán nhà và ra nước ngoài định cư từ lâu rồi. Sau này, ông cũng không còn có mối liên hệ nào với cô ấy cả...

"Ngày xưa Hoàng Thị" - Ca khúc dành cho mối tình học trò lặng lẽ

Đầu thập niên 1970, ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị" được đón nhận nồng hậu. Thời đó, ai cũng yêu và thuộc bài hát này, đặc biệt là giới học sinh trung học. Vì hình như ai cũng có một nàng Hoàng Thị của riêng mình:

"Em tan trường, đường mưa nho nhỏ

Em tan trường, đường mưa nho nhỏ

Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay...

Em dịu dàng, bờ vai em nhỏ

Chim non lề đường nằm im giấu mỏ

Anh theo Ngọ về, gót giầy lặng lẽ đường quê..."

Đó là hình ảnh cô nữ sinh đi học về ôm cặp, tóc dài tà áo cùng vờn bay theo gió đã làm xao xuyến trái tim bao chàng trai "đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư" ngày xưa. Bờ vai nhỏ dịu dàng, gót giày lặng lẽ của cô nữ sinh từng buổi tan trường làm ngơ ngẩn bao kẻ si tình.

Gót giày lặng lẽ giống như mối tình thơ không dám ngỏ, chỉ có bầy chim non giấu mỏ và hàng cây bên đường mấy mùa thay áo biết, cảm thương cho tình cảm thầm kín đó. Đó là cuộc tình thinh lặng, ngây ngô.

"Em tan trường về, anh theo Ngọ về

Chân anh nặng nề, lòng anh nức nở

Mai vào lớp học, anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ...

Em tan trường về, mưa bay mờ mờ

Anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở

Ép vào cuối vở muôn thuở còn thương, còn thương"...

Những ca từ cũng là những lời thơ biến đổi sự khác biệt của cảnh vật với lòng người khiến tâm trạng, cảm xúc của người nghe nhạc dâng cao, cảm nhận được tấm lòng sâu nặng, chân tình của chàng trai từng bước nặng nề và tiếng lòng nức nở. Chỉ là tình đơn phương thôi mà dạt dào thiết tha đến vậy. Đây là tình yêu trong sáng dành hết cho Ngọ...

"Em tan trường về, anh theo Ngọ về 

Em tan trường về, anh theo Ngọ về 

Môi em mỉm cười mang mang sầu đời tình ơi 

Bao nhiêu là ngày theo nhau đường dài 

Trưa trưa chiều chiều, Thu Ðông chẳng nhiều 

Xuân qua rồi thì chia tay phượng nở sang Hè"

"Môi mỉm cười mang sầu đời tình ơi" - giống như dự cảm về một mối tình sầu mang thiên cổ từ môi người tươi tắn, đem đến cho chàng trai mối tình sinh một nỗi buồn thơm lâu, vương vấn mãi về sau. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ngay-xua-hoang-thi-cua-pham-duy-4
Ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị"

Con đường em tan trường, anh theo em về ngày nào giờ đã trở thành kỷ niệm. Phượng nở màu tan vỡ theo cuộc tình e ấp thơ dại ngày ban đầu. 

"Rồi ngày qua đi, 

qua đi...

qua đi...

Như phai nhạt mờ đường xanh nho nhỏ

Như phai nhạt mờ đường xanh nho nhỏ

Hôm nay tình cờ đi lại đường xưa, đường xưa

Cây xưa còn gầy nằm phơi dáng đỏ

Áo em ngày nọ phai nhạt mấy mầu

Âm vang thuở nào bước nhỏ tìm nhau, tìm nhau".

Kể từ mùa hè chia tay đó, họ không gặp lại nhau nữa. Khi anh tình cờ về lại đường xưa thì cảnh vật còn đó nhưng người nay đâu rồi? Đường xanh nho nhỏ và bước nhỏ tìm nhau nghe u hoài vô cùng. Thời gian phũ phàng qua đi, chàng trai về lỗi cũ, nhìn hàng cây xưa lại nhớ lại kỷ niệm và tự hỏi: "Áo em ngày nọ phai nhạt mấy màu".

Áo ngày xưa chỉ một màu trắng, còn áo em bây giờ chắc đã phai màu qua dập vùi bể dâu nổi trôi bóng sắc mù bụi đời:

"Xưa tan trường về anh theo Ngọ về

Nay đường này đời như sóng nổi

Xóa bỏ vết người chân người tìm nhau, tìm nhau

Ôi con đường về,

ôi con đường về

Bông hoa còn đẹp lòng sao thấm mệt

Ngắt vội hoa này nhớ người tưở xưa, thuở xưa"

Câu hát "bông hoa còn đẹp lòng sao thấm mệt", nghe như trên bước bôn ba cuộc đời, chàng trai nhận ra tuổi hoa niên của mình đã đánh mất, thời hoa mộng chỉ còn trong tưởng tiếc. Dòng đời đổi thay, duy chỉ bông hoa đầu đời kia mãi đẹp như chuyện tình "Ngày xưa Hoàng Thị":

"Xưa tan trường về anh theo Ngọ về

Xưa tan trường về anh theo Ngọ về

Đôi chân mịt mù theo nhau bụi đỏ đường mơ

Xưa theo Ngọ về mái tóc Ngọ dài

Hôm nay đường này cây cao hàng gầy

Đi quanh tìm hoài, ai mang bụi đỏ đi rồi?

Ai mang bụi đỏ đi rồi?"

Con đường xưa vẫn nguyên ở đó, người xưa nay đã vắng bóng rồi. Nhưng "đường mơ" vẫn mãi còn trong ký ức dù tháng năm đã phai nhòa đi ít nhiều.

"Đi quanh tìm hoài, ai mang bụi đỏ đi rồi" - giai điệu tưởng nhớ thương tiếc chùng xuống, chậm buông nỗi "mang mang sầu đời" về bóng người con gái ôm nghiêng tập vở ngày xưa đã mang những dấu chân kỷ niệm đi vào huyền thoại. 

Quả vậy, ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị" đã trở thành huyền thoại trong lòng những trái tim của các chàng trai từ ngày xưa cho đến giờ, cứ lẩm nhẩm hoài khúc ca "Em tan trường về anh theo Ngọ về" như khúc nhạc lòng của mình âm vang theo tháng năm.

Xem thêm: Nhạc phẩm "Tình ca" và ước mơ gắn kết tình cảm con dân nước Việt về một mối của cố nhạc sĩ Phạm Duy

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận