Ca khúc "Nếu một mai em sẽ qua đời": Dự cảm chuẩn xác về cái kết của mối tình trong sáng nhất đời Phạm Duy

Khi đặt bút viết "Nếu một mai em sẽ qua đời", Phạm Duy đã dự cảm về ngày chia ly. Vì không giữa được cuộc tình này nên ông than: "Nếu một mai em sẽ qua đời/ Hoa phủ đầy người/ Xe nhịp đằm khơi, xa xôi...".

Đỗ Thu Nga
15:34 26/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

CA KHÚC "NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI"

  • Tên ca khúc: Nếu một mai em sẽ qua đời
  • Nhạc sĩ sáng tác: Phạm Duy
  • Thể loại: Nhạc trữ tình
  • Năm ra đời: 1958
  • Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Ngọc Anh

Ca khúc "Nếu một mai em sẽ qua đời" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy từng thừa nhận trước truyền thông, ông yêu nhiều và luôn yêu say đắm, nồng nàn. Trong đời ông, ngoài người vợ tào khang Thái Hằng thì còn một người phụ nữ khác nữa. Người này đã gửi cho ông hàng trăm bài thơ và trong số đó đã được ông biến thành những nhạc phẩm nổi tiếng.

Phạm Duy nói, ông yêu tha thiết người thiếu nữ đó. Ông viết tặng người đó rất nhiều bản tình ca. Trong suốt 10 năm "yêu đương tha thiết" người con gái đó, vợ ông không ghen vì bà biết, đó chỉ là mối tình thơ nhạc. 

Người con gái được Phạm Duy miêu tả bằng nhiều lời lẽ thơ nhất, tình nhất chính là thi sĩ Lệ Lan (nàng Alice). Vào một chiều mùa thu năm 1957, Phạm Duy chính thức bước chân vào cuộc tình thơ nhạc với nàng Alice, đó là nguồn cảm hứng để ông cho ra đời rất nhiều bản tình ca bất hủ. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-neu-mot-mai-em-se-qua-doi-cua-pham-duy-0
Tờ nhạc ca khúc "Nếu một mai em sẽ qua đời"

Nhưng ngay khi chuyện tình bắt đầu, ông đã thấy le lói những đau khổ chắc chắn sẽ đến. Nhưng có lẽ chính ông cũng không nghĩ rằng, chuyện tình đó kéo dài đến hơn 10 năm trời. Bởi vậy, sau một năm bắt đầu chuyện tình, ông đã sáng tác một ca khúc dự cảm về sự kết thúc với khung cảnh người yêu sẽ lên xe hoa. Ông đặt tự đề bài hát là "Nếu một mai em sẽ qua đời" (từ "em" ở đây được sử dụng trong nhạc phẩm nhằm ám chỉ cuộc tình giữa ông và người con gái đó). 

Ca khúc "Nếu một mai em sẽ qua đời" được sáng tác năm 1957 và được phổ biến ngay sau đó. So với những bản tình ca như "Nghìn trùng xa các", "Thương tình ca"... thì nhạc phẩm "Nếu một mai em sẽ qua đời" không nổi tiếng bằng. Tuy nhiên, ca khúc này lại được đánh giá là lời tiên tri, dự cảm rất chính xác về cuộc tình của Phạm Duy với mối tình thơ nhạc kéo dài đến cả một thập kỷ.

Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác: "Nhưng trong hạnh phúc của cuộc tình đã thấy le lói sự khổ đau. Bởi vì tôi tự biết không giữ được cuộc tình này cũng như không đủ can đảm để đi theo nó". 

"Nếu một mai em sẽ qua đời" - Dự cảm về chuyện tình sẽ kết thúc

Dẫu 10 năm sau chuyện tình mới kết thúc, nàng mới lên xe hoa theo chồng nhưng Phạm Duy đã dự cảm rất rõ ràng:

"Nếu một mai em sẽ qua đời

Hoa phủ đầy người

Xe nhịp đằm khơi xa xôi

Nếu một mai em đốt pháo vui

Hát theo người

Hương cưới chia phôi, cười mặn tình đời"

"Nếu" được Phạm Duy sử dụng đó là tình huống giả định trong tương lai. Đó tình huống giả định đầy bi quan, khi viết trong ca khúc này, ông đang chìm đắm trong hạnh phúc với mối tình thơ ca của mình. 

"Nếu một mai em đốt pháo vui", em sẽ bước lên xe hoa, khóa áo hoa lộng lẫy để theo chồng. Nhưng với chàng trai si tình thì đó lại là ngày cuộc tình theo chiếc xe tang nhịp đằm khơi về nơi thật xa xôi.

Trong hồi ký của đời mình, nhạc sĩ Phạm Duy từng viết như sau: "Với hoa phủ đầy người, em sẽ lên xe hoa! Xe hoa ở đây là xe tang hay là xe cưới? Chỉ biết rằng, em sẽ qua cầu, em phải xa anh".

Như đã chia sẻ bên trên, trong tự bài hát, nhạc sĩ Phạm Duy có dùng chữ "em". Chữ "em" ở đây chính là cuộc tình, sẽ là một ngày cuộc tình này bị phủ đầy hoa tang. Đó là "ngày cưới chia phôi". 

nhac-si-le-hoang-long-ke-chuyen-nhac-si-van-cao-0
Từng có tờ nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy để tiêu đề là "nếu một mai em sẽ..."

Không biết vì lý do gì, vì sợ quá ảm đạm hay vì không dám nói rõ ràng dự cảm của mình mà trong một lần phát hành tờ nhạc, Phạm Duy đã để tên bài hát một cách lưng chừng: "Nếu một mai em sẽ...".

"Nếu một mai em bước qua thềm

Mang nặng hồn mềm

Em trở mình trên nhân duyên

Nếu nửa đêm trăng gió đã lên

Bão mưa êm, chăn gối ghi tên

Bia mộ đường quên

Nếu một mai không còn ai

Đứng bên kia đời trông vòi vói

Không còn ai! Đâu còn ai?

Trong ngày mai, có dư hương người

Chỉ là giăng giối mà thôi"

Nếu một mai em bước qua thềm, dù là thềm cưới hay thềm tang, thì lúc đó nhân duyên của chúng mình đều sẽ kết thúc, em sẽ trở mình để vụt xa khỏi đời anh vĩnh viễn.

Nếu vào một đêm trăng nó đã lên, dù khi đó em ở trong phòng cưới chăn gối ghi tên, hay là em nằm trong bia mộ đường quên, thì đều có nghĩa là anh đã vĩnh viễn mất em rồi. Không còn ai, đâu còn ai. Trong dư hương của người, dù vẫn còn quẩn quanh hoài ở đây hoài với anh, thì cũng chỉ là như lời trăng trối của em để lại sau khi đã rời xa anh (Một số ca sĩ hát "chỉ là gian dối", nhưng các tờ nhạc đều ghi "giăng giối", là cách nói mang tính địa phương của từ "trăng trối").

Đang hạnh phúc trong cuộc tình của mình nhưng người nhạc sĩ vẫn khắc khoải suy tư, lo lắng về viễn cảnh buồn sẽ xảy ra trong tương lai. Ông đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất, nếu như ngày nào đó em lên xe hoa hoặc là ngày nào đó em phản bội mình, quay gót cuốn mau:

"Nếu về sau em có qua cầu, không chẳng vì sầu

Thương chẳng còn đâu, mà nói chuyện quên nhau

Nếu vì sao quay gót cuốn mau

Dấu chân sâu in vết không lâu

Chẳng nợ gì nhau..."

Nếu một mai em bước qua cầu, đơn giản vì không còn thương nữa. Em sẽ quay gót cuốn mau, dấu chân sâu của cuộc tình ngày xưa dù đã từng rất thiết tha nhưng rồi cũng nhanh chóng lùi vào lãng quên. Rồi ta chẳng còn nợ nhau gì nữa, mỗi người một lối đi riêng.

Cả bài hát xoay vần trong chữ "nếu". Đó là tình huống giả định trong lời ca nhưng lại trở thành hiện thực trong đời thực. Tròn 10 năm sau ngày bài hát ra đời, "người yêu bé nhỏ" của nhạc sĩ Phạm Duy lên xe hoa, ông tiễn nàng bằng nhạc phẩm "Nghìn trùng xa cách":

"Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi

Còn gì đâu nữa mà khóc với cười

Mời người lên xe về miền quá khứ

Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu"

Xem thêm: Mối tình trong sáng nhất đời Phạm Duy: "Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm... Tôi dành tặng bà ấy 40 bài hát"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận