Nhạc sĩ Nhật Ngân: “Thích thì tôi viết, không thích thì tôi thôi”

Nhạc sĩ Nhật Ngân là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc Vàng với kho tài sáng tác đồ sộ hơn 200 ca khúc với nhiều nhạc phẩm đi vào lòng người như “Xuân này con không về”, “Đêm nay ai đưa em về”, “Tôi đưa em sang sông”,...

Diệu Nguyễn
10:00 14/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ NHẬT NGÂN

  • Tên thật: Trần Nhật Ngân
  • Nghệ danh: Nhật Ngân, Ngân Khánh, Song An
  • Ngày sinh: 1942 - 2012
  • Quê quán: Thanh Hóa
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: Nhạc vàng, Nhạc hải ngoại
  • Ca khúc nổi tiếng: Tôi đưa em sang sông, Xuân này con không về, Qua cơn mê
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Duy Khánh, Phi Nhung, Ngọc Ngữ,...
  • Thời gian hoạt động: 1960 - 2012

Nhạc sĩ Nhật Ngân là ai?

Nhạc sĩ Nhật Ngân tên thật là Trần Nhật Ngân sinh năm 1943 tại Thanh Hóa. Ông là con út trong một gia đình có 6 người con. Vì cha là một công chức thường phải di chuyển nhiều nơi, nên từ nhỏ nhạc sĩ Nhật Ngân đã theo cha sinh sống ở nhiều nơi. Từ Thanh Hóa gia đình ông di chuyển vào Huế, sau đó lại trải qua phần lớn thời niên thiếu tại Đà Nẵng. Tại Huế và Đà Nẵng, nhạc sĩ Nhật Ngân được các linh mục dạy nhạc.

Khoảng cuối thập niên 1950, nhạc sĩ Nhật Ngân theo mẹ vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây ông theo học trường nam sinh Võ Trường Toản và được hướng dẫn học thêm về âm nhạc từ những người thân trong dòng họ. Cụ thể, nhạc sĩ Nhật Ngân học violon và piano với giáo sư Đỗ Thế Phiệt, học sáng tác với nhạc sĩ Nhật Bằng.

Sau khi đâu tú tài, nhạc sĩ Nhật Ngân quay trở lại Đà Nẵng dạy nhạc và Việt văn tại trường Phan Thanh Giản. Đây cũng là khoảng thời gian ông cho ra đời ca khúc đầu tay với tựa “Tôi đưa em sang sông” vào năm 1960. Ca khúc này được ông sáng tác dựa trên mối tình không thành với cô gái trạc tuổi. Mặc dù không có phương tiện phổ biến rộng rãi, nhưng bài hát này của Nhật Ngân vẫn được giới học sinh, sinh viên Đà Nẵng lúc bấy giờ rất ưa thích, chép tay chuyền cho nhau hát.

Năm 1965, nhạc sĩ Nhật Ngân nhập ngũ, phục vụ ngành TLC, một năm sau ông được chuyển về làm trưởng ban văn nghệ của Trung tâm huấn luyện Quang Trung cho đến hết năm 1975. Trong thời kỳ này, ông gặp gỡ nhạc sĩ Trần Trịnh và cả hai hợp soạn dưới tên Trịnh Lâm Ngân cho ra đời rất nhiều ca khúc nổi tiếng tạo tiếng vang trong làng âm nhạc như: “Xuân này con không về”, “Mùa xuân của mẹ”, “Qua cơn mê”, “Tình người và quê hương”, “Thư xuân trên rừng cao”,…

nhac-si-nhat-ngan-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-nhac-si-nhat-ngan-1
Nhạc sĩ Nhật Ngân tên thật là Trần Nhật Ngân sinh năm 1943 tại Thanh Hóa

Năm 1969, nhạc sĩ Nhật Ngân lập gia đình và có 3 người con. Cô con gái đầu của ông tên Ngân Khánh, sau này ông đã lấy cái tên này để ký dưới một số nhạc phẩm của mình như: “Một mai giã từ vũ khi”, “Cảm ơn”,…

Sau năm 1975, khi còn ở Việt Nam, nhạc sĩ Nhật Ngân vẫn thỉnh thoảng đi biểu diễn ở một số nơi cùng với những đồng nghiệp cùng hoàn cảnh. Năm 1982, ông một mình sang Thái Lan. Năm 1984, nhạc sĩ Nhật Ngân được nữ ca sĩ Thanh Thúy bảo trợ sang Mỹ. Đến năm 1990, ông mới đoàn tụ với vợ con tại hải ngoại.

Tại hải ngoại, nhạc sĩ Nhật Ngân vẫn tiếp tục sáng tác và bài hát đầu tiên của ông viết là bài “Hương” dựa tên ý thơ của Nguyễn Long. Từ giữa thập niên 1980, nhạc sĩ Nhật Ngân bắt đầu viết lời Việt cho những ca khúc nhạc ngoại, chủ yếu là những bài nhạc Pháp, nhạc Hoa.

Từ năm 1993, ông tham gia lĩnh vực mới tại Trung tâm Thúy Nga là viết nhạc cảnh, nhạc kịch.

Năm 2012, nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời vì căn bệnh ung thư dạ dày tái phát.

Chàng nhạc sĩ chung tình nhất nhì làng nhạc Việt

Năm 1969, nhạc sĩ Nhật Ngân khi ấy 27 tuổi kết hôn với cô gái có tên Đinh Thị Nương, một nữ quân nhân. Giới nghệ sĩ thường được biết tới với tính bay bướm, lãng mạn nhưng nhạc sĩ Nhật Ngân thì không như vậy, sau khi lấy vợ ông gắn bó trọn đời với người “chung chăn gối” trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc kéo dài hơn 40 năm. Dù trải qua nhiều thử thách, cách trở trong nhiều năm thì cuối cùng cả hai vẫn về bên nhau, nương tựa đến phút cuối cuộc đời

Ngoài bản tình ca đầu tiên viết cho mối tình dang dở không thành, những tình khúc mà ông viết sau này đều dành cho vợ mình hoặc viết thay cho nỗi lòng của bạn. Cả hai có với nhau 3 người con, người con gái đầu được đặt tên Ngân Khánh. Nhạc sĩ Nhật Ngân đã dùng cái tên này để ký trong 2 bài nhạc vàng nổi tiếng của mình.

nhac-si-nhat-ngan-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-nhac-si-nhat-ngan-2
Vợ chồng nhạc sĩ Nhật Ngân

Sau năm 1975, vì là một quân nhân nên bà Nương bị bắt đi tập trung trong nhiều năm. Khi ấy nhạc sĩ Nhật Ngân đã một mình nuôi con, cố gắng vượt qua quãng thời gian khó khăn để chờ vợ về. Sau khi bà Nương ra tù không lâu thì nhạc sĩ Nhật Ngân quyết định rời quê hương trước. Trong 10 năm dài đằng đẵng ấy, một mình bà Nương nuôi dạy 3 con khôn lớn, trưởng thành và một lòng vững tin sẽ có ngày tái ngộ cùng chồng. Đến năm 1990, nhạc sĩ Nhật Ngân và gia đình đoàn tụ tại Mỹ. Thế nhưng, chưa đầy 2 năm sau đó nhạc sĩ Nhật Ngân lại phát hiện ra mình bị ung thư dạ dày. Dù phải cắt bỏ 2/3 dạ dày nhưng nhạc sĩ Nhật Ngân đã bình phục như một phép màu và ông tiếp tục sống thêm 20 năm nữa trước khi căn bệnh tái phát và qua đời vào năm 2012.

Trong suốt khoảng thời gian 20 năm sau đó, ông vẫn cống hiến hết mình cho âm nhạc và sống hạnh phúc cùng với vợ. Cả hai đã cùng nhau đi du lịch ở nhiều nơi, dành cho nhau sự yêu thương và trân trọng đến tận phút cuối cuộc đời.

Nhật Ngân và những khúc nhạc xuân gắn liền thân phận người lính

Theo lời nhạc sĩ Nhật Ngân, đáng lẽ ông đã trở thành một nhạc công sử dụng vĩ cầm như người em họ Nhật Hiền. Nhưng khi ấy gia đình ông quá nghèo, không có đủ khả năng cho ông sắm sửa nhạc khí này, nên ông quyết định thôi học. Và chính quyết định này đã đưa Nhật Ngân bước chân vào con đường sáng tác.

Nhắc đến âm nhạc của Nhật Ngân ai cũng phải công nhận sự đa dạng và phong phú trong mảng đề tài, cũng như phong cách, kỹ thuật thể hiện của ông. Từ viết nhạc trữ tình, nhạc lính, đến nhạc phổ thơ, viết lời Việt cho nhạc ngoại và xa hơn nữa là nhạc truyện, bất cứ lĩnh vực nào nhạc sĩ Nhật Ngân đều có ca khúc nổi bật và thành công. Nhưng nhìn chung, âm nhạc của Nhật Ngân gồm 3 chủ đề lớn: Nhạc viết trước năm 1975 (gồm nhạc lính và nhạc trữ tình), nhạc viết sau năm 1975 ở hải ngoại và nhạc ngoại lời Việt.

Tên tuổi nhạc sĩ Nhật Ngân được nhiều người biết tới vào thập niên 1960 với ca khúc đầu tay “Tôi đưa em sang sông”, được giới sinh viên thời đó vô cùng yêu thích. Ca khúc nổi tiếng thứ 2 của ông là bài “Đêm nay ai đưa em về” qua tiếng hát của nữ danh ca Lệ Thanh. Bài hát này  được nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác với cảm hứng từ niềm mến mộ dành cho một nữ ca sĩ nổi danh từ đầu thập niên 1960.

nhac-si-nhat-ngan-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-nhac-si-nhat-ngan-3
Nhạc sĩ Nhật Ngân (bên trái) và nhạc sĩ Trần Trịnh (bên phải)

Năm 1965, nhạc sĩ Nhật Ngân nhập ngũ, trong khoản thời gian này ông viết rất nhiều ca khúc nhạc lính nổi tiếng. Đặc biệt, trong thời kỳ này ông còn sáng tác chung với nhạc sĩ Trần Trịnh với bút danh Trịnh Lâm Ngân cho ra đời hàng loạt ca khúc bất hủ như: “Qua cơn mê”, “Mùa xuân của mẹ”, “Yêu một mình”, “Người tình và quê hương”, “Hồn trinh nữ”, “Lính xa nhà”, “Hát cho mai sau”,… Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến bài “Xuân này con không về”, một trong những nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi ca sĩ Duy Khánh. Nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác nhiều nhạc phẩm liên quan đến người lính, trong đó chủ đề nổi bật nhất trong các sáng tác của ông là nhạc xuân gắn với thân phận người lính. Âm nhạc của Nhật Ngân viết thường mang tâm tình của người lính xa nhà, nơi tiền đồn xa xôi, mong mỏi nhớ về mùa xuân yên vui, thanh bình.

nhac-si-nhat-ngan-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-nhac-si-nhat-ngan-4
Nhạc sĩ Nhật Ngân bắt đầu viết nhạc từ năm 1960

Ngoài ra, nhạc sĩ Nhật Ngân còn kết hợp với nhạc sĩ Mặc Thế Nhân (tên thật là Phan Công Thiệt) dưới bút anh Phan Trần (ghép từ họ của 2 nhạc sĩ) cho ra đời những bản nhạc vàng rất được yêu thích như: “Cho vừa lòng em”, “Một lần dang dở”, “Cho người vào cuộc chiến”,…

Không chỉ sáng tác nhiều trước năm 1975, mà sau này trong thời gian ở hải ngoại nhạc sĩ Nhật Ngân cũng vẫn giữ được sức sáng tác bền bỉ. Một số bài hát nổi tiếng của ông được viết sau năm 1975 có thể kể đến là: “Gửi người về cát bụi”, “Người lính già xa quê hương”, “Chiều qua phà hậu giang”,…

Đặc biệt, trong thời gian ở hải ngoại, nhạc sĩ Nhật Ngân còn rất thành công với việc viết lời cho những ca khúc nhạc ngoại, nổi tiếng nhất chính là: “Mưa trên biển vắng”, “Những lời dối gian”, “Bến thượng hải”, “Một kiếp phong ba”, “Tình nhạt phai”, “Xa em kỷ niệm”, “Xin thường gian ngừng trôi”, “999 đóa hồng”,…

Về nhạc truyện, có thể nói nhạc sĩ Nhật Ngân đã tiến lên một bước thành công mới với loại âm nhạc này. Đáng kể nhất trong các sáng tác của ông chính là nhạc truyện “Tấm cám” được thu hình trong video của Thuý Nga Paris By Night 34 qua phần trình diễn của Ái Vân, Ái Thanh, Nguyễn Hưng và Chí Tài rất hay và sinh động.

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Nhật Ngân

Nhạc sĩ Nhật Ngân sau quá trình miệt mài cống hiến đã để lại cho kho tàng âm nhạc khổng lồ với hơn 200 ca khúc ở nhiều thể loại khác nhau.

nhac-si-nhat-ngan-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-nhac-si-nhat-ngan-5
Nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác hơn 200 ca khúc

Một số ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nhật Ngân có thể kể đến là:

  • Nhạc trữ tình: Ấm lại tình quê, Đêm nay ai đưa em về, Lời đắng cho cuộc tình, Lời tự tình, Chỉ là giấc mơ, Chúc thư viết từ chiến trường, Con gái quê tôi, Mộng mơ xa rồi, Một đời tiếc nuối, Khói chiều, Sinh nhật em, Xuân nhớ, Xuân nào con sẽ về, Chiều xuân xa nhà, Bông hồng trắng,…
  • Nhạc hải ngoại: Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh, Đêm nhớ về Sài Gòn, Bao giờ gặp lại em, Huế và em, Mơ làm cánh chim, Người lính già xa quê hương, Về đây hỡi em, Vỡ mộng, Cuộc đời vẫn đẹp, Tiếng hát mong manh, Xin chia buồn, Tình đã quên chương, Tình xuân,…
  • Nhạc ngoại lời Việt: 999 đóa hồng, Ai hiểu lòng tôi, Ảo mộng, Bài ca phát tài, Bà ngợi ca xuân, Bài tình ca, Bến Thượng Hải, Chiều thu, Chiều trên sân ga, Hãy đến với nhau, Hẹn hò đêm trăng, Một kiếp phong ba, Mộng uyên ương Hồ Điệp, Mười ngón tay tình yêu, Mưa trên biển vắng,…
  • Thơ phổ nhạc: Bolsa chiều hai lối (thơ Nguyễn Nam An), Hương (thơ Nguyễn Long), Buổi chúng mình (thơ Thanh Hải), Ly cafe đầu ngày (thơ Lê Đình Sơn), Tỏ tình (Thơ Võ Ý), Chiều xuân xa nhà (thơ Huy Phương), Đừng làm mưa bóng mây (thơ Xuân Hòa), Sầu cố xứ (thơ Hoàng Thượng Dung),…
  • Nhạc phim: Cuộc đời phù du (Máu nhuộm bãi Thượng Hải 2), Duyên tình nổi trôi (Anh hùng xạ điêu phần 1), Đời vẫn đẹp sao (Anh hùng xạ điêu phần 3), Đắng cay tình đời (Vua bịp), Tơ duyên trọn đời (Anh hùng xạ điêu phần 2), Trọn kiếp yêu người (Tiếu ngạo giang hồ),…
  • Nhạc thiếu nhi: Ánh trăng của em, Chú Cuội và chị Hằng, Vui đến trường, Tiếng Việt dấu yêu, Trăng vẫn sáng soi,…

Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Nhật Ngân

Với khối lượng âm nhạc đồ sộ mà nhạc sĩ Nhật Ngân đã sáng tác và dàn trải trong hơn 4 thập niên qua, cùng với sự yêu thích của khán tính giả trong và ngoài nước, có thể nói ông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng, có sự đóng góp tích cực cho nền âm nhạc Việt Nam.

nhac-si-nhat-ngan-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-nhac-si-nhat-ngan-6
Bài hát nổi tiếng "Xuân này con không về" do nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác trong nhóm Trịnh Lâm Ngân

Ngoài di sản để lại là những ca khúc bất hủ, nhạc sĩ Nhật Ngân còn để lại cho chúng ta, những người yêu âm nhạc những giọng ca vàng nổi tiếng như Phi Nhung, Bằng Tâm, Ngọc Ngữ và Cát Lynh. Ông là người thầy, người dìu dắt, hướng dẫn các ca sĩ khi họ mới tập tễnh vào nghề.

Những chương trình nhạc sĩ Nhật Ngân từng tham gia

Trung tâm Thúy Nga từng thực hiện Paris By Night 66 - Người Tình Và Quê Hương vinh danh ông, cùng với 2 nhạc sĩ Trần Trịnh và Ngô Thụy Miên.

Năm 2007, nhạc sĩ Nhật Ngân còn xuất hiện với vai trò ban giám khảo:

  • Paris By Night 86 - PBN Talent Show - Semi-Finals
  • Paris By Night 87 - PBN Talent Show – Finals

Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Nhật Ngân - Thảnh thơi và trọn vẹn với kiếp “tằm nhả tơ”

Thi sĩ Nguyên Sa từng dành những lời ưu ái cho nhạc sĩ Nhật Ngân như sau: “Khi nghe nhạc của nhạc sĩ Nhật Ngân, bạn sẽ cảm tưởng có ít nhất 2 Nhật Ngân trong đó. Đó là một Nhật Ngân chàng trai xứ Huế, một Nhật Ngân tango say với một Nhật Ngân viết nhạc buồn. Nhạc sĩ Nhật Ngân dằn vặt với số phận con người và luôn nghĩ mình là hạt sương treo đầu cành. Nếu bạn yêu mến những Nhật Ngân khác biệt, như “Nhật Ngân trong một Nhật Ngân”, thì bạn không phải là người đầu tiên và cuối cùng dành cho người nhạc sĩ chuyên viết nhạc buồn này những tình cảm mến yêu, tuyệt vời nhất”.

Khi còn sống, nhạc sĩ Nhật Ngân luôn nhận mình là người được nhiều ưu đãi về mặt gia đình cũng như nghề nghiệp. Lúc nào ông cũng đều cao quan điểm thảnh thơi trong sáng tác “thích thì tôi viết, không thích thì tôi thôi”. Với tính tình vui vẻ và cái nhìn lạc quan về cuộc đời, nhạc sĩ Nhật Ngân đã sống trọn vẹn và cống hiến hết mình cho cuộc sống và cho âm nhạc. 

Tổng hợp

Xem thêm: Nhạc sĩ Văn Phụng - "bậc thầy" hòa âm của làng tân nhạc Việt Nam

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận