Nhạc sĩ Thẩm Oánh qua lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Hiền: Người tiên phong sáng tác nhạc với lời ca thuần túy Việt Nam
Bài viết là lời từ biệt của nhạc sĩ Nguyễn Hiền dành cho đàn anh của mình - nhạc sĩ Thẩm Oánh, người nhạc sĩ tiên phong, đa tài, từ giã cõi đời ở tuổi 80.
Tin nhạc sĩ Thẩm Oánh vĩnh viễn ra đi đến với chúng ta chỉ cách vài tháng sau cái chết của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và nhạc sĩ Văn Cao. Đó là một mất mát lớn trong giới âm nhạc Việt Nam. Nếu lịch sử là sự tiếp nối giữa các thế hệ, thì những lớp người đi trước cần được ghi nhận công lao xứng đáng qua những đóng góp không nhỏ cho nền âm nhạc nước nhà trong suốt quãng đời làm nghệ thuật.
Nói đến nhạc sĩ Thẩm Oánh, công lao của ông rất đáng kể nếu chúng ta quay về những năm giữa thập niên 1930, khi tân nhạc Việt Nam chỉ vừa xuất hiện lác đác vài bản nhạc. Lớp thanh niên lúc ấy chỉ biết đến những bài ca Pháp thịnh hành do danh ca Tino Rossi trình bày qua những đĩa nhựa. Kỹ thuật điện ảnh lúc bấy giờ cũng rất thô sơ với loại phim câm chưa có âm thanh đi kèm. Mãi đến năm 1936 mới bắt đầu xuất hiện những cuốn phim có tiếng đầu tiên, được quảng cáo ầm ĩ trên báo qua cụm từ “Cinema Parlant”, khiến lớp thanh niên Việt Nam thời đại say mê, lôi cuốn.
Trong bối cảnh vô cùng hạn chế ấy, nhạc sĩ Thẩm Oánh chính là người đi tiên phong sáng tác nhạc với những lời ca thuần túy Việt Nam. Bản đầu tiên ông viết, nếu tôi nhớ không lầm thì là bài “Có ai sang đò”. Bài hát này sau khi ra mắt được lớp thanh niên thiếu nữ chuyền tay nhau chép lại tập hát ở nhà, bởi hồi đó chưa có nhà xuất bản nào phát hành nhạc.
Thời ấy ở Hà Nội, người ta biết đến tên ông cùng với Dương Thiệu Tước qua bản nhạc đầu tiên mang tên “Tâm hồn anh tìm em”. Cả hai như một cặp bài trùng xuất hiện trên sân khấu Nhà Hát Lớn trong những buổi trình diễn kịch nói hiếm hoi, có xen kẽ một vài bản nhạc Việt Nam.
Ngoài việc tiên phong về viết nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Thẩm Oánh còn là người đầu tiên đứng ra thành lập ban nhạc Tricea (Hoa Lưu Ly) quy tụ những tay đàn xuất sắc như Lê Yên, Lê Lôi, Dương Thiệu Tước, Vũ Khánh, Nguyễn Văn Diệp và Nguyễn Văn Hiếu.
Vì say mê âm nhạc mà nhạc sĩ Thẩm Oánh đã chọn con đường nghệ thuật thay vì theo con đường khoa bảng như phần lớn thanh niên thời Pháp thuộc khi ấy, chỉ học hành mong kiếm được tấm bằng và địa vị cao sang trong xã hội.
Thẩm Oánh đi vào con đường nghiên cứu âm nhạc rất sớm cùng với Dương Thiệu Tước và Nguyễn Xuân Khoát. Ông đặc biệt chú trọng đến hệ thống ngũ âm của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, điều này dễ dàng nhận thấy qua nét nhạc ông sáng tác.
Tôi còn nhớ rất rõ, Thẩm Oánh là người có biệt tài ăn nói khúc chiết, dịu dàng. Mỗi khi xuất hiện trước công chúng ông đều có dáng dấp trịnh trọng, nghiêm chỉnh, điều này làm tăng thêm giá trị của những buổi tổ chức thời tiền chiến.
Uy tín của nhạc sĩ Thẩm Oánh khi ấy vang dội khắp nước và các nhân sĩ Nam Kỳ thời ấy thậm chí đã mời ông vào Sài Gòn diễn thuyết về đề tài “Âm nhạc Việt Nam” bằng tiếng Pháp tại hội quán Samipic đường Trần Hưng Đạo.
Thẩm Oánh xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Hà Nội. Ông cũng là một trong số những người đứng ra sáng lập đài phát thanh Hà Nội được thu lại từ tay người Pháp. Ở Hà Nội, ông cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Diệp từ đứng ra tổ chức phòng trà Quán nghệ sĩ ở Bờ hồ, một trong những phong trào đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội năm 1945.
Ngoài vai trò sáng tác, Thẩm Oánh còn là giáo sư giảng dạy môn Pháp tại trường trung học Duvillier phố hàng Đẫy và môn âm nhạc cho nhiều trường công lập, tư thục từ Hà Nội đến Sài Gòn cho đến năm 1975.
Là người mang trái tim tha thiết với dân tộc, đất nước nhạc sĩ Thẩm Oánh đã viết rất nhiều ca khúc để đời như “Việt Nam hùng tiến” (được dùng đài hiệu cho đài phát thanh Hà Nội và Sài Gòn), “Nhà Việt Nam”, “Trưng Nữ Vương”, “Hùng Vương”,… Mỗi dịp xuân về, người ta cũng sẽ nhớ ngay đến bản “Xuân về” mang đậm hồn nét dân tộc được ông chắp bút năm 1939, do Tự Lực Văn Đoàn xuất bản.
Năm 1949, khi tiếp quản đài Phát thanh Hà Nội, nhạc sĩ Thẩm Oánh đã thành lập ban Việt Nhạc quy tụ các ca nhạc sĩ nổi tiếng thời đó như Minh Đỗ, Ngọc Bảo, Canh Thân…
Điểm đặc biệt ở nhạc sĩ Thẩm Oánh chính là ông rất khiêm tốn, hòa đồng với tất cả anh chị em trong giới nghệ sĩ và chẳng bao giờ thấy ông khoe khoang công việc ông làm. Năm 1961, tôi được vinh dự thay ông trong nhiệm vụ Chủ sự Phòng văn nghệ Nha vô tuyến Truyền thanh Sài Gòn. Trong buổi lễ bàn giao, trước đông đủ anh em văn nghệ, khi tôi ca ngợi những đóng góp của ông cho nền âm nhạc Việt Nam nhạc sĩ Thẩm Oánh đã rất cảm động, đứng dậy cảm ơn tôi.
Có một điều rất ít người biết, Thẩm Oánh chính là người đã sửa lại bài quốc ca của cả hai miền Nam Bắc. Năm 1943, khi Lưu Hữu Phước viết bản “Tiếng gọi sinh viên” còn đang là sinh viên nha khoa ở Hà Nội, đã đem đến hỏi ý kiến nhạc sĩ Thẩm Oánh – Hội trưởng Hội Khuyến Nhạc, và ông đã đề nghị chỉnh sửa một vài chỗ. Năm 1945, cũng ở cương vị đứng đầu Hội Khuyến Nhạc, Thẩm Oánh cũng đã đề nghị nhạc sĩ Văn Cao viết lại câu đầu trong bản “Tiến quân ca” cho tiết tấu được hùng mạnh hơn, khác hẳn với nguyên bản in qua thạch bản phổ biến từ chiến khu Việt Bắc.
Từ năm 1949 – 1954 là giai đoạn nhạc sĩ Thẩm Oánh sáng tác nhiều bản nhạc nhất, nổi tiếng có thể kể đến là “Nhớ nhung”, “Tòa miếu cổ”, “Bọt bèo”, “Thiếu phụ Nam Xương”,…
Sau năm 1975, tôi gặp ông có một lần duy nhất trong đám tang ông Vũ Quốc Thông ở Sài Gòn.
Mới chỉ vài năm mọi người vui mừng đón nhận tin ông cùng phu nhân sang Hoa Kỳ sum họp gia đình. Vậy mà ngờ đâu tin ập đến như sét đánh ngang tai, nhạc sĩ Thẩm Oánh vội vã ra đi ở tuổi bát tuần.
Xin hương hồn anh nhận nơi đây lòng thành kính và tiếc thương của một người đi sau trong giới âm nhạc Việt Nam.
Vĩnh biệt nhạc sĩ đàn anh Thẩm Oánh.
Xem thêm: Nhạc sĩ Thẩm Oánh: Suốt đời phụng sự cho nghệ thuật
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận