Ký ức khó quên về ban nhạc Phượng Hoàng: 'The Beatles Sài Gòn' lẫy lừng một thuở

"Âm nhạc Phượng Hoàng điển hình cho tinh thần nhạc trẻ Sài Gòn, tức là rất Âu châu, "thế giới cũ", vương vấn thật nhiều triết lý hiện sinh", nhạc sĩ Quốc Bảo đánh giá.

Đỗ Thu Nga
18:00 03/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ TIỂU SỬ BAN NHẠC PHƯỢNG HOÀNG

  • Tên ban nhạc: Ban nhạc Phượng Hoàng
  • Thành viên: Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Elvis Phương, Nguyễn Trung Vinh (tay trống), Như Khiêm
  • Cựu thành viên:  Mai Hoa, Hoài Khang, Duy Quang
  • Năm hoạt động: 1971 - 1975
  • Thể loại: Nhạc trẻ
  • Bài hát nhóm tiêu biểu: Bài ca ngông, Đêm dài, Tôi muốn...

Ban nhạc Phượng Hoàng ra đời trong hoàn cảnh nào?

Những năm cuối thập niên 1960, khi người yêu nhạc khắp hành tinh mải mê chìm đắm trong những giai điệu phiêu lãnh và đầy tính hiện sinh của The Beatles, C.B.C thì làng nhạc Việt lại xôn xao trước sự xuất hiện của một nhóm nhạc rock đầy bụi bặm, phong trần. Họ hát bằng tất cả tình yêu âm nhạc và âm nhạc của họ là thứ giai điệu có bi nhưng trong bi ẩn chứa sự lạc quan... Họ là ai?

Nhóm nhạc rock của Sài Gòn năm ấy mang tên "Ban nhạc Phượng Hoàng". Tiền thân của Phượng Hoàng là ban nhạc Hải Âu" được thành lập vào năm 1965 với thành viên chủ chốt là nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Năm ấy, nhạc sĩ Lê Hựu Hà được chú ý với những bản nhạc: Mai hương, Chiều về, Yêu em, Nhớ thương em hoài... Nhưng ban nhạc Hải Âu không thể tạo ra tiếng nổ lớn, không được khán giả chú ý nhiều. Nguyên do là bởi thời đó, giới trẻ Sài thành chỉ thần tượng các ban nhạc ngoại quốc. Ban nhạc Hải Âu thường biểu diễn ở các bar, club Mỹ. 

Đến đầu thập niên 1970, nhạc trẻ Sài Gòn có trào lưu "Việt hóa" các ca khúc Âu - Mỹ. Hầu hết các ban nhạc thời đó đều hát nhạc nước ngoài và viết lại lời. 

Định mệnh đã giúp Lê Hựu Hà gặp được người bạn đồng hành Nguyễn Trung Cang (nhạc sĩ của ban Rolling Sound). Cuộc gặp giữa hai người nhạc sĩ tài hoa được ví như cuộc gặp gỡ định mệnh giữa John Lennon và Paul McCartney (2 thành viên chủ chốt của nhóm nhạc The Beatles - họ cũng là những người trẻ định hình tư duy nhạc pop rock tại Mỹ và châu Âu thập niên 1960). 

ban-nhac-phuong-hoang-co-may-thanh-vien-va-noi-tieng-co-nao-8
Các thành viên ban nhạc Phượng Hoàng

Năm 1971, nhạc sĩ Lê Hựu Hà và nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang đứng ra thành lập ban nhạc Phượng Hoàng; Ban nhạc chính thức ra mắt vào tối ngày 15/6/1971 tại phòng trà Đêm Màu Hồng. So với các ban nhạc cùng thời, ban nhạc Phượng Hoàng nổi bật hơn bởi các ca khúc nhạc pop, rock thuần Việt do chính Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang sáng tác. Bên cạnh đó, nhóm nhạc còn ghi dấu ấn với giọng ca đặc biệt của danh ca Elvis Phương..

Nhắc về cơ duyên đến với Phượng Hoàng, Elvis Phương chia sẻ: Một hôm nọ, ông đến hát tại Queen Bee thì thấy một người đứng nhìn mình có vẻ ngập ngừng. Một lúc sau, có vẻ như người đó đã lấy hết can đảm để đến bắt chuyện, rồi tự giới thiệu bản thân là nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Người này đưa ca khúc mới vừa sáng tác mang tên "Yêu em" và nhờ Elvis Phương hát. Bài hát này được nhạc sĩ viết tặng bạn gái.

Elivs Phương xem một lượt rồi gật đầu đồng ý hát và thu thanh. Một thời gian sau, "Yêu em" trở thành hit, nhạc sĩ Lê Hựu Hà lại đến gặp Elvis Phương để nói lời cảm ơn và tiết lộ chính nhờ bài hát này mà nhạc sĩ đã nên duyên vợ chồng với bạn gái. Lúc này, Lê Hựu Hà cũng ngỏ ý mời Elvis Phương tham gia vào ban nhạc Phượng Hoàng để thay thế cho ca sĩ Duy Quang trước đó chỉ tham gia một thời gian ngắn và đã rời đi. 

Theo ca sĩ Elvis Phương, lời mời của nhạc sĩ Lê Hựu Hà và cái gật đầu từ phía ông chính là mốc son chói lọi trong sự nghiệp âm nhạc rực rỡ của Elvis Phương. Sau nay, trong đêm nhạc Sol Vàng với chủ đề "Bước tình hồng" (2016), Elvis Phương đã hát lại các ca khúc "Tôi muốn, Yêu em, Thương nhau ngày mưa, Anh vẫn biết..." để tôn vinh cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang trong ban nhạc Phượng Hoàng.

Nhắc về sự hiện của ban nhạc Phượng Hoàng, nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa mô tả: "Sự xuất hiện của Ban nhạc Phượng Hoàng vào tối ngày 15/6/1971 tại phòng trà Đêm Màu Hồng đã gây ra một bất ngờ cho giới yêu nhạc trẻ. Các ban nhạc trẻ thường lấy những cái tên Mỹ, hát bản nhạc nước ngoài, ca sĩ và nhạc công tóc dài, ăn mặc theo kiểu hippy với khoen vòng lúc lắc. Ban nhạc này mang cái tên rất Việt: Phượng Hoàng và chơi toàn nhạc Việt do chính những nhạc sĩ trong ban nhạc sáng tác như Yêu người - yêu đời, Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa, Yêu em... trở thành những điển hình về tình ca trong làng nhạc". 

Chân dung những con người tài năng giúp Phượng Hoàng "tung cánh"

Trong cuốn sách "Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles của Sài Gòn" có ghi chép rất nhiều thông tin giá trị về ban nhạc Phượng Hoàng. Trong đó có nhắc khá chi tiết đến các thành viên trong ban nhạc.

Ban nhạc Phượng Hoàng gồm các thành viên: Nhạc sĩ Lê Hựu Hà (mất 2003), nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang (mất 1985), Nguyễn Trung Vinh, Như Khiêm, Elvis Phương. Vào thời gian đầu khi nhóm vừa thành lập có cả Hoài Khanh (giọng nam) và Mai Hoa (giọng nữ). Nhưng sau khi rời phòng trà Đêm Màu Hồng đến hát tại Queen Bee và Maxim’s, hai giọng ca này phải rời nhóm. Sau đó, nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã mời được Elvis Phương gia nhập. Vào những thời điểm thiếu người, ban nhạc Phượng Hoàng còn có vài thành viên không thường xuyên khác như Văn Hiển - em trai của tay trống Nguyễn Trung Vinh.

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang được mệnh danh là linh hồn của ban nhạc. Tuy nhiên, hai con người tài hoa này đều chết trẻ.

ban-nhac-phuong-hoang-co-may-thanh-vien-va-noi-tieng-co-nao-9
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà và nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang

Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang qua đời năm 1985, khi ông mới 38 tuổi. Theo một số nguồn tin, ông trút hơi thở cuối cùng tại cư xá cạnh chùa Xá Lợi do thiếu dinh dưỡng khi cơ thể quá yếu trong cơn hen suyễn. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn có thể viết ra những nhạc phẩm chất chứa yêu thương, ám ảnh, chân thành: Bâng khuâng chiều nội trú, Thương nhau ngày mưa, Còn yêu em mãi. 

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà từ giã cõi đời năm 2003 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng dương 57 tuổi. Ông qua đời do tai biến mạch máu não. Nhưng điều đau đớn hơn là Lê Hựu Hà đã qua đời vài ngày trước khi được phát hiện, thi thể ông đã phân hủy. Ông sống những ngày cuối đời trong cô độc. Cái chết của ông được Du Tử Lê nói là "đỉnh ngọn u ám, bi kịch của tài hoa". 

Cũng như cái tên Phượng Hoàng, Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đã sống với tuổi trẻ rực cháy và có lẽ là cả hai đã tái sinh ở một phương trời nào đó từ tro tàn. 

Nhạc sĩ Lưu Hựu Hà và nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang đã trở thành người thiên cổ. Những ký ức về ban nhạc Phượng Hoàng còn lưu lại trong trí nhớ của ca sĩ Elvis Phương và tay trống Nguyễn Trung Vinh. 

Cách đây vài năm, tay trống Nguyễn Trung Vinh bị tai biến. Ông phải ngồi xe lăn, khi muốn đi lại phải chống gậy và có người hỗ trợ. Tuy nhiên, ông vẫn còn rất minh mẫn và nhớ hết những câu chuyện năm xưa.Với ông Vinh, Phượng Hoàng là lẽ sống nên cứ nhắc đến là ông lại khóc. 

ban-nhac-phuong-hoang-co-may-thanh-vien-va-noi-tieng-co-nao-0
Tay trống Nguyễn Trung Vinh ngày ấy - bây giờ

Còn ca sĩ Elvis Phương, sau khi Phượng Hoàng tan ra, ông tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình. Từ năm 1975, ông sang Pháp định cư, sau đó là sang Mỹ. Năm 1998, ông cùng vợ trở về quê vợ ở Nha Trang sinh sống. Hiện tại, ông đang cư trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Ca sĩ Elvis Phương cho biết, hiện tại ông đang sống hạnh phúc. Lúc rảnh rỗi thì nghe nhạc, xem phim, nhâm nhi tách trà vợ pha có chút mật ong và chút chanh. Ông cũng chăm chỉ lên mạng xã hội để tương tác với khán giả của mình...

ban-nhac-phuong-hoang-co-may-thanh-vien-va-noi-tieng-co-nao
Ca sĩ Elvis Phương

Các thành viên chủ chốt của Phượng Hoàng năm xưa giờ chỉ còn lại Elvis Phương, Nguyễn Trung Vinh với hoàn cảnh sống quá khác biệt. Theo lời kể của vợ tay trống Nguyễn Trung Vinh, Elvis Phương từng liên lạc qua điện thoại, gửi tặng Nguyễn Trung Vinh một số tiền và vài chiếc áo, quần jean làm kỷ niệm. Mặc dù sống ở những vùng đất khác nhau, nhưng họ vẫn luôn nhớ về nhau, nhớ về một thời rực rỡ của ban nhạc Phượng Hoàng. 

Ban nhạc Phượng Hoàng và sứ mệnh tiên phong "truyền lửa" dòng nhạc trẻ

Được ví như "The Beatles của Sài Gòn”, ban nhạc Phượng Hoàng như những người đi khai hoang trong buổi đầu bình minh của nhạc trẻ Việt. Đó là lần đầu tiên, những giai điệu pop rock, hay swing được vang lên trong các vũ trường, tụ điểm âm nhạc lớn, nhỏ ở miền Nam Việt Nam. Nhưng điều đáng chú ý, những ca khúc này được hát hoàn toàn bằng tiếng Việt. 

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Lê Hựu Hà từng nói, họ muốn "phá cách" nhạc trẻ từ trước đến nay (1971) để "trong tương lai loại nhạc trẻ Mỹ, Ăng-lê sẽ nhường chỗ cho nhạc trẻ Việt Nam đúng với tình ý Việt Nam". 

Ban nhạc Phượng Hoàng đã tạo ra những nhạc phẩm không quá phức tạp về giai điệu, hòa thanh hay ca từ nhưng lại đầy triết lý hiện sinh, đưa ra những khái niệm mới trong sáng tác và đặc biệt là tinh thần tự hoa, hòa bình. Đó là những bản nhạc mang tâm tư, khát vọng của cả một thế hệ trẻ. Và ngay từ những buổi đầu, Phượng Hoàng đã đi tiên phong trong tiết lý nhạc trẻ là tiếng nói của thế hệ trẻ, phải mang linh hồn, căn tính Việt Nam, chứ không phải sự sao chép vô hồn của nhạc trẻ Tây phương.

Trong ban nhạc Phượng Hoàng, nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang là hai người sáng tác chính. Âm nhạc của Nguyễn Trung Cang thuở Phượng Hoàng được nhạc sĩ Phạm Duy gọi là "nhạc tình ảo tình". Nguyễn Trung Cang viết về những ca từ như "Cuộc đời như chó hoang lang thang về đem (ca khúc Mặt trời đen - đây được xem là ca khúc đặt nền móng cho rock Việt). Trong khi đó, âm nhạc của Lê Hựu Hà lại sáng bừng khát khao "tìm đến thiên nhiên, sống như loài hoa hiền", khi lại muốn "hóa loài thú đi hoang, loài chim ngàn và cười vào những khoe khoang (ca khúc Tôi muốn - nhạc phẩm nổi tiếng của ông)... 

ban-nhac-phuong-hoang-co-may-thanh-vien-va-noi-tieng-co-nao-7
Cuốn sách "Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles" ghi lại những dấu ấn về một thời huy hoàng của ban nhạc

Mặc dù sáng tác những nhạc phẩm bằng tiếng Việt nhưng ban nhạc Phượng Hoàng vẫn giữ cho mình những màu sắc rất riêng của Pop rock với tiếng guitar điện tử và những khúc dạo ấn tượng, cùng tiếng đàn bass và tiếng trống nhịp nhàng trong điệu 4/4 - nhịp điệu đặc tửng của nhạc rock. Trong giai đoạn từ năm 1973 - 1974, hai nhạc phẩm "Tôi muốn" cùng "Yêu người - yêu đời" đã đoạt giải "Bài hát hay nhất giải Kim Khánh" do nhật báo Trắng Đen tổ chức. 

Nhà nghiên cứu âm nhạc người Mỹ Jason Gibbs từng đặt bút nhận xét về Phượng Hoàng: "Mặc dù ban nhạc Phượng Hoàng có vị trí then chốt trong lịch sử nhạc Việt, ban nhạc này chỉ là mầm non cho nền nhạc rock Việt Nam, Theo tôi nghĩ, ban nhạc Phượng Hoàng là ban nhạc rock đầu tiên của Việt Nam theo đúng nghĩa. Một ban nhạc rock phải tự lập và phải tự xuất bản các tác phẩm của mình. Chính cách thành viên của ban nhạc đã tự khám phá lối đi riêng. Phong cách nhạc và lời của ban nhạc Phượng Hoàng có những nét nhận diện rất độc đáo. Phải đợi đến năm 1990 thì mới có những ban nhạc rock Việt kế tiếp. Nhưng ai muốn hiểu biết về nhạc rock Việt thì công nhận sự đóng góp của ban Phượng Hoàng". 

Trong cuốn sách "Ban nhạc Phượng Hoàng - The beatles của Sài Gòn", nhạc sĩ Quốc Bảo chia sẻ: "Trong trí nhớ đứa trẻ 7 tuổi là tôi, Phương Hoàng là một-cái-gì-đó vừa mới mẻ vừa thân thuộc như The Beatles... Khi đã vào môi trường nhạc chuyên nghiệp và thân với anh Lê Hựu Hà, tôi nhận ra thêm một điều: âm nhạc Phượng Hoàng điển hình cho tinh thần nhạc trẻ Sài Gòn, tức là rất Âu châu, "thế giới cũ", vương vấn thật nhiều triết lý hiện sinh; còn về nhạc học, thì phát triển dựa trên hình mẫu của phong trào Swinging London mà anh Hà vô cùng yêu mến...".

Trong cuốn sách đó, nhạc sĩ Quốc Bảo cũng nhắc đến giọng ca chính của Phượng Hoàng - ca sĩ Elvis Phương: "Giọng hát Elvis Phương đặc biệt thích hợp với các ca khúc của Phượng Hoàng baritone đầy đặn, hùng hồn, rung sâu, có những cuộn xoáy như cơn lốc, thật chưa tìm thấy ở bất kỳ người nào khác". 

Sau ngày 30/4/1975, ban nhạc Phượng Hoàng tan rã. Chỉ có 4 năm hoạt động thường xuyên với hơn 40 ca khúc nhưng ban nhạc Phượng Hoàng đã đặt những viên gạch nền đầu tiên, làm thay đổi cái nhìn của nhiều người về nhạc trẻ Việt Nam và ghi dấu ấn đây là một ban nhạc rock Việt thực thụ. Những ca khúc nhạc trẻ thuần Việt của họ luôn được đón nhận như những viên ngọc quý của nền tân nhạc Việt Nam.

Ban nhạc Phượng Hoàng từng bị hiểu nhầm

Hình thành và phát triển trong giai đoạn lịch sử có nhiều biến động nên thật dễ hiểu khi ban nhạc Phượng Hoàng bị dính vào những hiểu lầm, chao đảo. Cụ thể, trước năm 1975, ban nhạc Phượng Hoàng bị hiểu lầm là chương trình Phượng Hoàng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chưa hết, sau năm 1975, hai chữ "Phượng Hoàng" cũng bị hiểu lầm là một trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc trùng tên ở hải ngoại. 

Cuốn sách "Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles của Sài Gòn" tuy không trực tiếp đi vào việc đính chính hiểu lầm không đáng có trên nhưng đã cung cấp các dữ liệu riêng rẽ để độc giả gián tiếp nhìn thấy sự hiểu lầm ấy quả là rất đáng tiếng.

Thật may mắn, sau gần nửa thế kỷ, tên tuổi của ban nhạc Phượng Hoàng nói chung và hai nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang nói riêng đã dần được phục hồi. Càng may mắn hơn nữa khi nhiều ca khúc của họ vẫn được chọn để hát theo những bản phối mới. Điều đó chứng tỏ, âm nhạc của Phượng Hoàng vẫn còn sức sống và luôn có giá trị tự thân. 

ban-nhac-phuong-hoang-co-may-thanh-vien-va-noi-tieng-co-nao-6
Những hiểu lầm không đáng có đã phần nào ảnh hưởng đến danh tiếng của ban nhạc trong thời gian khá dài

Không chỉ bị hiểu nhầm, sau sự kiện 30/4/1975, các tác phẩm của ban nhạc bị ngừng lưu hành tại Việt Nam do chính sách "bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy và phản động". Các bài viết được biểu diễn theo chân ca sĩ Elvis Phương ra hải ngoại và được trung tâm Asia thu âm phát hành lại.

Sau khi bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt cùng những chính sách mới hợp về hòa hợp dân tộc và văn học nghệ thuật cởi mở hơn thì các nhạc phẩm được lưu hành lại và được công chúng yêu thích. 

Vào năm 2019, một số ca khúc của ban nhạc đã xuất hiện trong phim Mắt Biếc. Đến năm 2021, cuốn sách "Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles Sài Gòn" được xuất bản nhằm tưởng nhớ ban nhạc. Một phần lợi nhuận từ việc bán sách được dùng để ủng hộ tay nhạc Nguyễn Trung Vinh.

Những bài hát do ban nhạc Phượng Hoàng sáng tác và trình diễn trước 1975

Trước 1975, nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang là hai người viết chính. Trong 4 năm hoạt động thường xuyên, họ đã cho ra mắt gần 40 nhạc phẩm:

Nhạc sĩ Ca khúc
Lê Hựu Hà Bài hát cho người trẻ; Chiều về; Đôi khi ta muốn khóc; Hãy ngước mặt nhìn đời; Hãy nhìn xuống chân; Bạn hãy vui lên bạn ơi; Hãy về cuộc sống hôm nay và ngày mai; Huyền thọi người con gái; Lời người điên; Phiên khúc mùa đông; Tôi muốn; Yêu đời - yêu người; Yêu em.
Nguyễn Trung Cang Bài ca ngông; Biệt khúc; Buồn mà chi; Còn nhìn nhau hôm nay; Dáng xưa Đà Lạt; Đêm dài; Đưa em vào luân vũ; Gửi theo mây trời; Hương thừa; Kiếp du ca; Kho tàng của chúng ta; Lời điều trần; Mặt trời đen; Mặt trời đã lên; Một giấc mơ; Oẳn tù tì; Sống cho qua hôm nay; Thương nhau ngày mưa; Tình nhân loại, thú thiên nhiên; Tình như sương khói; Xin một bóng mát bên đường.

Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Hựu Hà: Người tiên phong Việt hoá nhạc trẻ Âu – Mỹ và bi kịch cuối cùng của một con người tài hoa

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận