Trò chuyện cùng nhạc sĩ Lam Phương: “Tôi quyết không nghĩ tới nỗi buồn!”
Bản nhạc cuối cùng tôi cũng đã chọn tên “Hạnh phúc mang theo”. Nghĩa là khi sống quãng đời còn lại một mình này, tôi quyết không nghĩ tới nỗi buồn và khi chết lại càng không vác theo.
Bài phỏng vấn nhạc sĩ Lam Phương dưới đây thực thực hiện vào năm 2019, trước khi ông qua đời 1 năm. So với những bài phỏng vấn trước đó, bài viết này được ghi lại theo cách đối thoại trực tiếp, mang đậm nét dân dã rặt người miền Nam của người nhạc sĩ tài hoa.
Dưới đây là trích đoạn trong cuộc trò chuyện giữa nhạc sĩ Lam Phương cùng với người phỏng vấn:
Mấy năm trước, ghi hồi ký cho chú, chú kể quá trời chuyện. Ấy vậy mà cuối cùng chỉ cho phép viết về người mà chú thương nhất mà cổ lại mất rồi. Tưởng sao, Tết năm rồi thấy mấy tờ báo ở hải ngoại viết về chú – Nhạc sĩ Lam Phương với mấy cô lận nào là Bạch Yến, Túy Hồng, Hạnh Dung, Họa Mi….
Nhiều cô hét nhạc của Lam Phương, nhưng có mấy cô đặc biệt hơn cả. Bởi mấy cô ấy là niềm cảm hứng cho người viết nhạc. Chuyện đó thì nhiều người biết nên cũng chẳng cần người trong cuộc phải kể ra họ cũng viết được mà.
Nghĩa là bây giờ chú vẫn chung thủy với….
Vẫn… một mình! Sáng mai thức dậy của ngày hôm nay thì có cô con gái đầu lòng ghé thăm, mới vừa ăn cơm trưa xong.
Má cổ có vẻ đang hạnh phúc với người bạn đời mới lắm, còn chú sao không….
(Cười lớn) Cuộc đời mỗi người một phận nà. Có người thì yêu mãi không mệt mỏi, mình thì khác, chỉ biết là nào cần phải cất lên “Ngày tạm biệt”.
Nhắc đến “Ngày tạm biệt”, nhà văn Duyên Anh đã gọi bài hát đó là tuyệt chiêu của nhạc sĩ Lam Phương, là máu miền Nam mấy trăm năm đất mới chảy về tim nhân hậu của Lam Phương. Trong một bài viết khác của Lý Châu cũng nghe ra “hơi” vọng cổ vương vấn trong âm nhạc của Lam Phương qua những bài như “Tình cố đô”, “Chuyến đò vĩ tuyến”,… chú nghĩ sao?
Trên 200 ca khúc đã viết, bạn bè, khán thính giả cứ tùy theo tâm cảnh của mình mà chọn bài nào mình thích nhất. Có người thì thích “Khúc ca ngày mùa” vì say mê khung cảnh “Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời”. Nhưng cũng có kẻ lại thích bức tranh “xuyên lá cành, trăng lên lều vải”… Thế đấy, cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay trong bài “Xin thời gian qua mau”.
Trong số kho tàng do mình sáng tác, chú thấy bài hát nào ở lâu trong mình nhất?
Cái này thì tôi nghĩ bài nào ở trong lòng người nghe lâu nhất thì hay hơn là ở trong lòng người nhạc sĩ viết ra. Bởi khi sáng tác, bài nào cũng đủ cảm xúc thì mình mới viết, với lòng thành là từ trải nghiệm của mình rồi viết giùm cho ai đó hơn là cho mình.
Vì như bài “Lầm” cho dù ai cũng biết mình viết cho ai, nhưng đâu phải một mình mình là người duy nhất “đã lầm khi đưa em sang đây”. Hay lúc ghé Đà Lạt, chỉ trong một khoảnh khắc dạo chơi, ngồi ở sườn đồi Thung lũng tình yêu, đi xuyên qua khu mả thánh, mình đâu thể biết những nối nhạc sẽ vang lên trong lòng mình để rồi viết ra ca khúc “Thành phố buồn” mang tới lợi nhuận khá lớn về sau.
Như đã nói ở trên, đến bây giờ cháu vẫn thắc mắc về việc đào hoa như chú mà chỉ yêu cầu ghi độc nhất về cô Cẩm Hường, bóng hồng tạo cảm hứng để chú viết ra những bản tình ca như “Bài tango cho em”, “Thiên đàng ái ân”,…?
Cẩm Hường là một cô gái đẹp lại sống đôn hậu, thật thà, tình nghĩa. Cổ là một nàng thơ đúng nghĩa, chẳng bao giờ ỷ vào nhan sắc mà đòi hỏi nọ kia. Ngược lại, khi ấy mình là người đang mang đầy mặc cảm, thất thế, mất niềm tin vào cái mà người đời cho mình có là tài năng âm nhạc. Ấy thế mà cổ đã gầy lại cho mình mọi niềm tin, đó là một cuộc “phục sinh” đúng nghĩa.
Nãy giờ trò chuyện chú cứ cười suốt, nhất là khi nhắc đến tên người mỹ nhân vắn số kia?
(Cười lớn) Tôi không cho mình được phép buồn, phải cười thật nhiều để tụi nhỏ cười lây. Mà đa số nỗi buồn đều được tôi bỏ vào sáng tác hết rồi thì buồn chi nữa. Bản nhạc cuối cùng tôi cũng đã chọn tên “Hạnh phúc mang theo”. Nghĩa là khi sống quãng đời còn lại một mình này, tôi quyết không nghĩ tới nỗi buồn và khi chết lại càng không vác theo.
Nếu chú không qua đây vào năm đó?
Thi chắc là tôi sẽ đi học tập mút mùa, nhưng dù là gì thì tôi vẫn tin hoàn cảnh nào mình cũng sống được. Tính tới giờ, ngay cả sau khi bị đột quỵ phải di chuyển bằng xe lăn thì tôi vẫn tới những show diễn với chủ đề về nhạc của mình. Khi nhạc sĩ Anh Bằng còn sống, chúng tôi đã cùng nhau đi khắp Châu Âu. Ở nước Mỹ, nơi nào có người Việt mình sống đông tôi cũng ghé tới hết. Được khán giả thương, cưng tôi nghĩ là mình may mắn, vì tự thấy bản thân chẳng giỏi giang gì. Như tôi kể cô nghe rồi đó, có nhiều suất chỉ lăn xe ra có 5 phút cuối thế mà khá giả xúm lại, cảm giác đôi má của mình nát ra dưới trận mưa hun đó.
Với những ca sĩ từng hát ca khúc của mình, chú có nghĩ ai đặc biệt hợp với nhạc của mình không?
Mỗi người ca sĩ hay một lối khác nhau. Nhiều người trẻ sau này làm nhạc tử tế lắm, ít khi nào so sánh. Mà cái may của mình chính là viết nhiều nhạc. Các bạn ấy thích bài hát thì cứ hát, phù hợp với bản thân là được. Sẵn đây tôi cũng muốn cảm ơn và ủng hộ tất cả, không phân biệt xưa nay, lớn nhỏ hay Bắc Nam gì cả. Tôi cảm thấy như tất cả đều thành công khi đã đem hết cảm xúc của mình ra biểu diễn trên sân khấu.
Xem thêm: Nhạc sĩ Lam Phương: Ngôi sao sáng giữa bầu trời âm nhạc đại chúng trước 1975
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận