Nhạc sĩ Thẩm Oánh: Người thầy đa tài
Bài viết dưới đây là của nhà báo Dzương Ngọc Hoán viết để dành tặng và tri ân cho người thầy đa tài của mình – nhạc sĩ Thẩm Oánh.
Nhạc sĩ Thẩm Oánh là một trong những có công khai phá cho làng tân nhạc Việt và còn là giáo sự dạy nhạc của nhiều trường công lập nổi tiếng trước đây như Trung Vương, Chu Văn An,… Nhà báo Dzương Ngọc Hoán là một trong số những học trò cũ từng được nhạc sĩ Thẩm Oánh giảng dạy tại trường Chu Văn An. Năm 1992, Dzương Ngọc Hoán đã viết một bài với tựa “Thẩm Oánh: Người thầy đa tài” đăng trên báo Ngày Nay trong mục Sổ tay văn nghệ.
Dưới đây là nội dung chi tiết của bài viết:
Đề cập đến tài của thầy Thẩm Oánh, mọi người sẽ nghĩ ngay đến lĩnh vực sáng tác, lĩnh vực đưa tên tuổi của thầy lên đài danh vọng trong cương vị người bỏ nhiều công lao vào việc mở đường khai lối cho tân nhạc Việt Nam.
Thực vậy, năm 1937, khi loại nhạc sau này được gọi là “tân nhạc” du nhập vào Việt Nam qua hình thức những ban nhạc tây lời tây, rồi nhạc tây lời ta thì một nhóm người yêu nhạc tại Hà Nội đã thành lập một ban nhạc, có thể nói đó là ban nhạc tài tử đầu tiên ở Việt Nam. Ban Myosotis gồm 9 thành viên là Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Trần Dư, Phạm Văn Chừng, Đoàn Văn An, Nguyễn Thiện Tơ, Simon, Nguyễn Văn Phán và chủ nhân căn nhà nơi ban nhạc mượn làm chỗ tập dượt là nữ dương cầm thủ - Tô Anh Đào (người sau này trở thành vợ thầy Thẩm Oánh). Theo lời nhạc sĩ Thẩm Oánh, gọi đây là một ban nhạc có hơi quá đáng, vì nhóm này chỉ yêu nhạc, thích tụ tập để chơi nhạc cho giải buồn chứ không có dụng ý phô bày tài nghệ cùng đời. Mấy tài tử này trong tuần chỉ đôi lần tụ họp, tập dượt rất chăm chỉ. Vài người trong nhóm Myosotis, nhất là nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã nảy ra ít tự viết nhạc để đàn hát với nhau và cứ thế là “nhạc tây lời ta” bắt đầu xuất hiện.
Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Thẩm Oánh là vào năm 1937 với ca khúc “Khúc yêu đương”. Hai bài kết viết cùng năm đó chính là bài “Đôi oanh vàng” và “Xuân về”. Ban Myosotis đã được quần chúng yêu mến, đón nhận ngay từ khi mới ra mắt. Ban thường xuyên trình diễn trong các chương trình do các hội như Ánh Sáng, Truyền Bá Quốc Ngữ,… tổ chức. Chỉ trong vòng vài tháng sau khi ban Myosotis ra đời, âm nhạc cải cách đã trở một vấn đề, khen chê có đủ. Hoạt động của ban Myosotis chỉ khoảng 2 năm, thế nhưng sau đó nó đã biến thể trở thành một ban nhạc tài tử khác, quy mô hơn với gần 15 nhạc sĩ và được quần chúng yêu thích không kém.
Sáng tác không chưa đủ mãn nguyện, thầy Thẩm Oánh còn nghĩ đến việc ấn hành những nhạc phẩm của mình. Và thế là thầy đã trở thành nhạc sĩ đầu tiên có nhạc phẩm được ấn hành và bán tại Việt Nam. Ca khúc đầu tiên được đem in là bài “Đôi oanh vàng” với số lượng 500 bản với giá bán khi ấy là 10 xu một bản. Theo lời nhạc sĩ Thẩm Oánh kể lại, việc in một bản nhạc thời ấy vô cùng khó khăn. Trước hết là về kỹ thuật, dòng nhạc và nốt nhạc phải được khắc bằng tay trên gỗ. Mà thợ khắc lại không biết tí gì về âm nhạc nên khắc theo những điều họ nghĩ. Ví như dấu chấm (nghỉ) chẳng hạn, thợ khắc nghỉ là dư, tự động bỏ đi khiến bản nhạc đầu tiên nhìn vào ông liền tóa hỏa tâm tinh vì thấy lỗi nhiều quá. Mà việc sửa chữa những bản gỗ khắc như vậy thì mất rất nhiều thì giờ. Khó khăn tiếp theo là về tài chính, vì tự xuất bản thì phải có tiền. Nhưng khi ấy, nhạc sĩ Thẩm oánh đang tuổi đi học nên không có được vốn như mong muốn. Việc xin hai hãng đĩa hát lớn thời ấy là Symphonia và Pathe quảng cáo với giá 5 đồng cho nửa trang ở trang cuối cũng rất khó khăn, cực nhọc. Công lao nhiều vậy, thế nhưng bản nhạc sau khi in xong lại không bán chạy như mong muốn, cả những bài kế tiếp cũng thế. Có thể vì khi ấy loại nhạc này còn quá mới mẻ nên chưa được công chúng ưa chuộng. Nhưng kiếp tằm thì phải nhả tơ, dầu có lỗ lã, nhạc sĩ Thẩm Oánh vẫn tiếp tục tự lo ấn hành các nhạc phẩm của mình suốt 3 năm ròng là năm 1938, 1939 và 1940.
Khi đề cập tới công lao và tài nghệ của nhạc sĩ Thẩm Oánh, nhạc sĩ Lê Thương đã ca ngợi ông là người mở đồng cho nhiều lĩnh vực trong nhạc viện. Cụ thể, theo Lê Thương, Thẩm Oánh là người đầu tiên viết truyện ca (Nàng Bân, Thiếu phụ Nam Xương,…), người đầu tiên viết nhạc kịch (Quán giang hồ), người đầu tên viết Phật nhạc (tổng cộng là 8 bài gồm Thích Ca Mâu Phật, Phật phương chúng sinh, Ca tiến hoa, Ca tiếng hương, Ca tiếng đăng, ca tiếng trà, Ca triến quả và Ca tiến thực. Những ca khúc này được giới thiệu với Phật tử từ năm 1942 nhân dịp khánh thành chùa Quán sứ Hà Nội mới trùng tu xong).
Là người nặng lòng yêu nước và biết rõ tương lai đất nước trông cậy vào tâm hồn và ý chí của giới trẻ, nên ngay từ rất sớm nhạc sĩ Thẩm Oánh đã tham gia vào công tác giáo dục và soạn nhạc cho thanh thiếu niên. Dù bận rộn với Đài phát thanh Hà Nội, nguyện san Việt Nhạc,… nhưng thầy Thẩm oánh vẫn nhận dạy nhạc tại các trường Văn lang, Thăng Long, Chu Văn An, Trưng Vương,… Tại Chu Văn An thầy Thẩm Oánh dạy từ năm 1946 đến năm 1950 dưới thời Thầy hiệu trưởng Hoán và Vũ Ngô Xán. Thầy cũng là người viết hai bài ca chính thức cho trường Chu Văn An và trường Trưng Vương. Ngoài ra, thầy Thẩm Oánh còn viết rất nhiều ca khúc hùng ca kích động lòng yêu nước của thanh niên thời ấy như Nhà Việt Nam, Bài ca đoàn kết, Non nước Việt Nam, Bình Định Vương Lê Lợi, Hùng Vương,…
Từ năm 1937 đến nay, nhạc sĩ Thẩm oánh sáng tác khoảng hơn 1000 bài. Thế nhưng, sau nhiêu lần di cư ông chỉ giữ lại được khoảng hơn 1000 bản. Sau năm 1975, trong thời gian ở Sài Gòn, nhạc sĩ Thẩm oánh viết thêm 4 nhạc phẩm nữa gồm “Người đâu xa”, “Từ ngày ấy”, “Mây hồng” và “Hồn sa mạc”. Sau này ở Mỹ, ông tiếp tục cho ra mắt thêm 2 ca khúc là “Vùng đất hứa” và “Trầm tư”.
Ngoài việc đóng góp tài nghệ vào lĩnh vực sáng tác, nhạc sĩ Thẩm Oánh cũng đã nhiều lần diễn thuyết về âm nhạc. Khi giữ chức chủ bút cho tờ Việt Nhạc, qua bút hiệu Thẩm Oánh, Tô Ngọc, Ngọc Phách, Thanh La,… thầy cho thấy tài viết của mình không thua kém gì tài viết nhạc. Nhạc sĩ Thẩm Oánh cũng viết rất nhiều bài khảo luận về âm nhạc như lịch sử âm nhạc Việt Nam, lịch sử âm nhạc Tây phương, cuộc đời các nhạc sĩ lừng danh,… Ông cũng viết rất nhiều bài xã luận liên quan đến âm nhạc như kêu gọi chính phủ giúp phương tiện thúc đẩy tân nhạc tại Việt Nam, đòi chính phủ thành lập nhạc viện, khuyến khích thanh niên tập hát những ca khúc lịch sử lành mạnh để thêm cảm hứng trong nỗ lực xây dựng nước nhà,…
Gặp lại thầy Thẩm Oánh bên Mỹ, cùng nhau ngồi nhớ lại những kỷ niệm dưới mái trường Chu Văn An, thầy không giấu được vẻ xúc động. Thầy còn nhớ rõ rằng, học trò trường Chu Văn An phá phách ghê lắm, nhưng không ai dám ngỗ nghịch với thầy vì “khi dạy học tôi rất nghiêm”. Trong những ngày ở Sài Gòn, nhiều khi đang đi trên đường, bỗng có người tới trước mặt cung kính chào hỏi và tự nhận mình là học trò cũ tại trường Chu Văn An khiến thầy ấm lòng rất nhiều. Học sinh Chu Văn An hãnh diện khi được là môn đệ của thầy Thẩm Oánh, người thầy đa tài.
Xem thêm: Nhạc sĩ Thẩm Oánh: Suốt đời phụng sự cho nghệ thuật
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận