Phỏng vấn nhạc sĩ Thẩm Oánh: Là người Việt phải viết và yêu nhạc Việt

Dưới đây là trích đoạn trong bài phỏng vấn nhạc sĩ Thẩm Oánh được Nguyễn Ngu Ý thực hiện đăng trên Tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn vào năm 1963. 

Diệu Nguyễn
21:20 30/07/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Theo nhạc sĩ Thẩm Oánh thì chỉ nên phổ biến nhạc Tây phương cho thật rộng rãi, hay chỉ phục hưng, cải cách nhạc Việt?

Tôi nghĩ như thế này, học gì thì học, bắt chước gì thì bắt chước, cao siêu đến đâu thì cao siêu, nhưng phải nhớ công cuộc chấn hưng nền Việt nhạc là chính yếu. Học cái hay của người, nhìn cái đẹp của người cốt yếu là để gạn lọc lại, lưu giữ lại tinh hoa văn hóa mà chỉnh trang lấy nền âm nhạc của mình. Sự khó khăn của việc học hỏi không phải là vấn đề gai góc, miễn có trí, có nghị lực, có người hướng dẫn giàu tài đức thì bản thân người học nghệ sẽ được trau dồi vững vàng. Khi môn sinh đã hấp thụ được sự giáo dục của bậc cầm cân nảy mực giàu tài đức thì sự truyền bá tới công chúng tất cũng sẽ có sự ảnh hưởng tốt đẹp.

phong-van-nhac-si-tham-oanh-dang-tren-tap-chi-bach-khoa (2)
Nhạc sĩ Thẩm Oánh dành hơn 60 năm cuộc đời để cống hiến và phụng sự cho âm nhạc

Nếu chỉ lo phổ biến nhạc Tây phương thì bảng hiệu “Quốc gia âm nhạc” sẽ bị bôi đi mất rồi. Khi ấy là Tây, là Tàu mất rồi! là Âu Mỹ mất rồi! là quốc tế mất rồi! Là người Việt chẳng ai mong muốn như vậy cả. Nhạc sĩ Lê Thương đã hữu lý với câu “Chỉ có nhạc Việt mới có thể là món ăn tinh thần thích đáng cho người Việt”. Nếu muốn phổ biến nhạc Tây phương thì cái khó đầu tiên là phải người Tây phương mới đủ hăng hái, nghị lực và phương tiện để làm một công trình lớn lao ấy.

Nếu nhạc sĩ Thẩm Oánh chủ trương cải cách hoặc phục hưng nhạc Việt thì anh nghĩ cần đường lối, điều kiện gì? Tân nhạc hiện nay có những ưu khuyết điểm gì? Ý kiến của nhạc sĩ về tương lai nhạc Việt hoặc tương lai nghệ thuật nhạc tại Việt Nam ra sao?

Công cuộc chấn hưng nền nhạc Việt phải được coi là cần thiết và chính yếu. Với vốn ngàn xưa của cha ông để lại là cổ nhạc, với chút lợi tức mới thu hoạch được xem là sự học hỏi, hiểu biết ít nhiều về nhạc Tây phương, với công cuộc cải cách nhỏ mọn vừa định đoạt xong là sự sáng tác tân nhac, tuy còn non kém nhưng nhất định không yểu mệnh (vì ít gì cũng đã có trên 25 năm tuổi thọ). Ta đem chúng lại, gom góp, gạn lọc tìm ra cốt cách, đặt lấy nền tảng, thống nhất quan điểm và phân công trách nhiệm, đoàn kết nhất trí lại để chấn hưng nền nhạc Việt từ nay.

Và trọng yêu nhất chính là sáng tác, nếu bảo rằng: Con người nhạc sĩ muốn phục vụ đắc lực cho âm nhạc cần phải ra mắt đồng bào, thì tất là để trình bày cho đồng bào ta nghe nhạc, sao cho đồng bào ta ưa thích giai điệu, ý nhạc của bản nhạc đang trình bày chứ không phải là để đồng bào ta xem người nhạc sĩ đánh đàn. Tiếng nhạc phát ra có hay thì nhờ ngón nhạc điêu luyện của tay đàn, thì cái ý nhạc phải thuộc về bản nhạc, thuộc về sáng tác.

Nói về nhạc cổ truyền của chúng ta thì có sẵn một số lớn bài bản, có thể truyền lại cho nhau bằng phương pháp này, phương pháp khác. Còn lưu giữ mãi mãi thì không nên và không thể mai một đi được.

phong-van-nhac-si-tham-oanh-dang-tren-tap-chi-bach-khoa (3)
Nhạc sĩ Thẩm Oánh sáng tác hơn 1000 nhạc phẩm

Nói về tân nhạc thì tuy thời gian đã giúp cho nó khôn lớn, có sự trưởng thành nhất định nhưng… con cái thai nghén ra xem chừng đa đinh đấy mà sao non dại vẫn hoàn non dại lắm! Đại loại là xưa nay, tân nhạc vẫn chỉ loanh quanh trong ba ca khúc nhỏ nhặt, thường tình khiến cho các vị uyên bác, uyên thâm về cổ nhạc Tây phương nhìn ngó bằng con mắt khinh khi, hờn tủi, chua xót lắm. Ấy là vì người Việt tân nhạc thích chạy theo thị hiếu đại chúng, dễ bề thương mại hóa đứa con của mình. Đứa con này vừa mới oe oe, lại tiếp ngay đến một đứa oe oe khác, dễ dàng, mau mắn vô cùng.

Nếu sáng tác nhạc Việt có được những nhạc phẩm đặc biệt giá trị như loại bài của bà Nguyễn Văn Tỵ hoặc ít ra, nếu sáng tác tân nhạc luôn có được những đứa con tinh thần như Hòn vọng phu, Hội trùng dương, Quán giang hồ, Đêm tàn bến Ngự, Vương tơ,… hoặc những bản “dân ca chính đính” và gần đây là những bản hợp tấu dung hòa cổ kim của nhạc trưởng Nghiêm Phú Phi. Nếu có được những sáng tác như vậy thì chẳng ai có thể khinh rẻ được nền tân nhạc Việt được đâu.

Tôi nghĩ rằng, vấn đề sáng tác cần phải được chăm lo đặc biệt, sớm cải thiện được ngày nào là nền tân nhạc được nở mặt lúc ấy. Nâng đỡ nó chừng bao thì nó sớm trưởng thành chừng ấy. Khuyến khích nó nhiều thì ắt nó sẽ vững vàng dần thôi. Hoạch định hướng tiến cho nó với phương pháp hẳn hòi, thì tất nó chẳng còn hoang dại, thô sơ nữa. Sở dĩ nó sinh sinh, hóa hóa, bừa bãi  như vậy, chỉ vì người đời cứ coi chúng như là những đứa con hoang, thế nào cũng được. Hãy đỡ đầu chúng đi, giáo dục lại chúng một cách chuẩn mực vào, tất chúng sẽ hoàn lương tươi tốt như mùa xuân rạng rỡ.

Tới đây, tôi xin tạm ngừng ý kiến của mình vì như thế cũng vừa đủ trong phạm vi một bài trả lời cuộc phỏng vấn. Còn vài vấn đề cần khác, tôi sẽ xin góp ý với các bạn trong một dịp khác.

Xem thêm: Bài viết của nhạc sĩ Thẩm Oánh: Lược sử hình thành và phát triển tân nhạc Việt Nam

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận