Nhạc sĩ Văn Phụng - "bậc thầy" hòa âm của làng tân nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Văn Phụng là một ngôi sao lấp lánh trong bầu trời tân nhạc cuối thập niên 1950. Ông là người đầu tiên sáng tạo ra lối hòa âm chậm rãi cho các bản nhạc phổ đại chúng và cũng là người đặt tiền đề cho sự ra đời của dòng nhạc vàng thịnh hành sau đó. 

Đỗ Thu Nga
14:00 13/06/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ VĂN PHỤNG

  • Tên đầy đủ: Nguyễn Văn Phụng
  • Nghệ danh: Không có
  • Ngày sinh - ngày mất: 1930 - 1999
  • Quê quán: Nam Định
  • Gia đình: Từng 2 đời vợ và 7 người con
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ; Nhạc trưởng; Nhạc sĩ hòa âm
  • Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến; Tình khúc 1954 - 1975
  • Ca khúc nổi tiếng: Ô mê ly; Bức họa đồng quê; Tôi đi giữa hoàng hôn; Trăng sơn cước

Nhạc sĩ Văn Phụng là ai?

Nhạc sĩ Văn Phụng (Nguyễn Văn Phụng, 1930 - 1999) là một trong những nhạc sĩ tân nhạc được nhiều người trong làng nghệ thuật yêu quý, kính trọng, Ông không chỉ là tác giả có nhiều ca khúc bất từ mà còn là người có đóng góp to lớn trong lĩnh vực hòa âm. Và ông cũng là nhạc sĩ hòa âm nhiều nhất của làng nhạc miền Nam trước 1975.

Nhạc sĩ Văn Phụng sinh ra trong một gia đình có 4 anh em ở Nam Định. Từ nhỏ, ông đã theo gia đình lên Hà Nội sinh sống.

Nhạc sĩ Văn Phụng có tư chất thông minh lại được cha mẹ đầu tư cho ăn học nên luôn là học sinh xuất sắc của trường. Ông theo học tiểu học tại trường Louis Pasteur. Lên trung học học tại trường Albert Sarraut. Năm 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông theo học ngành y thể thao - đây là mong muốn của cha ông. Thế nhưng mới chỉ học được một năm thì ông bỏ ngang để theo đuổi đam mê âm nhạc. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Phụng bén duyên với âm nhạc từ khi còn khá nhỏ nhờ được cha mẹ cho học đàn dương cầm của giáo sư Perrier và Vượng. Khi mới 15 tuổi (1945), ông đã đoạt giải nhất độc tấu dương cầm trong một cuộc thi tuyển chọn tại Nhà hát lớn Hà Nội với nhạc phẩm “La Prière d’Une Vierge” ("Lời cầu nguyện của trinh nữ") của Tekla Bądarzewska-Baranowska.

nhac-si-van-phung-la-ai-va-nhac-si-van-phung-tai-hoa-co-nao-0
Chân dung nhạc sĩ Văn Phụng

Năm 1946, trong một lần chạy loạn về Nam Định, Văn Phụng trú ở nhà thờ Tứ Trùng (chợ Cồn) và gặp được linh mục Mai Xuân Đình. Vị này biết Văn Phụng từng học dương cầm và có tư chất về âm nhạc nên đã không tiếc công sức truyền thụ cho ông nhiều kiến thức hay về âm nhạc và giáo lý. 

Năm 1948, ông trở về Hà Nội. Theo lệnh tổng động viên của Pháp, ông gia nhập Ban Quân nhạc Đệ tam tiểu đoàn danh dự. Ở đây, ông đã được gặp nhạc trưởng người Pháp gốc Đức là Schmetzer. Vị nhạc trưởng này đã hướng dẫn cho ông về hòa âm.

Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Văn Phụng chính thức bắt đầu từ năm 1948. Ca khúc đầu tay của ông mang tên Ô mê ly", do Văn Khôi viết lời. Nhạc phẩm này ra đời trong một lần ông vui đùa ca hát cùng bạn bè trong ban Quân nhạc. 

Sau khi trình làng, ca khúc "Ô mê ly" được công chúng đón nhận nhiệt thành. Văn Phụng thường trình diễn nhạc phẩm này tại các vũ trường ở Hà Nội. Bài hát này đã góp công lớn làm nên tên tuổi của ông trong giới yêu nhạc đương thời. 

nhac-si-van-phung-la-ai-va-nhac-si-van-phung-tai-hoa-co-nao-8
"Ô mê ly" là tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Văn Phụng

Cuối năm 1954, Văn Phụng di cư vào Nam sinh sống và làm việc. Tại đây, ông đã sáng tác nên nhiều nhạc phẩm đặc sắc như: Bức họa đồng quê, Mưa, Tiếng dương cầm, Tình, Yêu... 

Đến năm 1978, ông cùng gia đình vượt biển sang Malaysia. Sau 5 - 6 tháng ở đây, gia đình ông sang định cư tại Mỹ. Ở nơi đất khách quê người ông vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Nhạc sĩ Văn Phụng qua đời ngày 17/12/1999 do biến chứng của bệnh tiểu đường.

Nhạc sĩ Văn Phụng và chuyện tình "huyền thoại" với danh ca Châu Hà

Nhắc về Văn Phụng, công chúng đương thời không chỉ bàn đến tài năng âm nhạc và còn truyền tai nhau câu chuyện ly kỳ về tình yêu đẹp nhưng đầy trắc trở của ông với danh ca Châu Hà. Bà là người vợ thứ hai nhưng lại là mối tình đầu của ông. 

Danh ca Châu Hà từng chia sẻ về cơ duyên gặp nhạc sĩ Văn Phụng trên đài RFA như sau: Ngày gia đình bà ở Hải Phòng, ba của nhạc sĩ Văn Phụng đã đến thuê nhà bà. Một ngày nọ, Văn Phụng đến thăm cha của bà Châu Hà. Lúc đó, bà đang ngồi trên lầu vừa hong tóc vừa dạo đàn. Văn Phụng nghe thấy tiếng đàn piano trên lầu mới tò mò bước lên cầu thang và đứng ở ngưỡng cửa. 

Châu Hà đang dạo đàn thì trông thấy bóng người đứng ở ngưỡng cửa nên quay ra nhìn. Đó là một chàng trai bà không hề quen biết. Bà có có chút ngại ngùng nhưng Văn Phụng đã nhanh chóng cúi đầu chào và tự giới thiệu: "Tôi là Văn Phụng, tôi đến thăm thầy ở dưới nhà nhưng nghe thấy tiếng đàn ở trên này, tôi đánh bạo lên đây để làm quen. Thì ra cô đang đánh đàn".

nhac-si-van-phung-la-ai-va-nhac-si-van-phung-tai-hoa-co-nao-7
Hình bóng của bà Châu Hà xuất hiện nhiều trong các nhạc phẩm của nhạc sĩ Văn Phụng

Lúc này, Văn Phụng nhìn bà Châu Hà kỹ hơn, khi thấy tóc bà chấm đất, ông buộc miệng: "Suối tóc"! Rồi ông hỏi bà đang dạo bài gì mà nghe hay thế. Châu Hà đáp lời, đó là Eddy Duchin. Văn Phụng liền bảo: "Xin phép cô cho tôi dạo thử một tí được không?". Châu Hà đáp: "Vâng, mời anh ngồi".

Khi tiếng đàn của Văn Phụng vang lên thì Châu Hà mới biết mình vừa "múa rìu qua mắt thợ". Văn Phụng đàn rất hay, mặc dù đây là lần đầu tiên ông chơi bản nhạc này. Với Châu Hà, đây là một kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ giữa hai người. 

Và dường như mái tóc đen nhánh, gương mặt xinh xắn, giọng nói dịu dàng của nàng Châu Hà đã "hớp hồn" chàng nhạc sĩ Văn Phụng. Và lần gặp đầu tiên này đã trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên ca khúc "Suối tóc": "Anh muốn đưa em qua miền rừng núi xanh/ Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm/ Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền/ Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em...".

Không những thế, lần gặp đầu tiên này còn được Văn Phụng đưa vào trong nhạc khúc "Tiếng dương cầm" với những câu hát: "Đi mãi tìm ai yêu đàn/ Bước chân lạc nơi đây chốn nao/ Trên lầu ai kia cất cao/ Vang tiếng dương cầm thiết tha...".

Lần gặp đầu tiên đấy đã vô hình tạo nên sợi dây tơ hồng của nhạc sĩ Văn Phụng và danh ca Châu Hà. Họ dắt tay nhau bước vào chuyện tình say đắm. Thế nhưng, khi tình yêu đang nồng cháy thì họ bị ngăn cách bởi sự phản đối của cha mẹ bà Châu Hà. Họ không thích con gái yêu người theo nghề "xướng ca vô loài". Quá phẫn uất vì sự ngăn cản từ gia đình, danh ca Châu Hà vào Nam kết hôn, còn nhạc sĩ Văn Phụng cũng tiến đến hôn nhân với một người con gái Hà thành. 

Theo biên tập viên Minh Đức, vợ của Văn Phụng cũng là người nổi tiếng đẹp người đẹp nết, rất được lòng cha mẹ chồng. Kết quả của cuộc hôn nhân này là sự ra đời của hai cô con gái xinh xắn.

Thế nhưng, cuộc đời thật lắm bất ngờ. Trong thời gian sống và làm nhạc tại Sài Gòn, Văn Phụng gặp lại Châu Hà. Lúc này, nàng đã trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, hát ở đài phát thanh và các phòng trà (cùng thời với Linh Sơn, Ánh Tuyết...).

nhac-si-van-phung-la-ai-va-nhac-si-van-phung-tai-hoa-co-nao-4
Danh ca Châu Hà

Những rạo rực tình yêu buổi ban đầu giống như ngọn đèn sắp tắt được thêm dầu, họ bất chấp rào cản về gia đình và dư luận để đến bên nhau. Và ca khúc "Tôi đi giữa hoàng hôn" đã ra đời trong bối cảnh đầy ngang trái này.

Lời bài hát là lời tâm sự của người đàn ông đã có gia đình nhưng vẫn vương vấn tình xưa: "Tôi nhớ những ngày qua, trên bến Hoàng Hoa, hay những đường xưa/ Thường thường hai đứa nắm tay nhau tươi cười, mắt say sưa thắm mộng đời...".

Và sau tất cả, Văn Phụng - Châu Hà đã đến với nhau. Kết quả tình yêu của họ là một cô con gái xinh xắn mà danh ca Phương Dung từng có dịp gặp gỡ. Bà chia sẻ, nhiều lần đi diễn cùng Văn Phụng - Châu Hà đã thấy ông dắt theo một bé gái dễ thương. Văn Phụng yêu chiều Châu Hà Lắm. Ông chăm sóc Châu Hà từng li từng tí khiến ai xung quanh cũng ngưỡng mộ. 

Chia sẻ về chân ái của đời mình, danh ca Châu Hà nói: Nhạc sĩ Văn Phụng là người suốt đời mộng mơ. Ông thích khiêu vũ, đùa vui nghịch ngợm và thích ăn ngon nhưng không thích làm bếp. Ông thích ăn những món như đậu, phở, súp với thói quen xịt thêm tương ới và maggie. 

Đặc biệt, nhạc sĩ Văn Phụng rất thích được vợ hớt tóc ở nhà mà không bao giờ ra tiệm. Đối với vợ con, ông luôn luôn chiều chuộng. Vợ muốn gì, ông cũng làm và làm một cách rất chu đáo. Hoặc trong nhà có gì cần sửa, ông cũng tự tay làm. 

nhac-si-van-phung-la-ai-va-nhac-si-van-phung-tai-hoa-co-nao-40
Ca khúc "Tiếng dương cầm" cũng có hình bóng của bà Châu Hà

Theo biên tập Minh Đức, vợ chồng Văn Phụng sống trong Nam nhưng vẫn giữ thói quen và cách sinh hoạt của người Bắc. Hai vợ chồng luôn "tương kính như tân" khiến ai gặp cũng ngưỡng mộ. 

Kể cả khi đã luống tuổi, họ vẫn giữ cách nói chuyện của người Bắc. Họ luôn dành những từ ngữ trân quý nhất để nhắc về nhau. 

Khi nhạc sĩ Văn Phụng qua đời, bà Châu Hà đã khắc tên mình lên bia mộ chồng. Khi đó nhiều người nói với bà đó là điềm giở nhưng bà mặc kệ. Bà nói rằng, nếu thật là điềm gở thì cũng là may mắn vì bà được theo chồng. Trong 10 năm sau khi chồng mấy, bà không đi đâu, chỉ ở nhà. 

Trước khi qua đời, nhạc sĩ Văn Phụng đã viết 3 ca khúc gửi cho hiền thê của mình là: Vĩnh biệt Châu Hà, Em ở lại, Anh đi...

Mất đi chồng, bà Châu Hà cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa. Bà sống trong nỗi nhớ nhung cùng các kỷ niệm. Bà qua đời ngày 15/8/2021, hưởng thọ 86 tuổi. 

Nhạc sĩ Văn Phụng và tài hòa âm đỉnh cao

Trong sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ Văn Phụng đã sáng tác trên 60 ca khúc. Trong đó có nhiều nhạc phẩm hay như: Trăng sơn cước, Yêu, Mưa, Suối tóc, Tiếng dương cầm,...

Tuy được xem là nhạc sĩ theo trường phái nhạc cổ điển phương Tây nhưng Văn Phụng cũng viết những bản nhạc mang âm hưởng dân gian, sau này trở nên nổi tiếng như: Trăng sáng vườn chè (phổ thơ Nguyễn Bính); Các anh đi (phổ thơ Hoàng Trung Thông)...

Ở lĩnh vực hòa âm, Văn Phụng được đánh giá là nhạc sĩ hòa âm xuất sắc nhất của Sài Gòn trước 1975. Ông đã cho ra mắt nhiều cuốn băng nổi tiếng.

nhac-si-van-phung-la-ai-va-nhac-si-van-phung-tai-hoa-co-nao-44
Nhạc sĩ Văn Phụng có đóng góp lớn cho lĩnh vực hòa âm Việt Nam

Nhạc sĩ Văn Phụng được đánh giá là người làm nghệ thuật có tâm, nhiệt huyết. Danh ca Phương Dung từng hé lộ, có nhiều lần làm việc với Văn Phụng. Đối với bà, nhạc sĩ Văn Phụng là người hài hước nhưng khi đã làm việc thì rất nghiêm túc.

Da ca Phương Dung vẫn còn nhớ như in những lần tập nhạc ở phòng thu cùng nhạc sĩ Văn Phụng. Khi đó, ông rất tỉ mỉ từng câu từng chữ. Cứ đoạn nào không hài lòng, ông bắt bà hát lại cho đạt mới thôi. Cũng chính sự kỹ tính đó mà các sáng tác của Văn Phụng dù mang âm hưởng đồng quê, tiền chiến hay tango đều là những nhạc phẩm hoàn hảo, được trau chuốt một cách kỹ lưỡng. 

Cho đến nay, có lẽ rất nhiều khán giả trẻ sẽ ngỡ ngàng khi biết rằng những giai điệu rộn ràng từ nhạc khúc "Xuân họp mặt" là sản phẩm từ khối óc tài hoa của nhạc sĩ Văn Phụng: "Xuân đã về/ xuân vẫn mơ màng/ trong nắng vàng/ khắp chốn reo vang...".

Xem thêm: Nhạc sĩ Song Ngọc: Sống tận hiến với cuộc đời nghệ thuật đầy rực rỡ

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận