Phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm: Sáng tác là phương tiện để giải tỏa những ẩn ức, cô đơn

Đối với nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm, sáng tác đã trở thành một nghiệp dĩ và anh sẽ gắn bó với nó mãi mãi, đến khi nhắm mắt xuôi tay mới ngừng lại được.

Diệu Nguyễn
17:00 22/07/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Bài phỏng vấn dưới đây được trích từ Tuần báo Văn nghệ, Úc Châu được xuất bản vào ngày 26/07/2008 do Nguyễn Vi Túy thực hiện. Trong bài phỏng vấn nhà, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã có những chia sẻ, trải lòng về sự nghiệp sáng tác và chuyện đời của mình, những câu chuyện chưa từng được tiết lộ trước đó.

Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm, anh bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ khi nào và trong hoàn cảnh nào? Đâu là nhạc phẩm đầu tay của anh?

Nếu cho rằng sáng tác là sự sáng tạo được thể hiện bằng cao độ của những nốt nhạc và lời, hát lên cho người khác nghe và chia sẻ được cảm xúc của mình thì có thể nói tôi bắt sáng tác từ năm 1973. Khi ấy, tôi mới 13 tuổi, nhạc phẩm đầu tay là bài “Cô gái mơ” được phổ từ bài thơ cùng tên của cố thi sĩ Nguyễn Bính. Nhưng nếu nói đúng theo nghĩa viết nhạc là thể hiện những nốt nhạc và lời trên trang giấy thì ca khúc “Trả lại thoáng mây bay” được viết tại Bruxelles năm 1980, do ca sĩ Lệ Thu thu âm lần đầu trong album “Thu hát cho người” vào năm 1982, mới chính là nhạc phẩm đầu tay của tôi.

phong-van-nhac-si-hoang-thanh-tam-sang-tac-la-phuong-tien-de-giai-toa (2)
Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm sáng tác ca khúc đầu tay vào năm 1973 khi mới 13 tuổi

Có thể nói, tôi bước vào con đường âm nhạc rất ngẫu nhiên và tình cờ. Bởi vì khi viết xong nhạc phẩm đầu tay cùng một số bài hát khác, tôi không bao giờ có ý nghĩ mình sẽ thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Mà đối với tôi, sáng tác chỉ là một phương tiện để giải tỏa những ẩn ức, cô đơn và nỗi nhớ khi bản thân đột ngột thay đổi hoàn cảnh và môi trường sống. Nhất là khi phải rời xa quê hương, xa những người thân yêu và xa mối tình đầu học trò với nhiều kỷ niệm hoa mộng…

Cho đến khi, tôi đưa cho ca sĩ Lệ Thu ca khúc đầu tay, nghe chị hát xong tôi mới dần cảm thấy tự tin và tăng thêm hứng khởi để bước vào sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp. Tôi đã tự bay sang Mỹ để thực hiện album đầu tay của mình, trong đó gồm những nhạc phẩm tôi đã viết trong suốt khoảng thời gian ở Bỉ và khi sang Úc. Album được trung tâm Giáng Ngọc phát hành tại Hoa Kỳ năm 1986, mang chủ đề “Lời tình buồn” .

Mọi người đánh giá anh là một trong những nhạc sĩ rất thành công với lĩnh vực nhạc phổ thơ, điển hình là nhạc phẩm “Tháng sáu trời mưa”. Vậy nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm có ý kiến gì về nhận định này, cũng như động lực nào đã giúp anh làm những cuộc phối ngẫu giữa thơ và nhạc?

Thành thật mà nói, khi tôi phổ nhạc cho bài thơ “Tháng sáu trời mưa” của thi sĩ Nguyễn Sa vào năm 1987 ở Canberra, tôi cũng không ngờ được ca khúc này lại được công chúng đón nhận và yêu thích cuồng nhiệt đến vậy. Vì nếu, so với nhạc phẩm đầu tay của tôi là “Trả lại thoáng mây bay” thì số lượng ca sĩ thu âm bài này còn nhiều hơn cả. Nhưng khi nhắc đến tên tôi thì mọi người đều chỉ nhắc đến ca khúc “Tháng sáu trời mưa”. Chắc có lẽ đúng như ca sĩ Lệ Thu đã từng nói: “Mỗi tác phẩm đều có một định mệnh riêng, cái định mệnh rực rỡ của sự vinh quang hoặc cái định mệnh khốc liệt của sự lãng quên…”.

Từ ngày bắt đầu sáng tác, tôi đã rất thích phổ nhạc cho những bài thơ mình yêu thích. Bởi đối với tôi, phổ nhạc một bài thơ sao cho “thoát” và đưa được những vần chữ bằng trắc sẵn có trong bài vào nhạc sao cho bản nhạc không bị gượng ép và khiến người nghe nếu không biết trước đó là thơ thì sẽ nghĩ rằng lời và nhạc do cùng một người viết chính là một thử thách lớn. Tôi nghĩ, điều này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật, mà người viết cần phải có một năng khiếu trời cho nữa. Như thế mới có thể lựa chọn những nốt nhạc, cung bật phù hợp khiến người nghe thích thú và khoái cảm. Tôi rất may mắn khi có thể đem được những bài thơ mình yêu thích vào trong âm nhạc, và đa số những nhạc phổ thơ ấy cũng đều được khán giả, ca sĩ yêu thích như “Tháng sáu trời mưa”, “Ngập ngừng”, “Cô hái mơ”, “Đêm Hoàng Lan”,… Và nói thêm một chút, tôi chỉ phổ nhạc những bài thơ nào mà tôi “cảm” được, chứ không viết nhạc theo đơn đặt hàng hay vì nể tình một người nào cả.

Với một bề dày quá trình sáng tác hơn phần tư thế kỷ như vậy, nhưng ít khi nào khán giả thấy tên nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm xuất hiện trong các hoạt động văn nghệ ở xứ Úc, anh có thể chia sẻ thêm về điều này không?

Tôi là một nghệ sĩ sáng tác, chứ không phải là nghệ sĩ trình diễn, nên chuyện ít xuất hiện trước công chúng là điều hiển nhiên. Hơn nữa, tôi là một người có đời sống hơi trầm lặng và khép kín, tôi chỉ muốn âm thầm sáng tácrồi phổ biến những tác phẩm của mình đến khán thính giả qua các phương tiện truyền thông. Và tôi nghĩ như vậy cũng đủ để tôi đến gần với những khán thính giả yêu mến mình, cũng như bày tỏ được những cảm xúc của mình qua âm nhạc để sẻ chia với những người đồng cảm.

Anh quan niệm thế nào về tình yêu, nhất là từ một người đã từng gặp đổ vỡ trong chuyện tình cảm như anh?

Tôi nghĩ đây là một câu hỏi hóc búa, tôi xin được phép không lạm bàn về quan niệm tình yêu. Bởi theo tôi, mỗi người trong chúng ta đều có những suy nghĩ, cách hành xử, cũng như hoàn cảnh cuộc sống khác nhau, nên rất khó để trả lời một cách khách quan.

phong-van-nhac-si-hoang-thanh-tam-sang-tac-la-phuong-tien-de-giai-toa (1)
Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm từng trải qua đỗ vỡ trong hôn nhân

Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của tôi thì để duy trì được một tình cảm tốt đẹp và một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì người trong cuộc phải có một tình yêu đích thực với nhau, phải biết cho đi mà không đòi hỏi phải nhận lại. Và hơn hết, trong tình yêu cần phải biết hy sinh, chịu đựng và chấp nhận vì nhau. Một khi đã xác định đó là niềm hạnh phúc đích thực của đời mình thì phải biết vun xới, gìn giữ và quý trọng hạnh phúc ấy. Tôi đã không làm tròn được những điều đó, nên rơi vào sự đổ vỡ trong hôn nhân. Nên tôi nghĩ rằng, từ những kinh nghiệm đau thương đó, tôi sẽ rút ra được nhiều bài học quý giá để có thể hoàn thiện mình tốt hơn trong tương lai.

Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm có còn tiếp tục sáng tác trong thời gian tới hay không?

Với quá sáng tác nhạc hơn phần tư thế kỷ với hơn 60 nhạc phẩm, tôi nghĩ rằng viết nhạc đã trở thành một nghiệp dĩ đối với tôi và sẽ gắn liền với cuộc đời của tôi. Tôi biết mình sẽ còn tiếp tục nghiệp dĩ này mãi cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Thời gian qua, tôi cũng có sáng tác thêm một số ca khúc mới và dự định tới thời điểm thích hợp tôi sẽ phổ biến những nhạc phẩm này, chắc là sẽ trong album mới nhất.

Xem thêm: Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm: Từ chàng thiếu niên với tâm hồn tan vỡ tới “tiểu phượng hoàng” của nhạc hải ngoại

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận