Ca khúc "Cô hàng cà phê" của Canh Thân: Ra đời ngay thời kỳ bình minh của nền tân nhạc Việt Nam
"Cô hàng cà phê" ra đời vào thời kỳ bình minh của tân nhạc Việt Nam và được giới yêu nhạc, yêu cà phê "say như điếu đổ". Nhưng, xoay quanh hoàn cảnh sáng tác của nhạc phẩm này còn nhiều câu chuyện để bình bàn.
VỀ NHẠC PHẨM "CÔ HÀNG CÀ PHÊ"
- Tên ca khúc: Cô hàng cà phê
- Nhạc sĩ sáng tác: Canh Thân
- Thể loại: Nhạc trữ tình
- Năm ra đời: 1954
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Ái Vân, Thái Châu, Sĩ Phú...
Nhạc sĩ Canh Thân viết "Cô hàng cà phê" trong hoàn cảnh nào?
Dưới sự ảnh hưởng của "mưa Âu gió Á", bên cạnh sự tồn tại ngàn năm của các giá trị cũ thì đầu thế kỷ 20 những "cái Tôi" đã bắt đầu chộn rộn. Các giai tầng mới ra đời, những hệ lụy văn hóa trộn lẫn. Thời điểm đó, nhà thơ Nguyễn Bính cho ra đời "Chân quê" với hình bóng nàng thiếu nữ mặc yếm lụa sồi, khăn mỏ quạ, quần nái đen... Hình ảnh ấy đã phần nào khuấy động giếng làng Khổng giáo.
Và trong cuộc chuyển giao ấy, không thể không nhắc đến một trong hai "cô hàng" đầu tiên của làng tân nhạc Việt Nam, đó là "Cô hàng cà phê" của nhạc sĩ Canh Thân.
Nhạc sĩ Canh Thân (SN 1920, không rõ năm mất) xuất thân từ nghệ sĩ cải lương. Thời kỳ đầu là nhạc sĩ tân nhạc, có tham gia hội ái Tino và lấy biệt danh là Tino Thân, ngoài ra, ông cũng là một nhạc công rất đa tài.
Trong sự nghiệp sáng tác, Canh Thân cho ra đời khoảng vài chục nhạc phẩm, trong đó nổi tiếng và được ưa chuộng nhất có lẽ là "Cô hàng cà phê". Sáng tác này được ra đời năm 1954. Đây là một ca khúc mang âm điệu dí dỏm, tươi vui và có phần tân thời, lạ lẫm hơn nhiều so với các nhạc phẩm cùng thời. Về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm "Cô hàng cà phê", có hai luồng ý kiến: Một là, nhân vật mẫu là danh ca Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy) ở quán Thăng Long; hai là, cô hàng cà phê ở quán Thanh Hương, Hà Nam.
"Cô hàng cà phê" ở quán Thăng Long
Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Canh Thân tản cư lên chiến khu III (vùng đồng bằng sông Hồng). Sáng nào ông cũng tìm đến quán cà phê "ruột" dành cho giới văn nghệ sĩ ở vùng chợ Đại - Cống Thần (tỉnh Hà Nội, nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội). Chợ trải dài từ làng Đại đến làng Thần, nơi đây có một cái cống lớn dẫn nước sông vào ruộng nên được gọi là Cống Thần.
Nơi này có quán Thăng Long nổi tiếng, bán phở và cà phê rất ngon. Chủ quán là ông bà Phạm Đình Phùng (từ phố Bạch Mai tản cư lên). Giúp việc quán xá cho ông bà có 3 người con. Con gái lơn là Phạm Thị Thái (chạc 20 tuổi), biết hát và chơi đàn Hạ Uy cầm. Theo nhạc sĩ Phạm Duy, nàng có vẻ đẹp rất buồn, lại là người ít nói, lúc nào cũng mơ màng nghĩ tới một chuyện gì xa xưa. Văn nghệ sĩ nào khi tới gần nàng cũng đều bị ngay "một cú sét đánh".
Nhạc sĩ Canh Thân "đóng đô" thường xuyên ở quán này. Ông đến trước cả nhạc sĩ Phạm Duy. Không gian ấm áp, đầy tính nghệ sĩ trong quán Thăng Long là cái nền cảm xúc để nhạc sĩ viết nên ca khúc "Cô hàng cà phê".
Để thai nghén và cho ra đời "Cô hàng cà phê", tác giả - nói như ngôn ngữ thời nay - đã "ngồi đồng" từ ngày này sang ngày khác ở quán Thăng Long, nhìn say mê cô hàng cà phê rồi thư thái kể lại bằng âm nhạc.
"Cô hàng cà phê" ở quán Thanh Hương
Có không ít người cho rằng, "cô hàng cà phê" chính là danh ca Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, "cô hàng cà phê" Thái Hằng mở quán ở vùng Thanh Hóa, còn "cô hàng cà phê" cũ Canh Thân ở chợ Dầu (Hà Nam) đó là quán cà phê nổi tiếng mang tên Thanh Hương.
Quán Thanh Hương cũng từng xuất hiện trong nhạc sĩ nổi tiếng mang tên "Tình nghệ sĩ" của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với câu hát đầu tiên: "Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm"... Ít ai biết rằng, ban đầu câu hát này không phải như vậy, mà là một câu hát: "Đây quán Thanh Hương mấy thu vàng ấm...". Nhưng sau này Đoàn Chuẩn quyết định sửa lại để bài hát mang tính phổ quát, không chỉ nhắc về quán Thanh Hương.
Bên cạnh đó, trong tập nhạc xuất bản năm 1990, nhac sĩ Đoàn CHuẩn có ghi lời tựa cho bản nhạc "Tình nghệ sĩ" là: "Viết tại hàng cà phê Thanh Hương nơi C.T và Đ.C đều chết mệt vì cô hàng".
Dẫu nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết tắt C.T và Đ.C nhưng ai tinh ý đều dễ nhận ra Đ.C là Đoàn Chuẩn, còn C.T là Canh Thân. "Cô hàng" ở đây chính là cô hàng cà phê có tài pha cà phê ngon kỳ lạ của quán Thanh Hương được nhạc sĩ Canh Thân đưa vào trong nhạc phẩm "Cô hàng cà phê" - tuyệt phẩm để đời với những câu hát nhấn nhá, ý nhị, phảng phất giọng điệu của những khúc dân ca, ca dao.
"Cô hàng cà phê là ai?
Vậy rút cuộc "cô hàng cà phê" trong nhạc phẩm của Canh Thân là danh ca Thái Thanh hay "cô hàng" ở quán cà phê Thanh Hương? Theo lời nhạc phẩm, địa chỉ quán hàng cà phê là ở chợ Dầu - đây là địa điểm hoàn toàn có thực, chứ không phải là cái tên giả tưởng trong âm nhạc. Ngay trong bản phát hành tờ nhạc của nhà xuất bản An Phú 1995, tác giả đã cẩn thận chú tích chợ Dầu ở huyện Kim Bảng, Hà Nam.
Và có thêm một điều không thể phủ nhận: "Cô hàng cà phê" là một trong những bài truyện ca hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tác giả Nguyễn Trương Quý trong bài viết “Dư vị của phiêu lãng” đăng trên Tạp chí Thế giới cà phê số tháng 1/2012 nhận xét về nhạc phẩm: "Và dường như nó cũng là đại diện hiếm hoi của dòng nhạc tiền chiến có nhắc đến cà phê. Một sự hiện diện độc nhất nhưng khiến người ta nhớ mãi, như dư vị cà phê ngon trên lưỡi khách khi đã lên đường tiếp tục tha hương và lữ khách ngẩn ngơ nghĩ đã thực sự có mùi vị đó sao?".
"Cô hàng cà phê" - một trong hai "cô hàng" nổi tiếng nhất nền tân nhạc Việt Nam
"Cô hàng nước" của nhạc sĩ Vũ Huyến và "Cô hàng cà phê" của nhạc sĩ Canh Thân là hai "cô hàng" nổi tiếng nhất của nền tân nhạc Việt Nam. "Cô hàng cà phê" của Canh Thân cùng mô típ với "Cô hàng nước". "Cô hàng cà phê" là một "cô hàng" xinh xắn, trẻ trung, phơi phới.
"Cô hàng" cà phê ngồi ở chợ Dầu (tên đã thay đổi so với thực tế) làm cho bao gã thiếu niên đa tình say mê, đến nỗi "đi đâu cũng ghé qua hàng, mong trông thấy bóng dáng cô nàng, thì trong lòng chàng mới yên". Và trong số các chàng nho nhỏ ấy, có anh chàng "rạt rào muốn xiêu".
Tác giả còn để cho một anh chàng nữa xuất hiện, cũng yêu quá cũng như hóa điên rồ đến nỗi thất tình mắc bệnh tương tư "Chiếc thân bơ phờ dường như muốn chờ một kiếp âm". Để rồi, khi "cô hàng" biết yêu thì anh chàng cũng sắp tới thiên đàng. Chẳng biết sau đó cô hàng sống thế nào nhưng riêng tình muộn kia cũng để lại bao nỗi xót xa cho lòng người. Và anh chàng tự sự trong ca khúc vẫn mơ mãi "cô hàng" với bàn tay này năm xưa.
Với nhịp điệu vui tươi, dí dỏm, phảng phất chút dân ca, vừa ngẫu hứng, vừa duyên dáng, "Cô hàng cà phê" không chỉ được trình bày thường xuyên qua làn sóng điện thời bấy giờ mà còn được yêu thích qua nhiều thế hệ. Và nói đến ca khúc này, mặc dù có nhiều người thể hiện nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là tài tử Ngọc Bảo, Vũ Khanh, Vũ Huyến. Và gần nhất là giọng ca Sĩ Phú.
"Cô hàng cà phê" là ca khúc ấn tượng nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Canh Thân, bởi sức nặng biểu tượng văn hóa mà nó mang lại - văn hóa đô thị, đi cùng với sự thay đổi như vũ bão về sau.
Diễn giải nhạc phẩm "Cô hàng cà phê"
"Ở chợ Dầu có hàng cà phê
Có một cô nàng be bé xinh xinh
Cô hay cười hồn xuân phơi phới
Cứ xem dàng người mới chừng đôi mươi..."
Theo lời nhạc phẩm này thì nhân vật "cô hàng" ở chợ Dậu - quán cà phê nổi tiếng Thanh Hương. "Cô hàng" xinh xắn khiến bao gã trai say như điếu đổ.
"Lơ thơ tơ liễu buông mành
Cho hay cái sắc khuynh thành
Làm cho nhiều chàng chết mê mệt
Đi đâu cũng ghé qua hàng
Mong trông thấy bóng cô nàng
Thì trong lòng chàng mới yên"
Chẳng cần dò hỏi, võ đoán, chỉ nhìn nụ cười, vóc dáng là nhạc sĩ biết ngay cô hàng mới chừng đôi mươi. Không những khen nhan sắc mà ông còn "chọc ghẹo" đôi mắt "chết mê" của những gã đa tình si mê cô hàng.
Sự dí dỏm này được thể hiện qua các người nhạc sĩ lựa chọn từ ngữ để miêu tả các anh chàng si mê cô hàng: nào là "nho nhỏ", nào là "thiếu niên", rồi lại "thường hay đến ngồi cười với cô", và "đi đâu cũng ghé qua hàng, mong trông thấy bóng cô nàng...". Nhưng điều hài hước hơn cả là chính "kẻ" đã buông lời "chọc ghẹo" đám thanh niên cũng ngày đêm mơ tưởng đến "cô hàng": "Hôm nao dưới bóng trăng mờ/ Tôi mơ ngắm cánh tay ngà/ Nhẹ nâng ly trà ướp sen ngạt ngào/ Trông cô dón dén ra vào/ Đôi môi thắm cánh hoa đào/ Lòng tôi rạt rào muốn xiêu"...
Có một sự thật, chàng trai chẳng say mê gì món cà phê tân thời. Việc tui tới quán là để có cái cơ gặp người đẹp. Khi đêm về lại tương tư nàng bên chén trà sen...
Nhưng cũng nhờ sự tơ tưởng kín đáo đó mà chàng trai phát hiện ra câu chuyện tình xúc động:
"Một chàng trai dáng người hiên ngang
Đến từ phương nào trong gió đông sang
Khách bên đường vì cô lưu luyến
Đã bao tháng trường ước được nên duyên
Chàng yêu cô vô bến vô bờ
Mà sao cô, cô vẫn cứ hững hờ
Buồn cho anh yêu quá hóa như điên rồ
Chiếc thân bơ phờ dường như muốn chờ một kiếp ma"
Từ đoạn này, lời ca và giai điệu có phần trào phúng, đưa đẩy sang giọng trữ tình, chầm chậm, suy tư.
"Thương thay lữ khách bên đường
Cô mang thuốc đến cho chàng
Ngờ đâu con người trước bao hiên ngang
Lim dim khóe mắt hoe vàng
Anh đi sắp đến thiên đàng
vừa lúc cô hàng biết yêu..."
Cuối cùng chuyện tình này đã kết thúc có hậu. Cô hàng cà phê đã xiêu lòng trước tấm chân tình của người lữ khách.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận