Vì sao nhạc sĩ Phạm Duy chọn phổ nhạc bài thơ "Thoáng hương qua" thành "Em lễ chùa này"?

"Em lễ chùa này" là ca khúc đẹp từ ý thơ cho đến lời ca và giai điệu. Đó là sự kết hợp hoàn hảo của nhà thơ tài hoa Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ xuất sắc Phạm Duy.

Đỗ Thu Nga
15:23 04/09/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

CA KHÚC "EM ĐI LỄ CHÙA NÀY"

  • Tên ca khúc: Em đi lễ chùa này
  • Thơ: Thoáng hương qua (Phạm Thiên Thư)
  • Phổ nhạc: Phạm Duy
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thái Thanh

Đôi lời về nguyên tác bài thơ "Thoáng hương qua" của thi sĩ Phạm Thiên Thư

Phạm Thiên Thư (tên khai sinh là Phạm Kim Long) là nhà thơ tài năng. Ông từng đi tu rồi hoàn tục nên có nhiều kiến thức về Đạo Phật. Ông được xem là "người thi hóa kinh Phật" (dịch kinh Phật ra thơ) và là tác giả của nhiều bài thơ phảng phất triết lý Đạo Phật. 

Theo lời kể của thi sĩ Phạm Thiên Thư, năm 1954, từ quê nhà Hải Phòng, ông cùng gia đình di cư vào Sài Gòn. Sau khi học xong Tú tài, ông theo học tại trường Phật học Vạn Hạnh và xuống tóc đi tu vào năm 1964. Trong thời gian tu học (1964 - 1973), ông vô tình chứng kiến "hương tình" của một chú tiểu trong chùa với một cô bé Phật tử. Nhưng tình yêu chưa kịp đơm bông thì cô bé qua đời. Từ hoàn cảnh bi thiết này, Phạm Thiên Thư đã chắp bút viết nên bài thơ "Thoáng hương qua" (có nhiều tư liệu ghi tên bài thơ là "Một thoáng hương qua").

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-em-le-chua-nay-cua-nhac-si-pham-duy-8
Nhà thơ Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ Phạm Duy

Cũng theo lời nhà thơ, chú tiểu và cô bé Phật tử mới chỉ chừng 15 - 16 tuổi. Nữ Phật tử thường xuyên lui tới chùa nghe chú tiểu tụng kinh, đảnh chuông. Họ đứng gần nhau và cùng lặng im đọc kinh, cầu nguyện. 

Phạm Thiên Thư đặt tựa cho bài thơ là "Thoáng hương qua" thật nhẹ nhàng, thanh thoát. Điều đó được thể hiện xuyên suốt bài thơ, đó là cái buồn man mác, buồn mà không bi lụy. Thậm chí, một chút niềm vui ở đoạn đầu bài thơ cũng là cái vui nhẹ nhàng, vui không ồn ã, náo động.

Vì sao nhạc sĩ Phạm Duy chọn phổ nhạc "Thoáng hương qua" thành "Em lên chùa này"?

Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ Việt Nam phổ nhạc cho thơ "khỏe" nhất. Cái tài chuyển thơ thành nhạc của ông có lẽ khó ai sánh bằng. Trong tất cả những nhà thơ được Phạm Duy chọn phổ nhạc, Phạm Thiên Thư có nhiều thơ hơn cả.

Việc gặp gỡ Phạm Thiên Thư trên đường âm nhạc của mình, đối với Phạm Duy, nó như một mối duyên định mệnh. Thơ của Phạm Thiên Thư có phần ảnh hưởng đến tâm thức âm nhạc của Phạm Duy. 

Nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Phạm Duy, nhà thơ Phạm Thiên Thư từng kể: "Tôi tổ chức học hội Hồ Quý Ly, kêu gọi lòng yêu nước, bị chính quyền cũ gây khó dễ nên tôi vào chùa làm thơ, một số bài được lan truyền. Phạm Duy khi ấy rất nổi tiếng, đến chùa thăm tôi là một cư sĩ tuổi đôi mươi chẳng tiếng tăm gì". 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-em-le-chua-nay-cua-nhac-si-pham-duy
"Em đi lễ chùa này" là ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ "Thoáng hương qua"

Cuộc gặp gỡ năm ấy có cả nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh. Ông Quỳnh khi ấy gợi ý: "Nhạc ông Duy toàn chất đời, nay gặp cư sĩ làm thơ về đạo, vậy hai ông nên kết hợp". Từ lời gợi mở đó, Phạm Duy đã đề nghị Phạm Thiên Thư viết 10 bài thơ. Và thế nhà, nhà thơ lao vào viết trong 3 ngày, còn nhạc sĩ phổ nhạc trong một tuần là xong. Các bài hát được thu âm, tạo ra một làn sóng nhạc Đạo Phật trong các ca sĩ thời đó. Ngay sau đó, nhà xuất bản in tập nhạc với số lượng lớn. Nhuận bút cho Phạm Duy là 150.000 đồng; còn của Phạm Thiên Thư là 50 đồng. Số tiền ấy, Phạm Thiên Thư đem về mua sách và tặng cho những bằng hữu nghèo khó. Và cũng từ ấy, tình bạn giữa hai người chính thức bắt đầu.

Nói về chuyện Phạm Duy chuyển thơ của mình thành nhạc, Phạm Thiên Thư chia sẻ: "Tôi vô cùng bất ngờ khi nghe những ca khúc Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của mình. Âm nhạc phiêu lãng, bay bổng của Phạm Duy đã nâng đỡ thơ Phạm Thiên Thư lên một tầm vóc cao hơn và cũng đời hơn".

Về lý do chọn phổ nhạc "Thoáng hương qua" của Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy nói: "Tôi chọn phổ nhạc 'Thoáng hương qua' là vì cả hai chúng tôi đều muốn quay về xưng tụng những gì thuộc về văn minh Việt Nam, như ngôi chùa cổ ở miền Bắc, là nơi lúc còn nhỏ tôi thấy đôi kẻ tình nhân thường hẹn nhau tới dâng hương cầu nguyện...".

Ca khúc "Em lễ chùa này": Đẹp từ ý thơ đến lời ca và giai điệu

Phạm Thiên Thư đã lựa chọn thể thơ 6 chữ để viết "Thoáng hương qua" kể về mối tình chỉ vỏn vẹn trao đổi ở những cái nhìn ngỡ như vô tình. Dường như chưa bao giờ họ nhìn vào mắt nhau, chưa bao giờ trò chuyện, chỉ là những khoảnh khắc chợt thoáng qua mỗi khi cô gái lên chùa lễ Phật nhưng dấu kín trong lòng: 

"Đầu xuân em lễ chùa này

Có búp lan vàng khép nép

Vườn trong thoáng làn hương ba

Bãi sông lạc con bướm đẹp

 

Vào hạ em lễ chùa này

Trên đồi trái mơ ửng chín

Lò hương có làn trầm bay

Vờn trên bờ tóc bịn rịn

 

Giữa thu em lễ chùa này

Lầu chuông có con chim hót

Tiếng ca theo làn gió may

Lá vàng sương gieo nhẹ hạt

 

Sang đông em lễ chùa này

Ngoài sân có mưa bụi bay

Hắt hiu trong cành gió bấc

Vườn chùa rụng cánh lan gầy..."

Có lẽ do ảnh hưởng của tính cách Phật giáo nên tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư bao giờ cũng thanh thoát, kín đáo, thánh thiện vô ngần. Suốt bốn mùa xuân hạ thu đông, ngày qua tháng lại, cô bé vẫn lên chùa lễ Phật, chú tiểu vẫn làm các công việc thường nhật của người tu hành. Tình cảm của họ chỉ dừng lại ở những cảm xúc đầu tiên từ mùa xuân, không thay đổi không nhạt đi cũng không nồng đậm thêm...

Khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, từ câu thơ 6 chữ đã được viết lại thành câu 7 chữ. Có thể thấy toàn bộ bố cục, nội dung, ý nghĩa, hình ảnh trong thơ Phạm Thiên Thư được Phạm Duy giữ lại hầu như nguyên vẹn. Phạm Duy chỉ sắp xếp lại câu chữ, thay đổi một chút ít hình ảnh sao cho phù hợp với tiết tấu âm nhạc. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-em-le-chua-nay-cua-nhac-si-pham-duy-0
Lời bài hát "Em lễ chùa này"

Cái tài hoa và khéo léo của Phạm Duy là khi chuyển thơ thành nhạc đã mang gần như trọn vẹn cái hồn cốt thanh thoát của thơ vào nhạc. Ông đã nâng cả bài thơ lên, bay bổng hơn và trần thế hơn. Từ đó đẩy ý thơ của Phạm Thiên Thư tới gần với mỹ cảm của người đời hơn. 

Cái nhịp trầm vừa, dịu dàng trong nửa đầu bài thơ "Thoáng hương qua" đã được Phạm Duy nâng lên một nhịp khi chuyển thành nhạc phẩm:

"Đầu mùa Xuân cùng em đi lễ

Lễ chùa này vườn nắng tung bay

Và ngàn lâu vàng mầu khép nép

Bãi sông bay một con bướm đẹp

 

Màu Hạ qua cùng em đi lễ

Trái mơ ngon đồi gió mơn man

Từ lò lương làn trầm nghi ngút

Khói hương thơm bờ tóc em vờn

 

Rồi mùa Thu cùng em đi lễ

Có con chim đậu dưới gác chuông

Hòa lời ca vào làn sương sớm

Gió heo may rụng hết lá vàng

 

Vào mùa Đông cùng em đi lễ

Lễ chùa này một thoáng mưa bay

Và ngoài sân vài cành khô gãy

Gió lung lay một cánh lan gầy"

Nhạc sĩ Phạm Duy đã mạnh dạn thay đổi, lồng ghép thêm một số ngôn từ náo động hơn, gợi tình hơn như: Tung bay, mơn man, nghi ngút, hòa lời ca, lung lay... Hay là thay thế cụm từ "bờ tóc em vờn" cho cụm từ "vờn trên bờ tóc" của Phạm Thiên Thư. Như vậy, câu ca chuyển từ trạng thái cô gái từ thế bị động sang chủ động. 

"Tàn mùa Đông vào chùa bỡ ngỡ

Tiễn đưa em trong áo quan này

Từng cội hoa trầm lặng thương nhớ

Tóc em xưa tơ óng như mây

 

Vườn chùa đây vào nằm trong đất

Nép bên hoa đây những hoa vàng

Vườn đào thơm chập chờn cánh bướm

Bướm qua râu ngơ ngác bay ngang

 

Mộ của em mộ vừa mới lấp

Có con chim nào hót trên cây

Lời của chim chìm vào tiếng suối

Suối xanh lơ buồn khóc ai hoài

 

Rồi từ đây vườn chùa thanh vắng

Đến thăm em ngày tháng qua nhau

Một nụ mai vừa nở trong nắng

Hỡi em ơi! Mây đã qua cầu

Hỡi em ơi! Mây đã qua cầu..."

Nửa sau của nhạc phẩm "Em lên chùa này" là nỗi u sầu của nhân vật nam khi cô gái ra đi cũng đã được đẩy lên cao trào, dai dẳng hơn. Ở trong thơ, chàng trai chỉ lấp ló đâu đó, thẫn thờ buồn bã còn trong nhạc, hình ảnh chàng trai cận kề tiễn đưa, lộ rõ niềm thương xót, bi ai xuất hiện dày đặc. Cô gái mất đi rồi thì "vườn chùa thanh vắng" hơn, hay cõi lòng chàng trai hoang lạnh hơn. Nỗi đau tình dai dẳng và chàng trai vẫn thường "đến thăm" cô gái dù "ngày tháng qua mau".

"Hỡi em ơi! mây đã qua cầu"  - nó không còn là lời thì thầm của chú tiểu "Em ơi, mây đã qua cầu, em đi thanh thản nhé", mà là tiếng gọi lớn của chàng trai si tình: "Hỡi em ơi!". Tiếng gọi bật ra thành tiếng với sự luyến tiếc, nhớ thương khôn nguôi.

Ngay sau khi được phổ biến, ca khúc "Em lễ chùa này" đã được nhiều nghệ sĩ chọn để thể hiện nhưng có lẽ Thái Thanh là ca sĩ thể hiện thành công nhất. Giọng ca tuyệt hay của bà khiến cho ca khúc trở nên thoát tục, lắng đọng, say đắm lòng người.

Xem thêm: Phạm Duy: "Tình hoài hương là sự nhớ nhung của tôi với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lìa"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận