"Mắt biếc" - Bản tình ca tâm đắc nhất của Ngô Thụy Miên

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên từng tâm sự, ca khúc "Mắt biếc" là bản tình ca mà ông tâm huyết nhất. Bởi "nó" là hiện thân của sự từng trải trong đời sống và âm nhạc của tác giả.

Đỗ Thu Nga
21 giờ trước Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

CA KHÚC "MẮT BIẾC"

  • Tên ca khúc: Mắt biếc
  • Nhạc sĩ sáng tác: Ngô Thụy Miên
  • Thể loại: Tình ca
  • Năm ra đời: Trước 1975
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Duy Trác

Ca khúc "Mắt biếc" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chính là "cha đẻ" của những bản tình ca nổi tiếng trong thập niên 60,70 của thế kỷ trước. Từ Việt Nam chuyển qua Mỹ sinh sống, ông đã cho ra mắt hơn 70 ca khúc, hầu hết đều là những bản tình ca đẹp cả về giai điệu lẫn ca từ. 

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người hâm mộ bởi băng nhạc "Miên tình khúc" - 17 tình khúc Ngô Thụy Miên được thực hiện vào năm 1974. "Miên tình khúc" được xem là băng nhạc hay nhất của nhạc trữ tình Việt Nam. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-mat-biec-cua-nhac-si-ngo-thuy-mien-9
Tờ nhạc "Mắt biếc"

Sở dĩ băng nhạc này được đánh giá rất cao là bởi, các ca khúc trong đó đều trở thành bất hủ, được yêu mến qua nhiều thập kỷ. Bài hát đầu tiên trong băng nhạc là "Chiều nay không có em". Bài hát kết thúc băng nhạc là "Mắt biết".

Trong khuôn khổ bài viết này, Amnhac.net tập trung chia sẻ những thông tin thú vị về hoàn cảnh sáng tác ca khúc "Mắt biếc" - cái kết của băng nhạc "Miên tình khúc".

Theo nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, ca khúc "Mắt biếc" được viết vào năm 1972. Đây là bản tình ca mà ông tâm đắc nhất. Khác với nhiều nhạc phẩm trước đó, khi viết "Mắt biếc", Ngô Thụy Miên đã có sự "cứng cấp" và từng trải nhất định trong cuộc sống và âm nhạc. 

"Mắt biếc" kể về câu chuyện tình dang dở giữa chàng trai có trái tim đa sầu đa cảm và cô gái sở hữu mái tóc dài thướt tha và dáng vẻ yêu kiều. Nội dung ca khúc dẫu không mang quá nhiều sự đặc sắc hay éo le nhưng ca khúc vẫn gợi lên được cảm xúc bồi hồi, lưu luyến. Và đâu đó là sự hoài niệm về mối tình đẹp đẽ trong quá khứ.

"Mắt biếc" đã cho thấy được nét tài tình trong việc xây dựng một cấu trúc nhạc gãy gọn, nghệ thuật sử dụng từ ngữ chân phương nhưng giàu sức gợi. Bằng giai điệu Boston da diết và chậm rãi, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên như ru đưa người nghe vào miền ký ức tươi đẹp với bao mộng ước tuổi trẻ...

Người đầu tiên thể hiện ca khúc "Mắt biếc" là Thanh Lan trong băng nhạc Phạm Mạnh Cương. Người hát thứ hai là ca sĩ Duy Trác trong băng nhạc "Miên tình khúc" năm 1974. Nhưng khi nhắc đến ca khúc này, công chúng thường nghĩ về giọng ca của Tuấn Ngọc và Sĩ Phú. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-mat-biec-cua-nhac-si-ngo-thuy-mien-8
Poster phim điện ảnh "Mắt biếc"

Vào năm 2019, tác phẩm "Mắt biếc" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim điện ảnh. Tác phẩm này cũng nói về mối tình thơ mộng nhưng không thành. Đó là mối tình "như kiếp mây trôi". Ở phần kết phim và của tiểu thuyết không trọn vẹn, đều day dắt và ám ảnh như lời ca khúc "Mắt biếc" của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Đó là cái kết khác hẳn với những cái kết có hậu ở nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh. Phải chăng, khi chắp bút tiểu thuyết này, nhà văn đã có sự đồng cảm sâu sắc với nhạc phẩm "Mắt biếc" của Ngô Thụy Miên. 

Tên ca khúc "Mắt biếc" cũng được sử dụng để đặt cho đêm nhạc kỷ niệm 60 năm tình Ngô Thụy Miên vào năm 2023. Đêm nhạc đã đưa khán giả chìm vào trong những bản tình ca qua bàn tay dàn dựng, phối khí đầy mới mẻ của nhạc sĩ Nguyễn Quang. 

"Mắt biếc - Dĩ vãng như bao cung tơ..."

Ca khúc "Mắt biếc" là sản phẩm hội tụ những trải nghiệm nhất định trong cả đời sống và âm nhạc của Ngô Thụy Miên. Vì thế mà lời hát sâu lắng, điệu nhạc lả lướt hòa quyện vào nhau khiến người nghe chìm trong ký ức êm ả:

“Nhớ tới năm xưa bên nhau

bước trong chiều mưa phím ru nhẹ đưa

Bến cũ đam mê say sưa

lá thu còn rơi người xa vắng người…

Mắt biếc năm xưa nay đâu

cánh sao còn đây tóc mây nào bay

Phố vắng mênh mang mưa rơi

ước mơ nào nguôi tình đã phai rồi…”

Đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn, mắt biếc là ánh mắt của tuổi trẻ, tuổi thơ ngây khi đời vẫn còn nét long lanh hiếm có. Đôi mắt ấy như hình ảnh viên ngọc xanh chói sáng, chưa hề tì vết sầu bi, thất vọng của cuộc đời. Phải chăng sự trong sáng và hồn nhiên trong ánh mắt ấy đã làm xao động trái tim chàng nhạc sĩ trẻ, khiến anh rung động, nhớ mãi chẳng quên.

Đôi mắt năm xưa long lanh như những vì tinh tú trên cao, lúc nào cũng trong sáng, lấp lánh. Nhưng đã xa mãi rồi, chẳng còn hiện hữu bên cạnh người con trai ấy nữa, dù cánh sao vẫn còn nhưng mắt biếc đã mất, làn tóc mây năm nào cũng nhẹ thoảng bay về nơi phương xa, cuốn theo ước mơ đôi lứa, làm nhạt màu đoạn tình cảm năm xưa. Thứ còn lại có chăng là con phố đìu hiu với từng đợt mưa rơi khiến không gian càng thêm cô quạnh. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-mat-biec-cua-nhac-si-ngo-thuy-mien
Bản tình ca "Mắt biếc" của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

Nỗi nhớ còn đây, bến cũ còn đây, lá thu còn đây, cánh sao còn đây, phố vắng mênh mang còn đây nhưng "người xa vắng rồi"... Và khi khúc hát chìm xuống, nặng trĩu với những đúc kết đớn đau về tình yêu:

"Tình yêu như mây khói thoảng theo gió buồn mơ hồ

Tình yêu như giông tố qua phố đìu hiu"

Nhưng rồi lẫn trong tiếng thở dài đầy bi quan về tình yêu ấy, mối tình xưa, hình bóng cũ vẫn phủ tràn trong tâm trí, không hề nguôi ngoai. Bởi đã trót yêu quá nhiều:

"Nhớ dáng xưa yêu kiều

Trong chiều nhạt nắng, cung đàn gợi ý

Chờ nhau trong tê tái...

Mắt biếc năm xưa nay đâu

Bến ga tịch liêu vắng xa người yêu

Lá úa đơn côi bơ vơ

Cuốn theo chiều rơi người xa cách rồi

Dĩ vãng như bao cung tơ

Lướt theo chiều mơ kết muôn bài thơ

Nuối tiếc yêu chiều mơ kết muôn bài thơ

Nuối tiếc yêu đương xa xưa

Tháng năm nào trôi để nhớ nhung hoài

Tình yêu như kiếp mây trôi..."

Cung tư một khi đã vướng thì cả đời lạc lối, bài thơ đã thuộc thì muôn đời nhớ mãi, như lòng ta yêu sẽ nuối tiếc hoài một mảnh tình xưa. Dẫu tháng năm có trôi, dòng đời có đưa đẩy thì phần tình cảm ấy vẫn in hằn vết tích, những nhung nhớ buồn vẫn ngự trị nơi đáy tim. "Tình yêu như kiếp mây trôi..." - mây trên cao làm sao với tới, mây trôi mãi làm sao đuổi được. Tình yêu đẹp và huy hoàng như chẳng thể chạm ngón tay, lòng ta dù có đuổi theo đến cùng trời thì vẫn không thể bên nhau...

Ca khúc "Mắt biếc" của Ngô Thụy Miên được chia thành nhiều đoạn cân xứng theo thứ tự mà bày tỏ những kỷ niệm tươi đẹp trong quá khứ và sự cô đơn miên man của hiện tại. Ca khúc tự như lời tự sự, bật mí bí mật riêng về một kỷ niệm tình yêu đã đi qua những ngày giông bão nhưng chẳng hề bị cuốn trôi theo gió mây. Vì nó đã in hằn trong tâm trí, đưa sâu vào nơi miền ký ức dù cho người ấy có ở nơi xa... 

Nghe "Mắt biếc" của Ngô Thụy Miên, người nghe như đi lạc vào những giai âm của dòng nhạc tiền chiến, cứ ngỡ như Ngô Thụy Miên đã ngả theo con đường nhạc của Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Cung Tiến, Văn Cao... Bên cạnh chất nhạc du dương, trầm bổng và những lời ca dịu dàng là những hình ảnh đầy chất thơ của thập niên 20, 50: lá thu, bến cũ, cung đàn, phím ru, lá úa, cung tơ... Tất cả tạo nên không khí hoài niệm.

Được biết, phần đa các ca khúc của Ngô Thụy Miên viết cho người vợ - bà Đoàn Thanh Vân. Trong đó, ca khúc đầu tay là "Chiều nay không có em", sau đó là "Mùa thu cho em". Mối tình này bắt đầu từ năm 17 tuổi, nhưng trải qua nhiều sóng gió, mang nhiều ray rứt, tiếc nuối từng được nhắc đến trong "Niệm khúc cuối", "Bản tình cuối" và đương nhiên là cả ca khúc "Mắt biếc". 

Theo lời chia sẻ của tác giả, cho dù nhạc của ông cũng có những chia ly và đổ vỡ nhưng tình yêu trong âm nhạc Ngô Thụy Miên luôn trong sáng, nhẹ nhàng, không quá bi lụy, luôn mở ra những cánh cửa tươi sáng. Đến cuối dùng, dù trải qua nhiều sóng gió bà Vân và nhạc sĩ Miên vẫn có một cái kết đẹp.

Chưa đầy 1 năm sau khi sáng tác "Mắt biếc", nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đính hôn với bà Đoàn Thanh Vân. Đám cưới dự định được tổ chức sau khi bà Vân tốt nghiệp đại học. Nhưng dự định chưa thành thì biến cố xảy ra, bà Vân theo ra đi di tản, còn Ngô Thụy Miên bị kẹt lại.

Năm 1978, Ngô Thụy Miên sang Mã Lai và ở đây 6 tháng trước khi được bảo lãnh sang Canada vào tháng 4/1979. Khi đó, bà Vân từ Mỹ đã đến Canada để gặp lại người yêu, nối lại mối tình dang dở hơn 10 năm vì thời cuộc. Trong năm 1979, họ kết hôn và hiện đang định cư tại Mỹ.

Xem thêm: Giải mã ngôn ngữ tình yêu trong nhạc phẩm "Tình khúc mùa xuân" của Ngô Thụy Miên

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận