Nhạc sĩ Trần Trịnh: Vang bóng một thời với ca khúc bất hủ “Lệ đá”

Nhắc đến nhạc sĩ Trần Trịnh không ai không biết đến ca khúc “Lệ đá” bất hủ của ông. Ngoài vai trò nhạc sĩ, Trần Trịnh là một nhạc công xuất sắc và là người thầy - người chồng dìu dắt ca sĩ Mai Lệ Huyền - “Búp bê lửa” một thời của làng nhạc Sài Gòn.

Diệu Nguyễn
15:00 13/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
amnhac.net

Bài viết này thuộc series Nhạc Trịnh

Nhạc Trịnh

Xem thêm

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ TRẦN TRỊNH

  • Tên thật: Lê Văn Lượng
  • Nghệ danh: Trần Trịnh
  • Ngày sinh: 1937 - 2012
  • Quê quán: sinh ra tại Thái Lan, lớn lên tại Hà Nội
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: Nhạc vàng, Nhạc ngoại 
  • Ca khúc nổi tiếng: Lệ đá, Hai sắc hoa Tigôn, Chợ đêm miền tây,…
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Mai Lệ Huyền, Nhật Trường, Đức Huy, Khánh Ly,...
  • Thời gian hoạt động: 1950 - 2012

Nhạc sĩ Trần Trịnh là ai?

Nhạc sĩ Trần Trịnh tên thật là Trần Văn Lượng, sinh năm 1937 tại Thái Lan, nhưng sau đó về Hà Nội và lớn lên tại đây. Cha Trần Trịnh là một nhân viên của tòa đại sứ Pháp, còn mẹ là một người phụ nữ Lào.

Năm 1946, khi ấy Trần Trịnh 9 tuổi, ông theo cha chuyển vào Sài Gòn để sinh sống. Tại đây, Trần Trịnh được theo học ngôi trường Taberd danh tiếng nằm ở đường Nguyễn Du (nay là trường Trần Đại Nghĩa). Ở đây ông được học nhạc cùng thầy Resmi Trịnh Văn Phước. Vì ngưỡng mộ thầy nên sau này khi bắt đầu sáng tác, ông đã ghép họ của mình với họ của thầy để tạo thành nghệ danh “Trần Trịnh”.

Mặc dù đam mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng nhạc sĩ Trần Trịnh không được cha mẹ ủng hộ, khuyến khích theo con đường nghệ thuật, nên ông chỉ theo học nhạc trong chương trình phổ thông của trường.

Nhạc sĩ Trần Trịnh là một trong những nhạc sĩ có tác phẩm đầu tiên từ rất sớm. Năm 14 tuổi, ông cho ra đời ca khúc đầu tiên mang tên “Cung đàn muôn điệu”, nhưng mãi đến 3 năm sau (năm 1954), ca khúc này mới được nhà xuất bản An Phú phát hành. Những sáng tác tiếp đó của Trần Trịnh là bài “Chuyến xe về nam” năm 1955 và bài “Viết trên đường nở hoa” năm 1956.

Nhac-si-Tran-Trinh-la-ai-Moi-tinh-voi-ca-si-Mai-Le-Huyen-1
Nhạc sĩ Trần Trịnh có nhạc phẩm đầu tay vào năm 14 tuổi

Vào năm 1955, sau khi đậu bằng tú tài 2 của Pháp, nhạc sĩ Trần Trịnh được gia đình gửi lên vừa học vừa làm tại Nha Kiến Trúc Đà Lạt. Năm 1957, ông thi hành nghĩa vụ quân dịch khóa đầu tiên tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Nhạc sĩ Trần Trịnh phục vụ 2 tháng ở liên đoàn A và 2 tháng ở liên đoàn B, sau đó ông chuyển sang phục vụ trong ban văn nghệ cho đến khi đi về. Trong thời gian đó, nhạc sĩ Trần Trịnh đã phổ nhạc cho bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn” rất nổi tiếng sau này.

Năm 1958, sau khi xuất ngũ nhạc sĩ Trần Trịnh trở lại Sài Gòn và tiếp tục theo học nhạc với thầy Trịnh Văn Phước. Buổi tối ông thường đi biểu diễn piano tại các phòng trà, vũ trường. Ngoài ra, nhạc sĩ Trần Trịnh còn tham gia hoạt động ở ban văn nghệ của Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Tại đây, ông đã có cơ hội gặp gỡ nhạc sĩ Nhật Ngân và cả hai cùng nhau hợp soạn, cho ra đời rất nhiều ca khúc nổi tiếng với bút danh Trịnh Lâm Ngân (Trịnh là Trần Trịnh, Ngân là Nhật Ngân, còn Lâm chính là Lâm Đệ - thường được giới thiệu là con của ông chủ hãng đĩa Sóng Ngọc, tức là ông Nguyễn Tất Oanh. Tuy nhiên, sau này người nhà của ông Nguyễn Tất Oanh đính chính lại rằng, cái tên Lâm Đệ chỉ là một người quen biết với gia đình chứ không có liên quan gì tới Sóng Nhạc). Như vậy, trong nhóm Trịnh Lâm Ngân khi ấy chỉ có Trần Trịnh và Nhật Ngân tham gia sáng tác.

Thời gian sau đó, nhạc sĩ Trần Trịnh trở thành nhạc trưởng ban đại hòa tấu và hợp xướng Đống Đa của Đài truyền hình THVN.

Năm 1963, nhạc sĩ Trần Trịnh và nhạc sĩ Nhật Ngân tham gia biểu diễn tại đoàn kịch Tân Dân Nam của bà Túy Hoa. Tại đây nhạc sĩ Trần Trịnh quen biết cô nữ sinh trẻ Thu Cúc (ca sĩ Mai Lệ Huyền sau này). Tình thầy trò trở thành tình vợ chồng, năm 1964 nhạc sĩ Trần Trịnh và ca sĩ Mai Lệ Huyền kết hôn với nhau.

Nhac-si-Tran-Trinh-la-ai-Moi-tinh-voi-ca-si-Mai-Le-Huyen-2
Ngoài vai trò nhạc sĩ, Trần Trịnh còn là một nhạc công có tiếng ở Sài Gòn

Năm 1968, nhạc sĩ Trần Trịnh có cơ duyên gặp gỡ với nhà thơ Hà Huyền Chi. Lần gặp gỡ này Hà Huyền Chi đã đồng ý nhận viết lời cho một nhạc phẩm của Trần Trịnh là bài “Lệ đá”. Sự kết hợp này đã cho ra đời một ca khúc bất hủ, được mọi người vô cùng yêu thích.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Trần Trịnh dừng lại việc viết nhạc, thay vào đó ông cộng tác với các đoàn hát, đoàn cải lương, gánh xiếc để mưu sinh. Năm 1994, Trần Trịnh bị thương nặng ở đầu gối do một tai nạn xe cộ, kể từ đó ông phải dùng gậy mỗi khi đi đứng.

Năm 1995, nhạc sĩ Trần Trịnh qua Mỹ theo diện ODP theo sự bảo lãnh của người chị ruột, là vợ của cố giáo sư Nguyễn Đình Hòa. Chỉ sau 3 tháng ở với gia đình chị ở San Francisco, gia đình Trần Trịnh quyết định chuyển về sống tại quận Cam. Lúc này ông đã lớn tuổi, sức khỏe đã khá yếu. Thế nhưng, vì đam mê âm nhạc vẫn còn, nhạc sĩ Trần Trịnh vẫn nhận làm hòa âm cho một số trung tâm băng nhạc và chơi nhạc tại một số phòng trà của người Việt tại hải ngoại. Ở nước ngoài, nhạc sĩ Trần Trịnh sáng tác trở lại, tác phẩm cuối cùng ông viết là “Chiếc lá cuối cùng” được phổ từ thơ La Dernìere Feuille, viết năm 2006.

Nhạc sĩ Trần Trịnh qua đời tại Mỹ vào tháng 10 năm 2012, hưởng thọ 75 tuổi.

Nhạc sĩ Trần Trịnh  và một thời nồng cháy với ca sĩ Mai Lệ Huyền

Trong một lần tham gia biểu diễn tại Bình Long năm 1964, nhạc sĩ Trần Trịnh quen biết với cô nữ sinh có tên Thu Cúc, lúc đó là thành viên trong ban văn nghệ của tỉnh do nhạc sĩ Bắc Sơn làm trưởng Ban. Thấy Thu Cúc có giọng hát hay, như một viên ngọc thô chỉ cần mài giũa đúng cách sẽ trở thành ngôi sao trong tương lai, nên nhạc sĩ Trần Trịnh mời cô về Sài Gòn để thuận tiện theo nghiệp hát.

Thời kỳ này Thu Cúc (ca sĩ Mai Lệ Huyền sau này) theo cha sống ở Bình Long, vì gia đình cô sở hữu một số đồn điền ở đây. Sau khi trở về Sài Gòn, hai người thư từ qua lại với nhau. Sau thời ngắn quen nhau, từ tình thầy trò cả hai chuyển thành tình yêu. Năm 1964, họ kết hôn với nhau, khi đó Mai Lệ Huyền mới 18 tuổi. Năm 1965 nhạc sĩ Trần Trịnh và ca sĩ Mai Lệ Huyền có với nhau một cô con gái, được đặt tên là Lệ Trinh.

Nhac-si-Tran-Trinh-la-ai-Moi-tinh-voi-ca-si-Mai-Le-Huyen-3
Nhạc sĩ Trần Trịnh và vợ ca sĩ Mai lệ Huyền

Sau khi thành vợ chồng, nhạc sĩ Trần Trịnh đã giới thiệu ca sĩ Mai Lệ Huyền đi hát ở những phòng trà, vũ trường mà ông cộng tác. Nhận thấy giọng hát của Mai Lệ huyền phù hợp với những bản nhạc vui tươi, thế là ông cùng nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác một thể loại nhạc kịch để vợ mình cùng ca sĩ Hùng Cường trình diễn trên sân khấu như: “Gặp nhau trên phố”, “Vòng hoa yêu thương”, “Hai trái tim vàng”,… Chính nhờ những nhạc phẩm này mà cặp song ca kích động nhạc Hùng Cường – Mai Lệ Huyền đã trở thành “cặp sóng thần” của dòng nhạc sôi động, làm mưa làm gió một thời tại Sài Gòn.

Sau hơn 10 năm chung sống, vào tháng 4 năm 1975, ca sĩ Mai Lệ Huyền di cư sang nước ngoài, khi ấy nhạc sĩ Trần Trịnh không thể đi cùng vì ở quê còn song thân cao tuổi. Hai người ly biệt nhau từ đó, nhưng cũng có thông tin cho rằng nhạc sĩ Trần Trịnh và ca sĩ Mai Lệ Huyền chia tay nhau từ năm 1971. Hai năm sau, Mai Lệ Huyền có viết thư về cho con gái, trong thư có khuyên nhạc sĩ Trần Trịnh bước thêm một bước nữa.

Vào năm 1977, nhạc sĩ Trần Trịnh quên người cũ và lập gia đình lần thứ 2. Ông có với người vợ sau 3 người con trai. Người con trai đầu của ông không may bị thiệt mạng trong một lần đi tắm sông với bạn bè năm 17 tuổi. Năm 1995, ông cùng gia đình sang Mỹ định cư. Hai vợ chồng chung sống hạnh phúc đến khi nhạc sĩ Trần Trịnh qua đời vào năm 2012.

Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trần Trịnh

Dù không được gia đình ủng hộ, nhạc sĩ Trần Trịnh vẫn đến với âm nhạc từ rất sớm. Năm 1950, khi ấy Trần Trịnh 14 tuổi, ông có sáng tác đầu tiên mang tên “Cung đàn muôn điệu”. Đến năm 17 tuổi, nhạc phẩm này của ông được nhà xuất bản An Phú nhận phổ biến và năm 1956 lại được nhà xuất bản Diên Hồng tái bản. Sau này bài hát còn được dùng làm nhạc chuyên mục trong một chương trình tân nhạc cùng với bài “Chuyến xe miền Nam” cũng do Trần Trịnh sáng tác năm 1955 được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành.

Trong khoảng thời gian nhập ngũ năm 1957, nhạc sĩ Trần Trịnh tiếp tục cho ra mắt ca khúc “Đôi mươi”, đến năm 1958 lại cho ra mắt bài hát phổ thơ “Hai sắc hoa Ti gôn”. Hai nhạc phẩm này của nhạc sĩ Trần Trịnh được công chúng bấy giờ đón nhận và vô cùng yêu thích.

Tuy nhiên, người yêu nhạc lúc bấy giờ biết đến tên tuổi nhạc sĩ Trần Trịnh nhiều vẫn là thông qua bài “Lệ đá” do ông sáng tác năm 1968, được nhà thơ Hà Huyền Chi đặt lời.

Nhac-si-Tran-Trinh-la-ai-Moi-tinh-voi-ca-si-Mai-Le-Huyen-4
Nhạc sĩ Trần Trịnh và nhạc sĩ Nhật Ngân thời trẻ

Ngoài những nhạc phẩm kinh điển kể trên, nhạc sĩ Trần Trịnh còn là tác giả của nhiều nhạc phẩm đặc sắc được viết dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân, cùng hợp soạn với nhạc sĩ Nhật Ngân. Trong những năm thập niên 1960 – 1970, nhạc sĩ Trịnh Trọng  và nhạc sĩ Nhật Ngân cho ra một số lượng lớn những bài hát mang âm hưởng dân tộc đi vào lòng công chúng như: “Xuân này con không về”, “Mùa xuân của mẹ”, “Qua cơn mê”, “Yêu một mình”, “Hai trái tim vàng”,…

Tuy nhiên, sau năm 1975, nhạc sĩ Trần Trịnh đã dừng hẳn lại việc viết nhạc. Thay vào đó ông cộng tác làm nhạc cho các đoàn hát, đoàn cải lương, gánh xiếc, phòng trà và vũ trường để kiếm sống.

Mãi đến khi sang Mỹ năm 1995, nhạc sĩ Trần Trịnh mới quay lại con đường sáng tác. Trong số những bài sáng tác trong thời gian ở hải ngoại, thì bài “Trái sầu đầy” và “Một đóa bâng khuâng màu e ấp” được những yêu nhạc rất yêu thích. Ngoài nhạc Việt, nhạc sĩ Trần Trịnh còn sáng tác một số bài hát tiếng anh, những ca khúc này của ông đã được Hilltop Records Hollywood giới thiệu vào album, gồm có: “Forget Me Not, The Stars Band”, “Crying Rocks” và gần đây nhất là bài “Forever Love” vào năm 2008 nằm trong album “The Best of Hilltop”.

Trong giai đoạn cuối đời tuy không còn nhiều hứng thú trong sáng tác, nhưng khi thưởng thức bài thơ La Dernière Feuille (Chiếc lá cuối cùng) của thi sĩ Théophile Gauthierm, nhạc sĩ Trần Trịnh cảm nhận trái tim mình rung lên, điều này đã thôi thúc ông phổ nhạc cho bài thơ bất hủ này. Cứ thế, nhạc phẩm mang tên “Chiếc lá cuối cùng” của ông ra đời và đây cũng là ca khúc cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa.

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Trần Trịnh

Số lượng các sáng tác của nhạc sĩ Trần Trịnh tuy khiêm tốn, nhưng tất cả đều nổi tiếng và để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng yêu nhạc.

Một số nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Trần Trịnh: Lệ đá, Trái sầu đầy, Tiếng đàn, Chiếc lá cuối cùng, Chợ đêm miền tây, Chuyến xe về nam, Chuyện hai con sâu và chiếc lá chết, Cơn going, Cung đàn muôn điệu, Đêm tuyệt vời, Đêm vàng, Đỉnh cao gió hú, Gãy cành thiên hương, Hai sắc hoa ti gôn, Hạnh phúc nơi nào, Hoa nắng, Lá thư kỷ niệm, Một đóa bâng khuâng màu e ấp, Nhớ về một mùa xuân,…

Những nhạc phẩm bất hủ được nhạc sĩ Trần Trịnh hợp soạn cùng nhạc sĩ Nhật Ngân dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân: Qua cơn mê, Người tình và quê hương, Mùa xuân của mẹ, Yêu một mình, Thư xuân trên rừng cao, Xuân này con không về,…

Nhac-si-Tran-Trinh-la-ai-Moi-tinh-voi-ca-si-Mai-Le-Huyen-5
Ca Khúc "Lệ đá" của nhạc sĩ Trần Trịnh

Trong đó, ca khúc “Lệ đá” có thể xem là nhạc phẩm tiêu biểu nhất của ông, một bài hát có sức sống mãnh liệt và được nhiều thế hệ yêu thích. Khác với những nhạc phẩm phổ thơ khác, ca khúc này của nhạc sĩ Trần Trịnh được sáng tác trước, lời được thi sĩ Hà Huyền Chi soạn sau. “Tôi nghe Trần Trịnh đàn vài lần, cố gắng nhập tâm vào cái âm hương của bản nhạc. Sau đó tôi bắt đầu chơi ô chữ: Đặt lời vào giai điệu có sẵn”, thi sĩ Hà Huyền Chi từng chia sẻ. Sau khi ra mắt, ca khúc “Lệ đá” với tiếng hát Nhật Trường đã làm mưa làm gió một thời Sài Gòn ở cuối thập niên 1960.

“Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời

Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời

Hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt

Ái ân bây giờ là nước mắt

Cuối hồn một thoáng nhớ mong manh”.

Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Trần Trịnh

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường từng viết về nhạc sĩ Trần Trịnh như sau: “Nhạc sĩ Trần Trịnh là một bậc tài hoa lãng mạn, là một nghệ sĩ lớn trong âm nhạc và trong cả phong cách sống hằng ngày: Thẳng thắn, trung thực, giản dị và rất khiêm nhường. Anh là một chân dung đẹp trên bầu trời âm nhạc Việt Nam”.

Nhac-si-Tran-Trinh-la-ai-Moi-tinh-voi-ca-si-Mai-Le-Huyen-6
Nhạc sĩ Trần Trịnh chơi đàn tại hải ngoại

Nhạc sĩ Trần Trịnh là một nghệ sĩ piano chuyên chơi đàn cho các phòng trà, vũ trường Sài Gòn cả trước và sau năm 1975, ông giỏi về giai điệu, nhưng lại không giỏi trong vấn đề đặt lời bài hát. Cũng vì không có thế mạnh về đặt lời nên nhạc sĩ Trần Trịnh lúc sinh thời sáng tác rất ít. Tuy sáng tác ít, nhưng các ca khúc mỗi khi ra mắt đều được công chúng đón nhận và vô cùng yêu thích. Những sáng tác của ông đã làm đa dạng, phong phú thêm kho tàng âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc Vàng trước năm 1975.

Tổng hợp

Xem thêm: Chân dung ca - nhạc sĩ Duy Khánh: Đẹp trai, tài hoa và là một trong "tứ trụ nhạc vàng" trước 1975

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận