Nhạc sĩ Nhật Trung: Nghệ thuật phải đi đôi với giải trí

Nhạc sĩ Nhật Trung là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng của làng nhạc hải ngoại với hàng loạt ca khúc nổi tiếng được nhiều yêu thích như “Nửa vầng trăng”, “Ngày em đi”, “Trăng rơi bên hồ”,...

Diệu Nguyễn
17:28 18/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ NHẬT TRUNG

  • Tên thật: Nhật Trung
  • Ngày sinh: 1969
  • Quê quán: Hà Nội
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, ca sĩ, hòa âm
  • Thể loại sáng tác: Nhạc hải ngoại, nhạc trẻ, nhạc nhẹ
  • Ca khúc nổi tiếng: Trăng rơi bên hồ, Góc phố xanh rêu, Nửa vầng trăng,…
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: La Sương Sương, Thanh Lam, Như Quỳnh,…
  • Thời gian hoạt động: 1983 đến nay

Nhạc sĩ Nhật Trung là ai?

Nhạc sĩ Nhật Trung sinh năm 1969, là con trai của nhạc sĩ Hữu Xuân và mẹ là nghệ sĩ Xuân Nhung. Lúc 5 tuổi, nhạc sĩ Nhật Trung đã tiếp xúc với âm nhạc, học nhạc khoa piano. Đến năm 14 tuổi, Nhật Trung chính thức vào nghề. Ban đầu, nhạc sĩ Nhật Trung nhận chơi nhạc, biểu diễn văn nghệ để kiếm tiền ở Hà Nội. Sau đó, anh vào Sài Gòn sinh sống và làm việc. Tại đây, nhạc sĩ Nhật Trung đã có cơ hội cộng tác với các nhạc sĩ nổi tiếng như Y Vân, Quốc Dũng, Bảo Chấn. Khi còn ở Việt Nam, những ca khúc của nhạc sĩ Nhật Trung như “Góc phố xanh rêu”, “Ngày em đi”,… được những ca sĩ như Thanh Lam trình bày rất thành công và rất được lòng công chúng yêu nhạc.

Nhạc sĩ Nhật Trung học classic piano (dương cầm cổ điển ) trong 16 năm tại Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học với hạng hạng ưu, nhạc sĩ Nhật Trung sang Mỹ học tiếp về nhạc pop và các lớp về studio tại trường Holly Name tại Oakland, California.

nhac-si-nhat-trung-la-ai-va-giai-thuong-am-nhac-cua-nhac-si-nhat-trung-1
Nhạc sĩ Nhật Trung là một trong những nhạc sĩ, biên tập, hòa âm ca khúc “đắt hàng” nhất thời kỳ đầu nhạc trẻ Việt Nam

Trong thời gian ở Mỹ, nhạc sĩ Nhật Trung đã cộng tác với Trung tâm Diễm Xưa, sau đó đến Trung tâm Thúy Nga. Ở hải ngoại, nhạc sĩ Nhật Trung cho ra mắt rất nhiều ca khúc ở nhiều trường phái tân nhạc khác nhau, nổi tiếng nhất có thể kể đến là: “Trăng rơi bên hồ”, “Chợ đời”, “Một đời tôi đi tìm tôi”, “Nửa vầng trăng”,…

Năm 2007, người bạn đời của nhạc sĩ Nhật Trung là ca sĩ La Sương Sương qua đời, anh bắt đầu lui về hậu trường và ít xuất hiện ngoài công chúng.

Năm 2009, nhạc sĩ Nhật Trung quay trở về Việt Nam, sống lặng lẽ, lập gia đình và an phận cống hiến cho nghệ thuật và âm nhạc.

Đời tư nhạc sĩ Nhật Trung – Mối tình 9 năm không danh phận

Nhắc đến nhạc sĩ Nhật Trung mọi người sẽ nhớ ngay đến mối tình của ông với nữ ca sĩ La Sương Sương.

La Sương Sương tên thật là Đỗ Thanh Trang sinh năm 1972, tại Sài Gòn. Năm 1991, cô tham dự cuộc thi Tiếng hát Truyền hình tại Sài Gòn, tại đây cô đã gặp nhạc sĩ Nhật Trung, khi ấy đang đệm đàn piano cho cuộc thi này. Cả hai trở thành bạn thân của nhau cho đến khi La Sương Sương sang Mỹ. Trong thời gian La Sương Sương ở Mỹ hai người vẫn qua lại, thư từ với nhau nhưng không hứa hẹn gì cả. Đến năm 1998, nhạc sĩ Nhật Trung sang Mỹ du học thì cả hai gặp lại nhau và yêu nhau. Thế nhưng, cả hai không thể làm đám cưới thành vợ chồng chính thức vì một số khác biệt về tôn giáo và bị hai gia đình ngăn cản vì tin vào bói toán nói rằng nếu cả hai đến với nhau, một trong hai người sẽ phải chết. Ở hải ngoại cả hai vẫn tiếp tục đồng hành với nhau, biểu diễn ở nhiều sân khấu.

nhac-si-nhat-trung-la-ai-va-giai-thuong-am-nhac-cua-nhac-si-nhat-trung-2
Nhạc sĩ Nhật Trung và ca sĩ La Sương Sương

Cho đến năm 2004, La Sương Sương phát hiện ra mình bị suy thận, nhạc sĩ Nhật Trung gác tất cả công việc một bên để đưa người yêu sang Trung Quốc thay thận. Thế nhưng chỉ được một thời gian, sức khỏe của La Sương Sương lại kém dần đi, phải tiến hành thay thận lần 2. Nhưng lần phẫu thuật này kết quả không như mong muốn, sức khỏe của La Sương Sương cứ thế cạn kiệt dần. Đến năm 2007 thì La Sương Sương chính thức trút hơi thở cuối cùng, hưởng dương 34 tuổi.

Nhạc sĩ Nhật Trung từng chia sẻ về khoảng thời gian đầy đau khổ này như sau: “Khi biết tin Sương bị bệnh, tôi gác hết công việc để đưa cô ấy sang Trung Quốc thay thận. Lúc đó chúng tôi cần tiền và tôi cũng cần phải ở bên cô ấy. Thế nên tôi bán phòng thu để có thêm tiền, với cả tôi cũng không có thời gian để hoạt động nó. Trong viện tôi cũng chỉ cần một chiếc laptop làm việc là đủ. Dù không phải là vợ chồng chính thức nhưng giữa tôi và Sương là tình cảm và sự chia sẻ lớn hơn nhiều. Khi Sương còn nằm trên giường bệnh, cô ấy cũng nói tôi phải lấy vợ đi thôi”.

Sau khi La Sương Sương mất một thời gian, nhạc sĩ Nhật Trung quay trở về Việt Nam và nên duyên vợ chồng với một người bạn cũ. Chia sẻ về người bạn đời của mình, nhạc sĩ Nhất Trung nói: “Tình cảm đến rất nhanh khi chúng tôi gặp lại nhau. Cô ấy yêu tôi vì đồng cảm với những mất mát của tôi và càng yêu tôi hơn khi biết về sự hiện diện của Sương”.

Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Nhật Trung

Vào năm 18 tuổi, nhạc sĩ Nhật Trung chuyển vào Sài Gòn sinh sống và sáng tác nhạc từ ấy. Thời điểm này, những ca khúc như “Góc phố xanh rêu”, “Ngày em đi” sau khi ra mắt đã được công chúng đón nhận rất nhiệt tình và được trình bày rất thành công qua tiếng hát cả những ca sĩ như Thanh Lam.

Năm 1998, nhạc sĩ Nhật Trung sang Mỹ du học, ở hải ngoại anh cũng cho ra đời rất nhiều ca khúc hay và nổi tiếng. Âm nhạc của Nhật trung rất đa dạng, dù sở trường là những bài nhạc trẻ với tiết tấu nhanh, trong sáng, nhưng trong quá trình sáng tác anh cũng thử nghiệm qua nhiều trường phái âm nhạc khác nhau. Như lối cổ điển mang âm hưởng ca trù trong bài “Trăng rơi bên hồ”, đến dân ca đương đại như “Chợ đời”, hay đậm chất tự sư như bài “Một đời tôi đi tìm tôi”,… Trong khoảng thời gian ở hải ngoại vì xa nhà và nhớ nhà, nên những bài hát của nhạc sĩ Nhật Trung thường hướng về quê hương và mang một chút dân ca.

nhac-si-nhat-trung-la-ai-va-giai-thuong-am-nhac-cua-nhac-si-nhat-trung-3
Album "Một đời tôi đi tìm tôi" của nhạc sĩ Nhật Trung

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, bóng hồng La Sương Sương cũng là niềm cảm hứng bất tận để nhạc sĩ Nhật Trung sáng tác. “Giọng hát của Sương gợi lên trong tôi một điều gì đó và đó là động lực để tôi sáng tác. Cô ấy hát buồn và thổn thức lắm, điều đó khiến tôi nghĩ đến việc phải viết nhạc để cô ấy hát. Chín năm bên nhau tôi viết rất đều. Không hẳn là sáng tác cho cô ấy hay lấy chuyện tình cảm của chúng tôi ra để viết, mà tôi viết theo lý tính âm nhạc diễn ra trong chính mình”, nhạc sĩ Nhật Trung nói. Trong nổi tiếng nhất là bài “Ngày em đi” được nhạc sĩ Nhật Trung viết trước khi La Sương Sương sang Mỹ. Theo ông chia sẻ hoàn cảnh để viết bài hát này là ông muốn có một ca khúc để làm chủ chủ đề cho cuốn băng mà La Sương Sương mang theo để giới thiệu ở Mỹ.

Ngoài vai trò là nhạc sĩ, Nhật Trung còn xuất hiện trước công chúng với tư cách ca sĩ. Trong Paris by Night 64, Nhật Trung đã trình diễn chính thức trên sân khấu với bài “Như chiếc que diêm” của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Sau này, Nhật Trung còn hát song ca với một số nữ ca sĩ nổi tiếng như Minh Tuyết, Hoài Phương và đặc biệt là người bạn đời ăn ý của anh – La Sương Sương.

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc nhất của nhạc sĩ Nhật Trung

Những bài hát do nhạc sĩ Nhật Trung sáng tác: Chợ đời, Đành chôn theo quên lãng, Góc phố rêu xanh, Mãi còn yêu, Một đời tôi đi tìm tôi, Mười tám yêu kiều, Ngày em đi, Nhớ, Nửa vầng trăng, Quên đi hết đam mê, Tìm về phố xưa, Tình trái ngang, Trái tim buốt giá, Trăng rơi bên hồ, Xuân quê ta, Yêu, Bé tí teo (viết tặng hai con Ngô, Khoai),…

Một số đĩa nhạc đã phát hành của nhạc sĩ Nhật Trung:

  • Một đời tôi đi tìm tôi (2004) Thúy Nga Paris phát hành
  • Merry Christmas & Happy New Year (2009) Thúy Nga Paris phát hành
  • Hà Nội mùa lá bay (2010) Phương Nam Phim & Dihavina phát hành
nhac-si-nhat-trung-la-ai-va-giai-thuong-am-nhac-cua-nhac-si-nhat-trung-4
Ca khúc "Nửa vầng trăng" nổi tiếng một thời của Nhật Trung

Nhắc đến những ca khúc nổi tiếng do nhạc sĩ Nhật Trung sáng tác, không thể không nhắc đến bài “Nửa vầng trăng”. Ca khúc này được trình diễn lần đầu trên sân khấu của Paris By Night số 68 qua giọng hát của nữ ca sĩ Như Quỳnh và tạo thành hiện tượng trong làng nhạc hải ngoại khi đó. Sau này, ca khúc từng được trình bởi nhiều ca sĩ nổi tiếng khác như Đàm Vĩnh Hưng, Hiền Thục, Nhật Tinh Anh.

“Nửa vầng trăng đơn côi trong đêm

Buồn nhớ ai trăng rơi trên sông

Cùng sông nước trăng trôi lang thang đi tìm người thương

Nửa vầng trăng em ơi phương xa

Nửa nhớ mong anh đây ngóng chờ

Chờ em tới với những nỗi nhớ cho tròn vầng trăng…”

Giải thưởng âm nhạc của nhạc sĩ Nhật Trung

  • Năm 2007: Nhạc sĩ Nhật Trung đoạt giải “1 trong 10 nhạc sĩ được yêu thích của Làn sóng xanh 2007”.
  • Năm 2008: Biên tập âm nhạc cho chương trình Lễ trao giải Mai Vàng 2008 đậm chất liệu dân gian.

Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Nhật Trung – Nghệ thuật phải đi đối với giải trí

Nhạc sĩ Nhật Trung từng chia sẻ quan điểm về việc sáng tác như sau: “Người nhạc sĩ sáng tác ở hải ngoại hay ở Việt Nam cũng vậy thôi, tác phẩm âm nhạc vẫn cần phải có hồn bên trong cái vỏ kỹ thuật khô cứng. Có thể có người cho rằng bài hát của tôi sến, không sao cả. Với những người hải ngoại, vì xa nhà và nhớ nhà, nên những tác phẩm thường hướng về quê hương và có một chút dân ca. Còn khi ở Việt Nam tâm thế sáng tác sẽ khác, sẽ lại hướng ngoại và hiện đại ngay lập tức”.

nhac-si-nhat-trung-la-ai-va-giai-thuong-am-nhac-cua-nhac-si-nhat-trung-5
Hai cha con Hữu Xuân và Nhật Trung

Suốt chặng đường sáng tác của mình, nhạc sĩ Nhật Trung luôn giữ vững quan điểm “Nghệ thuật phải đi đôi với giải trí. Làm nhạc mà khó hiểu quá, không qua nghe được thì làm để chi?”. Chính vì thế, mà những nhạc phẩm của Nhật Trung luôn mang tính giải trí cao với những ca từ gần gũi, giản dị dễ đi vào lòng công chúng.

Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Hựu Hà: Người tiên phong Việt hoá nhạc trẻ Âu – Mỹ và bi kịch cuối cùng của một tài năng âm nhạc

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận